3 đặc điểm tính cách của người mắc rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực được biết đến là hiện tượng mà các cảm xúc thay đổi một cách không ổn định. Người mắc rối loạn này có các giai đoạn cảm xúc đi từ hưng cảm hoặc hưng cảm cường …

Rối loạn lưỡng cực được biết đến là hiện tượng mà các cảm xúc thay đổi một cách không ổn định. Người mắc rối loạn này có các giai đoạn cảm xúc đi từ hưng cảm hoặc hưng cảm cường độ nhẹ đến trầm cảm rồi thuyên giảm mà không có một khuôn mẫu nào đoán trước được. Tất cả những thứ đó, đều là cảm xúc. Và điều này không xảy ra liên tục. Những cảm xúc đó không bị cố định vĩnh viễn trong tính cách của họ. Vậy nên việc nhận biết những đặc điểm tính cách tồn tại trong những người mắc rối loạn lưỡng cực có thể góp phần quan trọng vào việc dự đoán những chiều hướng cảm xúc và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các nghiên cứu mới đây đã tiến gần hơn đến một khẳng định rằng có 3 đặc điểm tính cách mà người mắc rối loạn lưỡng cực có nhiều hơn so với những người không mắc bệnh.

Thực tế ta có thể miêu tả một người với hàng trăm đặc điểm tính cách khác nhau. Người đó liều lĩnh hay thích an toàn? Và các đặc tính khác như sự sáng tạo, sự thông minh, cái tính quên trước quên sau hoặc thậm chí là cả bản tính bừa bộn? Thay vì nghiên cứu riêng biệt từng đặc tính, các nhà tâm lý học chia chúng ra thành năm loại khác nhau, và thường được gọi là “Mô hình tính cách 5 yếu tố (Big 5). Năm yếu tố đó bao gồm tính hướng ngoại (extraversion), tính dễ chịu (agreeableness), tính cởi mở (openness), tính tận tâm (conscientiousness) và tính lo âu (neuroticism). Mỗi yếu tố này hợp lại thành chiếc ô bao trùm lên hàng trăm đặc điểm tính cách khác.

Một nghiên cứu mới do Timea Sparding thực hiện, được đăng tải trên tạp chí BMC Psychiatry,  nhằm tìm ra sự khác biệt về đặc điểm tính cách giữa những người mắc bệnh và những người không mắc bệnh. Không chỉ vậy, nghiên cứu cũng được thực hiện giữa hai nhóm bệnh nhân rối loạn lưỡng cực I và II.

Các nhà tâm lý tiến hành theo dõi 110 người mắc rối loạn lưỡng cực I, 85 người mắc rối loạn lưỡng cực II và 86 người có tâm lý khỏe mạnh trong vòng 2 năm. Để xác định tính cách, họ sử dụng phiếu câu hỏi Thang đo Tính cách (Scales of Personality – SSP) của các Đại học tại Thụy Điển. SSP có 91 mục tính cách được chia ra thành 13 thang đo các đặc tính. Câu trả lời được tính điểm từ 1 (hoàn toàn không phù hợp) đến 4 (hoàn toàn phù hợp). Các kết quả được tổng hợp và phân loại vào 3 nhóm tính cách lớn: tính lo âu, tính năng nổ tính bốc đồng.

Nghiên cứu nhận thấy rằng người mắc rối loạn lưỡng cực đạt điểm cao hơn người có tâm lý khỏe mạnh trong các loại đặc tính sau:

Tính lo âu

Lo âu được mô tả là sự bất ổn của cảm xúc. Người  đạt điểm cao trong tính lo âu có xu hướng lo lắng ở mức độ cao và tâm trạng hay thay đổi đột ngột. Người đạt điểm thấp hơn có tâm trạng ổn định hơn và ít lo lắng hơn. Theo nghiên cứu này thì người mắc rối loạn lưỡng cực đạt điểm cao hơn những người không mắc trên thang đo tính lo âu ở tất cả các hạng mục, trừ hạng mục của sự quyết đoán.

Tính hướng ngoại

Tính hướng ngoại chủ yếu thể hiện sự thích giao du,, sự quyết đoán và cách biểu hiện cảm xúc của một người. Người đạt điểm cao về tính hướng ngoại thường có nhiều bạn bè, người quen, tính cách thoải mái và có vẻ dễ dàng bắt chuyện với người khác. Còn những người đạt điểm thấp là những người hướng nội. Họ phần lớn thích ở một mình hoặc ở trong nhóm nhỏ, họ không thích thành trung tâm của sự chú ý. Họ có xu hướng nghĩ kỹ trước khi nói. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn người mắc rối loạn lưỡng cực đạt điểm hướng ngoại cao hơn so với người có tâm lý khỏe mạnh.

Tính bốc đồng

Tính bốc đồng về cơ bản là mặt trái của tính kỹ lưỡng. Những người kỹ lưỡng thường làm việc hiệu quả, có trật tự, có tâm huyết và rất thận trọng. Nói cách khác, người đạt điểm cao về tính bốc đồng có xu hướng không ngăn nắp, không có mục tiêu và khá hấp tấp. Những đối tượng có điểm thấp trên thang đo tính kỹ lưỡng có thể sẽ không thích công việc được cơ cấu hay hoạch định rõ ràng, họ dễ bị trễ deadline và trì hoãn hơn người khác.. Phần lớn người mắc rối loạn lưỡng cực đạt điểm cao hơn những người tâm lý khỏe mạnh về tính bốc đồng. Họ đặc biệt đạt điểm cao về sự cáu kỉnh và tính hấp tấp, cả hai đặc tính này đều dễ tìm thấy ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

Tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được sự khác biệt đáng kể nào giữa điểm số của người mắc rối loạn lưỡng cực I và II. Mặc dù đã có nghiên cứu trước đó chỉ ra rằng, các đối tượng có nguy cơ cao mắc trầm cảm thường có xu hướng đạt điểm cao ở thang đo tính lo âu và điểm thấp ở thang đo tính hướng ngoại. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, đáng tiếc thay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào thể hiện rằng, các đặc điểm về tính cách có thể tiên lượng diễn tiến bệnh của rối loạn lưỡng cực cả.

Nhưng chúng ta phải hiểu rằng không phải tất cả những người bị rối loạn lưỡng cực đều có ba đặc điểm tính cách trên. Đương nhiên sẽ là khả thi nếu có những người mắc rối loạn lưỡng cực mang tính hướng nội và tính kỹ lưỡng, và tương tự cũng có thể có các bệnh nhân hướng ngoại lại mang tính lo âu.Vì vậy xin độc giả hãy nhìn nhận những khám phá trên đây bằng góc nhìn bao quát trên nhóm đối tượng là các bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

Dịch: Vương Ngọc

Biên tập: Vũ Dương

Minh họa: Nguồn ảnh từ: os.me/short-stories/the-art-of-procrastination/; CalmClinic.com; Living The Kava Life; psycom.net

Nguồn bài viết: https://blogs.psychcentral.com/bipolar-laid-bare/2017/05/3-personality-traits-found-in-those-with-bipolar-disorder/?li_source=LI&li_medium=popular17

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan