15 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Có Ranh Giới Cá Nhân Mỏng Manh Và Cách Xác Định Khi Ranh Giới Bị Xâm Phạm

Ranh giới cá nhân là gì? Ranh giới ở đây là những giới hạn về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất mà những người khác có thể đối đãi, hành xử xung quanh bạn, và những gì họ …

Ranh giới cá nhân là gì?

Ranh giới ở đây là những giới hạn về mặt tinh thần, cảm xúc và thể chất mà những người khác có thể đối đãi, hành xử xung quanh bạn, và những gì họ có thể trông đợi từ bạn. Những ranh giới này không chỉ giúp chúng ta bảo vệ bản thân khỏi việc bị xâm phạm bởi người khác, mà chúng còn giúp ta phân định rõ mình là ai và cần những gì từ mọi người cũng như những nhu cầu của họ. Những ranh giới này là yếu tố vô cùng quan trọng để xây dựng lòng tự tôn lành mạnh và cảm giác có giá trị. Giữ vững những ranh giới lành mạnh giúp chúng ta có thể nói thật lòng và chia sẻ những gì chúng ta cần. Chúng tạo ra khoảng không gian cần thiết để chúng ta có thể thể hiện bản thân tốt nhất. 

Tuy nhiên nếu không có những ranh giới lành mạnh, bạn sẽ luôn cảm thấy mình bị người khác kiểm soát, và để cho họ khống chế những hành động, cảm xúc và suy nghĩ của mình. Bạn sẽ nhận ra mình đang dành hết quỹ thời gian và năng lượng để làm những điều người khác muốn bạn làm thay vì tự quyết định và hoàn thành những việc quan trọng với bản thân. Bạn sẽ thường xuyên cảm thấy mình thiếu thốn, cảm thấy nản lòng, lạc lối và bị lợi dụng.

Những dấu hiệu bạn có ranh giới mỏng manh

  • Bạn không dám lên tiếng kể cả khi bị đối xử tệ
  • Bạn đã hy sinh quá nhiều thời gian và năng lượng của mình
  • Bạn cảm thấy không được trân trọng và việc bạn làm bị xem như điều hiển nhiên
  • Bạn nói “Đồng ý” trong khi thật sự bạn không muốn như vậy
  • Bạn cảm thấy có lỗi khi làm điều gì đó cho bản thân
  • Bạn luôn hy sinh quyền lợi của bản thân vì người khác 
  • Bạn luôn thấy mình trong những mối quan hệ một chiều, không lành mạnh
  • Bạn tin rằng mình phải đặt người khác lên trên bản thân thì mới có chỗ đứng trong cuộc sống này
  • Bạn thường chia sẻ quá nhiều chi tiết về cuộc sống của mình, thậm chí là với người lạ 
  • Bạn “hòa tan” vào những người bạn thích hoặc ngưỡng mộ và thay đổi bản thân để thích nghi với những sở thích và tính cách của họ 
  • Bạn vẫn luôn đặt người khác lên trên bản thân đến nỗi bây giờ bạn không biết MÌNH mong muốn và cần điều gì nữa 
  • Bạn cho phép người khác động chạm vào mình kể cả khi cảm thấy không thoải mái 
  • Bạn hay gây hấn thụ động
  • Bạn luôn có cảm giác mình là nạn nhân
  • Bạn gặp khó khăn khi quyết định việc gì đó

Nếu bạn thấy mình có vài dấu hiệu như trên thì đừng buồn. Tôi của ngày trước có lẽ đã trải qua TẤT CẢ trong số chúng rồi.

Lợi ích của việc thiết lập và bảo vệ những ranh giới vững chắc 

  • Bạn có thể nói “Không” mà không phải cảm thấy có lỗi 
  • Bạn sẽ có nguồn năng lượng tinh thần, cảm xúc và thể chất dồi dào hơn 
  • Bạn sẽ có cảm giác mình đã kiểm soát được cuộc sống của mình nhiều hơn 
  • Bạn sẽ có thể tự tin nói lên quan điểm của mình
  • Bạn sẽ cảm thấy mình được coi trọng và đánh giá cao hơn 
  • Bạn sẽ không còn cảm thấy dằn vặt mỗi khi dành thời gian chăm sóc cho bản thân mình 
  • Lòng tự tôn và cảm nhận về giá trị bản thân của bạn sẽ được nâng cao
  • Bạn sẽ cảm nhận được sự cân bằng và hoàn thiện về mặt cảm xúc lẫn tinh thần
  • Bạn sẽ thu hút được những người có tinh thần/cảm xúc khỏe mạnh và đầy tính nâng đỡ
  • Bạn sẽ quan tâm đến những mong muốn/nhu cầu của mình hơn 
  • Bạn sẽ xây dựng được sức mạnh nội tại và học được cách chấp nhận, cũng như giành lại sự tự do để có thể là chính mình

Những dấu hiệu giúp bạn nhận biết được ranh giới của mình đang bị xâm phạm 

1. Bạn thường xuyên bào chữa cho những hành động tồi tệ của người khác 

  • Giang đã hét vào mặt tôi nhưng có lẽ đó là vì anh ấy quá áp lực với công việc của mình.
  • My rất yêu tôi nhưng cô ấy luôn cố làm cho những người đàn ông khác chú ý, bởi mối quan hệ không êm ấm của bố mẹ cô ấy đã khiến cô ấy lo ngại về sự ràng buộc.
  • Đồng nghiệp hay phớt lờ tôi vì tôi không đủ thú vị hay quan trọng.
  • Đan đôi lúc có đánh và xô tôi ngã nhưng đó là vì cô vợ cũ đã chọc điên anh ấy.
  • Sa luôn ra vẻ bề trên với tôi, thậm chí là ở những nơi đông người. Nhưng lần đầu gặp Sa, cô ấy đâu có như vậy, chắc cô ấy chỉ đang trải qua khoảng thời gian khó khăn thôi.

2. Bạn đổ lỗi cho bản thân khi người khác đối xử tệ với mình 

  • Vì mình cứ không biết chăm sóc cho bản thân nên anh ấy mới ngoại tình. Mình phải cảm thấy may mắn khi anh ấy vẫn về nhà nhà với mình. 
  • Nếu tôi xinh đẹp/thông minh/thành công hơn thì mẹ tôi đã đối xử tốt với tôi như những người khác
  • Bạn trai của tôi là một nhân tố rất quan trọng trong công ty. Tôi rất biết ơn những lần anh ấy ban phát sự quan tâm ít ỏi của mình cho tôi vì tôi chỉ là một nhân viên phục vụ ở quán cà phê.
  • Cô ấy xem thường tôi vì tôi không có bằng cấp như cô ấy.
  • Đồng nghiệp của tôi luôn giành hết công lao về phần mình trong những dự án chung vì anh ấy đã làm việc ở đây lâu hơn tôi.
  • Bạn cùng lớp sẽ không bắt nạt tôi nếu tôi nổi tiếng/xinh đẹp/giàu có hơn bây giờ.

3. Những thứ bạn yêu thích bị phớt lờ

Sau đây là một ví dụ cho điều này: Bạn đang mặc thử một chiếc váy mới cho một sự kiện đặc biệt của công ty và rất hào hứng mời chị của mình đến xem thử. Chị ấy lại nhận xét rằng “ Ừ thì cái đó cũng được… nhưng em mặc cái này đẹp hơn nhiều”- vừa nói vừa lôi ra một chiếc váy cũ mà bạn đã mặc không biết bao nhiêu lần và treo chiếc váy mới của bạn lại vào tủ đồ. Một ví dụ khác là những người bạn của bạn khao một chầu ăn tối mừng sinh nhật bạn và hỏi rằng bạn muốn đi đâu. Bạn nói với họ về nhà hàng sushi mà bạn đang để mắt đến, nhưng có một người lại cứ cương quyết rằng những món được ăn thỏa thích ở nhà hàng buffet Trung Hoa sẽ ngon hơn và quyết định mọi người sẽ tổ chức tiệc ở đó.

4. Bạn có linh cảm rằng có điều gì đó không đúng ở đây

Bạn không thể chỉ rõ ra rằng nó là cái gì, nhưng hệ thống báo động trong thâm tâm của bạn đã vang lên. Sau đây là một vài ví dụ cho điều đó: 

  • Chồng bạn đang đi công tác. Anh ấy cương quyết rằng chỉ nói chuyện điện thoại với bạn vào giờ nghỉ trưa và chẳng bao giờ trả lời những cuộc gọi điện hoặc tin nhắn của bạn sau giờ làm việc. Bạn muốn hỏi anh ấy về điều này nhưng bạn không nói được lời nào trong những cuộc gọi vội vã ban chiều.
  • Khi có mặt A, vị hôn phu của bạn luôn tỏ ra vẻ xa cách. Mỗi khi bạn nói về vấn đề này thì anh ấy lại nói bạn bị hoang tưởng.
  • Một anh chàng điển trai tiếp cận bạn ở quán bar. Càng nói chuyện anh ấy càng khiến cho bạn bị choáng ngợp với cảm giác không an toàn. Nhưng anh ta vẫn chưa có hành động gì quá mức nên bạn không muốn rời đi và làm anh ấy tổn thương.
  • Một người vô gia cư nói ông ấy đói và xin bạn ít tiền. Bạn đã mua vài ổ bánh mì và đang trên đường về nhà nên có ý định chia cho ông ấy hai ổ. Ông ấy từ chối và cứ khăng khăng muốn nhận tiền vì bởi vì “Ông ấy không ăn bánh mì.” Bạn cảm thấy cắn rứt lương tâm khi quay lưng lại với những người kém may mắn hơn nên đã đưa cho ông ấy ít tiền.

Tại sao chúng ta lại phải chịu đựng những ranh giới yếu ớt của mình? 

Tôi thường được người khác hỏi rằng tại sao có một số người dường như sở hữu những ranh giới vững chắc bẩm sinh trong khi những người khác phải trải qua một khoảng thời gian dài trước khi nhận ra rằng mình không hề có ranh giới cá nhân nào? Đó là bởi vì khi còn nhỏ, việc học hỏi từ xã hội của chúng ta dựa trên những hành vi khuôn mẫu, vì vậy mà nếu chúng ta không có một tấm gương mạnh mẽ trong giai đoạn sớm của cuộc đời để có thể học hỏi theo, chúng ta sẽ chìm vào trong bóng đêm. Hãy dừng lại và suy nghĩ về tuổi thơ của bạn xem nào…

  • Có phải chỉ khi bạn hy sinh những nhu cầu và mong muốn của mình cho người khác thì bạn mới được khen thưởng không?
  • Bạn có từng bị phạt (như bị la mắng, trách cứ, hay bị phản đối) khi bạn nói “không”, nói thẳng những suy nghĩ của mình hoặc có những ý thích riêng hay không?
  • Bạn có bị ép phải luôn hỗ trợ bố mẹ về mặt cảm xúc và làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau hay không?

Những điều mà họ trông đợi này có vẻ như đã khiến cho bạn tin rằng nhượng bộ và đặt người khác lên trên mình = một đứa trẻ ngoan.

Cách thiết lập ranh giới lành mạnh

Nhiều người trong chúng ta BIẾT điều nào người khác được hoặc không được phép đối xử với mình – tuy nhiên lại để bản thân rơi vào những tình huống nguy hại như trong những mối quan hệ ái kỷ (narcissistic relationships). Đó là bởi vì việc biết ranh giới của chúng ta ở đâu với việc thiết lập và củng cố chúng là hai chuyện khác nhau.

Nói “Tôi sẽ không để cho bất kỳ ai coi mình là rác rưởi đâu” thì rất dễ, nhưng chúng ta không nhận ra rằng mình vẫn luôn bao biện khi cho phép những người thân thiết hoặc bố mẹ hành xử một cách tồi tệ. Để những ranh giới có thể phát huy tốt vai trò của chúng, bạn phải thiết lập những luật lệ rõ ràng và cương quyết thực hiện chúng. Và nếu bạn không quen với việc bảo vệ những ranh giới của mình thì bạn cần phải có ý thức và chủ động thực hành việc này ở giai đoạn đầu, vì đây là một kỹ năng bạn cần phải học. Thiết lập ranh giới chính là cách BẠN đánh giá giá trị của bản thân – nó không phụ thuộc vào vào việc người khác nghĩ, cảm nhận và trông đợi gì từ bạn. Sau đây là một vài gợi ý để giúp bạn bắt đầu.

1. Bạn có quyền có ranh giới cá nhân

Một điều bất ngờ là rất nhiều người trưởng thành không nhận thức được việc có ranh giới cá nhân là một quyền cơ bản của con người. Bạn không cần phải “giành được” nó hoặc phải được cho phép. Nó là một phần của việc sống như một người bình thường và khỏe mạnh. Và những ranh giới lành mạnh không chỉ góp phần xây dựng niềm hạnh phúc cho bạn bạn còn cho tất cả những người được tiếp xúc với bạn. Điều này cho thấy trách nhiệm quan trọng trong việc xây dựng ranh giới cá nhân.

2. Suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bạn cũng quan trọng như của bất kỳ người nào khác

Không có suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của ai là cao hơn ai cả. Thật ra, những nhu cầu của bạn bạn cũng quan trọng như nhu cầu của những người nổi tiếng trong xã hội này. Đừng để địa vị xã hội đánh lừa bạn –  đó chỉ là ảo tưởng thôi. Và để có thể hoàn toàn sống trọn cuộc đời và những giá trị của mình, bạn phải học cách nhìn nhận bản thân ngang bằng với mọi người và trân trọng con người thật của bạn. 

3. Tự kiểm tra xem bạn cần gì

Khi mãi bận rộn đáp ứng nhu cầu của mọi người, bạn dần quên đi BẢN THÂN mình là ai và MÌNH cần điều gì. Hãy nắm bắt cơ hội này và bắt đầu cố gắng hiểu bản thân mình hơn thông qua một quyển nhật ký hàng ngày ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bạn. Hãy thử dành thời gian thực hành chánh niệm để xem bạn cần thiết lập những ranh giới nào trong suốt những tương tác hàng ngày nhé!

4. Học cách triệt tiêu nỗi dằn vặt mỗi khi từ chối người khác

Nói “Không” chính là chìa khóa giúp bạn học được cách đề cao những nhu cầu của mình. Ban đầu có rất nhiều người cảm thấy khó khăn khi phải từ chối người khác, nhưng không có lý do gì mà bạn phải cảm thấy có lỗi khi từ chối một yêu cầu hoặc một lời mời nếu chúng ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc của bạn. Tất nhiên là bạn không cần phải tỏ thái độ quá mức khi nói ‘Không’ nhưng bạn cần phải tự tin khi từ chối. Những người có ranh giới mạnh mẽ sẽ có thể tôn trọng và chấp nhận những ranh giới của bạn. 

5. Nhận biết được khi nào ranh giới của mình bị xâm phạm

Nếu bạn thiếu hoặc có ranh giới yếu ớt, thì bạn cần phải tốn nhiều công sức luyện tập để có thể nhận diện mỗi khi ranh giới bị xâm phạm.Hãy dành thời gian nhớ lại những lúc bạn cảm thấy không thoải mái hoặc không được tôn trọng bởi một người nào đó. Hãy quan tâm đến cơ thể của bạn và để ý những lúc bạn cảm thấy căng thẳng hoặc bối rối. Hãy thử bắt đầu với năm gợi ý mà tôi đã liệt kê ở trên nhé.

6. Đừng có quá tận tâm như vậy nữa

Không ai bắt bạn phải hy sinh bản thân để chiều lòng tất cả mọi người đâu. Việc bạn luôn dốc hết lòng cho người khác sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và kiệt sức. Khi kiệt sức, bạn sẽ không thể thể hiện bản thân mình tốt nhất để đạt được những thứ quan trọng nhất cho bản thân. Vậy nên hãy đảm bảo chắc chắn rằng bạn đã đeo lên cho mình mặt nạ oxy trước khi lo cho người khác nhé.

7. Hãy chấm dứt các mối quan hệ độc hại đi 

Cùng với việc xây dựng ranh giới cá nhân vững vàng chính là nhu cầu tăng cường sức mạnh và niềm tin vững chắc. Bạn sẽ thấy những người bạn và các mối quan hệ giả tạo sẽ tự lụi tàn và tan biến đi, và ban đầu nó có thể sẽ khiến cho bạn cảm thấy có lỗi hoặc cảm thấy mình đã thất bại. Nhưng hãy cứ tiếp tục mạnh mẽ bởi vì bạn rất quý giá. Hãy để cho những ranh giới của bạn thanh lọc những con người đang vấy bẩn không gian của bạn, và hãy lấp đầy những khoảng trống đó với tình bạn mới, những người sẵn sàng ủng hộ và đem niềm vui đến cho bạn.

Phần kết

Bạn cố gắng thiết lập và bảo vệ những ranh giới của mình không phải nhằm đạt đến sự hoàn hảo, mà là để bảo vệ không gian riêng tư cho phép bạn có được sự tự do và tự tin để thể hiện con người tốt nhất của mình. Hãy nhớ rằng bạn có thể sẽ không thoải mái lắm trong thời gian đầu khi bạn vẽ rõ ranh giới. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang hành xử một cách khó tính và thiếu vị tha. Nhưng sự thật là bạn đang tôn trọng bản thân và những người xung quanh khi thể hiện rõ những gì bạn mong đợi từ họ và ngược lại.

———————————–

Dịch: CNH

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan