10 Lý Do Để Theo Đuổi Tâm Lý Học

Chúng tôi có thể cung cấp cho bạn hàng ngàn lý do để chọn theo đuổi ngành Tâm lý học. Tuy nhiên, tất cả chỉ có thể tóm gọn bằng một lý do duy nhất, đó là sự thú vị, …

Chúng tôi có thể cung cấp cho bạn hàng ngàn lý do để chọn theo đuổi ngành Tâm lý học. Tuy nhiên, tất cả chỉ có thể tóm gọn bằng một lý do duy nhất, đó là sự thú vị, say mê mà ngành học này mang đến cho bạn. Một vài lĩnh vực của Tâm lý học không chỉ đơn thuần giúp bạn trau dồi năng lực chuyên môn mà còn giúp bạn làm giàu nhân cách, thúc đẩy quá trình phát triển bản thân và mở rộng tầm nhìn về cuộc sống. Mặc dù không hề dễ dàng để bạn có thể chinh phục được bộ môn này; tuy nhiên, một khi đã dấn thân vào, nó hoàn toàn xứng đáng với công sức mà bạn bỏ ra.

Khi bước chân vào lớp học đầu tiên ở đại học và tìm hiểu về tất cả các môn học mà mình sẽ phải hoàn thành để giành được tấm bằng cử nhân Tâm lý học, bạn có thể sẽ tự hỏi rằng liệu việc mình chọn học ngành này có đúng đắn không. Bạn có thể trải qua vài cú sốc khi phải đọc hàng tá những cuốn sách với vô số những lý thuyết và trường phái khác nhau, đồng thời phải nắm rõ và biết cách phân biệt giữa chúng.

Conheça as ilustrações perturbadoras e belas deste artista italiano

Một vài người có thể cảm thấy căng thẳng và thậm chí là tuyệt vọng khi phải đối mặt với những con số thống kê cũng như việc thiết kế thực nghiệm đầy phức tạp nhưng lại vô cùng thú vị. Phải, trong Tâm lý học, toán học vẫn cần thiết – đây có vẻ là một tin buồn cho những người có kỉ niệm không mấy đẹp đẽ với môn toán ở thời học sinh. Tuy nhiên, chính những nhiệm vụ mà các lĩnh vực của Tâm lý học đặt ra sẽ giúp bạn khám phá được sự hấp dẫn, lý thú của ngành học này, đồng thời quyết tâm hơn trong việc theo đuổi con đường của chính mình.

Mặt khác, không sai khi nói rằng Tâm lý học không phải là một ngành dễ kiếm tiền và cũng khó để có thể đảm bảo bạn sẽ có một công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Xã hội và thị trường lao động không phải lúc nào cũng tạo điều kiện tốt cho chúng ta, vậy nên đôi khi ta phải biết kết hợp giữa tài năng, năng lực với sự khôn khéo, linh hoạt; giữa việc duy trì động lực và việc tìm kiếm cơ hội; cũng như giữa sự kiên gan với nhẫn nại. Dẫu vậy cũng cần phải nói rằng, có rất nhiều phân ngành trong Tâm lý học để theo đuổi, và nếu chọn được cho mình một chuyên môn cụ thể để đầu tư vào, nó có thể giúp bạn xây dựng một sự nghiệp giàu mạnh và khác biệt.

10 lý do để chọn Tâm lý học

Dù bạn đang trong giai đoạn lựa chọn ngành học để đầu tư cho công việc sau này, hay bạn muốn thay đổi và học một thứ gì đó khác biệt, mới mẻ hơn, thì Tâm lý học luôn là một lựa chọn đáng cân nhắc. Dĩ nhiên, mọi người ai ai cũng nên quyết định ngành học dựa trên hai điểm quan trọng, một là những thứ mà họ đang hướng đến, và hai là những điều họ muốn mang lại cho người khác. Tâm lý học là một ngành học giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân ngay trong quá trình đào tạo, qua đó có thể hỗ trợ người khác một cách tốt nhất sau này. Và giờ đây, hãy xem xét một vài lợi ích mà Tâm lý học sẽ mang đến cho chúng ta.

1. Tâm lý học giúp ta hiểu rõ bản thân mình hơn

Càng đi sâu vào các lý thuyết tâm lý và những quan điểm của mỗi trường phái về nhân cách, sự phát triển con người và cách mà nền văn hóa xã hội tác động lên hành vi của mỗi người, chúng ta càng phải có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống của người khác cũng như của chính bản thân mình.

Khi tìm hiểu về Tâm lý học, chúng ta có thể tự đặt cho mình vô số những câu hỏi khác nhau mà không phải lúc nào cũng có câu trả lời rõ ràng, xác đáng. Tuy nhiên, chúng sẽ là kim chỉ nam giúp ta không ngừng tìm tòi và khám phá. Quá trình tìm kiếm này chính là một cuộc thám hiểm để ta hiểu bản thân và người khác nhiều hơn mỗi ngày, nơi ta có thể bỏ lại đằng sau những thái độ và suy nghĩ nào đó đã từng khá quan trọng đối với ta.

2. Thông qua Tâm lý học, ta học được cách trân trọng giá trị của những phương pháp nghiên cứu khoa học

Tâm lý học không phải phép màu. Chúng ta không phải là những nhà tâm thần luận và cũng không có chiếc radar nào trong trí óc để có thể dò được suy nghĩ của người khác sao cho trong vòng năm giây có thể hiểu được nỗi phiền muộn mà người ngồi trước mặt phải trải qua; chúng ta khó có thể biết họ đang lo sợ điều gì, hay thế mạnh của họ là gì. Chính vì suy nghĩ này mà người thân, bạn bè hay người quen thường cho rằng chúng ta đang “phân tích” họ.

Như chúng ta đã biết, có rất nhiều quan điểm sai lầm trong Tâm lý học mà dù muốn hay không, ta vẫn sẽ bắt gặp ở nhiều bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, có một điều mà ta phải làm rõ ngay từ đầu, chính là “Tâm lý học là một ngành khoa học xã hội và nó phải dựa trên cơ sở những phương pháp nghiên cứu khoa học.”

Ngoài ra, cần hiểu rằng để có thể đúc kết được một kết luận, một cơ sở dữ liệu và các kiến thức uyên thâm, chúng ta phải trải qua những công việc tốn rất nhiều công sức và thời gian, đồng thời phải biết kiên trì và đảm bảo tính khách quan. Công việc này luôn đòi hỏi phải dựa trên một chuỗi các phương pháp nghiên cứu khoa học, và đây cũng chính là con đường giúp ta đạt đến thành công trong sự nghiệp nghiên cứu Tâm lý học. Ngoài ra còn có tâm lý học đại chúng (“pop psychology”), một loại hình của Tâm lý học được đa số công chúng yêu thích, đồng thời ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp nó ngay trên các trang báo hay các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, những quan điểm thuộc loại hình này thường ít hoặc không có liên hệ với thực tế – chúng là những quan điểm được lan truyền nhiều đến mức mọi người có thể chấp nhận một cách dễ dàng mà không có cơ sở khoa học chứng minh là đúng.

Poignant Editorial Illustrations Offer a Mirror to the Modern World
3. Tâm lý học giúp ta phát triển tư duy phản biện

Hầu hết các tư liệu, các lý thuyết, những quan điểm tiếp cận, những trường phái và những phân ngành trong Tâm lý học có thể mang đến cho chúng ta sự phát triển trong kỹ năng tư duy phản biện. Dù muốn hay không thì đó cũng là một kỹ năng thiết yếu, cơ bản mà ta cần trau dồi để có thể làm việc tốt trong lĩnh vực này, và đồng thời có thể giúp ích cho người khác mà không mất đi sự chính trực và danh dự của bản thân. Chỉ khi đó, ta mới phân biệt được gỗ với cây, sự thật đằng sau những trò bịp bợm, gian xảo; thực tế của những mưu mô, xảo trá.

4. Tâm lý học giúp ta hiểu sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với con người

Việc tìm hiểu về Tâm lý học sẽ không tự nhiên biến ta thành một người khỏe mạnh hơn về mặt tinh thần, hay giúp ta thành công hơn, hạnh phúc hơn (đa phần là vậy). Chính vì thế, những nhà Tâm lý học cũng có khả năng gặp phải trầm cảm hay lo âu. Dù đã trải qua hàng loạt các khóa học về Tâm lý học, họ vẫn không thể tránh khỏi những thất bại trong các mối quan hệ tình cảm, thậm chí họ cũng có những nỗi sợ và nhược điểm riêng trong các mối quan hệ của mình.

Tuy nhiên, việc có kiến thức về Tâm lý học sẽ giúp họ ý thức hơn về những gì đang diễn ra với mình và xung quanh mình. Nó giúp họ hiểu hơn về hệ thống hành vi và quá trình tâm lý trong các mối quan hệ. Nhờ đó họ biết được lúc nào cần nhờ đến sự giúp đỡ của người khác để có thể đem lại sự hỗ trợ tốt nhất cho bản thân và đối phương.

5. Thông qua Tâm lý học, ta hiểu rõ hơn về giá trị của các giai đoạn phát triển của con người

Việc hiểu về cách thức phát triển và sự thay đổi của con người xuyên suốt một đời không chỉ mang đến cho ta những kiến thức quý báu, có giá trị cao. Như một lẽ tự nhiên, nó cũng sẽ khiến ta thêm phần nhạy cảm và mở lòng hơn với những vấn đề của người khác, cũng như những khổ sở, trăn trở và hoài nghi của họ.

Bên cạnh đó, Tâm lý học cũng hé lộ những nét đặc thù gắn với một giai đoạn phát triển nhất định, ví dụ như giai đoạn ấu thời hay giai đoạn lão niên. Dựa vào đó, ta có thể hình thành niềm hứng thú, say mê với một giai đoạn nào đó, và quyết định dành nhiều thời gian, công sức tìm hiểu về nó hơn.

6. Bạn sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn, đúng đắn hơn về tâm bệnh sau khi tìm hiểu về Tâm lý học 

Học Tâm lý học sẽ giúp bạn phá vỡ những quan niệm sai lầm về bệnh lý tâm thần mà nhiều người vẫn hay đề cập đến. Chẳng hạn, bạn sẽ phân biệt được sự khác nhau giữa hội chứng, rối loạn và bệnh. Bạn sẽ nhận ra rằng thuốc men không thể chữa dứt một căn bệnh, nó chỉ được dùng để can thiệp hay giảm bớt hậu quả mà căn bệnh đó mang đến. Bạn cũng có thể khám phá được rằng chẩn đoán là một quá trình phức tạp, và trong một rối loạn (chẳng hạn như rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu hay tâm thần phân liệt) có thể có nhiều sắc thái khác nhau.

7. Tâm lý học có nhiều hướng để bạn có thể phát triển chuyên môn tùy theo đam mê của bản thân

Không phải người học Tâm lý nào cũng trở thành nhà Phân tâm học hoặc tuân theo các nguyên tắc của Freud, do trên thực tế, số người không theo thuyết của ông chiếm phần đông hơn số người theo. Cũng như vậy, không phải nhà thực hành tâm lý nào cũng biết thôi miên hay có phòng khám riêng. Việc nghiên cứu Tâm lý học cho ta cơ hội được khám phá, tìm hiểu một loạt các chuyên ngành, để từ đó có thể chọn ra một chuyên ngành mà ta hứng thú nhất và đầu tư vào nó một cách hiệu quả.
Ví dụ về một số chuyên ngành trong Tâm lý học:

  • Tâm lý học lâm sàng (Clinical psychology)
  • Tâm lý học giáo dục (Educational psychology)
  • Tâm lý học thể thao (Sports psychology)
  • Tâm lý học pháp lý (Forensic psychology)
  • Tâm lý học sức khỏe (Health psychology)
  • Tâm lý học tổ chức (Organizational psychology) 
  • Tâm lý học trẻ em và trẻ vị thành niên (Child and adolescent psychology)
  • Tâm lý học xã hội hoặc cộng đồng (Social or community psychology)
BP 0234 flower head, Beppe Giacobbe, portfolio, illustration, , contact info, slideshow
8. Tâm lý học – một sự bổ trợ hoàn hảo cho các chuyên ngành khác

Ít có ngành học nào có thể bổ trợ cho các ngành khác nhiều như Tâm lý học. Chẳng hạn, bên cạnh việc sở hữu một tấm bằng Báo chí, Y học, Điều dưỡng, Dược học, Triết học, Nhân chủng học, Nghệ thuật hoặc Kinh tế, chúng ta có thể tích lũy thêm một số kiến thức Tâm lý học để giúp quá trình học tập của bản thân thêm toàn diện hơn, chất lượng hơn và thú vị hơn.

“Ngay cả khi không đạt được điều mình mong muốn, ta cũng đã tiến bộ hơn khi biết cố gắng theo đuổi mục tiêu mà chính bản thân mình đặt ra.” – Viktor Frankl

Hơn cả việc được học với một chương trình đào tạo tốt, Tâm lý học còn giúp ta làm giàu bản thân bằng những hiểu biết sâu sắc về hành vi con người, bao gồm những tương tác xã hội, ngôn ngữ, giao tiếp, động lực, xúc cảm, và cả việc ra quyết định. Đây là các yếu tố vô cùng cần thiết để ta có thể có một cái nhìn toàn diện hơn, sâu rộng hơn về những ngành khoa học khác.

9. Tâm lý học giúp bạn học được cách giao tiếp hiệu quả hơn

Đây là một khía cạnh ít được người ta đề cập đến. Tuy vậy, trong quá trình học của mình, các sinh viên Tâm lý khám phá được các kỹ năng quản lý cảm xúc và khả năng hiểu biết về ngôn ngữ cơ thể với toàn bộ những sắc thái của chúng. Chính những điều trên đã cung cấp cho họ khả năng giao tiếp liên nhân cách, để họ có thể giao tiếp một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.

Ở đây, chúng ta không chỉ nói về việc cải thiện kỹ năng thuyết trình trước đám đông mà còn đề cập đến cách thức để giao tiếp hiệu quả hơn với mọi người xung quanh. Ta sẽ hiểu người đối diện hơn thông qua các tín hiệu giao tiếp phi ngôn ngữ của họ, như tông giọng, biểu cảm, và đồng thời có thể nâng cao khả năng trong việc xây dựng một cuộc hội thoại sâu sắc và đầy thấu cảm.

10. Tâm lý học có thể là trang đầu tiên mở ra một chương mới trong cuộc đời của bạn

Ở đầu bài viết, chúng tôi đã nói là có thể liệt kê cho bạn 1000 lý do để học Tâm lý học; tuy nhiên, có một lý do quan trọng hơn cả, chính là Tâm lý học là một ngành khoa học lý thú và nó có thể mở ra một bước tiến hoàn toàn mới cho cuộc sống của chính bạn. Ta sẽ khám phá được một điều gì đó tại một thời điểm nhất định trong cuộc đời ta, một điều gì đó chạm đến ta và khiến ta phải thốt lên rằng “đây chính là tôi”, chính là thứ mà tôi muốn đào sâu vào tìm hiểu, là khía cạnh mà tôi muốn sử dụng để hỗ trợ người khác.

Đó có thể là khoa học thần kinh với toàn bộ những bí ẩn của nó, hay một liệu pháp trị liệu nào đó, cũng có thể là khát vọng muốn giúp đỡ trẻ em hoặc niềm say mê nghiên cứu thực nghiệm. Thế giới Tâm lý học rộng lớn đến mức ở một thời điểm nào đó, mọi người sẽ có thể dễ dàng tìm ra được một chuyên môn cụ thể khiến họ mong muốn đầu tư vào. Và ngay trong khoảnh khắc đó, đột nhiên mọi thứ đều sẽ thay đổi và trở nên có ý nghĩa hơn.

Chính vì vậy, nếu bạn đang cân nhắc về việc có nên theo đuổi Tâm lý học hay không, chúng tôi luôn khuyến khích bạn dấn thân vào cuộc phiêu lưu đầy thú vị này và hãy tin rằng, nó sẽ không làm bạn phải thất vọng!

Hãy xem xét kỹ những lý do trên và so sánh chúng với những kỳ vọng về ngành học của bạn để đưa ra quyết định đúng đắn nhé. Chúc bạn lựa chọn được hướng đi phù hợp nhất cho mình!

Dịch: Lyo Kiu
Biên tập: Catthi
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn: https://exploringyourmind.com/10-reasons-study-psychology/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan