10 mẹo tâm lý để người khác tôn trọng bạn

Là con người, chúng ta có một nhu cầu bản năng là được yêu quý và được tôn trọng bởi gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp.

Là con người, chúng ta có một nhu cầu bản năng là được yêu quý và được tôn trọng bởi gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp. Điều này không nhất thiết có nghĩa rằng bạn luôn luôn phải tập trung vào bản thân mình và làm sao để giúp đỡ người khác. Bởi để có được niềm tin và sự tôn trọng, một người phải mất nhiều năm trời gây dựng hình ảnh  tốt đẹp (theo Confidence Union, 2020) Tuy nhiên, có một số cách ngoại lệ để bạn có thể được tôn trọng mà không phải chờ đợi trong nhiều năm.

 

Hãy cùng tìm hiểu một vài mẹo tâm lý sau đây để người khác tôn trọng bạn. 


1. Ngừng nói lời xin lỗi một cách thiếu kiểm soát

Đã khi nào bạn thấy mình liên tục nói xin lỗi mà không có lý do chưa? Những người thường xuyên nói: "Tôi xin lỗi," mà không cân nhắc về sự cần thiết của lời nói đó thường là người kém được tôn trọng (theo Labud, 2013). Nhìn chung, lời xin lỗi là cần thiết khi bạn mắc lỗi hoặc nói ra điều gì đó làm tổn thương người khác. Hãy thử và tập cách ngừng sử dụng từ "Xin lỗi" khi không cần thiết, đặc biệt là ở nơi làm việc.

Nguồn: mark tulin

2. Dám chia sẻ về những thiếu sót của bản thân

Việc che dấu những lỗi lầm và sự chưa hoàn hảo của bản thân để tránh những phán xét từ người khác là hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, nó không phải lúc nào cũng hiệu quả vì người khác có thể cảm nhận được bạn đang che dấu sự thật (theo Confidence Union, 2020). Trên thực tế, việc dám chia sẻ về những thiếu sót của mình thể hiện sự tự tin và thái độ sẵn sàng khắc phục khuyết điểm để phát triển, từ đó có được sự công nhận thực thụ. Sự tự tin ở mức độ này có thể giúp bạn có được tôn trọng từ người khác.


3. Không lãng phí thời gian của người khác.

Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, những ngày làm việc được lấp đầy bởi các cuộc họp căng thẳng, những nhiệm vụ cần được giải quyết gấp có thể “ngốn” rất nhiều thời gian. Chúng ta đều hiểu rằng thời gian là vô cùng quý giá và một khi đã trôi qua thì chẳng thể quay lại. Vì vậy, nếu bạn tôn trọng thời gian của người khác, họ sẽ tôn trọng bạn (theo Labud, 2013). Điều này được biểu hiện qua một số hành động: không trễ hẹn, đi thẳng vào vấn đề, nói cô đọng, và tất nhiên, không gây khó dễ cho người khác khi họ phải đưa ra quyết định, đặc biệt là lúc họ có vẻ bận rộn hơn bạn.


4. Thoải mới với sự tiếp xúc vật lý thông thường

Đôi khi mọi người cảm thấy không thoải mái với việc tiếp xúc vật lý với người khác, đặc biệt là tại nơi làm việc. Đó là lý do tại sao mọi người thích vẫy tay chào hơn là một cái bắt tay. Nhưng sự thật là sự tiếp xúc đóng một vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa người với người bởi nó giúp gây dựng niềm tin và mang lại cảm giác gần gũi (theo Confidence Union, 2020). Để đảm bảo bản thân không vượt qua các ranh giới, sự tiếp xúc không nên kéo dài quá 5 giây và hành động phù hợp với tất cả mọi người chứ không phải một vài cá nhân nhất định. Cuối cùng, hãy chú ý đến cách mọi người phản ứng với cử chỉ của bạn để điều chỉnh sao cho phù hợp.

Nguồn: Ashkan Forouzani

5. Nghĩ đến cảm xúc của mình trong các tình huống

Trong các tình huống, chúng ta thường có xu hướng phản ứng theo bản năng thay vì dành thời gian để suy nghĩ thấu đáo. Điều này không có nghĩa là bạn phải thay đổi con người thật của mình mà chú trọng hơn vào sự khác biệt giữa ứng xử và phản ứng đơn thuần. Những nhà lãnh đạo giỏi và những người được kính trọng học cách ứng xử theo lý trí thay vì phản ứng theo bản năng. Hành vi này thường được chú ý đến và mọi người xu hướng tin tưởng bạn và những đánh giá của bạn hơn nếu bạn biết cách cư xử thích hợp.


6. Suy ngẫm về những quy chuẩn đạo đức của riêng bạn.

Khi nhắc tới những giá trị đạo đức, các quy chuẩn có thể khác biệt ở mỗi người. Bạn tin vào điều gì? Điều gì quan trọng với bạn? Điều gì khiến bạn phát điên và muốn thay đổi cả thế giới này? Những câu hỏi kiểu như vậy sẽ dẫn bạn đến những quy chuẩn đạo đức cốt lõi của riêng mình (theo Labud, 2013). Và nếu bạn có những quy chuẩn đạo đức rõ ràng, mọi người sẽ nhận ra cái “tầm” của bạn và sẽ tôn trọng bạn nhiều hơn.


7. Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể và tư thế của bạn 

Cách bạn điều chỉnh tư thế, dáng vẻ của mình để lại ấn tượng vô cùng lớn tới người ngồi đối diện. Việc chiếm nhiều không gian hơn một chút sẽ giúp bạn được tôn trọng hơn (Labud, 2013). Ngôn ngữ cơ thể được sử dụng như một hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ, vì vậy hãy nghĩ về tư thế có thể chiếm nhiều khoảng không hơn một cách hợp lý. Bạn có thể làm điều này bằng cách dành một giây để vươn vai và tăng khoảng cách giữa xương sườn và xương hông trước khi bạn vào một căn phòng. Điều này sẽ giúp bạn trông cao hơn và có được cái nhìn tích cực từ người khác (Labud, 2013). Hơn nữa, có tư thế thoải mái, không gò bó khi ngồi hoặc đứng lên cũng có thể khiến bạn cảm thấy dễ gần, từ đó có được sự tôn trọng.


8. Giữ lời hứa

Đây là một trong những đức tính quan trọng nhất mà bạn nên thiết lập để có được sự tôn trọng (Labud, 2013). Vì vậy hãy luôn cố gắng để giữ những cam kết và lời hứa bạn dành cho người khác. Nếu bạn thấy mình gặp nhiều rắc rối với điều đó, điều đó có nghĩa là bạn đã đặt ra quá nhiều lời hứa ngoài tầm với. Hãy thành  thực với mọi người nếu bạn không thể thực hiện lời hứa, họ sẽ tôn trọng bạn nhiều hơn vì sự trung thực ấy.

Nguồn: alise storsul

9. Nâng cấp trang phục của bản thân

Bạn đã bao giờ nghe nói rằng mọi người thường đưa ra quyết định có nên thích ai đó trong ngay 5 giây đầu tiên gặp? Đó là lý do tại sao chúng ta hiếm khi có cơ hội thứ hai để gây dựng lại ấn tượng đầu tiên. Một trong những cách dễ nhất để có được sự tôn trọng là chú ý tới cách bạn ăn mặc vì trang phục là thứ bạn có thể kiểm soát, không giống như những đặc điểm tự nhiên (Confidence Union, 2020). Sẽ không có gì ngạc nhiên khi một số người mắc sai lầm khi lựa chọn phong cách đại trà vì sợ bị đánh giá. Hãy cứ mặc những gì vừa vặn và tôn lên những nét đẹp cơ thể bởi điều này sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái và nhờ đó, tự tin hơn. Đó cũng là cách để được chú ý một cách tích cực và có được sự tôn trọng từ việc thoải với cơ thể của mình.


10. Lên tiếng nếu bạn bị đối xử bất công

Đôi khi việc tự đấu tranh cho bản thân mình là rất khó khăn, đặc biệt khi bạn không muốn xúc phạm hoặc đối đầu với người khác. Tuy nhiên, khi ai đó đang ngược đãi, hoặc lợi dụng bạn, hãy bảo vệ lập trường của mình. Hãy giữ sự chuyên nghiệp và khéo léo, nhưng đừng im lặng. Lên tiếng cho chính mình không phải lúc nào cũng dễ dàng, và đó là lý do vì sao hành động ấy là biểu trưng của một người xứng đáng được tôn trọng (theo Labud, 2013).


------------------------------

Translator: Ivoanh

Editor: July

Nguồn dịch: https://psych2go.net/10-psychological-tricks-to-help-others-respect-you/

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan