14 điều người nhạy cảm cao (Highly Sensitive Person) rất cần để hạnh phúc mỗi ngày

Tôi nhận ra rằng HSPs cần một vài thứ khác biệt trong cuộc sống so với những người bình thường để có thể hạnh phúc

Do sự khác biệt về mặt sinh học, người nhạy cảm cao xử lý thông tin tiếp nhận được một cách sâu sắc hơn. Vì vậy, họ cần thứ gì đó khác so biệt với người bình thường để có thể sống hạnh phúc.


Trong quá trình trưởng thành, tôi đã từng là đứa trẻ cực kỳ nhạy cảm. Một trong những kí ức đầu tiên mà tôi còn lưu trữ là cảm giác hoảng loạn và sợ hãi khi chứng kiến một câu chuyện hết sức tồi tệ trên bản tin thời sự. Tôi không còn nhớ rõ câu chuyện đó nói về vấn đề gì, chỉ nhớ mang máng rằng tôi đã lao vào phòng ngủ, bịt tai lại và trấn an tinh thần bằng một bài hát tự sáng tác mang tên “mọi thứ rồi sẽ ổn thôi”. Tôi hát to nhất có thể để lấn át âm thanh phát ra từ TV cho tới khi mẹ tôi bước vào phòng, bà đã ngạc nhiên khi thấy con mình đang trong trạng thái kích động như vậy.


Nguồn: Pexels


Mãi cho đến khoảng thời gian sau này tôi mới hiểu ra rằng mình là một người siêu nhạy cảm (HSP), cuối cùng thì mọi thứ đã sáng tỏ. Những người như tôi thường xử lý thông tin một cách sâu sắc hơn, vì vậy họ sẽ cảm nhận thế giới xung quanh khác biệt một chút so với người bình thường. Chứng kiến những hình ảnh bạo lực hay những câu chuyện gây đau lòng là việc vô cùng khó khăn đối với họ, thậm chí sẽ gây ra sự ám ảnh. Âm thanh lớn đột ngột, ánh đèn sáng chói và lịch trình dày đặc cũng đẩy họ vào trạng thái lo lắng tột độ.


Hiện tại, tôi đã trở thành tác giả nghiên cứu về tính cách hướng nội và sự nhạy cảm quá mức. Tôi nhận ra rằng HSPs cần một vài thứ khác biệt trong cuộc sống so với những người bình thường để có thể hạnh phúc. Sau đây là 14 điều trong số đó. Hãy nhớ rằng mỗi người đều là một cá thể riêng biệt, vì vậy những điều này có thể không áp dụng hoàn toàn được với tất cả HSP.


Những điều mà người nhạy cảm cao cần để trở nên hạnh phúc


Nguồn: Unsplash

1. Nhịp sống chậm hơn, đơn giản hơn


Bởi vì có khả năng xử lý thông tin sâu sắc hơn, HSPs có thể chậm chạp hơn một chút so với những người bình thường. Họ cần thêm thời gian để làm vài việc nhất định như là rời khỏi nhà vào buổi sáng. Họ có thể mất nhiều thời gian hơn một chút để đưa ra quyết định, chẳng hạn như nên mua cái gì ở tiệm tạp hóa. Bởi vì họ không chỉ xem xét hàng tá sự lựa chọn mà còn cả thông tin dinh dưỡng, giá cả và cuối cùng là “họ cảm thấy như thế nào về món mì gà trên kệ”. Đột nhiên, tâm trí họ lóe lên hình ảnh những con gà bị nhốt trong chiếc lồng nhỏ rồi bị giết thịt… và họ phải mất một vài nhịp để suy nghĩ xem liệu bản thân có thể đối mặt với thực tế tàn nhẫn này trên đĩa ăn của mình tối nay hay không. Tất cả những quá trình đó đều cần thời gian.


2. Thời gian để thư giãn sau một ngày bận rộn


Giống như những người hướng nội, HSPs không thể hoạt động quá lâu. Hệ thống thần kinh cực nhạy cảm của họ phải tiếp nhận nhiều khối thông tin khác nhau và xử lý chúng một cách đến nơi đến chốn. Do đó, họ có thể dễ bị choáng ngợp và kiệt sức sau một ngày bận rộn. Thời gian có thể làm thư giãn, làm giảm mức độ căng thẳng của họ và khiến những người này phục hồi lại tinh thần.


3. Một nơi bình yên để nương náu


Tốt nhất là mục 2 nên được kết hợp với mục 3. Không gian lý tưởng nhất sẽ có độ sáng vừa phải, ít tiếng ồn, mang lại cảm giác ấm áp, đẹp mắt và chứa đầy những thứ yêu thích nhằm khiến HSP được thư giãn (sách, nhạc, một chiếc gối êm ái,..)


Nguồn: Unsplash


4. Cho phép họ được xúc động và khóc đến khi thỏa nỗi lòng


HSPs không chỉ vô cùng nhạy cảm đối với những kích thích từ môi trường bên ngoài mà còn nhạy cảm về mặt cảm xúc. Theo như tiến sĩ Elaine Aaron (tác giả của The Highly Sensitive Person) thì những người nhạy cảm thường có xu hướng khóc nhiều hơn so với những người bình thường. Bà đã từng nói với tờ Huffington Post rằng: “Những người nhạy cảm không thể che dấu cảm xúc của bản thân, bất kể là khi họ tức giận hay hạnh phúc. Việc tôn trọng những cảm xúc ấy thực sự là cần thiết đối với họ.”


5. Thời gian để thích nghi với sự thay đổi


Bất kỳ ai đứng trước quá trình thay đổi đều có thể cảm thấy khó khăn, nhưng đối với HSPs, điều này lại càng thử thách hơn bởi họ nhanh chóng trở nên căng thẳng và bị choáng ngợp. Thậm chí cả những thay đổi tích cực như việc bắt đầu một mối quan hệ mới, hoặc chuyển đến một ngôi nhà mơ ước cũng có thể gây kích thích quá mức và họ cần một thời gian dài để thích ứng.


6. Những mối quan hệ gắn bó, chân thành và ý nghĩa


HSPs khao khát sự gắn kết sâu sắc với người khác. Theo Aron, trên thực tế, họ có thể cảm thấy buồn chán hoặc bồn chồn không yên trong một mối quan hệ mà đối phương khiến họ cảm thấy xa cách. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ có xu hướng tạo dựng nhiều mối quan hệ. Thay vào đó, họ thực sự cố gắng để có một cuộc trò chuyện ý nghĩa và mang tới sự gần gũi gắn bó giữa hai người.


Điều đó cũng đồng nghĩa với việc HSPs thường cẩn trọng và kỹ càng hơn với những người họ cho phép có mặt trong cuộc sống của mình. Một mối quan hệ lướt qua, đơn giản chỉ là sự cho và nhận không phải là mục tiêu của HSP. Họ muốn lắng nghe tận nơi sâu thẳm trong tâm hồn bạn và xây dựng một mối quan hệ gắn bó. Hãy để họ làm như vậy.


7. Cách giải quyết xung đột nhẹ nhàng và đúng mực


Cho dù là HSP hay không thì việc tranh cãi với một người thân yêu là vô cùng tồi tệ. Tuy nhiên, những người nhạy cảm còn có xu hướng lo lắng hơn khi mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh. Lúc này, một cuộc giằng xé nội tâm thường sẽ xảy ra. HSP có thể có những cảm xúc mãnh liệt về điều gì đó, nhưng họ sẽ chỉ giữ cho riêng mình bởi họ chẳng muốn làm người khác phát điên. Vì vậy, việc phải giải quyết một người đang trong trạng thái giận dữ có thể rất mệt mỏi đối với họ.


Thêm vào đó, họ ghét phải làm tổn thương người khác, vì họ biết cảm giác đó tệ đến nhường nào bởi bản thân đã trải qua. HSPs thường có sự thấu cảm cao và đó chỉ là một trong những cách họ thể hiện sự quan tâm đến người khác.


Không may rằng điều đó đồng nghĩa với việc những người nhạy cảm thường giấu đi mong muốn của mình và chỉ “chấp nhận để hòa hợp”. Họ muốn cách giải quyết mâu thuẫn hòa bình nhất có thể và không có những tiếng la hét hoặc “drama”.


8. Một giấc ngủ ngon


Thiếu ngủ cũng đủ khiến bất cứ ai trở nên cáu kỉnh, luộm thuộm và làm việc không hiệu quả. Tuy nhiên, thiếu ngủ dường như khiến tất cả mọi thứ trở nên vượt tầm chịu đựng đối với HSP. Vì vậy, ngủ đủ giấc sẽ làm dịu các giác quan bị kích thích và cho phép họ cân bằng lại cảm xúc của mình. Thời gian ngủ của một người nhạy cảm có thể quyết định cả một ngày làm việc của họ theo đúng nghĩa đen.


9. Những bữa ăn lành mạnh được phân chia hợp lý trong ngày


Theo Aron, cơn đói thực sự có thể làm rối loạn tâm trạng hoặc làm mất đi sự tập trung của một người nhạy cảm. HSP là những “con quỷ đói”.


10. Đồ uống không chứa Caffeine và cồn


Có một sự thật đáng ngạc nhiên là vài HSPs (không phải tất cả) còn nhạy cảm hơn đối với những tác dụng của caffeine và cồn.


11. Một lối đi cho sự sáng tạo


Nhiều HSPs đam mê sáng tạo một cách mãnh liệt. Họ biến những quan sát, hiểu biết và cảm xúc sâu lắng của mình thành các tác phẩm nghệ thuật, thơ ca, âm nhạc... Tác giả Deborah Ward của cuốn “Vượt qua mặc cảm tự ti bằng chánh niệm” (Overcoming Low Self-Esteem with Mindfulness) viết rằng: “Sự nhạy cảm có thể khiến tôi choáng ngợp, nhưng nó lại giúp tôi có thêm bộ nhớ… Sự sáng tạo là thứ gây áp lực cho tất cả những cảm xúc và trải nghiệm đã được tích lũy.”


12. Ý thức mạnh mẽ về mục đích sống


Một số người dường như vẫn đang lênh đênh vô định giữa dòng đời mà không có bất cứ định hướng hay mục tiêu nào. Đối với HSPs, đây là điều không tưởng. Nói đúng hơn thì họ luôn trăn trở và suy nghĩ về những điều lớn lao trong cuộc sống: “Tôi là ai? Tại sao tôi ở đây? Tôi đến thế giới này với sứ mệnh gì?”. Cho dù là việc viết một cuốn tiểu thuyết, đi du lịch vòng quanh thế giới hay vươn đến những lý tưởng cao đẹp thì HSPs đều luôn khao khát chạm tới ý nghĩa thực sự của cuộc sống.


13. Những người thân yêu hiểu và tôn trọng bản chất nhạy cảm của họ


Vì hầu hết mọi người không quá nhạy cảm, nên cơ bản là sẽ không hiểu cảm giác căng thẳng được gây ra bởi một tiếng ồn lớn, một ngày cuối tuần bận rộn hoặc một cảnh bạo lực trong phim. Không phải ai cũng sẽ hiểu, và điều đó không sao cả. Tuy nhiên, thứ mà một HSP cần là ít nhất luôn có một vài người, tốt hơn hết là những người thân thiết nhất sẽ hiểu được sự nhạy cảm của họ. Họ mong có một người không chỉ hiểu mà còn bảo vệ họ khỏi các kích thích quá mức bằng cách nói rằng: "Nếu chúng ta rời bữa tiệc ngay bây giờ thì cũng chẳng sao cả. Nhìn khuôn mặt bạn là tôi có thể nhận ra bạn đang không thoải mái.” Đồng thời, HSP cũng mong có một ai đó nhận ra được những điều tuyệt vời trong tính cách của họ.


14. Môi trường tự nhiên và cái đẹp



Cho dù có là HSP hay không thì môi trường xung quanh cũng đều sẽ ảnh hưởng đến chúng ta. Ví dụ, mọi người thường có xu hướng cảm thấy hạnh phúc hơn trong những căn phòng có cạnh cong và đường viền tròn hơn là những căn phòng hình chữ nhật có góc cạnh sắc bén. Ngoài ra, không gian xanh còn có tác dụng thúc đẩy tâm trạng của chúng ta và xoa dịu các rối loạn tinh thần. Đối với HSP, ảnh hưởng bởi những thứ này còn sâu sắc hơn thế. Họ cảm thấy vẻ ngoài của vạn vật là cực kỳ quan trọng. Môi trường lộn xộn, hỗn loạn hoặc chỉ đơn giản là xấu xí có thể thực sự khiến họ cảm thấy lo lắng. Hơn nữa, cái đẹp cũng là một loại dầu dưỡng làm dịu và hồi sinh tâm hồn.


------------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Khuynh Thần

Nguồn bài viết:

<https://highlysensitiverefuge.com/things-highly-sensitive-people-need-happy/>


BẢN THẢO
Bài viết liên quan