3 Lý Do Tại Sao Người Thông Minh Lại Luôn Làm Những Điều Ngu Ngốc

Hằng ngày, có ít nhất một người thông minh không cài dây an toàn, qua đường mà không nhìn trái phải, hoặc nhấn vào nút trả lời tất cả trong khi cô ấy chỉ định trả lời một người. Hậu …

Hằng ngày, có ít nhất một người thông minh không cài dây an toàn, qua đường mà không nhìn trái phải, hoặc nhấn vào nút trả lời tất cả trong khi cô ấy chỉ định trả lời một người. Hậu quả của những sai lầm này, từ sự xấu hổ nho nhỏ cho đến cái chết bất ngờ, đều quen thuộc đối với tất cả chúng ta. Chúng ta chú ý đến hàng tá cảnh báo từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp – và nếu như thế vẫn chưa đủ sức cảnh báo, chúng ta đơn giản là chỉ cần tham khảo những câu chuyện-đời-thực-có-thể-trở-nên-thực-sự-tồi tệ mà ai đó bạn biết lúc nào dường như cũng biết: Người này người kia đã chết vì anh ta đã không cài dây an toàn, hoặc bị xe đụng vì cô ta qua đường khi đáng lẽ ra cô không nên qua.

Khi được nghe lại những câu chuyện đó, chúng ta sẽ dễ dàng coi nạn nhân là kẻ ngu ngốc hoặc bất cẩn. Ta sẽ nghĩ, “Sao họ chẳng chịu suy nghĩ gì nhỉ?” Trong khi cùng lúc ta lên taxi và không cài dây an toàn mà không suy nghĩ lấy một giây hay bất cẩn chạy qua đường khi ô tô đang lao đến. (Tôi mắc cả hai điều đó.) Bằng một cách nào đó chúng ta lại có thể lờ đi lẽ thường và đâm đầu những hành vi nguy hiểm và ngu ngốc như vậy. Là do đâu?

Một câu trả lời cho điều này, theo Heather Butler, phó giáo sư tâm lý học tại trường Đại học bang California, đó là người thông minh thực ra không thông minh đến vậy. Trong một bài báo gần đây cho Scientific American, Butler giải quyết chủ đề tại sao người thông minh lại cư xử một cách ngu ngốc bằng việc phân biệt giữa trí thông minh và kĩ năng tư duy phản biện. Bà ấy chỉ ra rằng trí thông minh, điều mà phần lớn được đo dựa vào IQ và điểm của các bài kiểm tra, hầu như không liên quan đến tư duy phản biện, “một bộ những kĩ năng tư duy cho phép chúng ta suy nghĩ hợp lý theo một cách để tập trung đạt được mục tiêu, và một khuynh hướng sử dụng những kỹ năng đó lúc thích hợp. Nói đơn giản hơn thì những người có tư duy phản biện giỏi dựa vào logic, thực tế và chứng cứ để giúp định hướng quan điểm và hành vi của họ.

Để lấy một ví dụ trong đời thực, hãy nhìn vào sự khác biệt giữa những người tin vào biến đổi khí hậu và những người từ chối nó. Hầu như cả cộng đồng khoa học (97%) rất tin tưởng rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa thật sự đối với môi trường, đưa ra những dữ liệu có thể đong đếm được, bao gồm lượng CO2 tăng trong không khí, hạn hán, nhiệt độ, nhiệt độ bề mặt biển. Trong khi đó, như Motherboard nói, những người chối bỏ biến đổi khí hậu, chiếm gần như một nửa quốc hội Mỹ, đổ lỗi cho “hoạt động của mặt trời, tham nhũng trong giới khoa học, Al Gore và ý định sáng suốt của Chúa trời.” Họ cũng cho rằng khí hậu của Trái đất lúc nào cũng thay đổi, điều mà thực chất là đúng, cho đến khi bạn xem những nghiên cứu gần đây cho thấy rằng hành tinh này đáng lẽ đang phải bước vào một giai đoạn lạnh đi chứ không phải nóng lên. Điều này không phải để nói rằng tất cả những người chối bỏ biến đổi khí hậu đều ngu ngốc. Một số người nghi, trên thực tế, lại là những người thông minh về mặt khách quan, theo một nghiên cứu phát hành trên Nature Climate Change. Các nhà nghiên cứu tìm ra rằng niềm tin của họ (hoặc sự không tin tưởng) bắt nguồn từ sự mâu thuẫn mối quan tâm “giữa mối quan tâm cá nhân mà mọi người có trong việc xây dựng niềm tin đồng bộ với những niềm tin của những người thân thiết với chúng ta và một niềm tin chung mà họ đều có, trong việc tận dụng khoa học sẵn có để tạo ra phúc lợi chung.” Điều đó có nghĩa là những cá nhân “đáng lẽ ra là thông minh” này đơn giản chọn đảng thay vì đất nước – hoặc, trong trường hợp này, sự thật.

Thiếu kĩ năng tư duy phản biện có thể không phải lý do duy nhất mà những người “đáng lẽ ra là thông minh” lại có những hành vi ngu ngốc. Hiệu ứng “What The Hell” được liên kết chặt chẽ với tâm lý học của việc ăn kiêng. Những người ăn kiêng mà đang vật lộn với việc tự kiểm soát bản thân biết quá rõ về viễn cảnh này. Bạn hứa sẽ tránh đồ ngọt, nhưng cuối cùng bạn lại bỏ cuộc và cắn một miếng. Và vì bạn đã ăn một miếng rồi, bạn tự nghĩ với bản thân “Cái quái gì vậy? Mình đã phá hỏng chế độ ăn kiêng mất rồi,” và ăn hết luôn cả cái túi. Hiệu ứng này không chỉ áp dụng đối với việc ăn uống. Nhiều người trong chúng ta nhanh chóng hy sinh ý chí của mình (và những ý định tốt đẹp nhất) khi nói đến những mục tiêu liên quan đến quan hệ cá nhân, mua sắm và thậm chí là công việc . Bạn đã nhắn tin cho người yêu cũ một lần? Cũng có thể sẽ nhắn cho anh ta lần nữa. Bạn đã vượt quá ngân sách của mình? Vài trăm đô nữa chẳng có mấy khác biệt. Nhưng, khi những điều đó xảy đến với chúng ta, chúng ta có xu hướng đánh giá những hành động này như những phút giây yếu đuối, chứ không phải ngu xuẩn.

Điều này đưa chúng ta đến với lý do thứ ba tại sao người thông minh lại có những lỗi lầm ngu ngốc. Người thông minh có xu hướng nghĩ rằng họ thông minh hơn và tốt hơn tất cả những người khác. Trong ví dụ về việc không ngừng ăn bánh quy, một người thông minh có thể sẽ đổ lỗi cho người đã làm bánh thay vì người đã ăn chúng. Giáo sư Andre Spicer gọi điều này là “xu hướng tự phục vụ”:

Không phải ai cũng có thể ở trên mức trung bình – nhưng chúng ta đều có thể có ảo tưởng rằng chúng ta là như vậy… Chúng ta thu thập tất cả thông tin chúng ta có thể tìm thấy để khẳng định là chúng ta đúng và phớt lờ bất kỳ thông tin nào chứng tỏ chúng ta sai. Chúng ta cảm thấy thoải mái, nhưng chúng ta đã bỏ qua những thực tế quan trọng. Vì vậy, những người thông minh nhất phớt lờ trí thông minh của những người khác để làm họ cảm thấy thông minh hơn.

Lời giải thích này có thể giải đáp vì sao rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng dây an toàn là tuỳ chọn, hoặc chạy thẳng vào xe cộ là ổn, hoặc lái xe như một tên điên là hoàn toàn chấp nhận được. Chúng ta đề cao khả năng, sự may mắn và sự thông minh của mình nhiều đến mức chúng ta tin rằng chúng ta bất bại, và nếu có chuyện gì đó xấu xảy ra, nó không phải lỗi của chúng ta. Trong khi “xu hướng tự phục vụ giúp bảo vệ và nâng cao lòng tự trọng, một khuyết điểm rõ ràng là nó có thể làm giảm ý thức trách nhiệm cá nhân và khả năng để nhận ra những lúc chúng ta thực chất đang đần độn.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/valley-girl-brain/201801/3-reasons-why-smart-people-do-dumb-things-all-the-time

Nguồn ảnh: Unsplash

Dịch: Topaz

Minh họa: GoOn

Biên tập: Hương

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan