11 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Là Nạn Nhân Bị Lạm Dụng Bởi Một Kẻ Ái Kỷ

Đặc điểm chính của rối loạn nhân cách ái kỷ là những xu hướng ảo tưởng qua suy nghĩ hay qua hành động, sự cần thiết được người khác ngưỡng mộ và không có khả năng thấu cảm với người …

Đặc điểm chính của rối loạn nhân cách ái kỷ là những xu hướng ảo tưởng qua suy nghĩ hay qua hành động, sự cần thiết được người khác ngưỡng mộ và không có khả năng thấu cảm với người khác. Những người này thường phóng đại tầm quan trọng của họ đối với người khác. Họ tin rằng họ có những kỹ năng đặc biệt, có một không hai mà chỉ có những người có vị trí cao trong xã hội mới hiểu được. Bản thân họ chỉ quan tâm và chú ý đến khả năng và những gì họ đạt được. Bởi vì họ coi họ là quan trọng, là độc nhất, cho nên họ không thể nào thông cảm và thấu hiểu được cảm xúc của người khác, và thường được coi là những người kiêu căng, ngạo mạn. Họ lợi dụng sự thành công của người khác để làm bàn đạp cho mình.

Hãy tưởng tượng thế này: toàn bộ cuộc sống của bạn bị bẻ cong và bóp méo. Bạn bị xâm phạm, thao túng, lừa dối, chế giễu không chút thương tiếc, bạn bị buộc phải cúi đầu và bị ép phải tin rằng tất cả chỉ là do bạn tưởng tượng ra. Người mà bạn ngỡ là bạn thấu hiểu và cả cuộc sống mà cả hai cùng nhau xây dựng bỗng chốc vỡ tan tành.

Ý thức cá nhân của bạn bị bào mòn và dần giảm sút. Kẻ đấy cố nhét bạn vào một khuôn mẫu, rồi lại phủi sạch mọi giá trị của bạn và đẩy bạn rơi ra khỏi bờ vực. Thậm chí có khi bạn đã từng bị thay thế và vứt bỏ nhiều lần, để rồi lại cắn câu và đâm đầu lại vào một kẻ chỉ biết điên cuồng lạm dụng bạn, lần sau còn đau đớn hơn lần đầu. Bạn thậm chí không ngừng bị rình rập, quấy rối và bắt nạt, chỉ để kẻ lạm dụng bạn an tâm là bạn không dám bỏ đi.

Điều bọn mình đang vẽ ra cho bạn thấy không phải là hậu quả của một cuộc chia tay bình thường, không phải là những điều thường xảy ra trong một mối quan hệ. Đây là những bước được sắp xếp sẵn, cho một kế hoạch “giết người” ngấm ngầm và đầy xảo quyệt đối với tâm lý và ý thức an toàn của bạn.  Hậu quả để lại có thể không phải là những vết sẹo ở ngoài da, nhưng là sẹo trong tâm hồn, những kí ức vụn vỡ và vết thương giằng xé nội tâm.

25+ Satirical Illustrations By The Realist That Will Make You Think

Tất cả chính là dấu hiệu của sự lạm dụng đến từ những kẻ ái kỷ. Bạo lực tâm lý đến từ những người này bao gồm bạo lực về cả cảm xúc và lời nói, truyền cho bạn những nguồn năng lực tiêu cực, ném đá, phá hoại và bôi nhọ, gián tiếp thao túng và cưỡng chế bạn bằng những hình thức khác nhau. Những kẻ ái kỷ này thiếu sự đồng cảm, họ chỉ đặt nặng quyền lợi của bản thân, yêu bản thân quá mức và muốn lạm dụng người khác để phục vụ cho quyền lợi chính họ.

Hậu quả để lại sau khi bị lạm dụng quá lâu, nạn nhân có thể phải vật lộn với những triệu chứng của rối loạn căng thẳng sau chấn thương; hội chứng căng thẳng hậu sang chấn phức tạp nếu còn bị lạm dụng thêm bởi những phụ huynh bị bệnh ái kỷ; hay còn có thể trở thành nạn nhân của “Hội chứng bị lạm dụng bởi người ái kỷ”.

Hậu quả của nó để lại, là trầm cảm, là lo âu, rối loạn tăng cảnh giác, cảm giác tự nhục nhã, những cảm xúc gây hồi tưởng về sự cố lạm dụng trước đây kèm theo cảm giác bất lực và vô dụng.

Khi chúng ta đang trong vòng vây của những kẻ lạm dụng, thật khó để xác định chúng ta có đang bị lạm dụng hay không, bởi những kẻ này rất giỏi trong việc trở mặt và khéo léo đưa tình huống trước mắt trở thành có lợi cho họ, giả vờ như đấy là một loại tình yêu quá mãnh liệt và khiến ta ngỡ như ta mới chính là người đang gây đau khổ cho họ.
Nếu bạn nhận thấy mình rơi vào mười một trường hợp dưới đây và bạn đang hoặc đã từng trải qua một mối quan hệ đầy tệ hại với kẻ đã lừa dối và không tôn trọng bạn, vậy thì có lẽ bạn đã bị khủng bố bởi một gã chuyên “săn” tình cảm:

1. Bạn cảm nhận sự phân ly như một cơ chế để sinh tồn.

Bạn cảm thấy vô cảm, cảm thấy bản thân bị tách rời khỏi môi trường sống; trí nhớ, nhận thức và ý thức về bản thân bị gián đoạn, tách thành nhiều mảng. Như tiến sĩ Van der Kolk (2015) đã viết trong cuốn Con Đường Kết Nối Giữa Tâm Hồn Và Cơ Thể: “Sự phân ly này là bản chất của chấn thương trong tâm lý. Những trải nghiệm cảm xúc quá nặng nề bị chia cắt ra thành từng mảnh, để cảm xúc, âm thanh, hình ảnh, suy nghĩ và những giác quan bị tách rời ra và mỗi thứ trôi theo một ngã riêng”

Illustration by Sébastien Thibault, for the cover of the Louis Blanchette's book titled Missing in the Sea. This book attempts to shed light on the silence around ...

Sự phân ly này dẫn đến việc bị tê liệt cảm xúc khi phải đối mặt với những hoàn cảnh khủng khiếp. Những hoạt động  khiến tâm trí tê liệt, sự ám ảnh, các chất gây nghiện và tự đàn áp bản thân trở thành những kẻ thân cận, vì chúng cho bạn một lối thoát khỏi thực tại. Bộ não của bạn sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn những cảm xúc đau đớn, để bạn không phải đối mặt với những hoàn cảnh khủng khiếp.

Những phần đau đớn trong nội tâm của bạn bị đánh thức, chúng được giấu nhẹm đi bằng cách phân ly ra khỏi phần ý thức tỉnh táo mà bạn dùng để đối mặt với những người xung quanh và với kẻ lạm dụng. Những mảng cảm xúc đau đớn này có thể là những ký ức tuổi thơ không mấy tốt đẹp, cảm xúc giận dữ và ghê tởm mà bạn thực sự cảm thấy khi đối mặt với kẻ đã lạm dụng bạn, hoặc những cảm xúc trong thâm tâm mà bạn không thể biểu lộ trước mặt họ.

Chuyên gia trị liệu Rev. Sheri Heller (2015) đã nói “Việc tích hợp và kết nối các phần cảm xúc đã bị phân ly của một người lại với nhau chủ yếu phụ thuộc vào cách xây dựng một câu chuyện mang tính liên kết để đồng hóa những cảm xúc, nhận thức và cảm giác.” Phương pháp tích hợp này có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất dưới sự giúp đỡ của một chuyên gia trị liệu có chuyên môn.

2. Bạn tạo dựng một vỏ bọc an toàn.

Một triệu chứng thường thấy là tránh né những thứ gợi nhắc lại vết thương – những nhân vật, địa điểm hoặc những hoạt động có thể đe dọa đến bạn. Bất kể đấy là bạn bè, người thân, đồng đội, đồng nghiệp hay cấp trên, bản thân bạn đều sẽ thường cẩn trọng xem xét lời nói của mình khi ở xung quanh họ, cứ thấp thỏm sợ sẽ phải hứng chịu sự tức giận, trừng phạt và ghen ghét từ họ.

Tuy nhiên, bạn rồi sẽ nhận ra cách này không hiệu quả, những cảm xúc của bạn vẫn sẽ là đối tượng để kẻ lạm dụng lôi ra làm bao cát, bất cứ khi nào kẻ ấy muốn. Bạn không thể ngừng lo lắng về việc nếu lỡ mình chọc giận kẻ ấy, bắt đầu tránh né việc đối mặt với nhau bằng mọi cách và cố xây nên một bức tường phòng vệ. Khi tiếp xúc với người ở ngoài mối quan hệ lạm dụng kia, tần suất của việc bạn cố gắng làm vừa lòng họ tăng lên; bạn mất quyền tự chủ hay quyết đoán trong cuộc sống, đặc biệt là trước những người trông giống hoặc là người thân cận hoặc liên quan tới kẻ lạm dụng và những hành vi lạm dụng.

3. Bạn gác lại mọi nhu cầu cơ bản của bạn thân, hi sinh tình cảm hay thậm chí là sự an toàn thể xác của mình chỉ để làm hài lòng kẻ lạm dụng mình.

Trước đây, bạn là người tràn trề sức sống, có mục tiêu riêng, có ước mơ. Còn bây giờ, bạn cảm thấy cuộc sống của bạn chỉ là để phục vụ cho nhu cầu của người khác. Trước đây, kẻ ái kỷ đã lạm dụng bạn xem bạn như trung tâm của cuộc sống, nhưng giờ đây, chính cuộc đời của bạn lại bị đem ra dùng để tôn thờ kẻ đấy.

Bạn đã phải gác lại những mục tiêu, sở thích, bạn bè và sự an toàn của bản thân về phía sau, chỉ để kẻ đấy cảm thấy hài lòng trong mối quan hệ của cả hai. Nhưng rồi bạn sẽ sớm nhận ra rằng dù bạn có cố làm gì đi chăng nữa, thì cũng không thể thỏa mãn được kẻ đấy.

4. Bạn vật lộn giữa những vấn đề sức khỏe và sự rối loạn dạng cơ thể, cho thấy tâm lý của bạn đang rơi vào tình trạng rối loạn.

Hoarders  Emiliano Ponzi.     So sad...

Bạn tăng hoặc giảm cân nhanh đến chóng mặt, mắc phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà trước đây chưa từng xảy ra và bắt đầu thấy những dấu hiệu của việc lão hóa sớm. Áp lực đến từ việc bị lạm dụng trong thời gian dài khiến lượng hooc môn cortisol – hooc môn dùng để chống stress –  tăng quá mức, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống miễn dịch của bạn, làm tăng khả năng mắc các bệnh về thể chất và những căn bệnh khác (Bergland, 2013). Bạn trở nên khó ngủ, hay gặp ác mộng, những cơn chấn thương lại bị gợi về thông qua những hồi tưởng của cảm giác và thị giác, kéo tâm trí bạn về lại với nỗi đau đớn ban đầu. (Walker, 2013).

5. Bạn cảm thấy không thể tin tưởng được ai nữa.

Bạn cảm thấy ai cũng trở thành mối đe dọa, bạn lo sợ trước bất kỳ ý định nào của người khác, đặc biệt là của những kẻ bạn đã từng tin lầm. Sự thận trọng bình thường dần trở thành chứng bệnh tăng cảnh giác. Một khi những kẻ ái kỷ lạm dụng bạn đã cố khiến bạn tin rằng mọi sự đau đớn mà bạn trải nghiệm này đều là ảo giác, thì bạn khó mà có thể tin tưởng ai được nữa, kể cả bản thân mình.

6. Bạn nghĩ đến chuyện tự sát và tự hủy hoại bản thân.

Đi cùng với trầm cảm và lo âu là cảm giác tuyệt vọng dần tăng lên. Bạn không thể chịu đựng thực tại được nữa, bạn cũng không thể trốn thoát được nó mặc dù rất muốn. Bạn dần cảm thấy bất lực và không còn thiết sống nữa, thậm chí dùng việc hủy hoại bản thân như một cách để chống đỡ nỗi đau này. Như tiến sĩ McKeon (2014) – Bộ trưởng Bộ phòng chống tự sát tại SAMHA (Cơ quan Quản lý Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng Ma túy) đã nói, nạn nhân của nạn bạo lực trong tình yêu có khuynh hướng tự sát cao gấp nhiều lần người khác. Đây là cách mà những kẻ lạm dụng kia giết người mà không để lại chút dấu vết.

7. Bạn tự cô lập bản thân.

Nhiều kẻ lạm dụng cô lập các nạn nhân, nhưng chính các nạn nhân cũng tự cô lập mình bởi cảm giác xấu hổ vì đã bị lạm dụng. Bởi xã hội vẫn còn những quan niệm sai lầm về bạo lực tinh thần, tâm lý và xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, thế nên nạn nhân thậm chí còn có thể bị tấn công bởi các cơ quan thực thi pháp luật, gia đình, bạn bè và những người đứng về phía kẻ ái kỷ, người có khả năng lấp liếm hành vi lạm dụng của mình. Nạn nhân luôn sợ rằng sẽ không một ai hiểu và tin lời họ nói, vậy nên thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ, họ quyết định tự sát, bỏ cuộc như một cách để tránh né những phán xét và  sự trả đũa đến từ kẻ lạm dụng họ.

8. Bạn so sánh mình với những người khác, tự trách bản thân vì đã bị lạm dụng.

Một kẻ ái kỷ lạm dụng người khác luôn rất giỏi trong việc lợi dụng tình yêu như một nhân tố gián tiếp hoặc kéo một kẻ thứ ba vào mối quan hệ để khủng bố nạn nhân. Hậu quả là nạn nhân sẽ nội tâm hóa nỗi sợ, rằng chính họ là kẻ không đủ tốt, và rồi họ cố gắng cạnh tranh để có thể trở nên xứng đáng với sự chú ý và chấp thuận từ kẻ lạm dụng.

Nạn nhân cũng sẽ so sánh bản thân với những người đang trong những mối quan hệ hạnh phúc và lành mạnh khác, tự hỏi vì sao kẻ lạm dụng kia lại tôn trọng những người lạ mặt kia hơn cả họ? Chuyện này đã khiến họ rơi vào một cái bẫy băn khoăn, “vì sao lại là mình?” và mắc kẹt trong vực thẳm mang tên “tự trách”. Trong khi sự thật thì những kẻ lạm dụng kia mới là đáng trách – không một ai đáng phải chịu đựng bị lạm dụng cả.

9. Bạn tự hủy hoại bản thân.

Nạn nhân thường bị ám ảnh bởi kẻ lạm dụng và thường nghe thấy giọng nói của kẻ ấy văng vẳng trong đầu, khuếch đại những suy nghĩ tiêu cực lên và có khuynh hướng tự hủy hoại bản thân. Những kẻ ái kỷ độc ác đã “lập trình” cho nạn nhân tự hủy hoại bản thân, thậm chí đôi lúc còn đẩy họ đến con đường tự sát.

Do cách mà những kẻ ái kỷ đã phản bác và ngụy biện, sự lạm dụng bằng lời nói và sự gắt gao mà nạn nhân phải chịu đựng, họ dần có xu hướng tự trừng phạt bản thân, bởi họ giờ đây đang mang trong mình quá nhiều sự nhục nhã. Họ hủy hoại những mục tiêu, ước mơ và cả chuyện học tập của mình. Những kẻ lạm dụng đã chuốc say họ bằng cảm giác vô dụng, khiến họ tin rằng mình không xứng đáng với những thứ tốt đẹp của cuộc sống.

10. Bạn không dám làm điều mình thích và không dám giành lấy thành công.

Có nhiều kẻ bệnh hoạn rất ghen tị với nạn nhân của mình, vậy nên chúng trừng phạt họ vì tội “thành công”. Điều này khiến nạn nhân nhìn nhận những sở thích, tài năng và sự thành công của mình bằng ánh mắt tàn nhẫn. Nạn nhân sợ hãi trước những cơ hội thành công, bởi họ biết thành công của họ, đi kèm với trả thù và khiển trách.

Nạn nhân dần rơi vào trầm cảm, lo âu, thiếu tự tin và co mình trốn tránh ánh hào quang, cứ thế để cho kẻ lạm dụng hết lần này đến lần khác đánh cắp cơ hội của bản thân. Kẻ lạm dụng sẽ không bao giờ bỏ qua cơ hội đó, bởi chúng luôn nghĩ bạn kém cỏi hơn; bởi những cơ hội đấy chính là thứ đe dọa quyền kiểm soát của chúng đối với nạn nhân.

11. Bạn khăng khăng bảo vệ kẻ lạm dụng mình, thậm chí còn quay sang nghi ngờ bản thân.

Hợp lý hóa, giảm tránh sự lạm dụng là cơ chế sống sót thường được nạn nhân sử dụng trong một mối quan hệ bị lạm dụng. Để tự “thôi miên” bản thân rằng người đang nói yêu mình không hề có ý ngược đãi mình, nạn nhân tự thuyết phục bản thân rằng kẻ lạm dụng thực chất không phải là kẻ xấu, hoặc là do chính họ đã làm gì đó sai nên mới bị lạm dụng.

Bạn cần phải hóa giải sự “thôi miên” này, bằng cách nhìn nhận rõ tính cách của kẻ ái kỷ và những cách mà kẻ ấy dùng để lạm dụng bạn. Có như thế thì bạn mới có thể lấy lại được ý thức về thực tại của mình và về bản chất sai trái của kẻ ái kỷ kia, rằng sự lạm dụng mới là bộ mặt thật, và đấy không phải là một bộ mặt đẹp đẽ gì.

Ghi nhớ rằng thường có một mối liên kết chấn thương rất mãnh liệt giữa nạn nhân và kẻ lạm dụng, bởi nạn nhân được “huấn luyện” để dựa dẫm vào kẻ lạm dụng mà sống (Carnes, 2015). Nạn nhân có thể sẽ đứng ra bảo vệ kẻ lạm dụng mình khỏi lưới pháp luật, vẽ ra một hình ảnh hạnh phúc giữa hai người trên mạng xã hội hoặc cố bù đắp quá mức bằng cách đồng cảm với kẻ lạm dụng.

Original Love Painting by Valentini Mavrodoglou | Figurative Art on Paper | lovers

Mình đã từng là nạn nhân của sự lạm dụng đến từ một kẻ ái kỷ.
Giờ thì nhìn mình xem?

Nếu bạn hiện đang bị lạm dụng trong mối quan hệ của chính mình, hãy nhớ rằng bạn không cô độc, thậm chí khi bạn cảm thấy cô độc. Có hàng triệu người trên thế giới đã từng ở vị trí của bạn, có những trải nghiệm như bạn và đã thoát khỏi nó. Hình thức tra tấn tâm lý này không phân biệt giới tính, tôn giáo, tầng lớp xã hội hay vùng miền đối với nạn nhân của nó. Bước đầu tiên là phải nhận thức được tình trạng của bản thân và công nhận nó – ngay cả khi kẻ lạm dụng bạn đang cố khiến bạn tin vào những lý do khác.

Nếu bạn có thể, hãy viết lại những gì bạn đã phải chịu đựng để dần nhận thức được thực trạng của sự lạm dụng. Hãy chia sẻ với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần đáng tin cậy, những người phản đối nạn bạo lực gia đình, gia đình và bạn bè của bạn hoặc những người từng cùng cảnh ngộ.  Bắt đầu chữa trị cho bản thân qua những phương pháp thiền định chánh niệm và yoga trị liệu, hai phương pháp này đều hướng tới cùng một đối tượng là một phần của não thường xuyên chịu tổn thương ( Van der Kolk, 2015).

Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn đang vật lộn với những triệu chứng, đặc biệt là với ý nghĩ tự sát. Tham khảo ý kiến từ những cố vấn có chuyên môn, những người có thể hiểu và hướng dẫn cho bạn trong quá trình chữa lành tổn thương. Hãy lên kế hoạch bảo vệ cho bản thân nếu bạn nghi ngại về việc bị bạo hành.

Chuyện thoát ra khỏi mối quan hệ lạm dụng không hề dễ dàng, bởi ảnh hưởng từ chấn thương và cảm giác tuyệt vọng, bất lực sau mỗi lần bị lạm dụng và bởi cái mối liên kết chấn thương mãnh liệu kia có thể ngày một phát triển hơn. Tuy nhiên trên thực tế, bạn nên hiểu rằng mình có thể thoát ra và bắt đầu cuộc sống mới mà không hề gặp lại, hoặc hạn chế gặp gỡ trong trường hợp người lạm dụng bạn là cha mẹ của bạn. Mình biết phục hồi từ việc bị lạm dụng là một thử thách khó, nhưng cũng đáng để cố gắng, vì tự do và vì những mảnh ghép cần được gắn liền trở lại.

————————————
Dịch: Anne
Biên tập: Ngọc
Nguồn: https://blogs.psychcentral.com
Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan