10 CÁCH HIỆU QUẢ ĐỂ GIAO TIẾP TỐT HƠN

“Hầu hết các cuộc trò chuyện của tôi đều có cảm giác gượng ép. Tôi thường kết thúc với chỉ vài câu nói hoặc đưa ra những câu trả lời cụt ngủn. Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi có hành vi chống đối xã hội, nhưng tôi rất sợ nếu tiếp tục, mình sẽ nói ra những thứ ngớ ngẩn. Có cách nào để tôi có thể giao tiếp tốt hơn? ”


“Hầu hết các cuộc trò chuyện của tôi đều có cảm giác gượng ép. Tôi thường kết thúc với chỉ vài câu nói hoặc đưa ra những câu trả lời cụt ngủn. Tôi không muốn mọi người nghĩ rằng tôi có hành vi chống đối xã hội, nhưng tôi rất sợ nếu tiếp tục, mình sẽ nói ra những thứ ngớ ngẩn. Có cách nào để tôi có thể giao tiếp tốt hơn? ”


Việc cải thiện kỹ năng giao tiếp cần có thời gian và luyện tập, do đó, bạn không nên tránh giao tiếp xã hội. Nếu bạn thực sự muốn cải thiện kỹ năng của mình, bạn sẽ cần nói chuyện với nhiều người hơn, bắt đầu giao tiếp nhiều hơn và sẵn sàng cởi mở nhiều nhất có thể.


Mọi người thường nói về điều gì?


Hầu như bất kỳ chủ đề nào bạn nghĩ tới đều có thể tạo ra một cuộc trò chuyện thú vị. Mỗi ngày, hàng ngàn suy nghĩ lướt qua tâm trí bạn. Rất nhiều chủ đề trong số đó có thể trở thành "chất xúc tác" tuyệt vời cho các cuộc trò chuyện. Mọi người thường giao tiếp như một cách để tìm hiểu nhau, vì vậy gia đình, bạn bè, công việc, mục tiêu và sở thích là những chủ đề phổ biến.


Giải pháp cho việc giao tiếp tốt hơn


1. Ngừng cư xử quá thận trọng


Đôi khi nói chuyện với mọi người khiến bạn cảm thấy lo lắng hoặc ngại ngùng, bạn cư xử một cách thận trọng như một sự cứu cánh. Theo nghiên cứu, những điều này có thể làm sự lo lắng của bạn nghiêm trọng thêm và bạn có thể mất kết nối với mọi người. Bạn sẽ giao tiếp một cách rành mạch nhất khi bạn có thể rũ bỏ những suy nghĩ đó ra khỏi đầu và bắt đầu suy nghĩ thấu đáo hơn.


Dưới đây là danh sách các hành vi được cho là an toàn nhưng có thể giết chết cuộc trò chuyện của bạn: 


  • Tránh các cuộc đối thoại nhỏ
  • Đưa ra những câu trả lời cụt ngủn
  • Trả lời theo kịch bản
  • Thường xuyên kiểm tra điện thoại trong khi nói chuyện
  • Không cởi mở hoặc tránh nói về bản thân
  • Quá lịch sự hoặc trang trọng
  • Nói chuyện phiếm quá nhiều
  • Lan man để tránh sự im lặng


Khi thói quen giao tiếp này bị lạm dụng quá mức, bạn sẽ trở nên phụ thuộc vào chúng và thiếu tự tin vào khả năng giao tiếp. Khí đó, bạn cũng tự làm bản thân cảm thấy bất an và lo lắng hơn. 


2. Thư giãn


Những người ảnh hưởng bởi chứng lo âu xã hội thường kể rằng họ có những suy nghĩ tiêu cực như: "Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nói sai", hoặc, "Điều tôi nói có lẽ thật ngớ ngẩn" hoặc "Mọi người đang nói về gì vậy?" Bạn càng tập trung vào những suy nghĩ này, bạn càng lo lắng. Những suy nghĩ tiêu cực này sẽ bủa vây lấy bạn, khiến bạn mất tập trung vào cuộc trò chuyện.


Sử dụng một trong những kỹ năng sau để ngừng những suy nghĩ tiêu cực lại: 


  • Tái tập trung: Những suy nghĩ tiêu cực thu hút sự chú ý của bạn bằng sự ác ý, ồn ào và đáng sợ. Giống như một đứa trẻ nổi cơn thịnh nộ, điều tồi tệ xảy ra khi bạn chịu thua chúng. Lấy lại sức mạnh của bạn bằng cách cố ý phớt lờ những suy nghĩ này và tập trung sự chú ý cho người đang trò chuyện cùng mình.


  • Tìm kiếm điều tốt đẹp: Khi bất an, bạn vô thức tìm kiếm dấu hiệu cho thấy người khác không thích bạn cho dù thực sự không có điều đó. Hãy thử đảo ngược thói quen này bằng cách cố tìm kiếm những dấu hiệu tốt cho thấy mọi người thích bạn và muốn nói chuyện với bạn.


  • Vận dụng chánh niệm: Chánh niệm có nghĩa là hoàn toàn tập trung vào hiện tại trước mắt, thay vì phân tâm hoặc mắc kẹt trong đống suy nghĩ trong đầu. Bạn có thể sử dụng chánh niệm để làm gián đoạn những suy nghĩ tiêu cực bằng cách thấu hiểu bản thân bằng cả 5 giác quan của mình.


3. Bắt đầu với những chủ đề thoải mái


Có rất nhiều cách để bắt đầu một cuộc trò chuyện, đôi khi việc tìm ra chủ đề phù hợp để nói chuyện rất khó. Trước khi bạn thật sự hiểu rõ về ai đó, bạn nên tránh những chủ đề quá riêng tư hoặc gây tranh cãi, ngay cả khi bạn là người chia sẻ. Chia sẻ quá nhiều với người mới quen có thể khiến đối phương cảm thấy khó chịu.



4. Tìm cách mở đầu


Khi bạn đã tìm được chủ đề, bước tiếp hãy biến nó thành một cuộc trò chuyện. Bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tự nhiên thay vì gượng ép. Đôi khi, bạn thậm chí có thể bắt đầu bằng một vài câu tán gẫu và sau đó chuyển sang một cuộc thảo luận chuyên sâu hơn. Các mẹo được liệt kê bên dưới có thể giúp bạn bắt đầu cuộc trò chuyện một cách dễ dàng hơn: 


  • Đặt câu hỏi vượt ra khỏi những câu xã giao


Nếu ai đó hỏi: "Bạn có khỏe không?" hãy thử lái đi bằng cách nói về một dự án bạn đang thực hiện hoặc điều gì đó vui vẻ đã xảy ra vào đầu tuần này. Nếu bạn hỏi thăm sức khỏe ai đó và họ trả lời, "Mình vẫn ổn, cảm ơn." Hãy tiếp tục với một câu hỏi khác như "Bạn định làm gì sắp tới?" hoặc “Tôi đang tìm một show giải trí mới, cậu có gợi ý gì không?”


  • Gần gũi hơn với đồng nghiệp


Nếu bạn có xu hướng gặp khó khăn khi nói chuyện với đồng nghiệp, hãy thử trở nên thân thiện hơn một chút bằng cách nói về những việc bạn đang làm ở nhà hoặc kế hoạch bạn có cho cuối tuần. Điều này có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc ở mức độ cá nhân hơn.


  • Quan sát


Mọi người thích được chú ý, vì vậy hãy tập trung ánh mắt của bạn về phía họ. Nếu họ cắt tóc, hãy khen rằng nó trông rất tuyệt. Nếu họ có tâm trạng tốt vào thứ Hai, hãy đề cập đến điều đó và hỏi ngày cuối tuần của họ như thế nào.


5. Quay lại chủ đề trước đó


Đôi khi, bạn có thể tiếp tục một cuộc trò chuyện trước đó thay vì bắt đầu một cuộc trò chuyện hoàn toàn mới. Nghĩ lại các lần trò chuyện gần đây với họ và xem có cách nào để tiếp tục cuộc trò chuyện trước đó của bạn không.


Ví dụ:


  • Nếu ai đó đang sửa nhà, hãy hỏi xem tình hình như thế nào hoặc bảo họ cho xem ảnh


  • Nếu một người bạn từng nói rằng họ muốn mua một chiếc ô tô mới, hãy hỏi họ xem họ đã tìm thấy loại xe họ cần chưa


  • Nếu ai đó đã từng giới thiệu một chương trình giải trí và bạn đã xem, hãy nói về chương trình đó


  • Nếu một đồng nghiệp từng rủ bạn đi ăn trưa vào một lúc nào đó, hãy ghé qua văn phòng và mời họ đi


6. Tìm kiếm những dấu hiệu xã hội tích cực


Đó là những dấu hiệu bằng lời nói hoặc cử chỉ có thể giúp bạn nhận ra điều gì nên nói và không nên nói trong cuộc trò chuyện. Hãy coi những dấu hiệu tích cực như tín hiệu đèn xanh giúp bạn biết khi nào một người quan tâm đến chủ đề nào đó. Các chủ đề mà mọi người quan tâm có xu hướng thú vị hơn, vì vậy, hãy tiếp tục đi theo hướng đó.


Dưới đây là các dấu hiệu cho biết ai đó đang thật sự quan tâm đến cuộc trò chuyện:


  • Nghiêng người về phía bạn
  • Mỉm cười, gật đầu hoặc tỏ vẻ thích thú khi bạn nói
  • Hoàn toàn chú ý đến bạn
  • Sẵn lòng tiếp lời
  • Biểu cảm và sử dụng tay để diễn tả
  • Cởi mở và chia sẻ nhiều hơn về bản thân
  • Thể hiện sự nhiệt tình
  • Giao tiếp bằng mắt


7. Chú ý các dấu hiệu xã hội tiêu cực


Các dấu hiệu xã hội tiêu cực là những dấu hiệu cho thấy một người không thoải mái, buồn chán hoặc không muốn nói chuyện. Những tín hiệu này có thể được coi là đèn đỏ vì chúng báo hiệu rằng tốt nhất là bạn nên dừng lại, chuyển chủ đề hoặc kết thúc cuộc trò chuyện. Khi bạn cảm nhận được đèn đỏ trong một cuộc trò chuyện, hãy nói một cách thân thiện: “Bạn có vẻ rất bận. Tôi sẽ nói chuyện với bạn sau." Điều này giải thoát cho họ và để cuộc trò chuyện tiếp tục vào lúc khác.


Những dấu hiệu này cho thấy rằng bạn nên đổi hướng hoặc kết thúc cuộc trò chuyện: 


  • Tránh giao tiếp bằng mắt
  • Trả lời ngắn, cụt ngủn
  • Phân tâm, không chú ý hoặc hay kiểm tra điện thoại
  • Không ngồi yên
  • Khoanh tay hoặc có vẻ phòng thủ
  • Trở nên im lặng


8. Tham gia các cuộc trò chuyện trong nhóm


Trong một nhóm lớn, bạn có thể cảm thấy khó để tham gia vào mà không làm gián đoạn hoặc ngắt lời ai đó. Những người hướng ngoại thường chiếm ưu thế trong các cuộc trò chuyện nhóm, đây có thể sẽ là khó khăn nếu bạn là người bản chất kín đáo hoặc ít nói. Hòa mình vào các cuộc trò chuyện nhóm bằng cách thử các phương pháp sau:


  • Tương tác với người đang nói: Giao tiếp bằng mắt với người đang nói có thể là một gợi ý cho họ biết bạn muốn nói điều gì đó. Bạn cũng có thể thử giơ một ngón tay lên hoặc nói tên của họ để thu hút sự chú ý của họ.


  • Ngắt lời và xin lỗi: Có một số tình huống buộc phải ngắt lời. Nếu bạn đã thử các cách tiếp cận khác mà không đến lượt, bạn có thể ngắt lời, xin lỗi và sau đó nói ra suy nghĩ của mình.


  • Lên tiếng: Đông người có thể ồn ào, vì vậy hãy nhớ nói to và rõ ràng để đảm bảo mọi người nghe được giọng nói của bạn.


9. Đặt câu hỏi và cởi mở khi hẹn hò


Khi hẹn hò với một chàng trai hoặc cô gái bạn thích, bạn có thể sẽ cảm thấy áp lực hơn. Sử dụng một số chiến lược dưới đây để giữ bình tĩnh và thu hút vào một buổi hẹn hò:


  • Thay đổi mục tiêu: Mục tiêu của buổi hẹn hò đầu tiên không phải là tìm thấy soulmate hoặc tán tỉnh được ai đó. Bạn nên làm quen với họ, tìm ra những điểm chung và tìm hiểu xem liệu hai người có cùng mối quan tâm hay không trong buổi hẹn hò thứ hai. Ghi nhớ điều này có thể giúp bạn giữ bình tĩnh.


  • Đặt câu hỏi: Đặt những câu hỏi khiến buổi hẹn hò của bạn trở nên sôi nổi và giảm bớt áp lực cho bản thân. Hãy thử hỏi về công việc của họ, họ đi học để làm gì hay họ làm gì trong thời gian rảnh.


  • Cởi mở: Cởi mở là một bước cần thiết đối với bất kỳ mối quan hệ thực sự nào và bạn nên thực hiện nó sớm. Tìm hiểu xem bạn có điểm gì chung với họ hay không bằng cách nói về sở thích, thú vui hoặc mục tiêu của bạn và đánh giá phản ứng của họ.


10. Điều chỉnh cách tiếp cận của bạn khi gọi điện hoặc nhắn tin


Thật khó để biết liệu một cuộc trò chuyện có diễn ra tốt đẹp hay không nếu không thể quan sát phản ứng của đối phương. Điều này có thể làm cho các cuộc nói chuyện qua điện thoại hoặc tin nhắn trở nên khó khăn hơn. Bằng cách sử dụng một số mẹo dưới đây, bạn có thể làm cho các cuộc trò chuyện đó trôi chảy hơn:


  • Chờ thời điểm thích hợp để trả lời điện thoại hoặc tin nhắn (tức là không phải khi con bạn đang la hét hoặc khi bạn đang muộn họp).


  • Hỏi xem đây liệu có phải là thời điểm thích hợp để gọi điện cho ai đó hay không, nếu không, hãy hẹn họ lúc khác.


  • Giải thích việc phản hồi chậm bằng cách nói: “Tôi đang nghĩ”, “Chờ một chút” hoặc “Tôi chuẩn bị tham gia một cuộc họp. Tôi sẽ nhắn tin cho bạn sau” để tránh hiểu nhầm.
  • Sử dụng biểu tượng cảm xúc và dấu chấm than trong văn bản và email khi bạn muốn nhấn mạnh điều gì đó hoặc thể hiện cảm xúc.


  • Chọn gọi điện thoại hoặc gọi video khi bạn có điều gì đó quan trọng hoặc nhạy cảm cần thảo luận, thay vì nhắn tin hoặc gửi email.


Kết


Nếu bạn muốn cải thiện kỹ năng xã hội của mình, bạn phải không ngừng nỗ lực để hòa nhập và nói chuyện với nhiều người hơn. Mặc dù ban đầu có thể hơi khó xử, nhưng đừng để bản thân nản lòng. Bạn càng luyện tập nhiều, bạn sẽ càng dễ dàng bắt đầu các cuộc trò chuyện và duy trì chúng diễn ra theo cách tự nhiên nhất. Theo thời gian, kỹ năng giao tiếp của bạn sẽ được cải thiện và bạn sẽ thấy các cuộc trò chuyện trở nên dễ dàng và thú vị hơn.


------------

Dịch bởi: Trần Khánh Huyền

Biên tập: Ori

Ảnh: burst.shopify.com

Tham khảo: 

Hailey Shafir (2021). How to Get Better at Talking to People (And Know What to Say) [Online] Available at: https://socialpronow.com/blog/conversations-feel-forced/ [Accessed 08 August 2021]

----------


BẢN THẢO
Bài viết liên quan