3 điều người hướng nội rất nên học hỏi từ người hướng ngoại

Trong một thế giới đầy hỗn loạn, khi những mảnh tính cách tưởng chừng va chạm nhau đến sứt mẻ, lại có đâu đó đôi ba sự tiếp xúc vô hình đến bất ngờ. Và ai nói hai thế giới khác biệt không thể có biên giới. Biên giới đó là cách chúng ta học hỏi lẫn nhau mà sống, và sống thật tuyệt vời.

Trong một thế giới đầy hỗn loạn, khi những mảnh tính cách tưởng chừng va chạm nhau đến sứt mẻ, lại có đâu đó đôi ba sự tiếp xúc vô hình đến bất ngờ. Và ai nói hai thế giới khác biệt không thể có biên giới. Biên giới đó là cách chúng ta học hỏi lẫn nhau mà sống, và sống thật tuyệt vời.


Học cách bước ra khỏi vùng an toàn môt cách “thoải mái” nhất


Tại sao lại thêm từ “thoải mái” ở đây, trong khi bước ra khỏi vùng an toàn không hề thoải mái chút nào ngay cả đối với người hướng ngoại đi chăng nữa. Thoải mái ở đây chính là “thoải mái” về mặt tinh thần và tâm trí. Nói một cách đơn giản là bạn sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình và dám đương đầu với những viên đá hay gai góc ngáng chân phía trước. Thực tế, đa phần người hướng nội thường “chết mê chết mệt” cái cảm giác mà đôi khi chúng ta gọi đó là “an toàn” hay còn gọi với cái tên tương đối mỹ miều “chill”. Đôi khi không phải vì họ “sợ” hay “không dám” dấn thân, mà đơn giản vì đó đã là thói quen của họ mất rồi. Và đã là thói quen thì không phải ngày một ngày hai có thể tặc lưỡi cho qua được.


Tôi từng làm ở một cửa hàng bán đồ ăn nhỏ hồi còn non nớt chân ướt chân ráo lên thành phố học đại học với ký ức ban đầu rất “kinh hoàng” mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Đó là khi tôi mới bước chân vào cửa hàng, những ngày đầu đi làm không khác gì cục đá tảng đè xuống đứa hướng nội lại nhạy cảm cao như tôi. Tôi chẳng biết làm gì. Đã vậy còn bị đứng chung với một bạn hướng ngoại. Bạn ý thẳng tính đến nỗi chỉ cần tôi làm sai dù chỉ một việc cỏn con như làm rơi cọng rau hay lấy thiếu phần cho khách, bạn ý sẽ tạt cho tôi một gáo nước lạnh. Nếu không vì tiền, vì đỡ đần bố mẹ thì hồi đó tôi đã nghỉ ngay rồi. Nhưng người hướng nội như tôi có một điểm mà tôi gọi đó là mạnh :”lì”. Tôi quyết tâm phải làm cho ra việc. Thế rồi dần dần, chẳng hiểu sao tôi lại có vẻ làm ăn ra hồn và nói chuyện khá thoải mái với bạn hướng ngoại đó. Lúc đó, tôi mới để ý, chính nhờ những lần thẳng thắn hay dám nói ra suy nghĩ của bạn, tôi mới thấy mình cần phải nạp thêm năng lượng để chiến đấu đến cùng. Vì từ trước đến khi tôi làm ở tiệm ăn đó, tôi là một đứa chưa hề cố gắng hết 100% để đạt được điều mình muốn, dù là nhỏ nhất. Vậy nên, tôi thiết nghĩ, bước ra khỏi vùng an toàn không chỉ dừng lại ở việc bạn làm được việc này việc kia lớn lao. Bước ra khỏi vùng an toàn đôi khi cũng là khi bạn dám đối diện và thể hiện suy nghĩ của chính mình, một cách khéo léo.


Chúng ta học hỏi điều này bằng cách nào?


Hãy tận dụng việc quan sát tỷ mỷ của mình để thấy được cách thức người hướng ngoại hành động ngoài vùng an toàn của họ. Bởi vì người hướng nội thích cảm giác từ từ, chứ không dồn dập hay mì ăn liền. Vì vậy, điều bạn cần làm là hiểu rõ bản thân muốn gì và thực sự mong chờ điều gì trước khi bước dù chỉ một ngón chân ra khỏi vùng an toàn.


Học cách dừng việc e ngại quá mức khi tìm kiếm hay đề nghị sự giúp đỡ từ người khác


Nếu bạn để ý, khi làm việc với người hướng ngoại, họ rất chủ động và cảm thấy thích thú đến khó hiểu việc thực hành “brainstorming” với nhóm từ nhỏ tới lớn. Việc này khá khó khăn với người hướng nội, vì tâm trí họ mê đắm cái cảm giác ở một mình, suy nghĩ một mình và tất nhiên, đưa ra ý tưởng một mình. Điều này không hề sai. Không phủ nhận việc người hướng nội như tôi và bạn sẽ có thể đưa ra các ý tưởng có thể khiến mọi người phải “wow” lên. Thế nhưng, cái sai ở đây chính là CÁCH TƯ DUY để biến ý tưởng ấy lớn hơn, có giá trị hơn bằng hành động thực tế. Có người rất thích tư duy một mình, nhưng họ lại bị nó trói chặt, đến nỗi bỏ mặc hay phớt lờ những suy nghĩ hay đề xuất từ người khác. Việc đó chỉ có tác dụng phụ mà thôi. Khi bạn chịu mở lòng, người khác chắc chắn cũng sẽ sẵn sàng mở lòng với bạn. Còn khi bạn chỉ khư khư giữ cho riêng mình, thì bạn mãi mãi chỉ ôm một thứ gọi là “bào thai” của ý tưởng mà thôi.


Ở một khía cạnh khác, người hướng nội khá khó khăn trong việc đề nghị sự giúp đỡ từ người khác. Đôi khi không phải vì họ ngại hay sợ sệt gì quá mức. Họ hạn chế đưa lời đề nghị có lẽ bởi họ suy nghĩ quá nhiều vào kết quả. Họ dường như bị dị ứng cực cao với lời từ chối. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ, bị từ chối ai mà chẳng hụt hẫng, ai mà chẳng buồn và đôi khi tuyệt vọng. Thế nhưng, bạn nào đâu biết người hướng nội bị ám ảnh như thế nào với lời từ chối không? Đặc sản của người hướng nội là suy nghĩ sâu mà. Vậy nên thế giới nội tâm họ có thể sẽ “gào thét” khi có quá nhiều vật thể lạ bay vào và thi nhau nói nhỏ “Mày làm thế là làm phiền người khác” “Mày làm thế nhỡ người ta không thích người ta từ chối thẳng thừng mày thì sao?”.....Đó, điều này lại đặc biệt không mấy tồn tại ở người hướng ngoại. Có thể nói, họ miễn nhiễm với mấy lời từ chối, trừ khi nó thực sự nghiêm trọng.


Chúng ta học hỏi điều này bằng cách nào?


Trước hết, bạn phải hiểu được rằng bạn không thể và cũng không phải từ bỏ con người thật trong mình. Bạn vẫn có quyền lo lắng, bồn chồn, ngại ngùng khi nhờ người khác giúp đỡ. Thứ hai, bạn hãy tận dụng thứ mà mình giỏi nhất để làm dịu dần đi suy nghĩ do dự khi lên tiếng nhờ người khác. Đó là khả năng quan sát và lắng nghe. Hãy chắc chắc khi nào bạn thực sự sẵn sàng để mở lời bằng cách xác định rõ mình cần phải nói gì, làm gì. Đôi khi việc nghĩ ra một kịch bản sẵn có không có gì là lạ khi bạn thực sự chân thành muốn người ta giúp đỡ.


Học cách bớt phụ thuộc và thụ động (nhất là về mặt cảm xúc và suy nghĩ)


Không sai. Người hướng nội nhiều khi bị kiểm soát bởi một thế lực vô hình nào đó khiến họ chùn chân lại và không sẵn sàng để mở lòng. Trong khi người hướng ngoại lại khá chắc chắn về điều này. Họ lý trí và có cách xử lý linh hoạt hơn với các vấn đề mình gặp phải và cả với các mối quan hệ.


Đã có những cuộc tranh luận gay gắt và không có hồi kết giữa “trái tim nóng” và “cái đầu lạnh” xem cái nào mới thực sự cần thiết hơn. Quan điểm của tôi là chúng ta cần cả hai. Hơi tham lam đúng không? Nhưng khi bạn bị cuộc sống nhào đi nhào lại bạn mới hiểu “Người đáng sợ và có thể làm nên chuyện nhất không phải là người có một trong hai thứ đó, mà chính là người có cả hai nhưng biết điều chỉnh nút tắt mở khi cần thiết”.


Tôi đã từng sa lầy vào một mối quan hệ độc hại. Tôi nghĩ chỉ cần mình cho đi đủ chân thành, người ta sẽ đáp lại mình y như vậy. Nhưng không, trái tim của tôi quá nhiều nhựa sống. Và nó luôn ngọ ngoạy không yên mỗi khi đối phương cần tôi hay muốn lấy đi của tôi tình yêu thương vô điều kiện. Tôi đã từng bỏ cả sĩ diện chỉ để cho đối phương cảm thấy mình đủ tin tưởng. Để rồi thứ duy nhất tôi nhận lại chỉ là hai chữ “dửng dưng”.


Chúng ta học hỏi điều này bằng cách nào?


Trước hết, đừng quá thúc ép trái tim bạn phải cho đi quá nhiều ngay từ đầu. Người tốt thực sự còn rất nhiều. Nếu họ đủ yêu thương và trân trọng bạn, họ hoàn toàn xứng đáng có được sự tôn trọng ngược lại từ bạn. Còn nếu không, kể cả bạn có cho đi bao nhiêu, thì với họ, cũng chẳng bao giờ là đủ. Yêu thương bản thân, sống thật tốt, tự khắc người tốt sẽ tới. Thậm chí họ có thể yêu thương bạn hơn bạn đã dành cho họ. Những tính cách giống nhau đều sẽ hút nhau mà. Đúng không?


Dear Introvert

BẢN THẢO
Bài viết liên quan