3 kỹ năng sống quan trọng mà bạn không ngờ tới

Hãy tưởng tượng rằng tôi là bố của bạn. Tôi biết là cái ý tưởng này nghe thật kì quặc và gây khó chịu, nhưng hãy nghe tôi này, từ giờ cho đến lúc bồ tèo đọc xong bài viết …

Hãy tưởng tượng rằng tôi là bố của bạn. Tôi biết là cái ý tưởng này nghe thật kì quặc và gây khó chịu, nhưng hãy nghe tôi này, từ giờ cho đến lúc bồ tèo đọc xong bài viết này, hãy cứ coi tôi là Bố.

Được rồi, giờ thì hãy giả vờ là chúng ta đang có một buổi tâm sự thâm tình theo đúng kiểu mà ta vẫn hay tưởng tượng mỗi khi ngồi lại cùng với bố thật của mình. À, có thể hai ta đang ở sân sau, cùng nhấm nháp tí bia cho mát chứ chẳng thèm khát gì, nghe tiếng dế kêu và dõi theo ánh trăng đang từ từ dạo chơi nơi cuối chân trời. Có lẽ ta đang thảo luận và cười phá lên về những bộ phim ta vừa xem, hoặc hồi tưởng về thời gian lúc bồ tèo lên năm, cố dìm đầu con mèo nhỏ vào trong bồn cầu.

Và trong cái khoảnh khắc ở sân sau đang được vẽ nên một cách hoàn hảo đó, hãy vờ như tôi đột nhiên truyền đạt lại một số kinh nghiệm khôn ngoan nhưng nghe cũng khá sáo rỗng của bậc làm cha này cho bạn, với hi vọng rằng chúng sẽ giúp sắp xếp lại nhân sinh quan bên trong bạn. Hãy giả vờ rằng tôi bỗng dưng quay sang bồ, đứa con trai/con gái/người-mà-tôi-vẫn-chưa-hề-quen-biết-nhưng-vẫn-yêu-thương-và-chấp-nhận-vô-điều-kiện yêu dấu của tôi, và nói cho bạn nghe, rằng trong tất cả những sự thông thái của bậc làm cha này, có ba kĩ năng sống quan trọng nhất, mà trước giờ chẳng ai nói với con cả.

Vậy nên, ờ, giả vờ như mọi thứ đang diễn ra nhé. Và sau đó hãy tưởng tượng rằng đại khái là tôi đã nói những điều sau đây:

KĨ NĂNG SỐNG QUAN TRỌNG ĐẦU TIÊN: LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGỪNG VIỆC CÁ NHÂN HÓA CÁC VẤN ĐỀ 

Một tác dụng phụ đáng tiếc của ý thức trong não bộ con người, đó là mọi thứ mà ta trải nghiệm trong cuộc sống, bằng cách nào đó đều để lại ảnh hưởng lên ta. Chiếc xe đã ngáng đường ta hôm nay. Ta đọc được tin tức vớ vẩn trên truyền hình vào tối qua, và nó khiến ta bực dọc.

 Kết quả là, chúng ta có xu hướng thiên vị cố hữu về cái giả định rằng mọi thứ xảy ra đều thực sự là chuyện của ta.

Nhưng đây là tin mới này: Chỉ vì con trải qua một chuyện gì đó, chỉ vì chuyện đó khiến con cảm thấy như thế nào đó, hay chỉ vì con quan tâm đến vấn đề nào đó, không có nghĩa đó là chuyện của riêng con.

ᴘɪɴᴛᴇʀᴇsᴛ | @deblauwezoe

Kĩ năng sống quan trọng đầu tiên: đừng coi mọi chuyện đều là vấn đề của mình. 

Khó mà ghi nhớ được điều này. Không chỉ vì ta đã quá lệ thuộc vào bộ não và cơ thể chúng ta, mà còn vì việc cá nhân hóa mọi thứ như thế, theo một cách nào đó, thực sự khiến ta cảm thấy thoải mái trong một khoảng thời gian ngắn. 

Thật thích thú biết bao khi nghĩ rằng những điều tuyệt vời xảy ra trong cuộc sống của con, bởi vì con là một người tuyệt vời. Nhưng cái giá mà con phải trả đó là con cũng phải trải qua những điều tồi tệ nữa – và con cũng phải diễn giải những điều tồi tệ trong cuộc sống này theo cách tương tự.

 Kết quả là con tự đặt mình lên một chiếc tàu lượn cao tốc mang tên là tự trọng, để nó đưa con lên cao rồi lại rơi xuống thấp, nâng con lên đến những đỉnh cao đến chóng mặt và rồi lao mạnh xuống theo những vòng lượn sóng máu lạnh và vô tình của bất cứ chuyện nhảm nhí gì đang xảy ra vào thời điểm đó.

Khi chuyện tốt đẹp, con là món quà của các vị thần gửi đến trái đất, là người xứng đáng được ca ngợi và hoan nghênh. Khi chuyện tồi tệ, con lại là nạn nhân tự cho mình là đúng, là người đã bị hiểu sai và xứng đáng những điều tốt hơn thế.

Thứ duy nhất không thay đổi ở đây là cảm giác mình xứng đáng. Và cái ý thức rằng mình xứng đáng sẽ biến con thành một con ma cà rồng hút cảm xúc, một cái hố đen kì thị xã hội chỉ muốn nuốt lấy năng lượng và tình yêu của những người xung quanh mà không bao giờ hoàn trả lại bất cứ điều gì.

 Ừ, có lẽ bố nói hơi bị quá lên đấy, nhưng con nắm được trọng điểm rồi chứ?

Khi người khác bắt đầu chỉ trích, từ chối con, có thể chuyện liên quan đến những sự ưu tiên của họ, tình hình cuộc sống và giá trị con người họ – hơn là đến con. Bố không muốn phải nói thẳng, nhưng đơn giản là nhiều người không để tâm đến con nhiều vậy đâu (sau cùng thì, họ cũng đang rất bận rộn trong việc cá nhân hóa mọi thứ xung quanh về họ).

Khi con thất bại trong chuyện gì đó, không có nghĩa con hoàn toàn thất bại trong cuộc sống này, nó chỉ đơn giản là con là một người đôi khi vấp phải thất bại mà thôi.

Khi những chuyện bi thảm xảy ra, con đau lòng khủng khiếp, và cái suy nghĩ rằng bi kịch này xảy ra là vì con cũng gây ra đau đớn không kém. Hãy nhớ rằng khó khăn là một phần của cuộc sống này, rằng bi kịch của cái chết chính là điều mang lại ý nghĩa cho việc được sống, và nỗi đau không hề có định kiến với ai – nó xảy ra và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Việc xứng đáng hay không xứng đáng không phải là một cách để cân bằng cuộc sống này.

- Thế này nhé? Nếu một ngày cậu buồn, thì hãy tìm đến fic của tớ. Con… #thơca # Thơ Ca # amreading # books # wattpad

KĨ NĂNG SỐNG QUAN TRỌNG THỨ HAI: HỌC CÁCH TIẾP THU Ý KIẾN VÀ CHỈNH SỬA SUY NGHĨ CỦA MÌNH 

Khi đức tin bị nghi ngờ và thử thách, hầu hết mọi người bấu víu lấy nó như thể đó là chiếc phao cứu sinh duy nhất trên con tàu đang chìm vậy.

Nhưng vấn đề ở đây là, niềm tin của họ thường đóng vai con tàu đang chìm.

 Đối với hầu hết mọi người trong chúng ta, niềm tin không chỉ đơn giản là một ý tưởng mà ta tin là đúng đắn, mà thường chúng còn góp phần chính trong việc hình thành con người ta. Khi niềm tin bị nghi ngờ, về cơ bản có nghĩa là bản thân chúng ta bị ngờ, và điều này – trong trường hợp con chưa từng phải cảm nhận nó, thì nó đau đớn vô cùng.

Vậy nên chúng ta thà tự bịt tai mình lại để giả điếc, không ngừng lờ đi và hi vọng cái bằng chứng cho thấy ta đã sai cũng sẽ theo đó mà biến mất một cách thần kì.

Lấy vị dụ, một người không tin vào sự biến đổi khí hậu. Có rất nhiều người trong số họ không hề ngớ ngẩn chút nào. Họ nhận thức được những điều khoa học công bố, những cuộc tranh luận về vấn đề này. Vấn đề là trong một khía cạnh nào đó, họ cho rằng việc bác bỏ sự thay đổi khí hậu không chỉ là đức tin của họ, mà nó còn đại diện cho cả con người họ, thể hiện họ là ai. 

Và một khi họ đã dấn thân vào trong đức tin đó rồi thì con gần như chẳng thể thuyết phục họ suy nghĩ lại cả.

 Nhưng việc kiên quyết đứng về phía đức tin của ta không chỉ làm cho các nhà khoa học và chính trị phiễn não. Nó còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của hầu hết mọi người.

Lấy chuyện hẹn hò làm ví dụ. Bố biết có những anh thanh niên tin vào những điều họ đã thấy ở trường trung học – rằng phụ nữ không thích những kẻ mọt sách, rằng họ cần được cung phụng bằng tiền hoặc rất nhiều tiền, hoặc một con xe ngầu lòi thì mới chịu yêu. Có lẽ những điều này hữu ích và giải thích được nhiều điều trong cuộc sống năm 16 tuổi của họ. Nhưng ở độ tuổi 32, chính những điều này đã phá hỏng đường tình duyên của họ.

Con sẽ mắc phải rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Thực tế là hầu hết mọi lúc. Bằng nhiều cách khác nhau, con sẽ thấy khả năng thành công và học hỏi về lâu về dài của mình tỉ lệ thuận với khả năng thay đổi những niềm tin cũ để sửa chữa cho những sai lầm và sự thiếu hiểu biết của con.

Kĩ năng sống: con có thể thay đổi suy nghĩ của bản thân.

Con sẽ hỏi “Phải làm như thế nào cơ?” 

Không có cách thức chính xác đâu, tất cả đều ở trong đầu của con cả. Chỉ cần cố gắng suy nghĩ và thử nhìn nhận sự việc theo một khía cạnh mới, rồi tự hỏi bản thân “Nếu điều trái ngược với giả thuyết của mình là đúng? Điều đó sẽ ra sao?” Và rồi tự thâm tâm con sẽ có câu trả lời. 

Ban đầu chuyện này có thể khó nhằn. Não bộ của con sẽ tìm cách chống lại những suy nghĩ đó. Nhưng tất nhiên, đó là cách để con luyện tập kĩ năng này.

Hãy thử viết ra 20 điều trong cuộc sống của con ngày hôm này mà con nghĩ, có thể nó đã sai. Và 20 điều này không nhất thiết chỉ là những vật chất cụ thể. Ở nhiều khía cạnh, hiểu biết của bố về thế giới vật chất rất hạn hẹn, nhưng đó không phải là điều quan trọng duy nhất mà bố cần phải thay đổi suy nghĩ.

 Những gì mà bố đang muốn nhắc đến, là những giả định sâu sắc hơn, về con người của ta: tôi kém hấp dẫn, tôi lười nhác, tôi không giỏi giao tiếp với người khác, tôi chẳng bao giờ được hạnh phúc khi bị mắc kẹt trong cuộc sống này, tôi nghĩ tận thế sẽ tới vào thứ ba tuần sau.

 Những điều giả định càng mang tính cảm xúc thì càng cần được viết ra và thử thách.

 Sau khi đã viết đủ 20 điều, hãy ngẫm nghĩ và viết ra xem, chuyện gì sẽ ra trong cuộc sống của con, nếu những điều này đều sai.

Ban đầu, chuyện này nghe thật đáng sợ. Có rất nhiều giả định trong số 20 giả định đó mà con không muốn đặt câu hỏi nghi ngờ chúng. Nhưng hãy nghĩ theo cách này: không thử đặt câu hỏi về nó, không thử suy xét đến những mặt khác của nó, thì sao ta có thể tự tin với đức tin của chính mình được? Việc chúng ta muốn làm ở đây là phát triển khả năng nhìn nhận những mặt khác nhau trong cùng một sự việc. Và trong một vài lần con nhìn thấy những mặt khác này hợp lý hơn, thực tế hơn, hãy tiếp thu chúng.

KĨ NĂNG SỐNG QUAN TRỌNG THỨ BA: CÁCH XỬ LÝ MỌI VIỆC KHI KHÔNG BIẾT TRƯỚC ĐƯỢC KẾT QUẢ

Xuyên suốt phần lớn thời gian của đời ta, mọi việc đều được gắn liền với những kết quả rõ ràng. Ở trường, con viết những bài nghiên cứu bắt buộc trong học kì, vì giáo viên của con bảo thế. Ở nhà, con dọn dẹp phòng ốc vì bố mẹ sẽ thưởng nếu con làm thế. Ở cơ quan, con làm theo những gì sếp nói vì có thế, con mới được trả lương.

Không cần gì là mơ hồ cả. Con cứ thế mà hành động thôi.

Giáo viên muốn bài nghiên cứu, nên con viết nó. Mẹ muốn phòng ốc sạch sẽ, nên con dọn dẹp nó. 

Nhưng cuộc sống của chúng ta – cuộc sống thực tế – không vận động theo cách này. Khi con quyết định chuyển nghề, không ai nói cho con nghe đâu là nghề nghiệp thích hợp với con cả. Khi con quyết định gắn bó với ai đó, không ai có thể cam đoan người đó chính là người sẽ mang lại hạnh phúc cho con. Khi con bắt đầu kinh doanh hoặc ra nước ngoài định cư, hoặc quyết định chọn ăn bánh quế thay vì bánh kếp cho bữa sáng, chẳng có cách nào để chắc chắn rằng, điều con đang làm là đúng hay sai. 

Vậy nên chúng ta né tránh chúng. Chúng ta né tránh việc phải đưa ra những quyết định. Tránh hành động khi chưa biết được kết quả. Và vì thế nên cuộc sống của ta trở thành một vòng tròn, an toàn lặp đi lặp lại.

pinterest — 00lait

Bố vẫn hay nhận được những câu hỏi theo kiểu “làm thế nào để tôi tìm thấy mục đích của cuộc sống?” từ mọi người. Hoặc “làm thế nào để tôi biết được, cô ấy/anh ấy có phù hợp với tôi không?”. Hoặc “tôi có đang thay đổi theo hướng đúng đắn không?”.

Và bố chẳng bao giờ trả lời họ, vì bố có biết cái quái gì đâu?

Chẳng ai có thể quyết định xem điều gì là phù hợp với cuộc sống của con, ngoại trừ con. Nhưng còn một điều nữa là, khi con gửi tin nhắn cho một gã trên mạng (hoặc tìm kiếm trên sách, trên bất kì phương tiện nào đó), hỏi những câu như trên – thì tức là con đang muốn biết kết quả trước khi hành động.

Có một cảnh rất tuyệt trong bộ phim Kỵ Sĩ Bóng Đêm, Joker đã nói về triết lý sống của gã:

“Tao cứ làm thôi.” 

Giờ thì, khi bỏ qua những lỗ hổng trong tính cách của Joker (khủng bố, giết người hàng loạt, cướp có vũ trang, sát thủ chính trị) thì, gã ta đã nói đúng đấy chứ.

“Những người hay vẽ ra các kế hoạch luôn cố kiểm soát mọi thứ trong cái thế giới nhỏ bé của họ…”

Thực tế là: đôi khi con cứ phải xắn tay áo lên và làm thôi, không vì lý do gì cả. Hãy hành động, vì con có thể. Bởi vì việc đó đang ở trước mắt. Giống như George Mallory đã nói khi anh ta bảo mình sẽ trèo lên đỉnh Everest: “Tại vì nó đang ở đó.”

Hãy thả thêm vài muỗng hỗn loạn vào nồi lẩu cuộc sống. Một lượng hỗn loạn nhất định luôn đem lại điều tốt. Nó kích thích việc trưởng thành, thay đổi, đam mê và hứng thú của con.

Hãy tập cho mình khả năng xử lý mọi việc, hành động chẳng vì lý do cụ thể nào hơn là tò mò, hứng thú, hoặc thậm chí là vì đang buồn chán – khả năng thực hiện mọi việc mà không mong chờ kết quả, giải thưởng, năng suất hoặc cái gì đó để phô trương – rồi con sẽ tự tin hơn, làm tốt hơn khi đối diện với những quyết định lớn hơn, mơ hồ hơn trong cuộc sống này. Khả năng này sẽ huấn luyện cho con cách để bắt đầu một chuyến hành trình khi chính con cũng không rõ nó sẽ dẫn dắt con đi về đâu.

Nó có thể dẫn con đến muôn ngàn thất bại nhỏ, nhưng cũng có thể dẫn con đến những thành công to lớn nhất trong đời.

Bắt đầu bằng những chuyện nhỏ nhặt, Có thể bắt đầu bằng việc mở trang meetup.com (trang web chuyên đăng tải các sự kiện đang xảy ra xung quanh bạn), đăng kí tham dự một sự kiện nào đó chẳng vì lý do gì cả, đơn giản là do nó xuất hiện trên màn hình, hoặc trông có vẻ hay hay. Đến Udemy hoặc Khan Academy (trang mạng học miễn phí) để đăng ký một khóa học nào đó vì trông có vẻ thú vị. Gọi cho bạn bè, người thân và bảo họ “Kể cho mình nghe một điều gì đó mới mẻ mà cậu cảm thấy thú vị đi?”.

Nhưng dĩ nhiên, cũng sẽ có vài cái bẫy tinh vi ở đây.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng “Ồ, bố (đây, tôi đây, nhớ tôi là bố của bồ chứ?) bảo rằng mình cần phải thử hành động một cách tự nhiên hơn để sau này có thể đưa ra những quyết định lớn trong đầu, dẫu cho không thể chắc chắn về chúng. Xem nào, hôm nay nên bắt đầu lên kế hoạch cho thứ gì thật ngẫu nhiên đây?

Con thất bại ngay trong nốt nhạc này. 

Con đã thất bại ngay trước khi kịp bắt đầu. Chẳng thể biết được thứ ngẫu nhiên gì sẽ mang lại hiệu quả ở đây cả. Chẳng có một kế hoạch, quá trình gì ở đây cả. Vậy nên ngừng suy nghĩ về chuyện hoàn thành mấy cái mục tiêu vớ vẩn kia đi.

Hoặc để bố nói theo một cách khác này: Hãy trở thành một người giỏi lãng phí thời gian theo những cách không ngờ tới đi.

Giờ thì tạm nghỉ ở đây nhé, bố còn có cái hẹn chơi bài với một nhóm những người bạn và người lạ mặt rồi.

Dịch: Anne

Biên tập: Mai

Nguồn ảnh minh họa: Pinterest

Nguồn: https://markmanson.net/life-skills

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan