15 Hội Chứng Rối Loạn Tâm Thần Đáng Sợ Nhất

Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn mắc phải một chứng bệnh tâm thần khiến bạn tin rằng những người thân yêu là những kẻ mạo danh chỉ chực ám hại bạn, khăng khăng sách vở là đồ ăn hoặc …

Hãy thử tưởng tượng một ngày bạn mắc phải một chứng bệnh tâm thần khiến bạn tin rằng những người thân yêu là những kẻ mạo danh chỉ chực ám hại bạn, khăng khăng sách vở là đồ ăn hoặc tệ hơn nữa, bạn nghĩ rằng mình là một xác sống. Thật đáng sợ đúng không?

Mặc dù số người sống với những rối loạn kể trên chỉ chiếm phần trăm rất nhỏ, trên thực tế có tới 450 triệu người dân toàn thế giới mắc phải các chứng rối loạn tâm thần khác nhau. Chỉ tính riêng ở Mỹ, cứ 4 gia đình thì có 1 gia đình chịu ảnh hưởng của rối loạn tâm thần. Trong khi một vài chứng rối loạn – như trầm cảm – diễn biến theo tự nhiên, thì có những chứng bệnh khác lại là kết quả của chấn thương não hay các chấn thương khác. Mặc dù công bằng mà nói, bất cứ rối loạn tâm thần nào cũng đều đáng sợ đối với những người mắc phải nó, nhưng có một số chứng bệnh hiếm gặp được đánh giá là thực sự khủng khiếp. Dưới đây là mô tả 15 hội chứng rối loạn tâm thần đáng sợ nhất.

Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên (Alice in Wonderland Syndrome)

Alice ở xứ sở thần tiên nghe như một câu chuyện cổ tích trong sáng, nhưng thực ra một trong những chuyến phiêu lưu kỳ lạ nhất của Alice lại có nhiều điểm tương đồng với một chứng rối loạn tâm thần đáng sợ. Còn gọi là Hội chứng Todd, Alice ở xứ sở thần tiên khiến môi trường xung quanh một người xuất hiện méo mó. Hệt như cách Alice lớn lên quá cao so với ngôi nhà, những người mắc phải hội chứng này sẽ nghe thấy âm thanh nhỏ hơn hoặc to hơn so với thực tế, nhìn thấy các vật lớn hơn hoặc nhỏ hơn vật thực và thậm chí còn đánh mất cảm giác về vận tốc hoặc kết cấu vật thể một cách chính xác. Rối loạn khủng khiếp này, được miêu tả như một chuyến du ngoạn LSD (một thuốc gây ảo giác mạnh với các tác động tâm lý đến sự nhận thức môi trường xung quanh) nhưng thiếu đi tính hưng phấn, và nó còn có thể làm biến đổi cảm nhận của bản thân về hình ảnh cơ thể. May mắn là, Hội chứng Alice ở xứ sở thần tiên cực kỳ hiếm gặp và hầu hết chỉ xuất hiện trong khoảng năm 20 tuổi ở những người có các khối u não hoặc có tiền sử sử dụng chất kích thích.

Hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh (Alien Hand Syndrome)

Mặc dù thường xuyên được đưa vào những câu chuyện với plot twist đáng sợ, Hội chứng bàn tay người ngoài hành tình hầu như không bị giới hạn trong thế giới giả tưởng. Những người mắc căn bệnh này (may là rất hiếm) mất hoàn toàn khả năng kiểm soát bàn tay hoặc phần chi của họ. Chúng dường như có tư duy hoặc ý chí riêng, và những nạn nhân đáng thương của chúng đã báo cáo rằng cái tay hoặc cái chân “ngoài hành tinh” đó đã bóp cổ chính họ hoặc người khác, cấu xé quần áo và cào đến chảy máu. Hội chứng bàn tay người ngoài hành tinh chủ yếu xuất hiện ở những bệnh nhân Alzheimer hoặc Creutzfeldt-Jakob, hoặc là kết quả của cuộc phẫu thuật não mà hai bán cầu não bị chia tách. Không may là không hề có cách chữa trị có hội chứng này, và những người bị nó ảnh hưởng sẽ luôn phải giữ bàn tay mình bận rộn hoặc dùng bàn tay kia để kiểm soát bàn tay ngoài hành tinh. 

Apotemnophilia (Rối loạn cắt cụt chi)

Còn được biết với tên gọi Rối loạn nhận dạng toàn vẹn cơ thể (Body Integrity Disorder và Amputee Identity Disorder), Apotemnophilia là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi mong muốn quá mức đối với việc cắt bỏ hoặc làm hỏng các bộ phận khỏe mạnh của cơ thể của mình. Mặc dù không có nhiều thông tin về rối loạn kỳ lạ và đáng sợ này, người ta tin rằng nó có liên quan tới tổn thương ở vùng thùy não phải. Và bởi vì hầu hết các bác sĩ sẽ không cắt bỏ phần chi theo yêu cầu, những người mắc chứng Apotemnophilia cảm thấy buộc phải tự cắt bỏ tay chân của mình – một cảnh tượng thật nguy hiểm. Những người có phần chi bị loại bỏ bởi các bác sĩ, hầu hết đều được người xung quanh nhận xét là họ có vẻ hài lòng với quyết định của mình.

Broanthrophy

Những người mắc rối loạn Boanthropy – một rối loạn rất hiếm nhưng cực kỳ rùng rợn – tin rằng mình là một con bò, và thường tới mức hành xử hệt như chúng. Những người Boanthropy thường được tìm thấy trên cánh đồng với những con bò khác, đi bằng bốn chân và gặm cỏ hệt như một thành viên đích thực của đám bò vậy. Họ dường như không nhận ra hành động của mình khi hành xử như vậy, do đó các nhà nghiên cứu tin rằng rối loạn tâm thần kỳ quặc này được gây ra bởi giấc mơ hoặc thậm chí thôi miên. Có một sự thật thú vị là Boanthropy từng được nhắc tới trong Kinh thánh, Vua Nebuchadnezzar đã được mô tả là “khác người và ăn cỏ như bò”.

Hội chứng ảo giác gấp đôi (Capgras Delusion)

Hội chứng ảo giác gấp đôi (Hội chứng Capgras) được đặt tên theo Joseph Capgras, một nhà tâm thần học người Pháp bị mê hoặc bởi các ảo giác đôi, đây là một rối loạn tâm thần suy nhược trong đó người bệnh tin rằng những người xung quanh đã bị thay thế bởi kẻ mạo danh. Không chỉ vậy, những kẻ mạo danh còn bị cho rằng xuất hiện để hãm hại họ. Trong một trường hợp được ghi nhận, một phụ nữ 74 tuổi mắc Hội chứng Capgras bắt đầu nghi ngờ chồng của mình bị thay thế bởi một kẻ mạo danh đã từng hãm hại bà. Hội chứng Capgras tương đối hiếm và chủ yếu xuất hiện sau chấn thương ở não hoặc ở những người được chẩn đoán sa sút trí tuệ, tâm thần phân liệt hoặc động kinh.

Chứng hoang tưởng hóa sói (Clinical Lycanthropy)

Giống như chứng Boanthropy đã được miêu tả ở trên, những người mắc chứng hoang tưởng hóa sói cũng tin rằng họ có khả năng biến thành thú vật – trong trường hợp này là chó sói hoặc người sói, và đôi khi còn là những loài động vật khác. Ngoài việc coi mình có khả năng hóa sói, những người với chứng hoang tưởng này còn hành động như động vật và thường được phát hiện sống hoặc trốn trên các cánh rừng hay các vùng đồi núi khác.

Hoang tưởng Cotard (Cotard Delusion)

Nhiều người trong chúng ta có hứng thú với The Walking Dead hay những xu hướng liên quan đến zombie, nhưng mấy ai biết đến một rối loạn tâm thần có tên là Hoang tưởng Cotard. Chứng hoang tưởng đáng sợ này khiến những người mắc phải tin rằng họ là một thây ma sống (theo đúng nghĩa đen) hay ma quỷ, và rằng toàn bộ cơ thể họ đang bị phân hủy và/ hoặc họ không còn chút máu hay nội tạng nào. Cái cảm giác có một cơ thể đang thối rữa thường là một phần của chứng hoang tưởng và chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu nhiều người bệnh của Hội chứng Cotard đã từng trải qua những cơn trầm cảm trầm trọng. Trong một số trường hợp, chứng hoang tưởng còn khiến họ nhịn ăn đến chết. Nhưng mô tả đầu tiên về rối loạn rùng rợn này được thực hiện vào năm 1880 bởi nhà thần kinh học Jules Cotard, và may thay, Hoang tưởng Cotard xuất hiện cực kì hiếm. Trường hợp nổi tiếng nhất diễn ra ở Haiti, một người đàn ông đã hoàn toàn bị thuyết phục rằng ông đã chết vì AIDS và đang ở địa ngục.

Hội chứng Diogenes (Diogenes Syndrome)

Hội chứng Diogenes thường được đề cập bằng một cụm từ phổ biến hơn là “tích trữ”, và là một trong những rối loạn tâm thần bị hiểu lầm nhiều nhất. Được đặt theo tên của triết gia người Hy Lạp Diogenes thành Sinope (trớ trêu thay lại là người theo chủ nghĩa tối giản), hội chứng này đặc trưng bởi mong muốn quá mức với việc thu thập các vật ngẫu nhiên, rồi hình thành tình cảm gắn bó với nó. Ngoài việc có hành vi tích trữ không kiểm soát, những người mắc Hội chứng Diogenes thường thể hiện sự thờ ơ cực độ, vô cảm với bản thân hoặc người khác, lẩn tránh xã hội, và không hề xấu hổ với thói quen của mình. Hội chứng này rất phổ biến ở người già, những người bị sa sút trí tuệ và những người đã từng bị bỏ rơi hoặc thiếu một môi trường gia đình ổn định.

Rối loạn nhân dạng phân ly (Dissociative Identity Disorder)

Rối loạn nhân dạng phân ly (DID) còn được biết với tên gọi ban đầu là Rối loạn đa nhân cách (Multiple Personality Disorder), là một căn bệnh thần kinh đáng sợ đã được nhắc đến trong vô số phim ảnh và chương trình truyền hình, nhưng lại bị hiểu nhầm rất nhiều. Nói chung, ít hơn .1% những người mắc DID thường có 2-3 nhân dạng khác nhau (và có khi còn nhiều hơn). Người bệnh thường sẽ thay đổi nhân dạng theo một vòng lặp, và duy trì mỗi nhân dạng trong hàng giờ hoặc hàng năm. Họ có thể thay đổi nhân dạng bất kỳ lúc nào mà không hề báo trước, và gần như không thể thuyết phục những người đó rằng họ mắc DID. Vì những lý do đó, những người mắc DID không thể sống một cuộc sống bình thường và thường phải sống trong các cơ sở cư trú tâm thần. 

Hội chứng Munchausen (Factitious Disorder)

Hầu hết mọi người đều lo sợ mỗi lần hắt hơi báo hiệu một trân ốm hoặc cúm sắp tới, nhưng những người mắc Factitious Disorder thì ngược lại. Rối loạn đáng sợ này đặc trưng bởi sự ám ảnh với bệnh tật. Trên thực tế, hầu hết người mắc đều cố ý làm bản thân bị bệnh để được chữa trị (đây là điểm phân biệt nó với hypochondria – bệnh tưởng). Đôi khi người mắc phải chỉ đơn giản giả vờ bị bệnh với cả một câu chuyện phức tạp, một hàng dài danh sách các triệu chứng và nhảy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Sự ám ảnh này của họ thường bắt nguồn từ những sang chấn hoặc căn bệnh nghiêm trọng. Rối loạn này ảnh hưởng chưa tới 5% dân số và bởi vì không có phương pháp chữa trị, nó thường được kiểm soát bằng các liệu pháp tâm lýị.

Hội chứng Kluver-Bucy (Kluver-Bucy Syndrome)

Hãy thử tưởng tượng đến việc khao khát nếm vị của một cuốn sách hay thèm muốn quan hệ tình dục với một chiếc xe hơi. Đây chính là thực tế của những người bị ảnh hưởng bởi Hội chứng Kluver-Bucy, một rối loạn tâm thần đáng sợ đặc trưng bởi việc mất trí nhớ, mong muốn ăn các vật không ăn được và bị thu hút tình dục đối với các vật vô tri như ô tô. Không có gì đáng ngạc nhiên, những người mắc Hội chứng Kluver-Bucy thường gặp khó khăn trong việc nhận ra đồ vật hoặc những người đáng lẽ rất quen thuộc. Rối loạn tâm thần này rất khó chẩn đoán, và dường như là kết quả của chấn thương nghiêm trọng ở thùy thái dương. Thật không may, chưa có cách chữa trị cho hội chứng này và những người mắc bệnh thường bị ảnh hưởng đến hết đời.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive Compulsive Disorder)

Mặc dù được biết tới rộng rãi và thường bị chế giễu, nhưng có rất ít người hiểu biết đầy đủ về Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). OCD biểu hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng thường được đặc trưng bởi nỗi sợ hãi cùng cực, lo âu và một vòng lặp các suy nghĩ lo lắng. Chỉ thông qua việc lặp đi lặp lại một hành vi nào đó, ví dụ như hành vi rửa tay trong một ám ảnh phổ biến là ám ảnh sạch sẽ, những người mắc OCD mới có thể tìm thấy sự giải thoát khỏi những cảm giác quá sức đó. Tệ hơn nữa, những người mắc OCD thường hoàn toàn nhận thức được rằng nỗi sợ hãi của họ là không hợp lý, và việc nhận ra đó lại càng mở ra một vòng lặp lo lắng mới. OCD ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số, và mặc dù các nhà khoa học không chắc chắn về nguyên nhân chính xác, họ cho rằng các chất hóa học trong não cũng là một yếu tố ảnh hưởng.

Hội chứng Paris (Paris Syndrome)

Hội chứng Paris là một dạng rối loạn tâm thần tạm thời vô cùng kỳ lạ khiến người ta hoàn toàn choáng ngợp khi đến thăm thành phố Paris. Điều thú vị là, hội chứng này dường như phổ biến nhất trong số các du khách Nhật Bản. Trong số khoảng 6 triệu du khách Nhật Bản đến Paris mỗi năm, 1-2 chục người trải qua nỗi lo âu tột độ, giải thể nhân cách, tri giác sai thực tại, có ý nghĩ bị hại, ảo giác và ảo tưởng cấp tính đặc trưng của Hội chứng Paris. Các bác sĩ chỉ có thể phỏng đoán nguyên nhân gây ra sự đau khổ hiếm gặp này. Bởi vì hầu hết những người trải qua Hội chứng Paris không có tiền sử bệnh tâm thần, các bác sĩ nghĩ rằng rối loạn thần kinh đáng sợ này được kích hoạt bởi rào cản ngôn ngữ, sự kiệt sức về thể chất và tinh thần, và hình ảnh thực tế của Paris so với phiên bản lý tưởng hóa.

Mất trí nhớ trùng lặp (Reduplicative Amnesia)

Mất trí nhớ trùng lặp rất giống với Hội chứng Capgras, nhưng thay vì tin rằng con người bị nhân đôi, những người mắc chứng mất trí nhớ trùng lặp tin rằng một địa điểm đã bị lặp lại. Niềm tin này thể hiện theo nhiều cách, nhưng điểm chung là người bệnh bi thuyết phục rằng một địa điểm nào đó tồn tại ở hai nơi cùng một lúc. Thuật ngữ  “Reduplicative Amnesia” lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1903 bởi nhà thần kinh học Arnold Pick, và dùng để mô tả một bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer. Ngày nay, hội chứng này thường được thấy ở những bệnh nhân bị khối u, sa sút trí tuệ, chấn thương não bộ hoặc các rối loạn tâm thần khác.

Hội chứng Stendhal (Stendhal Syndrome)


Hội chứng Stendhal là một chứng bệnh tâm thể và may mắn thay, dường như chỉ xuất hiện tạm thời. Hội chứng xảy ra khi người bệnh tiếp xúc với một lượng lớn tác phẩm nghệ thuật ở một nơi, hoặc trong các môi trường khác mang vẻ đẹp tuyệt vời. Những người trải qua rối loạn tâm thần kỳ quặc nhưng đáng sợ này báo cáo lại rằng họ bị tăng nhịp tim đột ngột, lo âu choáng ngợp, bối rối, chóng mặt và thậm chí là ảo giác. Hội chứng Stendhal được đặt theo tên của tác giả người Pháp thế kỷ 19, người đã mô tả chi tiết trải nghiệm của mình sau chuyến đi năm 1817 tới Florence.

Dịch: Hương

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn:  https://www.onlinepsychologydegree.info

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Vì vậy, chúng tôi cần sự đóng góp và ủng hộ của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan