13 Dấu Hiệu Bạn Đang Phải Vật Lộn Với Chứng Tê Liệt Cảm Xúc (Một Căn Bệnh Bí Mật)

Tại một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều nghe qua những từ này: “Ráng vượt qua nó đi” “Hãy là một người đàn ông!” “Đừng là đứa trẻ hay khóc nhè,” “Quên nó đi”, “Đừng quá nhạy …

Tại một thời điểm nào đó, tất cả chúng ta đều nghe qua những từ này:

“Ráng vượt qua nó đi” “Hãy là một người đàn ông!” “Đừng là đứa trẻ hay khóc nhè,” “Quên nó đi”, “Đừng quá nhạy cảm nữa”, “Hãy dũng cảm hơn!”

Mặc dù những lời này không có ý gây hại lâu dài cho chúng ta, chúng lại chỉ ra một sự thật bi thảm, không thể phủ nhận trong xã hội rằng việc bộc lộ cảm xúc là dấu hiệu của sự yếu đuối, hơn là sức mạnh.

Nếu bạn được sinh ra trong một nền văn hóa kìm nén cảm xúc và coi trọng lý tưởng “nam tính” về sự hiệu quả và tính logic, có khả năng bạn đang phải vật lộn với một số mức độ tê liệt về cảm xúc.

Nếu bạn sinh ra trong một gia đình kì thị bất kỳ hình thức thể hiện cảm xúc mạnh mẽ nào thì bạn càng bị tê liệt cảm xúc.

Nếu bạn từng trải qua một sự kiện đau thương trong cuộc sống mà bạn không tài nào xử lý được (mà bạn vẫn chưa hồi phục hẳn), tôi có thể đảm bảo rằng bạn đang bị tê liệt cảm xúc.

Vậy tê liệt cảm xúc có tác động đến hầu hết các phần trong cuộc sống của chúng ta như thế nào? Và tôi có thể chia sẻ lời khuyên nào với bạn sau khi trải qua quá trình đấu tranh với vấn đề này? Hãy tiếp tục đọc và bạn sẽ tìm ra.

Tê liệt cảm xúc là gì?


Tê liệt cảm xúc là một cách tâm trí sử dụng cơ chế bảo vệ để tránh những cảm xúc mãnh liệt và choáng ngợp như sợ hãi, hận thù, ghen tị và đau buồn. Khi bạn cảm thấy tê liệt, bạn sẽ mất khả năng cảm nhận và trải nghiệm cảm xúc của mình ở cấp độ tâm lý và cảm xúc. Theo nghĩa này, cảm xúc tê liệt thường có mối liên hệ lâm sàng với sự phân ly, là sự mất kết nối khỏi ký ức, danh tính, môi trường, cơ thể hoặc giác quan của một người.

Điều gì gây ra tê liệt cảm xúc?

Như với hầu hết các vấn đề, cảm xúc tê liệt bắt đầu từ thời thơ ấu và cách chúng ta được nuôi dưỡng. Bị cha mẹ bạo hành về thể chất, tình cảm, tình dục, tâm lý hoặc tinh thần có thể khiến chúng ta không thể tự điều chỉnh cảm xúc và dẫn đến tê liệt cảm xúc. Cảm thấy xa lánh hoặc xa cách với một hoặc cả hai cha mẹ của chúng ta, hoặc gia đình nói chung, cũng có thể góp phần làm nên tê liệt cảm xúc. Bị trừng phạt dù trực tiếp hay gián tiếp vì bộc lộ cảm xúc thời thơ ấu cũng tạo ra cảm xúc tê liệt.

Cảm xúc tê liệt có thể được hình thành sau một trải nghiệm đau thương cực kỳ nghiêm trọng, chẳng hạn như chứng kiến hành vi bạo lực, bị hành hung, bị cưỡng hiếp, mất mát dữ dội hoặc bất cứ điều gì mà chúng ta không có khả năng xử lý về mặt tâm lý và tình cảm trong thời điểm này. Vì lý do đó, cảm xúc tê liệt thường là triệu chứng của Rối Loạn Căng Thẳng Sau Chấn Thương và các rối loạn lo âu khác nhau.

Cảm xúc tê liệt cũng bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa của chúng ta và bởi các vòng tròn xã hội, đặc biệt là những nơi chú trọng vào chủ nghĩa khắc kỷ, lý trí và bất khả xâm phạm về cảm xúc (ví dụ: Anh, Trung Quốc, Mỹ, Nga).

Nguy hiểm đi kèm với sự tê liệt cảm xúc

Nếu bạn có chút lăn tăn rằng mình đang bị tê liệt về cảm xúc thì đã đến lúc lắng nghe rồi đó. Tê liệt cảm xúc không phải là một khuyết điểm nhỏ trong tính cách hoặc một lĩnh vực nhỏ cần được cải thiện mà nó là một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết ngay lập tức.

Nói từ kinh nghiệm, tê liệt cảm xúc đã hình thành nên nguyên nhân của rất nhiều vấn đề tôi phải đối mặt (và vẫn tiếp tục đối mặt) trong cuộc sống. Vì lớn lên trong một gia đình tôn giáo nghiêm ngặt, thiếu hụt về mặt tình cảm mà tôi cảm thấy bị xa cách trong phần lớn cuộc đời. Tôi chưa bao giờ được học cách xử lý những cảm xúc mạnh mẽ. Tôi bị trừng phạt bằng lời nói, tình cảm hoặc thể chất bất cứ khi nào tôi bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ. Bất kỳ suy nghĩ tự do hoặc hình thức bất đồng quan điểm nào cũng bị từ chối và tôi bị tẩy chay.

Khi bạn có một người cha Anh và một người mẹ bị tổn thương bởi chính người mẹ không ổn định về cảm xúc của bà ấy, trong một khung cảnh bị tôn giáo chính thống áp bức, bạn sẽ trở thành một người khắc kỷ và cho là “ổn định”, người được dạy rằng bộc lộ cảm xúc không chỉ xấu mà còn đáng xấu hổ.


Như bạn có thể thấy, có rất nhiều yếu tố góp phần khiến bạn không thể điều chỉnh cảm xúc mãnh liệt. Do đó, bạn phải dùng đến việc làm tê liệt chúng trong vô thức. Trong trường hợp của tôi, tôi học được rằng cảm xúc mạnh = sự trừng phạt dưới hình thức này hay hình thức khác. Vì vậy tôi biết rằng trải nghiệm cảm xúc là vô cùng nguy hiểm. 

Nguy cơ của việc ngắt kết nối với cảm xúc của bạn là nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về tinh thần, cảm xúc, thể chất và tâm linh. Những vấn đề có thể bao gồm rối loạn chức năng cơ chế đối phó (ám ảnh cưỡng chế), trầm cảm nhẹ đến nặng, trống rỗng về mặt tinh thần, không thể tận hưởng cuộc sống, không có khả năng hình thành các mối quan hệ gần gũi và viên mãn, mất kết nối với nội tâm, nhầm lẫn, cáu kỉnh, mệt mỏi, nghiện ngập, các bệnh mãn tính và bệnh về cơ thể (do đầu óc sinh ra).

Trong những trường hợp cực đoan (và tôi đang nói về những tình huống mà tiếp xúc cảm xúc gần như bằng 0), cảm xúc tê liệt có thể dẫn đến những hành động tàn ác.

Tại sao nó được gọi là “căn bệnh bí mật”?

Tôi gọi chứng tê liệt cảm xúc là căn bệnh bí mật bởi vì nó có sức lan tỏa trong xã hội của chúng ta, và được xã hội chấp nhận đến mức không thể đơn thuần nhận ra. Trong một xã hội mà phần lớn con người không biết cách xử lý những cảm xúc mạnh mẽ theo cách lành mạnh thì sự nghiêm khắc và “bình tĩnh” được coi trọng. Tuy nhiên chính vẻ ngoài bình tĩnh và ổn thoả này thường che giấu sự phân ly không lành mạnh khỏi cảm xúc của một người. Do đó, tê liệt cảm xúc là một căn bệnh bí mật bởi vì rất nhiều người trong chúng ta đang phải vật lộn với nó. Thậm chí chúng ta không nhận ra rằng chính bản thân mắc chứng bệnh này cho đến khi các vấn đề mãn tính bắt đầu xuất hiện.

13 dấu hiệu cho thấy bạn đang đấu tranh với cảm xúc tê liệt: 

Tách rời cảm xúc không phải lúc nào cũng là điều xấu. Nó rất hữu ích khi bạn cần duy trì ranh giới, tránh tình trạng quá tải năng lượng không mong muốn từ người khác và thậm chí giúp đỡ người khác trong tình huống khủng hoảng. Nhưng sự tách rời cảm xúc lâu ngày sẽ biến thành tê liệt cảm xúc khi nó trở thành một cơ chế bảo vệ tự động.

“Cảm xúc mạnh mẽ thì có gì tuyệt vời?” Câu trả lời là nếu không kết nối được cảm xúc của mình, chúng ta không có khả năng sống và học hỏi từ chúng hoặc trải nghiệm vẻ đẹp và chiều sâu của cuộc sống.

Dưới đây là một số dấu hiệu quan trọng của tê liệt cảm xúc mà bạn nên để ý:


  1. Không có khả năng thể hiện cảm xúc tiêu cực hoặc tích cực mạnh mẽ
  2. Không có khả năng “tham gia” vào cuộc sống (tức là bạn có cảm giác như một người quan sát thụ động)
  3. Cảm thấy rằng cuộc sống như một giấc mơ (một cảm giác không thực tế)
  4. Sống một cách tự động hoá
  5. Thiếu quan tâm đến các hoạt động mà người khác thấy thú vị
  6. Cảm thấy xa cách với người khác
  7. Có xu hướng tránh xa bạn bè và các thành viên trong gia đình
  8. Cảm xúc chỉ được cảm nhận trong cơ thể dưới dạng cảm giác, nhưng không được cảm nhận bằng tâm trí (hoặc bị tắt hoàn toàn trong cơ thể và chỉ hiển thị như một loại bệnh tật)
  9. Không thích khi người khác bộc lộ cảm xúc mạnh (cả tích cực và tiêu cực)
  10. Không cảm thấy bất cứ điều gì trong những tình huống thường tạo ra cảm xúc mạnh mẽ
  11. Cảm thấy hoảng sợ hoặc kinh hoàng khi có cảm xúc mạnh
  12. Cảm thấy trống rỗng bên trong
  13. Sự tê liệt về thể chất và cảm xúc hoặc “phẳng lặng”.

Trong những trường hợp khắc nghiệt (chẳng hạn như ở những người bị PTSD), cảm xúc tê liệt thậm chí có thể dẫn đến mong muốn tự tử. Nếu bạn đang có ý định tự tử, vui lòng tìm kiếm sự hỗ trợ ngay lập tức (nhấp vào đây để tìm đường dây nóng về tự tử ở quốc gia bạn).

Làm thế nào để vượt qua cảm xúc tê liệt? 

Giống như bất kỳ cơ chế bảo vệ tâm lý nào, tê liệt cảm xúc có thể phức tạp để đối phó và thường cần sự hỗ trợ của một chuyên gia được đào tạo như một nhà tâm lý trị liệu.

Nếu bạn cảm thấy cảm giác tê liệt đang ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của mình, hãy yêu thương bản thân và tìm kiếm sự hỗ trợ tại địa phương hoặc trực tuyến (thậm chí có các dịch vụ tư vấn miễn phí trực tuyến như 7cups).

Vào lúc này, đây là một số thực hành hữu ích mà cá nhân tôi đã tìm thấy để tăng khả năng cảm nhận, đối phó và thể hiện cảm xúc mạnh mẽ:

1. Cố định bản thân vào cơ thể của bạn

Như đã đề cập ở trên, sự tê liệt cảm xúc có liên quan đến sự phân ly (khi tinh thần ngắt kết nối khỏi một phần của bản thân). Trong trường hợp của tôi, bất cứ khi nào tôi trải qua những cảm xúc mạnh mẽ, phản ứng tự động của tôi là (a) chỉ cảm nhận những cảm xúc trong cơ thể chứ không phải tâm trí, hoặc (b) là hoàn toàn suy sụp. Trong cả hai trường hợp, một trong những cơ chế tự xoa dịu bản thân tốt nhất tôi có thể thực hiện là đặt bản thân trong trạng thái thiền định và tiếp xúc cơ thể. Tương tự như những gì người mẹ làm với con mình, tôi ôm chặt nhưng nhẹ nhàng một vùng trên cơ thể tôi, thường là tay hoặc bụng. Phương pháp này giúp tôi cảm thấy được kiềm chế và hiện diện trong cơ thể.


Tôi cũng khuyên bạn nên sử dụng áo định hình hoặc áo vest để giúp bạn trong những giai đoạn cực kỳ hỗn loạn về cảm xúc để cố định bản thân vào cơ thể. Quần áo định hình được phụ nữ và nam giới sử dụng để giữ cho vùng eo và các bộ phận cơ thể khác được thon thả. Đối với chúng tôi, áo định hình giống như một cái ôm vào cơ thể sẽ giúp bạn cảm thấy an toàn và ‘được gắn kết.’ Áo vest áp lực đắt hơn một chút và chúng được những người bị rối loạn tích hợp cảm giác (chẳng hạn như chứng tự kỷ) sử dụng để thư giãn.

2. Thở sâu

Dù sử dụng một mình hay kết hợp với kỹ thuật đã đề cập ở trên, hít thở sâu là một cách đơn giản và dễ dàng để giúp bạn vượt qua bất cứ điều gì. Thực hành này đặc biệt hữu ích khi cảm xúc dữ dội như sợ hãi hoặc thịnh nộ bùng phát. Có rất nhiều cuốn sách nói về tầm quan trọng của việc hít thở sâu và có rất nhiều hướng dẫn trực tuyến về các kỹ thuật thở. Tôi khuyên bạn nên làm theo một thứ gì đó đơn giản, không cần phải suy nghĩ quá nhiều và không cảm thấy bị ép buộc. Mục đích của việc hít thở sâu không phải là tuân theo kỹ thuật của người khác một cách hoàn hảo, mà là sử dụng hơi thở của bạn (theo bất kỳ cách nào phù hợp với bạn) để làm dịu tâm trí và cơ thể. Ngoài ra, tôi khuyên bạn nên thở chậm, sâu và nhẹ nhàng thay vì ép thở sâu (có thể làm tăng lo lắng). Hãy để hơi thở của bạn được vận hành một cách tự nhiên. 

3. Viết nhật ký về những suy nghĩ buồn bã

Tôi nhận thấy gợi ý này nghe có vẻ hơi buồn, nhưng đó là một cách thực hành xứng đáng với thời gian và nỗ lực của bạn, đặc biệt nếu bạn muốn cảm nhận và thể hiện cảm xúc của mình. Viết nhật ký cũng là một hình thức hiệu quả của công việc bóng tối (một cách để thể hiện những gì bạn kìm nén quá lâu).

Trong nhật ký, hãy dành 5 – 10 phút mỗi ngày để viết ra điều gì đó khiến bạn cảm thấy buồn dù là nhỏ nhất. Ví dụ: bạn có thể viết ra ký ức về con chó của bạn đã chết, một vấn đề trên thế giới, điều gì đó ai đó đã nói với bạn, một cảnh trong phim, một cuộc đấu tranh hàng ngày… hoặc hầu như bất cứ điều gì khiến bạn buồn (hoặc những gì bạn nghĩ sẽ gây khó chịu).

Tạo nhật ký suy nghĩ buồn có hai lợi ích chính. Một, nó giúp bạn thể hiện cảm xúc của mình, ngay cả khi theo cách gián tiếp. Và thứ hai, nó hoạt động như một chất xúc tác cho cảm xúc và bộc lộ cảm xúc của bạn, đặc biệt là khi bạn cần động lực (tôi sẽ sớm nói rõ hơn về vấn đề này).

Luôn cố gắng hoàn thành nhật ký suy nghĩ buồn bã bằng một thứ gì đó nâng cao tinh thần, chẳng hạn như đọc subreddit tin tức nâng cao, dành thời gian với người bạn yêu, chơi với thú cưng hoặc xem thứ gì đó giải trí trên Youtube hoặc Netflix.

4. Thanh lọc (hãy để nó ra hết đi!)

Khi cảm xúc tê liệt trở thành cơ chế tự vệ mặc định, chúng ta có xu hướng kìm nén một lượng lớn cảm xúc lớn nằm bên dưới phần nhận thức có ý thức. Để thể hiện những cảm xúc ấy an toàn và hiệu quả, hãy thử một số chất giúp “thanh lọc” cơ thể. Sự thanh lọc bao gồm la hét hoặc đấm vào gối, sử dụng nhật ký ghi lại suy nghĩ buồn (đã đề cập ở trên) để kích thích nỗi buồn và khóc, tập thể dục kích thích cảm xúc mạnh mẽ, khiêu vũ hoặc thiền định.


Sự thanh lọc thông thường nên xuất hiện trong hành trình của bạn. Nếu không thường xuyên ‘giải tỏa mọi chuyện’, bạn có nguy cơ gặp phải hậu quả của những cảm xúc mưng mủ (tức là trầm cảm, trống rỗng, bệnh mãn tính, v.v.).

5. Yoga và tự xoa bóp

Yoga là một cách nổi tiếng giúp giải tỏa và cân bằng năng lượng của bạn. Không chỉ vậy, yoga còn giải phóng cảm xúc tích trữ trong cơ thể. Tôi khuyên bạn nên tập các hình thức yoga nhẹ nhàng và chậm rãi như Hatha yoga ít nhất 10 phút mỗi ngày. Hãy nhớ rằng, mục tiêu không phải là trở thành một ngôi sao yoga trên Instagram mà là để kết nối với cơ thể, tâm trí và trái tim của bạn.

Sự thật là những cảm xúc không được bộc lộ và kìm nén thường được lưu giữ trong cơ thể chúng ta. Tôi thích nghĩ về cơ thể của chúng ta như là sự phản ánh của tâm trí vô thức của chúng ta: chúng là bản đồ giúp chúng ta tìm ra những gì ta đang cất giữ và những vấn đề chưa được giải quyết. Trong bài viết của tôi về căng cơ mãn tính, tôi liệt kê 9 loại cảm xúc bị mắc kẹt trong các vùng khác nhau của cơ thể. Để giải phóng những cảm xúc này, tôi thường xuyên sử dụng ‘Acuball’ (trái bóng nhỏ dùng để căng cơ) để đưa dòng máu tươi và năng lượng vào những vùng căng thẳng này. Tôi thích Acuball vì nó giúp tôi mát-xa mô sâu, đồng thời giúp tôi giữ vững cơ thể, thư giãn và giải tỏa căng thẳng dồn nén.

6. Thể hiện cảm xúc một cách sáng tạo 

Viết một bài hát, vẽ nguệch ngoạc trong nhật ký, vẽ một bức tranh, tạo ảnh ghép, tìm cách thể hiện cảm xúc cuối cùng mà bạn cảm thấy. Nếu bạn khó cảm nhận được điều gì, hãy thể hiện điều đó một cách nghệ thuật. Lấy những màu xám và đen và biến trang chết tiệt đó thành tác phẩm nghệ thuật của riêng bạn. Chú ý đến cảm giác của bạn sau đó. Bạn có cảm thấy những cảm giác hài lòng dù là nhỏ nhất? Hãy viết nhật ký về những cảm xúc này.

7. Chăm sóc “đứa trẻ bên trong” của bạn

Vì bản thân đứa trẻ bạn có khả năng phải đương đầu với chấn thương dẫn đến tình cảm tê liệt, hãy quan tâm đến đứa trẻ ấy nhiều hơn. Thực hành những hoạt động nội tâm của trẻ và tìm cách an ủi và nuôi dưỡng nơi dễ bị tổn thương này trong bạn. Bạn có thể tạo ra những lời nói mang tính chất khẳng định có sức mạnh dành riêng cho đứa trẻ bên trong để giúp chúng tiếp cận với cảm xúc nhiều hơn. Ví dụ: bạn có thể lặp lại với chính mình khi bạn ở trong một hoàn cảnh khó khăn, “Tôi cảm thấy ổn là được”, “Không sao đâu nếu tôi cảm thấy buồn”, “Sự tức giận của tôi có cơ sở”, “Tổn thương là sự mạnh mẽ” vv

8. Dành không gian và thời gian để cảm nhận

Trong cuộc sống bận rộn của chúng ta, chúng ta rất dễ bị tê liệt và mất tập trung khi xung quanh là phương tiện truyền thông xã hội, TV, mua sắm, thực phẩm, các cam kết xã hội và những thứ khác khiến chúng ta liên tục trông ra thế giới bên ngoài. Nhìn vào bên trong bản thân rất khó và đòi hỏi sự kỷ luật cao. Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người không làm điều đó? Nếu bạn thực sự nghiêm túc về việc khắc phục cảm xúc tê liệt của mình, bạn sẽ cần dành không gian và thời gian cho tất cả các hoạt động mà tôi đã đề cập trong bài viết này. Nếu bạn gặp khó khăn với kỷ luật bản thân, tôi khuyên bạn nên khiến bản thân có trách nhiệm bằng cách tham gia một nhóm thiền hoặc thực hành khác. Xin đừng bỏ qua bước này, bạn bắt buộc phải dành thời gian khám phá nội tâm của mình và cụ thể hơn là bạn đang kìm nén điều gì và tại sao.

Hỏi và đáp về chứng tê liệt cảm xúc

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về cảm giác tê liệt. Hy vọng rằng chúng sẽ giúp giải đáp mọi thắc mắc hoặc suy nghĩ của bạn về chủ đề này:

Nguyên nhân nào gây ra sự tách biệt về mặt cảm xúc?

Câu trả lời đơn giản là chấn thương. Thông thường, cảm xúc rời rạc (hoặc tê liệt) có thể liên quan đến những trải nghiệm thời thơ ấu như bị lạm dụng tinh thần, tình cảm, tình dục hoặc thể chất. Tuy nhiên, không phải ai trải qua chia rẽ tình cảm đều có tuổi thơ khó khăn. Đôi khi, những trải nghiệm sang chấn khác sau này trong cuộc đời có thể kích hoạt sự tách rời cảm xúc như một cơ chế bảo vệ (chẳng hạn như ly hôn, mất việc, cưỡng hiếp, bệnh tật, chiến tranh, v.v.).

Tê liệt có phải là một dấu hiệu của sự lo lắng?

Đúng vậy, cảm xúc tê liệt có thể che giấu cảm giác lo lắng dữ dội. Đó là cách tâm trí bảo vệ bản thân khỏi những cảm xúc gây choáng ngợp. Tê liệt là một phản ứng nguyên thủy trước sự sợ hãi và còn được gọi là phản ứng đóng băng. Có ba phản ứng chính khi đối mặt với các tình huống gây lo lắng mà chúng ta gặp phải: chiến đấu, bỏ chạy và đóng băng.

Làm thế nào để khắc phục chứng tê liệt cảm xúc?

Để khắc phục, hay đúng hơn là lấy lại khả năng cảm nhận trở lại, điều quan trọng là phải nhẹ nhàng với bản thân. Thử kết nốivới cơ thể của bạn, tập thở sâu, thực hiện một số động tác thông hơi, viết nhật ký và tạo một môi trường an toàn cho bản thân. Tìm kiếm sự hỗ trợ của chuyên gia rất quan trọng vì cảm xúc tê liệt là dấu hiệu chính của hệ thần kinh bị chấn thương. Để điều chỉnh hệ thống thần kinh của bạn, bạn cần một môi trường an toàn từ một nhà trị liệu / cố vấn chuyên nghiệp

Tôi hy vọng bài viết này sẽ mở ra những khả năng mới cho bạn – hoặc ít nhất là truyền cảm hứng cho bạn trong việc coi trọng cảm xúc tê liệt.

Tôi không thể nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của việc đối mặt với vấn đề này vì tránh nó sẽ chỉ kéo dài sự đau khổ.

Nếu bài viết này đã giúp bạn, xin vui lòng cho tôi biết. Nó mang lại cho tôi cảm giác hài lòng khi biết rằng tôi đang giúp đỡ một ai đó ở đâu đó. Ngoài ra nếu bạn đấu tranh với cảm giác tê liệt và có các kỹ thuật hoặc công cụ khác không được đề cập trong bài viết này, vui lòng bình luận bên dưới. Bạn không bao giờ biết được lời khuyên của bạn có thể lan truyền khắp thế giới này bao xa. 🙂

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: https://lonerwolf.com/emotional-numbness/

Dịch: eMKay

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan