11 cách để giao tiếp hiệu quả hơn

"Một người giao tiếp tốt xuất phát từ một người biết lắng nghe"

Để vun đắp một mối quan hệ vững chắc là vô cùng khó khăn, bởi những mâu thuẫn có thể nảy sinh và mọi người dường như không có đủ thời gian để giải quyết chúng. Tuy nhiên, sự nỗ lực duy trì một mối quan hệ sẽ mang lại vô vàn “phần thưởng đáng giá”. Điều quan trọng là hãy giữ liên lạc với những người xung quanh bạn, đồng thời đề cao sự tôn trọng, tình cảm và lòng trung thành. Trở thành một người giao tiếp tốt trong những mối quan hệ đóng vai trò rất lớn, bởi hết hết các mối quan hệ đều dựa trên sự chia sẻ, lòng tin và sự hợp tác. Khả năng giao tiếp tốt có thể giúp giải quyết những mâu thuẫn, trong khi đó khả năng giao tiếp kém khiến vấn đề trở nên căng thẳng và bế tắc hơn. Khoảng thời gian hai bên không tìm ra tiếng nói chung càng lâu, mọi thứ càng khó lòng được sửa chữa.


Nguồn: zoomly.co.uk


Là một khai vấn viên chuyên về sức khỏe, công việc của tôi là giúp khách hàng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, vì những kỹ năng này không chỉ giúp họ thành công hơn trong công việc mà còn trong cả cuộc sống. Bên cạnh đó, khả năng bày tỏ ý kiến và quan điểm của mình một cách hiệu quả có thể giúp bạn đạt được bất kỳ thứ gì mà bạn muốn. Bằng sự thẳng thắn và trao đổi một cách cởi mở, bạn sẽ có thể hòa hợp hơn với mọi người. Dưới đây là 11 cách để trở thành một người giao tiếp hiệu quả và đạt được nhiều thành công trong các mối quan hệ lâu dài, lành mạnh và kết nối với thế giới xung quanh. Nghệ thuật giao tiếp như vậy sẽ giúp nâng cao hiệu suất trong các hoạt động hàng ngày và giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.


1. Hãy lắng nghe người khác


Trong một cuộc phỏng vấn với Bustle, tiến sĩ Lisa Ashe (giám đốc Y tế tại BeWell Medical Group) đã giải thích kỹ năng giao tiếp tốt bắt đầu từ sự lắng nghe tích cực. Ashe nói rằng: "Một người giao tiếp tốt xuất phát từ một người biết lắng nghe". Đồng thời cô ấy còn để lại lời khuyên như sau: Trong một cuộc trò chuyện, bạn nên tạm ngưng dòng suy nghĩ và hướng sự chú ý của mình đến lời nói của đối phương, sau đó cần cân nhắc nên phản hồi lại như thế nào cho phù hợp.


2. Chân thành chính là yếu tố then chốt


Ashe giải thích: Thể hiện quan điểm của bạn, đồng thời kiên định với nó (trừ khi bạn thừa nhận mình đã làm sai hoặc cần thương lượng để đi đến một giải pháp phù hợp) minh chứng bạn là một người thành thật cả trong giao tiếp và suy nghĩ. Khi bạn chân thành, thông điệp mà bạn truyền tải sẽ dễ dàng chạm đến người nghe hơn. Ashe nói: “Sống thật với bản thân và tìm ra tiếng nói của chính mình sẽ mang lại một sức mạnh thần kì.”

Nguồn: Yourtango

3. Hiểu rõ nên bình tĩnh lúc nào


Những cuộc tranh cãi có thể trở nên căng thẳng. Nếu bạn giống tôi, bạn có thể sẽ đánh mất sự bình tĩnh; trút hết sự phẫn nộ và thất vọng được kìm nén bên trong. Tuy nhiên, việc hiểu khi nào bị lấn át và khi nào cần kiềm chế sẽ giúp bạn lấy lại sự bình tĩnh và ngăn đối phương khăng khăng bào chữa cho quan điểm của họ. Ashe giải thích rằng: “Trong những khoảnh khắc nóng nảy, hãy dừng lại lắng nghe tiếng nói nội tâm để có những hành xử phù hợp.”


4. Đừng chỉ để ý đến ngôn từ


“Gạch đá mới có thể làm mình tổn thương, chứ lời nói thì cũng còn tùy”, phải vậy không? Lời nói cũng chỉ là lời nói, và đôi khi chúng không hề đúng. Ashe giải thích rằng chúng ta nên nhìn xa hơn và quan sát cử chỉ, hành động cơ thể của đối phương để biết được cảm xúc thực sự của họ. Đồng thời cô ấy khuyên rằng: “Hãy quan sát ngôn ngữ cơ thể của người nghe để định hướng cuộc trò chuyện.”


5. Chú ý đến ngôn ngữ cơ thể của bạn


Theo Ashe thì để giao tiếp thành công, bên cạnh việc quan tâm tới ngôn ngữ cơ thể của đối phương, bạn cũng nên chú ý tới cử chỉ và lời nói của chính mình để đảm bảo chúng được thống nhất. Khi bạn không thành thực, mối quan hệ đó có thể gặp nhiều vấn đề trong tương lai. Ashe nói: “Hãy chuyên tâm chú ý tới ngôn ngữ cơ thể để đảm bảo rằng chúng khớp với những gì bạn nói.”


6. Khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn


Đôi khi mâu thuẫn sẽ trở nên vô cùng phức tạp, đặc biệt nếu nó liên quan đến những vấn đề lớn như con cái, hôn nhân, công việc hoặc những bước ngoặt trong cuộc sống, những thứ có thể ảnh hưởng đến người khác. Giao tiếp bằng ngôn từ đơn giản có thể giúp loại bỏ một số rào cản ngôn ngữ và cảm xúc, đồng thời giúp đẩy nhanh sự thấu hiểu và đi đến những giải pháp. Hãy sử dụng các từ ngữ cơ bản và đi từng bước một.


7. Thực hành chánh niệm


Lynne Goldberg (huấn luyện viên thiền và người đồng sáng lập OMG) cho biết: "Chánh niệm cho phép chúng ta cảm nhận mọi thứ bằng tất cả các giác quan của mình. Do đó, bạn không chỉ có thể lắng nghe những gì người khác nói mà còn có thể hiểu rõ ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu của họ. Điều này giúp chúng ta thực sự nhận thức được những gì mà đối phương đang cố gắng truyền đạt."


8. Hãy biết cảm thông với người khác


Goldberg gợi ý rằng: "Hãy biết thấu cảm và ngừng phán xét để bước ra khỏi định kiến và vỏ bọc của riêng bạn, từ đó nhận thức được những cảm xúc sâu bên trong và con người thực sự của đối phương”. Bằng cách chấp nhận tiếng nói của người kia, bạn sẽ có thể đi đến một giải pháp dễ dàng hơn, vì bạn hiểu rõ mục tiêu và mong muốn của họ. Suy nghĩ cho người khác khi nói chuyện cũng là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự hiệu quả trong giao tiếp.

Nguồn: iStock

9. Ngủ đủ giấc


Qua trao đổi email với Bustle, Rachel Wong (chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ tại OSO) cho biết thêm: "Giao tiếp tốt đòi hỏi một bộ não tỉnh táo có khả năng đồng cảm, gợi lại kí ức, đưa ra các đánh giá, đọc cảm xúc, suy nghĩ về hậu quả, kỳ vọng và mục tiêu trong tương lai.” Theo Wong, khi bạn thiếu ngủ, tất cả những phẩm chất này sẽ bị mất đi và bạn dễ bị phân tâm, không còn sáng tạo và kém khả năng tích hợp cũng như nhớ lại thông tin. Do đó, khả năng trò chuyện tốt và thu thập thông tin của chúng ta lúc ấy cực kỳ thấp.


10. Biết cách đặt câu hỏi


Để trở thành người giao tiếp tốt, điều quan trọng là phải hiểu rõ tất cả các thông tin để tránh trả lời một cách vội vàng trong khi không nắm đầy đủ chi tiết. Đặt câu hỏi khi giao tiếp với người khác là cách hiệu quả nhất nhằm thu thập tất cả những thông tin để thực sự hiểu những gì trong tâm trí của đối phương. Khi bạn được cung cấp câu trả lời, bạn có thể phản hồi lại một cách tốt nhất, đồng thời sẽ được đối phương coi là người hiểu biết về lĩnh vực đó.


11. Đừng đánh đồng


Sử dụng sự khái quát hóa, mù mờ về mặt thông tin hoặc sự chỉ trích khi tranh luận có thể làm tổn hại đến giao tiếp cũng như kéo dài sự căng thẳng. Bám sát chủ đề và tập trung vào một vấn đề duy nhất có thể giúp thúc đẩy mọi thứ trong cuộc thảo luận và tìm được cách giải quyết. Khi có quá nhiều thông tin hoặc sự chỉ trích trong cuộc đối thoại, cảm xúc có thể vượt khỏi tầm tay và rất khó để chúng ta xử lý.


Trở thành một người giao tiếp tuyệt vời là kỹ năng sống vô cùng quý giá và có thể làm nên điều kỳ diệu trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội, cá nhân, gia đình lẫn việc kinh doanh trong tương lai. Khi một thông điệp trực tiếp được đưa ra, sự bình tĩnh được cân bằng, quan điểm phù hợp, giọng nói và ý kiến ​​xác thực, giao tiếp sẽ trôi chảy hơn và diễn ra hiệu quả hơn.


--------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn bài viết:

<https://www.bustle.com/articles/186125-11-ways-to-become-a-better-communicator-in-any-type-of-relationship>



BẢN THẢO
Bài viết liên quan