10 Sự Thật Thú Vị Về Tâm Lý Học Màu Sắc

Màu sắc là một trong những điều đầu tiên chúng ta được học về thế giới này – kiểu gì thì, chúng ta cũng sẽ  học được cách gọi tên và nhận dạng chúng. Nhưng bạn có biết rằng màu …

Màu sắc là một trong những điều đầu tiên chúng ta được học về thế giới này – kiểu gì thì, chúng ta cũng sẽ  học được cách gọi tên và nhận dạng chúng. Nhưng bạn có biết rằng màu sắc, ngoài việc làm cho mọi thứ trở nên đẹp hơn, còn có thể khiến chúng ta cảm thấy đói hay hoa mắt? Hay thậm chí có thể giúp bạn tìm được việc làm? Các nhà tâm lý học từ lâu đã bị hấp dẫn bởi ảnh hưởng của màu sắc đối với tâm lý con người, và mặc dù hàng trăm nghiên cứu đã được thực hiện về chủ đề này, họ vẫn đặt câu hỏi về việc con người bị ảnh hưởng bởi màu sắc đến mức nào. Dưới đây, chúng tôi đã liệt kê 10 trong số những sự thật thú vị nhất về tâm lý học màu sắc.

Những Sự Thật Về Tâm Lý Học Màu Sắc

  • Màu sắc khác nhau gợi lên những cảm xúc khác nhau.
  • Màu sắc thậm chí có thể đánh lừa suy nghĩ của bạn.
  • Bạn có nhiều khả năng quên một cái gì đó khi nó có màu đen và trắng.
  • Có một lý do mà bạn không bao giờ thấy màu vàng trong máy bay.
  • Có thể xảy ra nỗi sợ với những màu sắc nhất định.
  • Thậm chí những người yêu thích màu “mocha” lại không thích màu “nâu”.
  • Muốn xuất hiện mạnh mẽ uy quyền? Hãy mặc màu đen
  • Đàn ông và phụ nữ thấy màu đỏ khác nhau.
  • 62-90% ấn tượng đầu tiên là do màu sắc.
  • Xanh lam là màu yêu thích của thế giới.
Màu sắc khác nhau gợi lên những cảm xúc khác nhau.

Hãy nghĩ đến khi bạn nhìn thấy các chữ cái lớn màu đỏ trên kí hiệu “Clearance” (Thông qua), hay chữ M màu đỏ không thể nhầm lẫn được của McDonald’s. Còn cả dòng chữ đỏ kinh điển của Coca-Cola? Bạn bất chợt cảm thấy khát, hoặc đang cần một chầu ăn thiệt đã? Nếu vậy, thì bạn không cô đơn! Nhiều công ty – bao gồm Colgate, Nintendo, Virgin và KFC là một số ví dụ – họ sẽ sử dụng màu đỏ để lôi kéo bạn đến vì màu đỏ đã được khoa học chứng minh tạo cảm giác thôi thúc. Nó là một màu sắc mang cảm xúc.

Tương tự, màu xanh lam gợi lên cảm giác yên bình và tin tưởng. Đó là lý do tại sao rất nhiều công ty tài chính (Visa, PayPal), công ty công nghệ (IBM, Facebook, Twitter), các công ty xe hơi (Ford) và các công ty chăm sóc sức khỏe (Oral-B) sử dụng màu xanh trong logo và quảng cáo của họ. Các màu khác thường được sử dụng cho khả năng gợi lên những cảm xúc nhất định bao gồm màu xanh lá cây (tượng trưng cho thiên nhiên và phát triển thịnh vượng như Whole Food hoặc Animal Planet), màu cam (gợi lên sự tự tin và lòng nhiệt huyết như Harley Davidson hoặc Hooters), màu đen (mạnh mẽ và sang trọng như Jaguar, Chanel và Mont Blanc), màu trắng (sự hoàn hảo, như Apple hoặc Ralph Lauren), màu tím (sự thịnh vượng và thời thượng, như Crown Royal hoặc Cadbury), và màu vàng (trí tuệ và năng lượng làm ta nghĩ ngay đến National Geographic hoặc DHL).

Màu sắc thậm chí có thể đánh lừa suy nghĩ của bạn.

Mặc dù khá khó để chứng minh cặn kẽ rằng màu sắc ảnh hưởng đến tâm lý của một người, song đã có rất nhiều nghiên cứu – một số chính thức, một số không chính thức – đã tiếp cận đến vấn đề này. Những nghiên cứu này có từ những năm 1930, khi nhà thần kinh học Kurt Goldstein bắt đầu thử nghiệm những thứ như màu sắc và vẻ ngoài. Ví dụ, Goldstein nhận thấy mọi người tự mặc định rằng các vật thể màu đỏ nặng hơn, trong khi những vật thể màu xanh lá cây nghiễm nhiên nhẹ hơn. 

Trong một trường hợp gần đây hơn, một quán cà phê với những bức tường màu xanh da trời nhạt đã mệt mỏi đến độ phải sơn lại những bức tường màu xanh da trời của họ bằng màu cam, bởi khách hàng kêu ca quá nhiều rằng họ cảm thấy lạnh lẽo với cái màu sơn đó. Nhiệt độ vẫn giữ nguyên, nhưng từ đó, sự phàn nàn đã không còn. Một nghiên cứu được thực hiện bởi một sòng bạc cho thấy rằng: khi các mặt bàn có màu đỏ, mọi người sẽ có xu hướng đánh bạc lâu hơn là khi nó có màu xanh lam. Trong khi đó, thành phố Glasgow ở Scotland đã nghe về một nghiên cứu cho thấy màu xanh gợi lên sự tin tưởng. Họ áp dụng nghiên cứu ấy, thay tất cả đèn đường thành ánh sáng xanh vào năm 2000, và nhận ra tỷ lệ tội phạm của họ thật sự giảm đi.

Bạn có nhiều khả năng quên một vài đồ vật hay sự vật bởi chúng có màu đen và trắng.
We can help you find new customers and revenue streams that you are't currently seeing... - POP Creative Consulting

Các nhà tâm lý học đã tìm thấy một số kết nối giữa màu sắc và trí nhớ. Hóa ra, mọi người gặp khó khăn hơn trong việc ghi nhớ các sự vật được trình bày bằng màu đen và trắng so với khi chúng được hiện diện bằng màu sắc khác. Ví dụ, các ghi chú bài giảng được viết bằng bút màu hữu ích hơn các ghi chú được viết bằng mực đen, hay một cảnh trong phim đen trắng khó nhớ hơn trong phim có màu. Lý do cho điều này dường như là màu sắc – trong đó nói một cách chính xác là không bao gồm màu đen và trắng – có tác động mạnh mẽ hơn đến các giác quan cần thiết để hình thành một bộ nhớ.

Có một lý do mà bạn không bao giờ thấy màu vàng trong máy bay.
Yellow plane icon airport sign vector | free image by rawpixel.com / wan

Hãy nhìn thật lâu vào khối màu vàng ở trên. Nó có làm bạn cảm thấy chóng mặt sau hoạt động đó không? Thậm chí có thể là một chút buồn nôn? Nếu vậy, bạn cũng đang có cùng vấn để như những người khác. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng màu vàng có thể gây chóng mặt và buồn nôn. Vì lý do này, nó thường được sử dụng một cách tiết kiệm (hoặc rất chiến lược) trong quảng cáo và hầu như không bao giờ được sử dụng trong nội thất của nhiều phương tiện giao thông – đáng chú ý nhất là máy bay.

Có thể xảy ra nỗi sợ với những màu sắc nhất định.

Cứ cho là mọi người đều có màu sắc họ không thích, nhưng thực sự có khả năng sợ một màu nào đó không? Hoàn toàn có!. Chromophobia, hay Chromatophobia (Nỗi sợ màu sắc), đề cập đến một nỗi sợ hãi phi lý hoặc ác cảm với một số màu sắc nhất định. Trong hầu hết các trường hợp, nỗi sợ bắt nguồn từ phản ứng có điều kiện, hoặc trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, nhưng may mắn thay đây là một chẩn đoán cực kỳ hiếm.

Thậm chí những người yêu thích màu “mocha” lại không thích màu “nâu”.

Màu sắc rất khó nghiên cứu bởi chúng phụ thuộc nhiều vào nhận thức. Ví dụ, hãy nghĩ đến sự thật là màu xanh đã từng là màu tượng trưng cho các bé gái, trong khi màu hồng chủ yếu được ưa dùng cho bé trai. Ý nghĩ đó có lẽ nghe có vẻ kỳ lạ, bởi vì chúng ta đã bị quy định trong một thế giới mà ở đó điều ngược lại mới là đúng.

Nhưng một điều đã được nghiên cứu nhiều lần là sự thật về việc nhận thức đóng một vai trò rất quan trọng, đặc biệt là về tên gọi. Đồ trang điểm, màu sơn, kẹo hạt đậu, và thậm chí cả vải và quần áo hầu như luôn được ưa thích hơn khi chúng có một cái tên thu hút. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy màu sơn có những cái tên sáng tạo thường được mua nhiều hơn so với các loại được đặt tên thông thường. Trong một nghiên cứu khác, những viên kẹo hạt đậu có tên như “razzmatazz” được chọn thường xuyên hơn nhiều so với những loại có tên như “lemon”(chanh). Trong một nghiên cứu khác, mọi người được cho thấy hai thẻ có tên khác nhau nhưng có cùng màu sắc. Đại đa số mọi người cho biết họ thích thẻ có tên “mocha” hơn thẻ có chữ “brown”(nâu) (dù chúng gần như là một)

Muốn xuất hiện mạnh mẽ uy quyền? Hãy mặc màu đen

Khi nhắc đến những logo, màu đen không chỉ gợi lên cảm giác quyền lực mạnh mẽ. Các nghiên cứu khác nhau đã giúp ta nhận ra rằng cảm giác mạnh mẽ ấy cũng xuất hiện ở con người. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 52.000 trận khúc côn cầu chuyên nghiệp và thấy rằng các đội bị trọng tài phạt vì sự gây hấn nhiều hơn khi họ mặc áo đồng phục màu đen. Không có gì ngạc nhiên khi các luật sư hầu như luôn mặc màu đen, các thẩm phán mặc áo choàng đen, và hãng Coco Chanel đã phát minh ra “little black dress”(chiếc váy đen ôm sát) cho những người phụ nữ quyền lực.

Đàn ông và phụ nữ thấy màu đỏ khác nhau.
ART sign, red neon lights, reflection, large windows, urban, city photography, art school, art print, the word art

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona một cách đột phá đã khám phá ra khả năng nhìn thấy màu đỏ trong tất cả niềm vinh quang của nó thường phụ thuộc vào giới tính. Thực tế có một loại gen cho phép mọi người nhìn và phân biệt màu đỏ và màu đỏ thắm, màu hạt dẻ, màu đỏ thẫm, v.v., và gen đó được liên kết với nhiễm sắc thể x. Bởi vì phụ nữ có hai nhiễm sắc thể x, họ được trang bị khả năng nhìn toàn bộ phổ màu đỏ tốt hơn, trong khi nam giới, với nhiễm sắc thể x đơn của họ, không nhất thiết được trang bị để chú ý đến sự khác biệt giữa màu đỏ và màu đỏ thắm.

62-90% ấn tượng đầu tiên là do màu sắc.
DIY This Former Anthropologie Artist’s Insta-Famous Wall Art in 4 Steps

Khi mọi người gặp nhau lần đầu tiên, phần lớn những ấn tượng đầu tiên của họ được tạo thành từ sự nhận biết màu sắc. Các nghiên cứu cho thấy rằng những người luôn mặc màu trung tính hoặc màu đen tạo ra ít ấn tượng đầu tiên tích cực hơn, nhưng những người mặc màu sáng hơn có nhiều khả năng tạo các mối quan hệ thân thiết hơn. Cụ thể hơn, mặc màu đỏ (đối với nữ) hoặc xanh lam (đối với nam) trong buổi hẹn hò đầu tiên có thể dẫn đến những cảm xúc mạnh mẽ hơn và một buổi hẹn thứ hai đến sẽ là lẽ thường tình, trong khi những người mặc màu đen khi đi phỏng vấn xin việc lại có nhiều khả năng được tuyển hơn.

Xanh lam là màu yêu thích của thế giới.

Mặc dù có nhiều sự khác biệt về văn hóa và con người trên khắp thế giới, nhưng có ít nhất một điểm chung mà tất cả chúng ta đều có: màu xanh lam. Các nghiên cứu được thực hiện trên khắp thế giới tiết lộ rằng 40% số người xem màu xanh là màu yêu thích của họ. Vị trí thứ hai là màu tím, mặc dù chỉ nhận được 14% và vị trí cuối cùng là màu đen.

——————————–
Dịch: Thảo Mi
Biên tập: Phương
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn: https://www.onlinepsychologydegree.info/psychology-color/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan