Dành Cho Những Người Không Yêu Chính Mình

Bất kể bạn là ai, bạn đã làm gì hay bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, chăm sóc bản thân là MỘT ĐIỀU nhất định phải đưa vào cuộc sống.  Nếu không thể tự chăm sóc bản …

Bất kể bạn là ai, bạn đã làm gì hay bạn đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, chăm sóc bản thân là MỘT ĐIỀU nhất định phải đưa vào cuộc sống. 

Nếu không thể tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ luôn trong tình trạng căng thẳng, bệnh tật và mệt mỏi. Nếu không dành thời gian chăm sóc bản thân, bạn cũng có thể bỏ lỡ những điều thực sự quan trọng như dành thời gian cho những người thân yêu hoặc làm những gì khiến bạn hạnh phúc.

Việc bỏ qua và phớt lờ những nhu cầu của bản thân không phải là điều gì cao quý. Đó không phải là một tấm huân chương để bạn đeo lên và cảm thấy tự hào. Khi bạn đặt mọi thứ và người khác lên trên sức khỏe thể chất, tinh thần, tình cảm hoặc tâm linh của bản thân, đó là dấu hiệu của sự tử đạo, lòng tự trọng thấp và thói tham công tiếc việc, chứ không phải lòng vị tha hay sự chăm chỉ trong công việc.

Là một người có xu hướng chạy trốn khỏi vấn đề bằng cách “lao đầu” vào công việc và trách nhiệm – để rồi nhận lại những trận ốm kinh niên, tôi cũng biết được một chút về tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân.

Tự chăm sóc bản thân là điều chúng ta hiếm khi được học ở trường và thường là chủ đề cha mẹ bỏ qua trong quá trình nuôi ta lớn lên. Hãy dành vài giây để suy ngẫm: Ai đã dạy bạn cách chăm sóc các nhu cầu về thể chất, tình cảm, tinh thần và tâm linh khi bạn còn nhỏ? Nếu bạn như bao người khác, thì bạn cũng sẽ chẳng nghĩ ra được ai cả. Đã đến lúc chúng ta nghiêm túc xem xét lại mối liên kết còn thiếu trong giáo dục và dạy bản thân cách quan tâm đến nhu cầu của mình. Tại sao? Bởi vì không ai khác có thể làm điều đó cho chúng ta!

Bài viết này là một trong những bài quan trọng nhất mà tôi đã từng viết trên trang web này – và tôi đã viết hàng trăm bài viết trong nhiều năm. Chúng tôi hoan nghênh bạn in ra, viết ra hoặc ghi nhật ký về bất kỳ đề xuất nào bên dưới vì chúng SẼ thay đổi cuộc sống của bạn theo một cách nào đó. Và hãy nhớ rằng, bạn luôn có thể đánh dấu trang web này để tham khảo trong tương lai.

Nuông chiều bản thân có nghĩa là sao?

Chăm sóc bản thân có nghĩa là thực hiện các bước chăm lo cho bản thân và các nhu cầu về thể chất, tình cảm, tinh thần và tâm linh. Công cuộc chăm sóc bản thân bắt đầu từ việc bạn thừa nhận mình có trách nhiệm đối với sức khỏe của chính mình. Một khi bạn có thể tự chịu trách nhiệm, bạn sẽ làm việc một cách thoải mái và có cơ sở hơn. Tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống sẽ được cải thiện khi bạn dành thời gian để đáp ứng các nhu cầu của mình. Chăm sóc bản thân là một phần không thể thiếu của việc nuôi dưỡng tình yêu đối với bản thân. Yêu thương bản thân chính là thể hiện lòng tốt và trắc ẩn đối với chính mình. 

Dưới đây là 17 dấu hiệu cho thấy bạn đang bỏ bê việc chăm sóc bản thân, hãy để ý liệu rằng bạn có: 

  • Mệt mỏi và kiệt quệ triền miên
  • Dễ cáu gắt (cả những điều nhỏ nhặt cũng khiến bạn thấy phiền)
  • Chất lượng giấc ngủ kém 
  • Căng cơ
  • Bệnh mãn tính (ví dụ như cảm lạnh, cúm, nhiễm trùng)
  • Bồn chồn và hay lo âu
  • Hoang tưởng
  • Bỏ bê thời gian dành cho gia đình hoặc bạn bè
  • Suy ngẫm mang tính ám ảnh (tâm trí không thể nghỉ ngơi)
  • Trầm cảm cấp độ thấp dai dẳng
  • Cảm thấy sợ hãi nhiều hơn là phấn khích
  • Ngắt kết nối với cơ thể của bạn
  • Không có thời gian để làm những gì khiến bạn hạnh phúc
  • Chỉ chăm chăm làm việc và không giải trí
  • Cảm thấy trống rỗng
  • Suy nghĩ tiêu cực và mang tính tự hủy hoại bản thân
  • Lòng tự trọng thấp và cảm thấy tự ti

Tôi chắc rằng mình còn bỏ sót nhiều dấu hiệu nhưng tôi hy vọng rằng bạn đã hiểu về bức tranh tổng thể.

Tại sao chúng ta kháng cự việc chăm sóc bản thân?

Những lời biện hộ sau đây có quen thuộc đối với bạn không?

  • “Tôi quá bận để làm việc đó.” 
  • “Tôi có quá nhiều thứ cần phải làm.” 
  • “Tôi đang ngập đầu trong công việc.” v.v. 

Chính tôi đã phạm phải sai lầm khi sử dụng những lời biện hộ cũ rích này quá nhiều lần. 

Lý do chính khiến chúng ta xem nhẹ việc chăm sóc bản thân là chúng ta đặt sai thứ tự ưu tiên trong cuộc sống. Khi còn nhỏ, chúng ta không được dạy về sự cần thiết của việc chăm sóc bản thân. Do đó, khi trưởng thành, chúng ta không có khái niệm về việc chăm lo bản thân cho đến khi chúng ta mắc phải những căn bệnh mãn tính, bệnh tâm thần hoặc trải qua một trải nghiệm đau thương trong cuộc sống. Bởi vì ta không nhận thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc bản thân nên ta chỉ biết đặt những thứ khác như sự cam kết với công việc lên trên.

Đối với nhiều người, việc chăm sóc bản thân gắn liền với sự ích kỷ. Có một quan niệm lạc hậu cho rằng việc quan tâm đến nhu cầu của bản thân trước hết tương đương với “bạn là trung tâm của vũ trụ”. Tuy nhiên, nếu suy xét kỹ lưỡng thì chúng ta có thể thấy nó nực cười và thiển cận đến mức nào. Làm sao ta có thể chăm sóc người khác nếu ta không thể chăm sóc chính mình? Làm thế nào có thể cho phép người khác “uống nước từ cốc của bạn” như vậy, nếu bạn không làm đầy “cốc nước” của chính mình ngay từ đầu? Chăm sóc bản thân đồng thời cũng là chăm sóc người khác. Bạn càng thể hiện tình yêu với bản thân và toàn bộ con người của mình, thì bạn càng có khả năng thể hiện sự đồng cảm với người khác. Chỉ đơn giản vậy thôi. Tuy nhiên, nhiều người mang tư tưởng tử đạo không lành mạnh và tin rằng họ phải làm mọi thứ cho người khác với toàn bộ thời gian mà mình có. Một người tử vì đạo không những không phải là anh hùng mà còn là biểu hiện của hành vi rối loạn chức năng mang tính độc hại khiến bản thân và những người xung quanh phải đau khổ.

Lòng tự trọng thấp là lý do thứ hai khiến một số người không muốn chăm sóc bản thân. Niềm tin “Tôi không xứng đáng” lan rộng đến mức trở thành một bệnh dịch. Như một điều hiển nhiên, giá trị bản thân thấp kém sẽ mau chóng dẫn đến việc bỏ bê chính mình, đôi khi thậm chí trở thành một hình thức tự trừng phạt. Tuy nhiên, nếu bạn đang chật vật với lòng tự trọng thấp (hãy thử bài trắc nghiệm đánh giá lòng tự trọng này), tôi khuyên bạn đừng ngần ngại và thực hành ngay những ý tưởng tự chăm sóc bản thân dưới đây. Bạn càng kết hợp chúng vào cuộc sống của mình, bạn càng cảm nhận rõ mình là ai ở cấp độ cốt lõi.

39 Ý Tưởng Chăm Sóc Bản Thân Dành Cho Những Người Đang Gặp Khó Khăn Trong Việc Yêu Thương Bản Thân

Trừ phi bạn là người biết cân bằng mọi thứ trong cuộc sống (đây là điều khá hiếm hoi), bạn có thể đang cảm thấy khó khăn trong việc yêu thương và chăm sóc bản thân. Tôi không khác gì bạn, những người xác định mình có cuộc sống phức tạp và lộn xộn. Nó không dễ. Làm người là một quá trình và hầu hết chúng ta phải học lại từ đầu cách nuôi dưỡng bản thân.

Nếu bạn đang trải qua sự căng thẳng, choáng ngợp và tâm trí không ngừng suy nghĩ, các ý tưởng chăm sóc bản thân này là dành cho bạn. Nếu bạn cảm thấy không có động lực, suy nghĩ tiêu cực và có thói quen làm hại bản thân, danh sách này dành cho bạn. Nếu bạn có xu hướng hoài nghi, rối loạn thần kinh chức năng hoặc thường xuyên lo lắng… bạn biết tôi sẽ nói gì rồi đó! Vâng, danh sách này dành cho bạn. Danh sách này dành cho những ai có đủ dũng khí để chấp nhận khiếm khuyết của mình và sẵn sàng làm điều gì đó để cảm thấy ổn hơn.

Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể dành cho bạn là hãy thực hiện từng bước một. Đừng nóng vội. Những gì được trình bày dưới đây là công việc bạn phải làm cả đời, không chỉ trong 1  tuần. Vì vậy, hãy suy nghĩ thực tế và làm tốt nhất có thể.

Những ý tưởng chăm sóc cho cơ thể: 

1. Ngồi ở đâu đó giữa thiên nhiên. Hãy thật thư giãn nhìn ngắm cảnh vật, tận hưởng không khí trong lành và tiếng chim hót.

2. Ngâm mình nhẹ nhàng trong bồn tắm. Đừng quên cho một ít tinh dầu vào bồn tắm để thư giãn và xả hơi.

3. Hãy hít thở thật sâu và tập trung. Cung cấp oxy cho cơ thể, giảm căng thẳng và nạp năng lượng cho chính bạn.

4. Chợp mắt một chút. Tìm một nơi thoải mái và đưa mình vào giấc mơ. Đừng quên hẹn giờ nếu bạn lo rằng lỡ mình ngủ quá nhiều.

5. Tự nấu một bữa ăn ngon. Nướng mấy cái bánh quy. Thưởng thức một món salad ngon. Nấu một số thức ăn giúp bạn thư giãn. Hãy làm một cái gì đó chỉ dành cho bạn.

6. Nhảy theo bài nhạc yêu thích (như thể không ai trông thấy bạn). Tập kết nối với con người vui vẻ đó của bạn và tiện thể vận động tay chân. 

7. Uống một tách trà thảo mộc. Hãy pha cho mình một ly nước nhẹ nhàng với bất kỳ loại trà nào bạn có. Nếu bạn thích thử nghiệm, hãy thử húng quế thánh, damiana, hoa cúc La Mã và hoa oải hương.

8. Tự massage cho mình. Có rất nhiều kỹ thuật tự xoa bóp đơn giản mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Để mát-xa sâu, bạn có thể sử dụng một quả bóng tennis cũ và lăn trên các đường gấp khúc ở các cơ. Nếu bạn bị mắc chứng đau cơ mãn tính, bạn có thể tra cứu các dụng cụ cao cấp như máy mát xa hoặc một công cụ truyền thống hơn như body back buddy.

9. Ăn rau xanh mỗi ngày. Nuôi dưỡng cơ thể của bạn với vitamin và khoáng chất có trong các loại rau xanh như rau chân vịt (rau bina / cải bó xôi), bông cải xanh và cải xoăn. Nếu bạn không thích mùi vị của chúng thì có thể cho vào sinh tố hoặc súp.

10. Đi dạo dưới ánh nắng mặt trời. Tiếp nạp vitamin D. Để đầu óc được thư giãn. Tiện thể tập luyện thể dục luôn nếu bạn muốn.

11. Tạo một không gian có thể giúp nuôi dưỡng sức khỏe của bạn. Loại bỏ sự bừa bộn, hỗn độn và bụi bẩn xung quanh bạn. Sắp xếp lại trật tự trong môi trường của bạn vì điều này sẽ tạo ra sự ngăn nắp trong tâm trí bạn.

Những ý tưởng chăm sóc cho trái tim: 

12. Hãy ôm bản thân thật chặt. Đứng ở đâu đó yên tĩnh và ôm lấy chính mình. Bạn sẽ cảm thấy như được nâng đỡ và an ủi.

13. Hãy cười thật sảng khoái. Xem hoặc đọc nội dung giải trí ngay cả khi nó là một video ngớ ngẩn về con dê con mặc đồ ngủ trên YouTube.

14. Và khóc thật nhiệt tình. Tập bộc lộ tất cả cảm xúc của bạn. Xem một bộ phim buồn. Chuẩn bị sẵn một hộp khăn giấy và một cái chăn để an tâm hơn. 

15. Thể hiện lòng biết ơn. Tìm điều gì đó để biết ơn trong cuộc sống.

16. Nhìn bản thân qua con mắt của một người cha / người mẹ đầy tình thương. Hãy trở thành người mẹ hoặc người cha tốt nhất mà bạn có thể trở thành với chính bạn. Đối xử với đứa trẻ bên trong của bạn bằng tình yêu thương, sự dịu dàng và tôn trọng.

17. Nói lời tử tế với bản thân. Khi bạn tức giận, buồn bã hoặc sợ hãi, hãy nhẹ nhàng nói với bản thân: “Không sao đâu”, “Tôi hiểu rồi”, “Tôi tha thứ cho bạn”, “Bạn có thể làm được điều này”, “Tôi tin bạn”.

18. Học cách tự xoa dịu bản thân. Cảm thấy lo lắng hoặc khó chịu là bình thường. Hãy tìm những nghi thức hoặc bài tập thực hành nhỏ giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn như uống một tách ca cao, hâm nóng túi chườm nóng, nghe nhạc, tô màu hoặc ôm một món đồ chơi mềm.

19. Hẹn hò với chính mình. Đến một nơi nào đó đặc biệt và dành một ngày cho chính mình. Dành thời gian suy nghĩ về những phẩm chất mà bạn yêu thích và trân trọng ở bản thân.

20. Nhớ thường xuyên “hỏi thăm” trái tim. Tập khám phá những gì bạn cảm nhận được ở mức độ xúc cảm. Có điều gì đó khiến bạn cảm thấy không thoải mái hoặc sai sai? Cảm xúc nào hiện đang chi phối nội tâm của bạn? Bằng cách nhẹ nhàng đón nhận những cảm xúc này, bạn có thể thực hành việc chăm sóc bản thân.

21. Dành thời gian cho những người ủng hộ bạn. Tìm đến những người tin tưởng và nâng đỡ bạn. Tránh xa những người tìm cách kéo bạn xuống và lây nhiễm sự tiêu cực cho cuộc sống của bạn.

Ý tưởng tự chăm sóc cho trí óc

22. Nuôi dưỡng và mở rộng tâm trí của bạn. Tìm hiểu lĩnh vực mới. Đọc các chủ đề khác nhau và mở rộng tâm trí của bạn với những quan điểm mới. Làm giàu hiểu biết của bạn về thế giới.

23. Viết nhật ký và tự phản ánh. Ghi lại hành trình của bạn với việc chăm sóc bản thân và viết ra những khám phá quan trọng của bạn. Suy ngẫm về sự tiến bộ của bản thân và cảm thấy tự hào.

24. Lặng yên tâm trí. Hãy tìm cách giúp bạn bình tâm mỗi ngày. Thiền hay chánh niệm là hai phương pháp thực hành tuyệt vời. Hãy tập trung vào thời điểm hiện tại và thoát ra khỏi những suy nghĩ của bạn.

25. Hãy tạm rời xa mạng xã hội. Xóa dòng tâm trí của bạn trong vài ngày. Hãy để bản thân thoát khỏi sự so sánh, tự cao tự đại và kịch tính bắt nguồn từ mạng xã hội. Xóa các ứng dụng mạng xã hội khỏi điện thoại của bạn và dành thời gian làm việc khác.

26. Tạo thói quen trong ngày. Tâm trí phát triển mạnh với cấu trúc rõ ràng. Hãy tạo các thói quen một cách rành mạch và ngăn nắp. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn vẫn linh hoạt và cho phép các cấu trúc này thay đổi và phát triển theo thời gian. 

27. Tạo một thư mục thành tích. Dù là thư mục trên máy tính hay là một tập hồ sơ thật ngoài đời, hãy dành một nơi để bạn có thể ghi lại tất cả những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của mình. Bạn đã vượt qua những trở ngại nào? Bạn đã hoàn thành những dự án nào? Bạn đã học hỏi gì từ những cuộc đấu tranh đó? Ghi lại tất cả những thành công của bạn và nhìn lại chúng vào cả thời điểm bạn đang trong cuộc vui hoặc cảm thấy như kẻ thất bại.

28. Đơn giản hóa danh sách việc cần làm của bạn. Hãy tự hỏi bản thân, “Điều gì thực sự cần thiết?” Xác định lại và ưu tiên những việc bạn cần làm trong danh sách của bạn. Không phải tất cả mọi thứ đều quan trọng để thực hiện. Giảm thiểu công việc có thể giúp giảm thiểu căng thẳng. Sử dụng một kỹ thuật chẳng hạn như Ma trận Eisenhower để đánh giá điều quan trọng và không quan trọng.

29. Đặt điện thoại của bạn ở chế độ máy bay. Chế độ máy bay sẽ ngăn tất cả các cuộc gọi, tin nhắn và những phiền nhiễu khó chịu can thiệp vào cuộc sống của bạn. Hãy tạm thời giải phóng bản thân mỗi ngày khỏi sự nô dịch về mặt tinh thần của việc liên tục kiểm tra điện thoại. Ví dụ: sau 6 giờ chiều, hãy cách ly điện thoại cho đến sáng hôm sau.

30. Đặt cho mình những mục tiêu nhỏ, có thể kiểm soát được. Việc đặt cho mình một hoặc hai việc chính mà bạn muốn hoàn thành mỗi ngày sẽ mang lại cho bạn cảm giác thành công hoặc viên mãn. Từ những việc đơn giản như nấu một bữa ăn ngon cho đến việc viết một chương trong cuốn sách của bạn. Cảm giác bạn đã đạt được một trong những mục tiêu mình đề ra là cảm giác tuyệt vời mà bạn có thể trải nghiệm hàng ngày!

31. Làm điều gì đó ngoài vùng an toàn của bạn. Ngay cả khi điều đó có nghĩa là đi một con đường mới trên đường đi làm hoặc dắt chó đi dạo trên một con phố mới! Tận hưởng cảm giác tự tin và quyền lực đi kèm với việc biết rằng bạn có thể làm điều gì đó tuy hơi khó chịu nhưng đem lại sự khác biệt.

32. Đặt ranh giới rõ ràng. Hãy tự đứng lên và nói “không” ngay cả khi giọng nói của bạn run rẩy. Đặt giới hạn rõ ràng về thời gian và năng lượng của bạn. Bảo vệ năng lượng của bạn là một hình thức tự chăm sóc và tôn trọng bản thân. Chỉ cung cấp năng lượng cho thứ mà bạn đồng ý mời vào cuộc sống của mình một cách có ý thức.

Ý tưởng tự chăm sóc cho tâm hồn

33. Thắp một ngọn nến và xem ánh sáng chuyển từ từ. Hãy tận hưởng cảm giác thư thái với một ngọn nến thơm. Ngắm nhìn ánh sáng nhấp nháy trên tường và kết nối với nội tâm của bạn.

34. Yêu cầu sự giúp đỡ và hướng dẫn. Nếu bạn cảm thấy bối rối,lạc lõng, mất mát, buồn bã, căng thẳng hoặc trầm uất, hãy liên hệ với ai đó. Yêu cầu giúp đỡ là một dấu hiệu của sự dũng cảm và thông minh. Tìm một người bạn, cố vấn hoặc chuyên gia đáng tin cậy để giúp bạn.

35. Kết nối với tâm hồn bạn. Có vô số cách để tương tác với bản chất tâm hồn của bạn. Cầu nguyện, thiền định, hình dung, đọc tiên tri và rèn luyện giấc mơ đều là những cách khá đơn giản để kết nối lại với cốt lõi của bạn.

36. Hãy tiếp thu cái đẹp. Vẻ đẹp giúp khai sáng và mở rộng tâm hồn. Vẻ đẹp có thể làm bạn say lòng và kinh ngạc. Hãy tìm ra ít nhất một thứ đẹp đẽ mỗi ngày để làm bạn mê mẩn. Thiên nhiên là một nơi dễ dàng tìm thấy cái đẹp và hoang dã.

37. Kết nối với một người khác. Tìm ai đó để trò chuyện chân thành, ngay cả khi người đó đang trực tuyến. Hãy bày tỏ những suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc nhất của bạn và đáp lại điều đó với một người khác có cùng bước sóng với bạn. Kết nối của con người sẽ nâng cao tâm hồn, đặc biệt khi nó chân thành và tự nhiên.

38. Hãy là người bạn tốt nhất và là tri kỷ của chính bạn. Đối xử với bản thân như cách mà bạn muốn được đối xử. Tận hưởng thời gian cho bản thân và yêu con người của bạn. Tôn vinh sự lộn xộn trong con người, tính thần thánh và nghịch lý kỳ lạ về bạn là ai. 

39. Thể hiện một cách sáng tạo những cảm xúc sâu kín nhất của bạn. Viết, vẽ, điêu khắc, làm sổ lưu niệm, tô màu, hát hoặc nhảy đi những cảm xúc thô sơ nhất của bạn. Hãy thể hiện bản thân một cách sáng tạo, theo bất kỳ cách nào bạn cảm thấy hấp dẫn và tự nhiên nhất. Bạn không cần phải là một nghệ sĩ để làm điều này! Sự thể hiện bản thân và sáng tạo là những biện pháp giúp bạn cân bằng tâm hồn và mang lại năng lượng chữa lành to lớn. 

Làm sao để áp dụng những đề xuất trên?

Đây là một vài suy nghĩ cuối cùng về những ý tưởng tự chăm sóc bản thân: hãy tập trung vào bất kỳ điều gì khiến bạn chú tâm ngay lập tức. Khi đọc qua danh sách này, ý tưởng nào thu hút sự chú ý của bạn? Viết ra các số tương ứng trong sổ tay hoặc tài liệu trực tuyến. Đây là những điều bạn nên tập trung vào đầu tiên.

Hãy nhớ rằng, không cần phải nóng vội! Điều đó sẽ trái ngược với quan điểm của bài viết này. Hãy đi theo tốc độ của riêng bạn. Làm nhiều hay ít tùy bạn cảm thấy thoải mái như thế nào. Quan trọng là sự kiên định. Chăm sóc bản thân là một thói quen và nó có thể trở thành một lối sống tuyệt vời, nếu bạn chịu kiên trì và cứng đầu một chút.

Dịch: eMKay

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn bài viết: https://docs.google.com/document/d/1M601F2aW2TTp3oIYql80qIiF7ryZpYWWQwjF5RopwUI/edit#

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan