"13 Reasons Why" - Đâu là điểm dừng trong bắt nạt học đường?

Khi một sự việc đã xảy ra, lúc đó chúng ta mới ngỡ ngàng rằng câu chuyện không chỉ xoay quanh một người duy nhất

Gần đây dư âm của bộ phim "13 reasons why" chưa kịp thôi ám ảnh thì phần 2 đã lên sóng. Nếu Phần 1 nói về nguyên nhân cái chết của một học sinh trung học thì phần 2 chưa vội giải thích lý do vì sao, mà là những xúc cảm dư âm sau sự việc kinh hoàng ấy. Bối cảnh bộ phim quay xung quanh môi trường học tập tại ngôi trường trung học nằm trong một thị trấn nhỏ. Vốn nổi tiếng an toàn và cực kỳ yên bình. Nhưng sự thật bên trong mạng lưới ấy lại chẳng bình yên chút nào hết. Câu chuyện xoay quanh những màn bắt nạt học đường gây ra vụ tự tử dẫn đến cái chết của một học sinh trung học, nó không chỉ dừng lại ở những mặc cảm, tội lỗi, xấu hổ, tự ti, stress, trầm cảm,...

Mà nó còn là cái chết.

Dành cho những người chưa xem "13 reasons why": Có một lời nhắc nhở cho những ai đang bị trầm cảm hay stress kéo dài,,… rằng bạn không nên xem phim một mình, mà hãy xem cùng phụ huynh hoặc người thân.


"Ngay từ khi bắt đầu, vì bộ phim truyền tải thẳng thắn những chủ đề khó chịu, nhạy cảm ở giới trẻ nên chúng tôi tin rằng bộ phim sẽ trở thành tác nhân mạnh mẽ cho sự thay đổi nhận thức", đại diện Netflix cho biết.


Bản thân tôi cũng là một phần của câu chuyện, tôi thấy hình ảnh của mình trong bộ phim ấy. Đó là lúc tôi vẫn là học sinh, đang trong giai đoạn dở ương của cuộc đời. Tôi không những tự ti với chính vẻ ngoài, tính cách, điểm yếu của bản thân, mà tôi còn tham gia vào những chuyện lẽ ra không-nên-làm với những nhười bằng tuổi khác. Và sau khi xem hết phần 1 và vài tập của phần 2 bộ phim đó, tôi muốn chia sẻ, về "vấn nạn" này. Sở dĩ tôi gọi như vậy vì nó không thể viết bằng hai từ "vấn đề" đơn thuần được.


Chúng ta có hay coi thường cảm xúc của người khác?


Là vì chúng ta đã từng trải qua cảm giác như vậy rồi. Đó là lí do vì sao đa số trong chúng ta lại muốn người khác cũng phải gánh chịu như mình. Đã bao giờ bạn bị bố mẹ mắng là học kém, rồi bạn bê y nguyên câu đó sang cho đứa em tội nghiệp của mình? Đã bao giờ đứa bạn nọ chê bạn xấu/gầy/béo xong bạn cũng bê nguyên câu nói đó cho những đứa bạn khác? Có lẽ bạn hiểu cảm giác khó chịu như thế nào khi bị người khác gán những cái mác ấy cho mình. Nhưng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn hẳn nếu như có thêm đứa nữa cùng cảnh ngộ, giống như mình? Ừ, miễn là dù sao chúng ta cũng không phải người duy nhất như vậy, thật vui khi có ai đó cùng san sẻ những cảm xúc khó tiêu như vậy, bằng cách này hay cách khác. Chúng ta cứ thế truyền tai nhau, chỉ trỏ, phán xét, ...những điều có thể nghiền nát hoặc dí chết một tâm hồn, vĩnh viễn.


Tôi vẫn nhớ năm tôi học cấp 2, có một chị hơn tôi hai tuổi, xinh đẹp, học giỏi, tuy nhiên lại xa gia đình ra ở với ông bà để đi lại cho thuận tiện hơn. Sở dĩ tôi quen chị vì chúng tôi cùng trúng tuyển trong ban chấp hành liên đội của trường. Phải nói là gương mẫu và năng động như thế nào lúc bấy giờ mới có thể được trúng tuyển vào những vị trí đó. Tôi cũng thuộc dạng ít giao lưu, nhưng đủ để đảm nhiệm những công việc được giao. Qua vài lần tiếp xúc tôi thấy chị cực kỳ hiền và dễ gần, đâu có như những lời đồn bàn tán khắp trường như thế. Mặc dù là họ hoàn toàn không chứng kiến tận mắt, không tiếp xúc nói chuyện trực tiếp cùng chị, lúc ấy tôi đặt trong đầu những câu hỏi "Tại sao" thật lớn. Tại sao họ lại có những hành động như thể họ là người phán xử giấu mặt? Tại sao họ biết nhiều sự việc đến nỗi như những thám tử lừng danh? Tại sao họ không tập trung vào bản thân mình mà lại rảnh rang đi chế giễu người khác như vậy?


Ấy thế mà biết chị chưa được bao lâu thì tôi nghe tin chị ấy tự tử, trong khi hôm trước chúng tôi cũng vừa gặp và chào hỏi nhau rất bình thường. Chuyện đến giờ nhắc lại vẫn làm tôi cảm thấy ghê sợ. Sẽ thế nào khi nghe tin một người bạn từng quý mến đã tự tử, vĩnh viễn không thể sống lại nữa?


Làm thế nào để một học sinh lớp 8 năm lần bảy lượt tự tử? Vì người đó tự dưng hành động như vậy hay còn nguyên do nào khác nữa?


Phụ huynh chưa hiểu con cái đúng cách.


Trong bộ phim "13 reasons why", khi người mẹ ra toà nghe những lời khai của những bị cáo là người đã từng bắt nạt con gái của mình, đã cảm thấy sự hiểu biết về con mình hầu như là con số 0. Trong chuỗi những cảnh quá khứ được tua lại bởi những lời khai của các bị cáo, người mẹ nhận ra rằng mình đã quá vô tâm với người con gái nhất của mình. Rằng nó có quá nhiều bí mật đến nỗi chẳng thể chia sẻ.


Đơn giản vì đâu có ai lắng nghe, đến bố mẹ mình còn cho rằng đó chỉ là những điều nhảm nhí, thì thà để yên nó đấy còn hơn. Stress như quả bong bóng, ban đầu nó nhỏ thật đấy, nhưng nếu không được quẳng hoặc chọc vỡ đi thật sớm, sẽ có một ngày không thể co giãn được nữa, nó sẽ nổ tung. Trong phim, nếu chỉ dừng lại ở chỗ Hanah các bạn trên lớp lũ lượt phản bội, thì chắc có lẽ vẫn có thể cứu vãn. Hơn hết là thiếu sự đồng cảm từ gia đình. Nơi lẽ ra đáng được ăn ủi nhất thì lại trở thành một nơi lạnh lẽo thiếu sự quan tâm, hoặc sự quan tâm hời hợt đến từ bậc sinh thành.


Nhà trường không phải không can thiệp, mà là không có cơ hội để can thiệp. Khi một sự việc đã xảy ra, lúc đó chúng ta mới ngỡ ngàng rằng câu chuyện không chỉ xoay quanh một người duy nhất. Khi có một vụ việc đáng tiếc xảy ra, thì đã quá nhiều người bị tổn thương rồi. Nạn nhân không chỉ là người tự tử. Mà nạn nhân là những người bạn, khi đã nhận ra cái chết đó có phần liên quan tới mình. Nạn nhân là những phụ huynh, dùng đủ mọi cách để bảo vệ, chở che cho đứa con mình hết mực cưng chiều, yêu quý. Nạn nhân còn là những người có cùng nỗi đau mất con, đứa con của mình cũng đã từng tự tử, như thế-những nỗi đau như chưa hề vơi đi vì nhận ra có người đang chịu sự đau đớn ấy giống mình.

Chỉ khi mọi việc vỡ lở, chúng ta mới hỏi tại sao, bằng cách nào. Trau dồi nhận thức của một đứa trẻ tuổi vị thành niên là một. Thì phụ huynh hẳn phải là mười.

Nhưng đôi khi chúng ta không chọn cách chia sẻ chỉ để bảo vệ người khác


Với nhịp độ sống vội vàng như hiện nay, từ tốc độ lan truyền thông tin đến phong cách sống đã thay đổi một cách chóng mặt. Sự điều chỉnh cảm xúc cũng như xử lý dữ liệu đã trở nên quá tải. Và khi những quá trình mã ấy bị mắc kẹt, phần đông mọi người sẽ đổ lỗi cho chính mình nhiều hơn, tệ hơn nữa thì đổ lỗi cho người khác.

Nhưng càng đổ lỗi và trốn tránh, chúng ta càng cảm thấy mình thật tệ và mang đầy tội lỗi. Dù muốn hay không thì cuộc sống trước kia cũng biến mất rồi. Khoảng thời gian gây ra lỗi lầm và nhận ra chúng thật dài và đen tối. Chúng ta không thể làm cho người chết sống lại, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách ứng xử với người khác, trong tương lai.


 Và cách để dừng lại mớ hỗn độn ấy là hãy nói ra sự thật. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nó lại là điều khó thực hiện nhất. Netflix cũng phát hành video quảng bá có tiêu đề "Tell them" (tạm dịch: Nói cho họ), khuyến khích các bạn trẻ nói ra những câu chuyện của riêng mình để có được sự đồng cảm từ gia đình, bạn bè. Hoặc không còn ai có thể khiến bạn tiếp tục tin tưởng nữa. Hãy tìm đến những cộng đồng có thể hỗ trợ, ngay từ bây giờ. Đừng để bản thân trở thành hoặc nuôi dưỡng những quả bóng mang tên Hanah hay chị cùng trường cấp hai với tôi nữa. Hoặc đừng để bản thân trở thành tác nhân bơm những quả bóng tương tự ấy lớn thêm. Trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng làm xẹp nó lại, và đẩy nó vào dĩ vãng vĩnh viễn.


Link tham khảo:

https://news.zing.vn/series-phim-tu-tu-13-reasons-why-anh-huong-den-khan-gia-tre-the-nao-post828117.html

https://www.mentalhealth.org.nz/home/news/article/209/media-advisory-13-reasons-why-season-2

https://www.self.com/story/new-zealand-13-reasons-why

Tác Giả: Yến Nhi


BẢN THẢO
Bài viết liên quan