10 lý do tại sao bạn không nên cảm thấy tội lỗi khi thay đổi ngành nghề

Bạn đã đi đúng hướng trên con đường sự nghiệp, hay bạn đang mắc kẹt ở một nơi không dành cho mình?


Bạn đã đi đúng hướng trên con đường sự nghiệp, hay bạn đang mắc kẹt ở một nơi không dành cho mình? Trong một vài thời điểm nhất định, bạn có thể cảm thấy sự nghiệp của bản thân không được như mong muốn. Có thể bạn ở thời đại học vẫn còn quá trẻ để quyết định cuộc sống trong tương lai, hoặc con đường sự nghiệp bạn quyết định đi có những trắc trở mà bạn không thể lường trước và vượt qua được. Dù vì lý do gì đi chăng nữa, có thể đã đến lúc bạn muốn thay đổi nghề nghiệp, và bạn lại cảm thấy tội lỗi về điều đó. 


Dưới đây là 10 lý do tại sao bạn không nên cảm thấy tội lỗi khi thay đổi ngành nghề:


1. Không cần cảm thấy tội lỗi khi theo đuổi hạnh phúc của chính mình


Nếu như sự nghiệp hiện tại khiến bạn có cảm giác mất đi “đôi cánh”, đó là lúc bạn nên thay đổi. Ví dụ, bạn có thể đang phải làm việc liên tục tám tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính, trong khi bạn lại thực sự cảm thấy hạnh phúc hơn nếu được trò chuyện cùng người khác. Nếu tình trạng hiện tại không khiến bạn hài lòng, hãy hành động để giải quyết vấn đề đó.


2. Hãy nhớ rằng việc đổi ngành sẽ giúp bạn mở mang kiến thức


Mặc dù sự thay đổi này cũng có nghĩa là bạn phải rời khỏi vùng an toàn của chính mình, nhưng đừng để nỗi sợ hãi ẩn sau cảm giác tội lỗi đánh lừa bạn. Bạn có thể lo sợ việc phải bắt đầu lại mọi thứ, về kiến thức, kỹ năng và sự hòa nhập với đồng nghiệp mới, nên bạn thường cảm thấy tội lỗi vì bỏ việc giữa chừng. Đừng để bản thân bạn bị đánh lừa bởi nỗi sợ này. Thay vào đó, hãy tập trung vào kiến thức mà bạn sẽ nhận được khi thay đổi công việc. Nói cách khác, bạn sẽ có cơ hội phát triển các kỹ năng mới, học những điều mới và gặp gỡ những người mới. Với suy nghĩ đó, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi chuyển đổi ngành nghề.


3. Bạn không thể làm việc hiệu quả khi ở lại một nơi không thuộc về mình


Nghĩ đến việc bạn sẽ phải lê bước đến nơi làm việc mỗi ngày, rồi đợi ca làm việc kết thúc với thái độ liên tục mất tập trung. Hãy kết thúc vòng tròn luẩn quẩn đó bằng cách tận dụng tốt năng khiếu và kỹ năng của mình để phát triển nghề nghiệp phù hợp với bản thân.


4. Chấp nhận việc bạn đã hết tình yêu với công việc hiện tại


Thất tình không chỉ dành riêng cho những người đang trong một mối quan hệ yêu đương. Nó cũng có thể xảy ra với bạn và công việc của bản thân. Nếu bạn nhận ra bản thân không còn yêu nghề mà mình đang theo đuổi nữa thì không có lý do gì để bạn ở lại, bạn có thể rời đi. 



5. Có những thay đổi lớn trong cuộc đời bạn, và bạn cần thay đổi sự nghiệp để thích nghi


Cuộc sống của bạn đã bắt đầu thay đổi từ lúc chọn nghề, và những mâu thuẫn có thể dần xuất hiện sau một thời gian. (Ví dụ: Bạn chọn làm y tá thường trực ở những nơi xa xôi khi bạn còn độc thân. Giờ đây, có thể bạn đã có mái ấm riêng cho mình và bạn cũng đã có những đứa con để chăm sóc. Bạn không còn thời gian để đi đâu đó trong vài ngày như bạn đã từng.) Lúc này, bạn có thể cần công việc mới, một cái gì đó ổn định hơn để bản thân có thể làm mẹ. Vì vậy, hãy chuyển ngành nghề khi bạn cần.


6. Hãy tử tế với chính mình và chấp nhận bản thân sẽ cần nhiều thời gian để có chỗ đứng trong ngành


Lấy ví dụ, bạn của thời đại học nghĩ mình muốn trở thành kỹ sư vì những người bạn khác cũng như vậy. Hiện tại, bạn trưởng thành và đã thực sự thử qua công việc đó, nhưng lại nhận ra mình thích thiết kế nội thất hơn. Hãy khoan dung với bản thân khi còn trẻ và hài lòng với thực tế là bạn đã thử sức với công việc đầu tiên, dù nó không hiệu quả với bạn về lâu dài.





7. Đừng để bản thân bị ám ảnh bởi thời đại học


Bạn nhớ những đêm mất ngủ vì phải hoàn thành một bài báo cáo hoặc một dự án nào đó. Bạn nhớ những lần bản thân từ chối đi chơi với bạn bè để hoàn thành kỳ thực tập của mình. Bạn nhớ tất cả những kiến thức, thông tin mà bạn đã cố gắng rất nhiều để ghim vào bộ não xuyên suốt các kỳ thi. Đại học dường như khó khăn đến mức khiến bạn không muốn lãng phí sự nghiệp mà bạn đã đạt được. Điều này giống như cảm giác mang nợ với thời đại học cho vị trí hiện tại, và việc chuyển đổi nghề nghiệp chỉ khiến bạn trở thành một kẻ vô ơn. Hãy tránh xa cảm giác tội lỗi này bằng việc thay đổi cách nhìn của bản thân về mọi thứ. Bạn đã không lãng phí bất cứ điều gì bởi bạn đã học được tất cả những điều đó, và cuộc sống là một quá trình mà bản thân cần học hỏi liên tục.


8. Không có gì sai khi bạn muốn khám phá những khả năng khác của mình


Bạn là người có khả năng, và đừng cảm thấy tội lỗi khi bản thân muốn khám phá thêm về năng lực của chính mình. Nếu bạn bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực y tế nhưng lại biết mình cũng yêu ca hát, vậy thì không có lý do gì để không tạo dựng sự nghiệp với nó.



9. Có thể bạn đã có một cuộc sống ổn định, và nó cho phép bạn theo đuổi sự nghiệp mà bản thân mong muốn


Không phải ai cũng làm việc vì đam mê, và có những người chọn nghề chỉ để có thu nhập tốt hơn. Một công việc có thể mang lại thu nhập cao hơn so với những ngành khác cũng có thể là một yếu tố để lựa chọn nghề nghiệp. Nếu bạn là một trong số những người này, bạn hoàn toàn không cần phải xấu hổ. Sẽ không có gì sai khi bạn mong muốn một cuộc sống ổn định và sung túc. Tuy nhiên, khi bạn đã đạt được sự ổn định như mong muốn và đang có cân nhắc trong việc chuyển ngành, cứ thực hiện nó. Không bao giờ là quá muộn để đi theo tiếng gọi của trái tim.


10. Cần thay đổi ngành nghề khi công việc hiện tại ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn


Có một số ngành nghề không tốt cho sức khỏe về lâu dài. Có thể bạn là người hay thiếu máu, nhưng công việc hiện tại lại đòi hỏi bạn phải thức đêm. Cũng có thể bạn phải ngồi nhiều tiếng đồng hồ trong văn phòng vì đặc thù của công việc. Nếu điều kiện làm việc gây bất lợi hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, hãy cân nhắc đến việc chuyển ngành. Thật vô nghĩa khi lãng phí tất cả số tiền mà bạn vất vả kiếm được chỉ để trả tiền viện phí.


Khả năng của thế giới này là vô hạn, vì vậy hãy thay đổi nếu bạn muốn hoặc phải làm như vậy. Hãy sống hết mình bằng cách khám phá khả năng của bản thân thông qua hành động cụ thể để tận dụng tốt nhất những kỹ năng tiềm ẩn của bạn.

____

Biên dịch: Trang Thu

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn: 10 Reasons Why You Shouldn’t Feel Guilty about Changing Careers

Ảnh: Internet


BẢN THẢO
Bài viết liên quan