25 Dấu Hiệu Nội Tâm Bạn Có Một Đứa Trẻ Bị Tổn Thương (Và Cách Chữa Lành)

Mỗi đứa trẻ đều có quyền cảm thấy an toàn, tin tưởng và được bảo vệ.  Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có đặc ân như vậy. Cha mẹ thường là người có trách nhiệm trong việc tạo nên …

Mỗi đứa trẻ đều có quyền cảm thấy an toàn, tin tưởng và được bảo vệ. 

Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có đặc ân như vậy.

Cha mẹ thường là người có trách nhiệm trong việc tạo nên môi trường an toàn trong quá trình nuôi dạy chúng ta lớn. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng chấp nhận và nhận thức được trọng trách lớn lao đó hoặc thậm chí có khả năng làm tròn nghĩa vụ.  

An toàn không đơn thuần là bảo vệ chúng ta khỏi bị thương, cho chúng ta ăn hoặc những nhu cầu thiết yếu khác. An toàn còn có nghĩa hỗ trợ chúng ta về mặt tinh thần, tâm lý, và tâm linh.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không cảm thấy an toàn khi còn nhỏ và cảm giác nguy hiểm luôn rình rập chực chờ ta? Nguy hiểm sẽ để lại một vết thương rất lớn ta không hề hay biết được trong tinh thần. Ta càng lớn thì càng có xu hướng kìm nén vết thương ấy và vô tình để lại những hậu quả về sau. 

Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại bản thân. Nếu bạn muốn tìm hiểu về đứa trẻ bên trong của chính mình, tôi khuyến khích bạn dành thời gian suy ngẫm về những năm đầu đời và cảm thấy như thế nào khi còn là một đứa trẻ. Bạn có cảm thấy an toàn không? Bạn có cảm thấy mình là một phần của gia đình không? Bạn có cảm thấy thoải mái là chính bạn không? Mối quan hệ hiện tại của bạn với đứa trẻ bên trong của bạn như thế nào? Nếu bạn chưa từng nghĩ tới những câu hỏi này thì đây là thời điểm thích hợp để đi tìm câu trả lời. 

Tại sao tôi muốn các bạn phải tự đặt ra câu hỏi và tìm tòi về chủ đề này? Bởi vì việc tìm hiểu về đứa trẻ bên trong chính là một hình thức quan sát nội tâm một cách nghiêm túc và sâu sắc nhất có thể. Để hiểu về những hành động, những sở ghét và vấn đề về thần kinh tại thời điểm hiện tại, chúng ta cần khám phá và giao tiếp với đứa trẻ bên trong ấy ở trong quá khứ.

Đứa trẻ bên trong bạn là ai? 

In popular psychology and analytical psychology, inner child is our  childlike aspect. It includes all that we learned … | Inner child, Child  fears, Tattoos for kids

Đứa trẻ bên trong chính là một phần tâm hồn còn nguyên sự hồn nhiên, sáng tạo, kinh ngạc và tò mò với cuộc sống. Theo nghĩa đen, đứa trẻ bên trong của bạn chính là đứa trẻ sống trong bạn – trong tâm hồn bạn. Việc chúng ta kết nối với phần này của bản thân là cực kỳ quan trọng. Khi chúng ta kết nối được với chúng, ta sẽ thấy thích thú như được tiếp thêm năng lượng, tràn đầy cảm hứng từ cuộc sống. Khi chúng ta mất kết nối, ta sẽ dễ rơi vào tình trạng lờ đờ, buồn chán, không hạnh phúc và trống rỗng. 

Vậy cảm giác an toàn là như thế nào? 

An toàn không chỉ thể hiện ở mặt thể chất, nó còn là tình cảm, tâm sinh lý và tinh thần của mỗi người. Khi chúng ta cảm thấy an toàn trong gia đình, chúng ta thấy bản thân được tôn trọng về thể chất và tình cảm. Con người thật của chúng ta được chấp nhận, và ta cảm thấy được gần gũi và yêu thương hơn bởi chính các thành viên trong gia đình (đặc biệt là bởi cha mẹ chúng ta). Mỗi người đều cần có không gian riêng để phát triển và thay đổi và được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất cơ bản như thức ăn, nước uống, một ngôi nhà hoặc khu phố an toàn.

10 cách cho thấy chúng ta không thực sự an toàn khi còn trẻ

Cuộc sống này không hề lý tưởng. Không phải ai cũng được sinh ra trong một gia đình có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Trong quá trình trưởng thành, có rất nhiều điều khiến ta cảm thấy không an toàn. Trước khi bắt đầu, tôi muốn làm rõ rằng tôi không hề đổ lỗi cho bất kì cha mẹ hoặc người chăm sóc nào hết. Ta nên nhớ rằng với lượng thông tin, trình độ học vấn và sự trưởng thành về cảm xúc / tinh thần mà các bậc phụ huynh có, họ đã cố gắng hết sức. Sự đổ lỗi và oán giận chỉ làm đứa trẻ bên trong bạn thêm phiền lòng. Vì vậy, hãy lưu tâm và biết giới hạn của bản thân ở trong quá trình này. 

Dưới đây là một số cách khiến chúng ta cảm thấy không an toàn: 

  • Bạn được dạy rằng không được phép có chính kiến riêng của mình.
  • Bạn bị trừng phạt khi cố gắng lên tiếng hoặc hành động khác.
  • Bạn bị hạn chế chơi đùa hoặc vui vẻ.
  • Bạn không được phép làm điều mình thích.
  • Bạn không được phép thể hiện cảm xúc mạnh ví như tức giận hoặc vui mừng.
  • Bạn bị làm cho xấu hổ bởi cha mẹ hoặc thành viên gia đình 
  • Bạn thường xuyên bị chỉ trích, trách móc
  • Bạn bị trừng phạt về thể chất, ví dụ: bị đánh đập, tát vào mặt.
  • Bạn cảm thấy có trách nhiệm với cha mẹ mình và hạnh phúc của họ.
  • Bạn không được đón nhận tình cảm từ thể xác, ví dụ: ôm, hôn, âu yếm.

Danh sách này vẫn chưa được hoàn thiện. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy tôi đã bỏ sót điều gì đó, hãy chia sẻ trong phần bình luận

Những hành động cho thấy bạn bị bỏ rơi khi còn nhỏ: 

Cùng tôi tìm hiểu những khoảnh khắc khiến bạn cảm thấy không an toàn khi còn nhỏ (hoặc do bạn có một được nuôi dạy không bình thường). Bạn đã bao giờ trải qua những cảm giác này chưa? 

1. Bỏ mặc về cảm xúc: 

Stopping the Cycle of Child Emotional Neglect

Cha mẹ / người giám hộ không hề quan tâm đến nhu cầu về mặt tình cảm của bạn, đó có thể là tình yêu, sự hỗ trợ, bảo vệ và / hoặc hướng dẫn. Họ không để ý đến những biểu hiện cảm xúc cũng như nhu cầu của bạn. Kết quả của hành động này đi theo những hướng sau:

  • Bạn hình thành lòng tự trọng thấp 
  • Bạn bắt đầu phớt lờ nhu cầu tình cảm của mình.
  • Bạn học cách trốn tránh hoặc kìm nén cảm xúc của mình vì chúng gắn liền với cảm giác bị bỏ rơi.
  • Bạn hình thành bệnh về tâm lý hoặc thể chất liên quan tới khả năng lắng nghe người khác, sự chấp nhận cũng như đối phó với cảm xúc của mình một cách lành mạnh (ví dụ: kìm nén cảm xúc).

2. Bỏ mặc về tâm lý

Therapist for Emotional Abuse, Therapy for Emotional Abuse

Là khi một đứa trẻ không được lắng nghe, bao bọc và nuôi dưỡng đúng cách bởi chính ba mẹ/ người giám hộ. Hậu quả mà chấn thương tâm lý này bao gồm: 

  • Bạn có lòng tự trọng thấp do bị ngược đãi ví như chế giễu, hạ thấp, thất vọng bởi kỳ vọng quá cao, bị phớt lờ, từ chối hoặc liên tục bị trừng phạt.
  • Bạn có vấn đề về kiềm chế cơn giận do những tổn thương thời nhỏ chưa được giải quyết, dẫn đến mất khả năng yêu bản thân.
  • Bạn rơi vào bẫy nghiện ngập và rối loạn thần kinh và vô tình tự tạo ra cảm giác an toàn lệch lạc, nguy hiểm đến bản thân. 
  • Bạn phát triển bệnh tâm lý và / hoặc thể chất.
  • Bạn gặp vấn đề trong việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh. 

3. Bỏ mặc về mặt thể chất

Cảm giác an toàn và sự nuôi dưỡng về mặt thể chất là yếu tố cơ bản nhất của mọi mối quan hệ. Điều này được thể hiện rất nhiều trong tự nhiên, khi con bố và con mẹ chăm sóc cho những chú gà con, hay chó con hoặc hổ con bằng cách kiếm ăn, xây dựng chỗ ở và bảo vệ chúng thường trực. Thiếu đi sự an toàn về mặt thể chất có thể nảy sinh những vấn đề khi lớn lên bao gồm: 

  • Sự tôn trọng dành cho thể chất của bản thân thấp dần dẫn đến các căn bệnh như rối loạn ăn uống (biếng ăn, béo phì) và không thể duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tự làm hại mình. 
  • Đi tìm những phương án an toàn đến ám ảnh (như OCD) hoặc thực hiện hành vi có rủi ro cao (ví dụ: quan hệ tình dục không an toàn, ám ảnh những chiến công liều lĩnh, v.v.)
  • Nghiện ma túy, rượu, bạo lực, thực phẩm, v.v.
  • Rối loạn chức năng tình dục hoặc lăng nhăng (thường do sự lạm dụng tình dục).

Hãy dành một chút thời gian để hít thở và kết nối với đứa trẻ trong bạn sau khi đọc những dòng này. Có thể bạn đang cảm thấy một dòng cảm xúc mạnh mẽ chảy trong người (hoặc không cũng không sao). Tôi khuyên bạn nên dành nhiều thời gian để suy ngẫm, đi từng bước một và nhẹ nhàng với bản thân hơn. 

Tôi biết bạn phải trải qua rất nhiều khi còn nhỏ nhưng hận thù và đổ lỗi cho người khác không phải cách giải quyết. Ai cũng là nạn nhân của những nạn nhân trước đó. Lý do khiến cho cha mẹ / người giám hộ của chúng ta hành xử như vậy phần nhiều là do họ cũng bị bỏ rơi bởi chính cha mẹ của họ và cha mẹ của họ cũng bị bỏ rơi bởi chính gia đình của cha mẹ họ. 

25 dấu hiệu cho thấy bạn có một đứa trẻ đang bị tổn thương 

Hãy đặc biệt chú ý đến những dấu hiệu cho thấy đứa trẻ bên trong của bạn đang bị tổn thương. Bạn cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân nếu gặp những trường hợp sau:

  • Trong sâu thẳm, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn với mình.
  • Tôi cảm thấy lo âu khi muốn làm điều gì đó mới.
  • Tôi là người hay làm hài lòng người khác và đánh mất bản chất riêng. 
  • Tôi là một kẻ nổi loạn. Tôi thấy có sức sống hơn khi gây lộn với người khác.
  • Tôi hay để bụng nhiều thứ và khó học cách buông bỏ.
  • Tôi cảm thấy tội lỗi khi nêu lên chứng kiến của mình
  • Tôi thấy bản thấy không đủ tốt
  • Tôi bị ám ảnh việc trở nên thành công vượt trội
  • Tôi cảm thấy tội lỗi khủng khiếp và tôi sợ tôi sẽ xuống địa ngục.
  • Tôi không ngừng chỉ trích những thiếu sót của bản thân
  • Tôi cứng nhắc và cầu toàn.
  • Tôi gặp khó khăn khi muốn bắt đầu hoặc hoàn thành mọi thứ.
  • Tôi thấy xấu hổ khi bộc lộ những cảm xúc mạnh như buồn bã hoặc tức giận.
  • Tôi hiếm khi nóng nảy, nhưng một khi điên thì sẽ không thể kiểm soát
  • Tôi quan hệ tình dục khi tôi không thực sự muốn.
  • Tôi xấu hổ về cơ thể của mình.
  • Tôi dành quá nhiều thời gian để xem nội dung khiêu dâm.
  • Tôi không tin tưởng ai hết, kể cả mình.
  • Tôi là một người nghiện hoặc đã nghiện một thứ gì đó.
  • Tôi tránh xung đột bằng mọi giá.
  • Tôi sợ mọi người và có xu hướng tránh họ.
  • Tôi thấy có trách nhiệm với người khác hơn là với chính mình.
  • Tôi chưa bao giờ gần gũi với một hoặc cả hai cha mẹ của mình.
  • Nỗi sợ sâu sắc nhất là bị bỏ rơi và tôi sẽ làm mọi cách để níu kéo một mối quan hệ.
  • Tôi không thể nói “không.”

Nếu bạn trả lời có với mười câu trở lên, bạn cần ưu tiên hoàn thiện đứa trẻ bên trong của bạn. Nếu bạn trả lời có cho năm câu trở lên, bạn nên nghiêm túc xem xét việc kết nối lại với đứa con bên trong của mình.

No Inner Child Left Behind | Awakening Times

Làm thế nào để tạo cho đứa trẻ bên trong cảm giác an toàn? 

“Hãy nắm tay đứa trẻ sống trong tâm hồn bạn. Đối với đứa trẻ này, không gì là không thể ”. – Paulo Coelho

Tất cả chúng ta đều có một đứa trẻ bên trong. Lần cuối cùng bạn nói chuyện hoặc kết nối với chúng là khi nào? Bạn dành bao nhiêu thời gian để điều chỉnh và lắng nghe nhu cầu của mình? Bạn có thường xuyên dành thời gian để vui chơi và tận hưởng cuộc sống không?

Là con người, chúng ta không phải là những sinh vật tuyến tính hay hai chiều. Tất cả chúng ta đều đa diện và tồn tại nhiều mặt. Con người bạn đang đọc bài này rất khác với con người đang đùa giỡn với đồng nghiệp đúng không? ‘Bạn’ vào lúc nửa đêm rất khác với việc ‘bạn’ đi xem phim với đối tác hoặc bạn bè của bạn. ‘Bạn’ nói chuyện với cha mẹ của bạn rất khác với ‘bạn’ nói chuyện với sếp của bạn.

Đứa trẻ bên trong của bạn là một phần thiết yếu tạo nên bản sắc của bạn. Khi bạn phớt lờ hoặc phủ nhận đứa trẻ ấy, chúng sẽ mau chóng héo tàn, mất đi sự tự do, sáng tạo và trong sáng theo đúng bản chất. 

Chúng tôi không chịu trách nhiệm: Hãy chuẩn bị cho những nỗi đau trên hành trình khám phá nội tâm đi kèm với rất nhiều niềm vui và sức sống. Một trong những phần thú vị và kỳ diệu nhất đó chính là khai phá những tiềm năng chúng ta đã vô tình đánh mất. Nhiều mối quan hệ của chúng ta sẽ được cải thiện, những thói quen / nghiện ngập của chúng ta sẽ giảm bớt hoặc biến mất, và mối quan hệ của chúng ta với bản thân sẽ ngày càng sâu sắc. Hành trình yêu và chấp nhận bản thân là điều hoàn toàn có thể. Bạn có thể không trải nghiệm tất cả những lợi ích này ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ gặt hái đủ nếu bạn cam kết. 

Thêm nữa, những bài tập này không nhằm thay thế phương pháp tâm lý trị liệu, chương trình hoặc nhóm dành đứa trẻ bên trong hoặc lạm dụng trẻ em nào cả. Nếu bạn từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ, lạm dụng tình cảm nghiêm trọng hoặc mắc bệnh tâm thần thì việc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia sẽ phù hợp hơn. Cuối cùng, nếu bạn trải qua những cảm xúc khác lạ hoặc choáng ngợp trong khi thực hành những bài tập dưới đây, hãy dừng ngay lập tức. Thay vào đó tìm kiếm sự trợ giúp của nhân viên tư vấn chuyên nghiệp trước khi bắt đầu lại.

Inner child work — Solution Focused Therapy, Coaching & Training

Mọi vết thương đều cần thời gian chữa lành. Các phương pháp dưới đây không phải là liều thuốc nhanh chóng. Chúng không phải cây đũa phép ma thuật hô biến mất đi mọi điều tồi tệ và khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, lời khuyên này sẽ cung cấp cho bạn những công cụ cần thiết để bạn cảm thấy cảm giác an toàn ở cấp độ cơ bản nhất. Tôi thực sự hy vọng bạn tìm thấy điều gì đó giúp nuôi dưỡng tâm hồn và mối quan hệ của bạn với đứa trẻ bên trong. 

Dưới đây là những điểm tóm tắt:

  • Suy ngẫm về thời ấu thơ của bạn
  • Viết một bức thư cho đứa trẻ trong bạn
  • Viết một bức thư từ đứa trẻ bên trong của bạn
  • Chia sẻ nỗi đau của bạn với một người đáng tin cậy
  • Tìm kiếm lời yêu thương và sự ủng hộ
  • Phác hoạ hình ảnh / thiền định về đứa trẻ bên trong

Trở thành người bảo vệ và nuôi dưỡng chính bạn

Tôi sẽ phân tích sâu hơn các ý ở dưới đây: 


1. Suy ngẫm về thời ấu thơ của bạn

Thử lấy chia thời thơ ấu của mình chia thành các giai đoạn sau: Tuổi Sơ sinh (0-9 tháng), Tuổi Tập đi (9 tháng đến 3 tuổi), Tuổi Mẫu giáo (3-6 tuổi), và Tuổi đi học (6 tuổi đến khi tuổi dậy thì).

Trong mỗi giai đoạn, hãy cố hết sức hồi tưởng lại cảm giác lúc đó ra làm sao, cuộc sống như thế nào và bạn cảm thấy an toàn, được hỗ trợ và chấp nhận không? Cảm giác an toàn khi còn nhỏ không phải lúc nào cũng đến từ gia đình mà còn có thể xảy ra trong trường học hoặc các môi trường khác mà con người ta lúc nhỏ đã tiếp xúc. Hãy ghi lại bất kỳ ký ức hoặc cảm giác bạn đã có, kể cả khi chúng chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Hãy viết ra giấy từng giọng nói, biểu cảm và ngôn ngữ mà cha mẹ bạn hoặc thầy cô đã sử dụng khi tương tác với bạn, từng ký ức tưởng chừng ngớ ngẩn hoặc quá đáng nhất. Điều cần nhớ ở đây là bạn học cách tôn trọng cuộc hành trình mà đứa trẻ phải trải qua, cho dù có vẻ lố bịch đối với người lớn.

Bạn càng có nhiều thông tin và tài liệu, bạn càng đến gần hơn việc kết nối với đứa trẻ ấy theo từng giai đoạn. Tôi sẽ chia sẻ với bạn cách làm dưới đây.

2. Viết một bức thư cho đứa trẻ bên trong của bạn

Connecting with your inner child can help reduce anxiety and depression

Hãy tưởng tượng rằng bạn là một bà tiên đỡ đầu dịu dàng và tràn đầy tình cảm muốn nhận nuôi đứa trẻ bên trong của mình. Lá thư này sẽ là minh chứng cho cuộc nói chuyện với đứa trẻ ấy. Nói với nó rằng bạn yêu nó và muốn dành thời gian cho nó như thế nào. Hãy viết như thể bạn muốn cảm thấy an toàn, được quan tâm và thấu hiểu. Đây là một ví dụ từ bức thư tôi đã viết cho đứa trẻ bên trong của mình:

Ale thân mến,

Mẹ rất hạnh phúc khi con được sinh ra đời. Mẹ sẽ luôn bên con để bảo vệ, yêu thương và chăm sóc cho con. Mẹ muốn con cảm thấy tình yêu thương và được chấp nhận. Mẹ muốn cho con thấy rằng con xứng đáng được lắng nghe, cảm nhận và được nhìn thấy. Mẹ muốn con biết rằng con luôn có một gia đình bên mẹ. Mẹ sẽ giúp đỡ và hướng dẫn con từng bước một. Mẹ yêu con rất nhiều. 

Thương mến, 

Mẹ tiên đỡ đầu Aletheia

Đừng lo nếu bạn quá xúc động khi viết ra những dòng này. Hãy để bản thân được khóc và tự hào về việc bạn đã dũng cảm như thế nào. 

3. Viết một bức thư TỪ đứa trẻ bên trong của bạn

Thử sử dụng tay không thuận của bạn (để không phải đụng vào tính logic của bộ não) và viết cho bản thân một bức thư từ góc nhìn của đứa trẻ bên trong bạn. Ví dụ, nếu bạn thuận tay phải, hãy sử dụng tay trái để viết. Sử dụng tay không thuận sẽ giúp bạn kết nối với cảm xúc của đứa trẻ bên trong tốt hơn. Đây là bức thư đứa trẻ bên trong đã “gửi” cho tôi: 

Thưa mẹ tiên đỡ đầu, 

Con muốn một ngôi nhà. Hãy bảo vệ con khỏi những ác độc của cuộc đời. Con không muốn phải cô đơn nữa. 

Thân mến, 

Ale bé nhỏ của mẹ

Bạn có thể gửi thư qua lại giữa đứa trẻ và bạn khi trưởng thành. Bằng cách kích hoạt cuộc đối thoại này, bạn sẽ tìm thấy rất nhiều điều ngạc nhiên như thông tin mới và những cảm xúc bị chôn vùi bấy lâu. 

4. Chia sẻ nỗi đau của bạn với một người đáng tin cậy

Medical Matters: How much empathy is too much empathy?

Bạn cần một người biết lắng nghe và hiểu được nỗi đau mà bản thân trải qua khi còn nhỏ. Cho dù đó là một người bạn, một nhóm hỗ trợ, hoặc một nhà trị liệu tâm lý, việc chia sẻ cảm xúc ra bên ngoài là điều vô cùng cần thiết. Bạn có thể làm điều đó một mình và có thể tự tìm hiểu sâu hơn nữa. Chia sẻ là cách để đạt được những khám phá mang tính “đột phá’ hoặc bạn muốn được chữa lành một cách trọn vẹn hơn. Chúng ta là những sinh vật cần con người để chia sẻ gánh nặng này. Nỗi đau của đứa trẻ trong bạn cần được công nhận và cảm thông. Vì thế, nếu người bạn mà bạn chia sẻ bắt đầu đặt câu hỏi, tranh luận hoặc cố đưa ra lời khuyên, bạn sẽ không thực sự đạt điều mình muốn. 

Tôi xin nhắc lại: tìm kiếm sự quan tâm và hỗ trợ là cần thiết. Nếu bạn không có bạn bè đủ khả năng để làm điều này, vui lòng cân nhắc tìm một nhà tâm lý  trị liệu hoặc cố vấn tâm linh. Có rất nhiều lựa chọn trên mạng. Đầu tư vào hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của bạn luôn xứng đáng. Hơn nữa có rất nhiều chuyên gia và tổ chức, hội thảo ngoài kia chuyên về chữa lành cho “đứa trẻ”. Nhà tư vấn và nhà văn John Bradshaw đã viết: “Tôi tin rằng làm việc nhóm là hình thức trị liệu mạnh mẽ nhất” khi đề cập đến quá trình hồi phục đứa trẻ trong bạn. 

Tuy nhiên hãy nhớ một điều: Vui lòng không chia sẻ điều này với các thành viên trong gia đình, ngay cả khi họ quan tâm. Nếu họ chưa thể làm tốt công việc nội tâm của bản thân thì họ cũng không có khả năng đối phó với vấn đề của bạn. Chuyện không giải quyết tốt có thể dẫn đến bầu không khí căng thẳng với tức giận và đau buồn trong gia đình. 

Việc chia sẻ đòi hỏi sự dũng cảm và sức mạnh to lớn, cả về thể chất lẫn tinh thần. Sợ hãi là điều vô cùng bình thường. Cảm nhận nỗi sợ khi nó đến và hãy chia sẻ nó khi bạn thấy sẵn sàng. 

5. Những lời yêu thương và ủng hộ

20 Affirmations for Letting Go and Moving Forward - ASPIREMAG.NET |  Inspiration for a Woman's Soul!

Những câu khẳng định yêu thương là cách rất tốt cho thấy rằng bạn xứng đáng có được tình yêu và sự an toàn. Khi lặp đi lặp lại nhiều lần, những lời khẳng định này sẽ tìm cách hòa vào trong tâm trí và chìm vào trong vô thức. Việc lặp lại thông điệp có thể dẫn đến sự thay đổi sâu sắc cần thiết và giúp chữa lành bạn. 

Dưới đây là một số lời khẳng định yêu thương mà bạn có thể nói với bản thân mỗi ngày và trong lúc thiền:

  • Tôi luôn ở đây ủng hộ bạn.
  • Chào mừng đến thế giới, tôi đang chờ đợi để được ôm bạn vào lòng
  • Tôi yêu bạn vì bạn
  • Tôi rất vui vì bạn ở đây.
  • Tôi muốn chăm sóc bạn
  • Tôi muốn dành thời gian cho bạn.
  • Tôi muốn nghe những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
  • Sẽ không sao đâu nếu bạn thấy buồn và sợ hãi.
  • Hãy tự tin là chính mình.
  • Bạn được phép nói không mà
  • Bạn rất đặc biệt đối với tôi.
  • Bạn có rất nhiều tiềm năng cho thế giới này.
  • Tôi tin vào bạn.
  • Tôi sẽ bảo vệ bạn khỏi bị tổn hại.

Bạn hãy tập nói những lời này nhiều lần trong ngày hoặc bất cứ khi nào cần thiết. Bạn thậm chí có thể sử dụng một giọng nói đặc biệt nào đó để ghi âm những lời khẳng định này, chẳng hạn như giọng của một ông già thông thái hoặc người mẹ.

Danh sách trên chỉ giúp bạn bắt đầu thôi. Hãy tự tạo cho mình những câu nói riêng vì những lời yêu thương nhất chỉ xuất phát từ trong trái tim của mỗi người. 

6. Vẽ ra chân dung đứa trẻ bên trong bạn bằng hình ảnh hoặc phương pháp thiền: 

Understanding Your Inner Child – Aligning Within

Bạn sẽ cần khoảng 30 phút hoặc hơn cho bài tập này. Tìm một không gian yên tĩnh và ngồi hoặc nằm xuống.

Hãy tưởng tượng bạn sắp được gặp đứa trẻ bên trong của mình. Bạn đi bộ ra ngoài sân sau và tìm thấy đứa bé ấy đang chơi trong một hộp cát. Đứa bé ở độ tuổi nào? Bạn đi đến chỗ nó và ngồi xuống. 

“Xin chào,” bạn giới thiệu bản thân. Bạn nhìn vào đôi mắt hồn nhiên của chúng. Chúng cảm thấy gì ở bạn? Sự tò mò? Sự run sợ? Sự hoài nghi? Sự phấn khích? Hãy tôn trọng đứa trẻ và ranh giới của chúng. Hãy để chúng ôm hoặc bắt tay bạn. Nếu không cũng không sao cả. Đôi lúc đứa trẻ chỉ cần mở lòng với bạn mà thôi. Bạn có thể hỏi tiếp, 

“Bạn cần gì nhất?”

Nếu bạn đang giao tiếp với đứa trẻ sơ sinh của mình trong giai đoạn này, phản ứng có thể đến như một trực giác. Nếu đó là bạn ở độ tuổi đi học, bạn có thể giao tiếp bằng lời nói. Nếu đứa trẻ bên trong cho bạn biết chúng cần gì, hãy tạo một không gian an toàn cho chúng. Hãy để chúng biết rằng bạn đang lắng nghe và thấu hiểu. Bạn có thể cho đứa trẻ ấy biết rằng bạn yêu thương và chăm sóc chúng nhiều đến nhường nào và mong sự quan tâm tốt nhất dành cho chúng. Hãy ôm chúng nếu đứa trẻ bên trong cần được nâng niu hoặc bồng bế. Một khi bạn cảm thấy rằng việc kết nối đã hoàn thành, bạn có thể quay trở lại thực tại. Bước cuối cùng là tập trung vào hơi thở, giãn cơ và mở mắt.

Tôi khuyên bạn nên dành ra vài phút viết nhật ký về trải nghiệm này. Viết nhật ký sẽ là một công cụ tuyệt vời để hiểu sâu hơn về bản thân và ghi nhận sự tiến bộ. 

7. Hãy trở thành người bảo vệ và nuôi dưỡng chính bạn

The Simple 2-step Process that will Free your Inner Child. | elephant  journal

Con người trưởng thành là người phải chịu trách nhiệm cho sức khỏe tinh thần của chính mình. Một đứa trẻ cần sự an toàn để có thể phát triển. Những dấu hiệu khiến bạn thấy không an toàn bao gồm:

  • Sự bồn chồn khi ở giữa đám đông
  • Có biểu hiện lo lắng thái quá
  • Không thể tin tưởng người khác
  • Không tin tưởng vào bản thân và khả năng của chính mình
  • Cảm thấy sợ khi phải làm một mình
  • Chỉ trích bản thân một cách nặng nề
  • Sợ thử điều mới hoặc đến những nơi mới
  • Luôn sợ điều tồi tệ nhất trong mọi tình huống

Nếu bạn trải qua những cảm giác này thường xuyên, tôi khuyên bạn nên tập trung vào việc tự tạo cảm giác an toàn với bản thân trước khi đi ra ngoài thế giới. Liên tục tự phê bình bản thân, phớt lờ nhu cầu, thiếu ranh giới cá nhân, luôn đặt người khác lên trên bản thân và thay đổi bản thân để được chấp nhận sẽ đưa bạn vào trạng thái sợ hãi thường trực

Cho dù cha mẹ hoặc người giám hộ của chúng ta có thể không đáp ứng hầu hết các nhu cầu (hoặc bất kỳ nhu cầu nào) đi chăng nữa, chúng ta luôn có thể giúp chính mình. Khái niệm này nghe có vẻ lạ nhưng chúng ta có thể trở thành cha mẹ của chính mình!

Những lợi ích của việc nuôi dạy lại bản thân?

  • Hạnh phúc và lạc quan hơn
  • Cải thiện khả năng sáng tạo
  • Tâm trí, cơ thể và tâm hồn khỏe mạnh hơn
  • Tình bạn và mối quan hệ bền chặt hơn
  • Phát triển các kỹ năng sống cần thiết: chấp nhận, tha thứ, chấp nhận bị tổn thương, lòng trắc ẩn, tình yêu với bản thân

Nếu bạn thấy khó để nuôi dạy lại đứa trẻ bên trong của mình, hãy tìm đến sự giúp đỡ từ một nhà trị liệu. Họ là những người đã được học cách trở thành người cha mẹ thay thế. Họ có thể lắng nghe đứa trẻ bên trong của bạn, đồng thời hỗ trợ và củng cố người cha, người mẹ bên trong bạn.

Nếu bạn thích làm điều đó một mình, điều đó là hoàn toàn có thể, thì hãy tìm kiếm một mạng lưới hỗ trợ, cho dù là trên mạng hay ngoài đời thực.

Để trở thành người bảo vệ và nuôi dưỡng chính mình, bạn cần tạo một ‘chính sách’ rõ ràng về những điều khoản được và không được tự xử lý. Tập trung vào việc yêu bản thân và chấp nhận những thiếu sót của nó mỗi ngày bằng cách lắng nghe nhu cầu của trái tim, cơ thể và linh hồn của bạn. Chăm sóc bản thân nhiều hơn. Hãy dành thời gian cho nó. Ăn thức ăn nuôi dưỡng bạn. Tập nói “khôn”g và vạch ra ranh giới bản thân rõ ràng. Đừng ngần ngại khám phá các phương pháp đem lại cảm giác an toàn. Nếu cần, bạn thậm chí có thể tìm kiếm người hướng dẫn tinh thần có thể giúp bạn trên hành trình nuôi dưỡng bản thân. 

Kết Luận

Chúng ta có thể đã gặp nhiều bất an khi còn trẻ nhưng không bao giờ là quá muộn để sống lại tuổi thơ và kết nối lại với khía cạnh đó của bản thân. Khi chúng ta chịu trách nhiệm với hạnh phúc của chính mình, chúng ta sẽ được trao thêm sức mạnh để cảm thấy an toàn và toàn vẹn hơn. Đây là món quà quý giá nhất không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta.

Tôi hy vọng các bài tập và cách thực hành trên sẽ hỗ trợ quá trình kết nối với đứa trẻ bên trong của bạn. Như mọi khi, tôi hy vọng được đọc những chia sẻ kinh nghiệm bên dưới. Bạn không bao giờ biết mình có thể giúp ai ngoài kia bằng cách dành chút thời gian chia sẻ câu chuyện của bạn đâu!

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn:  https://lonerwolf.com/feeling-safe-inner-child/

Dịch:   eMKay (Minh Khánh)

Biên tập: Tuấn Ngọc

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan