21 Dấu Hiệu Đáng Báo Động Của Một Mối Quan Hệ Bạo Hành Tinh Thần

Bạn đang bị ngược đãi và thậm chí chẳng hề hay biết – điều này liệu có khả năng xảy ra hay không? Bạo lực gia đình một lần nữa lại có mặt trên các trang tin tức chính. Nguyên …

Bạn đang bị ngược đãi và thậm chí chẳng hề hay biết – điều này liệu có khả năng xảy ra hay không?

Bạo lực gia đình một lần nữa lại có mặt trên các trang tin tức chính. Nguyên nhân một phần là do những cuộc bạo hành diễn ra có liên quan đến những ngôi sao thể thao hoặc người nổi tiếng được nhiều người biết đến. Bạo hành không phải lúc nào cũng được thể hiện bằng những hành động dễ thấy như đánh đập hoặc xô đẩy, gọi người khác bằng những cái danh thấp hèn hay chửi rủa. Trên thực tế, hành động dối trá, không trung thực hay sự tinh vi, xảo quyệt cũng được xếp là một dạng bạo hành. 

Bạn có thể nhận thấy bản thân luôn có cảm giác bối rối và bấp bênh trong các mối quan hệ, hoặc cảm thấy như mình luôn phải đề phòng với những người xung quanh. Những loại bạo hành này tiến đến khi bạn dần lún sâu vào các mối quan hệ, nhưng nó chỉ đến một cách lặng lẽ và không để bạn biết cho đến phút cuối cùng. Điều tôi đang đề cập đến ở đây chính là bạo hành tâm lý, còn được gọi là bạo hành tinh thần hoặc cảm xúc.

Bạo hành tâm lý xảy ra trong một mối quan hệ khi một người cố gắng kiểm soát thông tin có giá trị của một người khác với ý định thao túng cách nhận định của họ về thực tế hoặc cách nhìn nhận về những sự việc có thể và không thể chấp nhận được. Bạo hành tâm lý thường bao gồm những hành động thao túng cảm xúc mạnh mẽ và những lời đe dọa buộc nạn nhân phải tuân theo mong muốn của kẻ bạo hành.

Tất cả các hành vi bạo hành đều gây thiệt hại nặng nề đến lòng tự trọng của người bị hại. Người bị bạo hành có thể cảm thấy bất lực và thậm chí trở nên tuyệt vọng. Ngoài ra, hầu hết các kẻ bạo hành tinh thần còn là những “chuyên gia” trong việc thuyết phục nạn nhân tin rằng sự bạo hành này là do lỗi của anh ấy/cô ấy. Bằng cách nào đó, nạn nhân phải chịu trách nhiệm cho những việc đã xảy ra.

Một hình thức phức tạp hơn của bạo hành tâm lý thường được đề cập là “gaslighting” – thao túng tinh thần. Điều này diễn ra khi kẻ bạo hành cung cấp những thông tin sai lệch với mục đích khiến cho nạn nhân nghi ngờ về trí nhớ, nhận thức, và sự sáng suốt của bản thân. Các ví dụ cho hành động này khá đa dạng, từ việc kẻ ngược đãi phủ nhận hành động bạo hành trước đó của họ, đến việc ngụy tạo nên những sự kiện khác thường nhằm gây bối rối cho nạn nhân.

Một khách hàng đã kể với tôi rằng, chồng cô ấy đã phủ nhận việc mình ngoại tình dù cho cô ấy đã tìm thấy một email làm bằng chứng được gửi từ một người phụ nữ khác trên máy tính của anh ấy và đã hỏi rõ với anh ấy. Người chồng quyết liệt phủ nhận việc này và gửi một email cho chuyên viên công nghệ của anh ấy để kiểm tra tại sao tài khoản của anh ấy lại bị hack và hỏi cách sửa lỗi.

Một hình thức phổ biến của bạo hành cảm xúc là “Anh yêu em, nhưng…” Thoạt đầu, câu nói này nghe có vẻ rất êm tai, thế nhưng thực chất nó chính là một lời chỉ trích được che đậy cẩn thận và là cả một mối đe dọa. Câu nói trên có hàm ý, “Hiện tại, anh yêu em, nhưng nếu em không kết thúc việc này, tình yêu của anh sẽ chấm dứt.” Đây là một nhát đâm dai dẳng chậm rãi xé toạc lòng tự trọng của bạn. Kẻ bạo hành nhấn mạnh thật nhiều lần từ “yêu” đến khi nó trở thành một lá bùa điều khiển bạn.

Thỉnh thoảng, kẻ bạo hành làm những việc mà tôi gọi là “trao cho bạn một phần thưởng xứng đáng.” Tôi được khách hàng chia sẻ vô số lần rằng đối phương của họ là một người “tuyệt vời”, “đáng ngưỡng mộ”, rằng “người ấy đã tặng quà cho tôi”,… như thể họ nên bỏ qua tất cả những cư xử tồi tệ của đối phương. Bạn cần phải hiểu rằng đây là một phần của kế hoạch và quá trình bạo hành.

Trên thực tế, những mối quan hệ có tính bạo hành luôn mang lại những khoảnh khắc thoải mái (hoặc cực kỳ thoải mái) bởi những lời xin lỗi chân thành quá mức hoặc những nỗ lực để bù đắp cho hành vi tệ hại. Trong những khoảnh khắc đó, nạn nhân thường nuôi hi vọng và kẻ bạo hành biết rõ điều này.

Bạo hành tâm lý thường có những biểu hiện sau:

  1. Làm bạn bẽ mặt hoặc lúng túng.
  2. Liên tục buông lời nhục mạ bạn.
  3. Hay bắt bẻ những chuyện nhỏ nhặt.
  4. Từ chối giao thiệp với bạn.
  5. Phớt lờ hoặc xua đuổi bạn.
  6. Ngoại tình.
  7. Có hành vi cợt nhả đối với người khác giới.
  8. Mỉa mai, nói chuyện với người khác bằng giọng điệu khó nghe.
  9. Đố kỵ một cách vô lý.
  10. Mang trạng thái cực kỳ ủ rũ, buồn rầu.
  11. Cố ý đùa cợt hoặc thường xuyên mang bạn ra làm trò cười.
  12. “Anh/em yêu em/anh nhưng…”
  13. Ra điều kiện với bạn “Nếu em/anh không …, anh/em sẽ …”
  14. Chi phối và kiểm soát.
  15. Thu hồi tình cảm.
  16. Khiến bạn cảm thấy mình là người có lỗi.
  17. Đổ lỗi cho bạn.
  18. Cô lập bạn khỏi bạn bè và gia đình.
  19. Sử dụng tiền để kiểm soát bạn.
  20. Liên tục gọi điện thoại hoặc nhắn tin khi bạn không ở bên cạnh anh ta/cô ấy.
  21. Đe dọa tự tử nếu bạn rời bỏ người ấy.

Điều quan trọng cần nhớ là lỗi không hoàn toàn nằm ở bạn. Kẻ bạo hành tinh thần là những “bậc thầy” thao túng với sự thành thạo trong việc khiến bạn tin rằng những việc bạn phải chịu đựng ngày hôm nay là do lỗi của bạn. Hắn biết rằng mỗi người đều có những nỗi bất an của riêng mình, và hắn sử dụng những nỗi bất an đó để chống lại chính bạn.

Kẻ bạo hành có thể thuyết phục bạn rằng bạn không xứng đáng có được những điều tốt đẹp hơn, hoặc rằng họ đối xử với bạn như vậy là muốn “giúp” bạn. Một số kẻ ngược đãi thậm chí còn hành động vô cùng lịch thiệp và tốt đẹp ở chốn công cộng để những người xung quanh có ấn tượng tốt về họ. Thế nhưng, đằng sau lớp vỏ đó lại là cả một câu chuyện khác khiến người trong cuộc gặp không ít những trở ngại.

Nếu bạn nhận thấy bản thân mình trong bài viết này, bạn nên hiểu rằng có rất ít hy vọng để cải thiện mối quan hệ của bạn. Cần có một nhận thức sâu sắc và động lực to lớn để kẻ bạo hành thay đổi, nhưng không may, điều này rất hiếm khi xảy ra. Nếu bạn đang trong một mối quan hệ bị bạo hành, tôi thành khẩn khuyên bạn hãy sớm thoát ra, và nếu cần, tôi sẵn sàng trợ giúp bạn với sự chuyên nghiệp của mình. Thông thường, bước đầu tiên trong việc rời khỏi những kẻ bạo hành là nhận được sự tư vấn phù hợp nhằm xây dựng lại lòng tự trọng của bạn và giúp bạn có thể rời khỏi những kẻ ấy. Tôi đặc biệt mong bạn hiểu rằng bạn có thể “yêu” người này, nhưng họ không hề “yêu” hay tôn trọng bạn. Tôi cam đoan rằng bạn sẽ thoát khỏi kẻ bạo hành kịp thời nếu bạn chấp nhận cắt đứt mối quan hệ này. Bạn sẽ đưa ra được quyết định đúng đắn cho bản thân mình… Đừng nhìn lại.

Dịch: Uyển Nhi

Biên tập: Catthi

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn bài viết: https://psychcentral.com/blog/21-warning-signs-of-an-emotionally-abusive-relationship/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan