4 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Cần Tạm Dừng Mối Quan Hệ Hiện Tại, Nhưng Không Phải Chia Tay

“Mình ngừng yêu một thời gian nhé”. Chúng ta hầu như chẳng thể thốt ra (hoặc nghe nổi) những lời này, nhưng sự thật là việc dũng cảm bày tỏ điều này thật sự hiệu quả để cứu lấy mối …

“Mình ngừng yêu một thời gian nhé”. Chúng ta hầu như chẳng thể thốt ra (hoặc nghe nổi) những lời này, nhưng sự thật là việc dũng cảm bày tỏ điều này thật sự hiệu quả để cứu lấy mối quan hệ hiện tại của bạn. Ấn nút tạm dừng cho một mối quan hệ không những đem lại không gian bạn cần để giải quyết những bất hòa giữa hai người, mà nó còn có thể giúp bạn hình thành cái nhìn mới mẻ hơn để từ đó bạn có cách giải quyết tất cả những xung đột đang có giữa hai người hiệu quả hơn so với trước đây bạn từng làm. Thế nhưng vấn đề ở đây chính là: Làm sao để biết được khi nào mới là thời điểm thích hợp để nói hai tiếng tạm dừng cho mối quan hệ của bạn?

Có vô vàn lý do để dẫn đến quyết định tạm dừng của một cặp đôi. Có thể một trong hai người cần khoảng lặng để suy ngẫm lại về các vấn đề cá nhân liên quan đến lòng tự tôn, niềm tin, hay những nỗi sợ ẩn giấu bên trong. Cũng có thể cả hai người cần thời gian và không gian để xác định xem mối quan hệ của mình đang sai ở đâu trước khi thật sự nghiêm túc đối mặt và giải quyết nó.

Cũng như chuyện của cậu mợ tôi vậy. Lúc còn học đại học, cả hai cũng từng quyết định đường ai nấy đi trong một thời gian ngắn và sau đó lại quay về sống hạnh phúc bên nhau tính đến nay cũng vỏn vẹn 22 năm rồi đấy. Họ bảo khoảng thời gian xa cách đó đã cho họ cơ hội nhìn rõ hơn đâu là đúng, đâu là sai để rồi từ đó họ mới có thể lại đoàn tụ với nhau với tư cách là hai người bạn đồng hành hòa hợp hơn.

Bất kể lý do chia tay tạm thời của bạn là gì, bác sĩ Joshua Klapow, một nhà tâm lý học kiêm người dẫn chương trình cho show “The Kurre and Klapow Show” có nói rằng, việc tìm ra lý do khiến bạn cần một khoảng thời gian xa nhau trước khi muốn làm gì tiếp theo thực sự rất quan trọng.

Theo như chia sẻ của ông với tờ Elite Daily thì “Tạm xa nhau” trong một mối quan hệ tình cảm có thể được định nghĩa và tận dụng theo nhiều cách khác nhau. “Điều quan trọng nhất chính là hiểu được khoảng lặng này thực sự có ý nghĩa gì, tại sao bạn phải chọn nó làm giải pháp và bạn hi vọng sẽ có được gì sau khoảng thời gian này.”

Vậy nên, làm sao bạn có thể xác định được khi nào thì tạm dừng thay vì chia tay? Đây là những dấu hiệu thường không được để ý tới nhằm giúp bạn xác định điều này.

 BẠN HAY TRẢI QUA DÉJÀ VU TRONG NHỮNG CUỘC TRANH CÃI VỚI ĐỐI PHƯƠNG

Chân thành mà nói: Sẽ cực kỳ khó chịu khi có cảm giác như bạn và người yêu mình đang trong một cuộc nói chuyện quen thuộc đã từng lặp đi lặp lại rồi, dù cho đó là cuộc cãi cọ về những mâu thuẫn trong nhu cầu, sự khác biệt trong cách giao tiếp hay những vấn đề thuộc khía cạnh khác trong cuộc sống. Klapow nói, “Thỉnh thoảng những vấn đề linh tinh mà hai bạn đã cố giải quyết hàng ngàn lần lại tiếp tục tái diễn trong mối quan hệ của cả hai. Hai bạn đang không tìm được tiếng nói chung trong những cuộc cãi vã này. Bạn không sẵn sàng để buông tay hẳn, nhưng hễ gặp mặt nhau là lại nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn cần giải quyết.” Theo ông, đây chính là thời điểm thích hợp để cân nhắc việc tạm dừng cho mối quan hệ này – bác sĩ có chứng nhận chuyên khoa tâm thần Susan Edelman cho biết bà cũng đồng ý với điều này.

“Nếu mâu thuẫn trong mối quan hệ tình cảm này đang chuyển biến theo hướng khiến một trong hai bạn hoặc thậm chí là cả hai chẳng buồn trò chuyện cùng nhau hoặc gây nên những căng thẳng về mặt cảm xúc cho đối phương.” Susan nói thêm.  “Và chỉ sau khi bạn nhận ra người bạn đồng hành của mình có vị trí quan trọng ra sao đối với bạn thì lúc đó dù bạn có thể sẽ lại trải qua những vấn đề y hệt như vậy nhưng bạn sẽ có cách giải quyết nó tốt đẹp và viên mãn hơn.”

Về cơ bản thì dành thời gian cho bản thân để suy ngẫm có thể sẽ giúp cả hai bạn nhận ra mình cần làm gì để chốt hạ những vấn đề đó.

HIỆN TẠI BẠN KHÔNG THỂ DÀNH SỰ ƯU TIÊN CỦA MÌNH CHO CHUYỆN YÊU ĐƯƠNG.

Chẳng cần nói thì ai trong chúng ta cũng đều biết rằng, bất kỳ mối quan hệ tình cảm nào cũng cần vun vén bằng rất nhiều thời gian và sự nỗ lực. Thỉnh thoảng, những tác nhân bên ngoài như trách nhiệm gia đình, công việc và sự nghiệp sẽ là thử thách để xem bạn có thể đầu tư 100% những gì mình cần để trở thành một người đồng hành chân chính hay không. Trong một thế giới lý tưởng thì bạn có thể tiếp tục hết mình cho mối quan hệ tình cảm của bạn và cùng với đó nương tựa vào đối phương để tìm sự động viên trong những nốt trầm của cuộc sống. Thế nhưng, nếu bạn dần cảm thấy quá tải tới mức mối quan hệ của mình như đang tạo thêm nhiều áp lực cho bạn, thì đây chính là lúc bạn cần lùi lại một bước rồi đấy.

Klapow giải thích, “Bạn đang trong tình trạng mà ở đó bạn cảm thấy chẳng còn xíu sức lực nào để gắng gượng cho mối quan hệ này, bạn yêu họ và để tâm đến họ, nhưng lại không thể đánh đổi tất cả vì họ.”

Cuộc đời lắm lúc sẽ bất ngờ đưa bạn vào những tình huống khó nhằn để vượt qua. Và trong nhiều trường hợp, mặc dù những rào cản này sẽ giúp củng cố tốt hơn mối quan hệ của bạn, chỉ bạn mới biết liệu mình có thể cố gắng vì mối quan hệ này trong lúc phải đối mặt với bao nhiêu tác nhân gây áp lực ngoài kia hay không. Hi vọng rằng bạn đồng hành cùng bạn sẽ hiểu rằng bạn cần khoảng trời riêng để giải quyết bất cứ mớ bòng bong nào đang cản trở việc bạn đặt vị trí ưu tiên cho mối quan hệ này.

BẠN ĐANG SỢ BỊ BỎ LỠ

Việc hẹn hò ở độ tuổi từ 20 đến trước 40 là điều không dễ dàng chút nào. Điểm sơ qua những thứ như duy trì các mối quan hệ bạn bè, cố gắng (từ khóa) ổn định tài chính và theo đuổi đam mê, bạn có thể thấy mình đang có cả tá thứ cần phải hoàn thành. Nếu việc hẹn hò bắt đầu trở thành gánh nặng đè lên đôi vai khiến bạn không thể chú ý tới những vấn đề khác trong cuộc sống mà đáng ra bạn cần để tâm tới thì đây đúng là lý do chính đáng nhất để tạm dừng lại mối quan hệ yêu đương này.

Bác sĩ Klapow tiếp tục, “Nói cách khác, một trong hai hoặc thậm chí cả hai bạn cảm thấy như mình đang bỏ lỡ nhiều thứ khác trong cuộc sống,” “Bạn cần đảm bảo mình không hối hận khi đang trong mối quan hệ này và đồng thời bạn muốn đầu tư thời gian và năng lượng của bạn thân cho những thứ khác ngoài mối quan hệ này.”

Dĩ nhiên việc tạm xa nhau không phải là một quyết định mà bạn nên hấp tấp. Nếu bạn cảm thấy cần một cuộc nói chuyện trải lòng cùng người bạn đồng hành của mình về những nguyên tắc của bạn và về chuyện bao nhiêu cho không gian mà cả hai có thể dành ra để khám phá những khía cạnh khác trong cuộc sống mà bạn không muốn bỏ lỡ thì đó chính xác là cuộc trò chuyện không gì đáng có hơn. Tuy nhiên, nếu như tồn tại một điều rõ ràng rằng bạn và người ấy có những kỳ vọng khác nhau khi dành thời gian cho 2 người hay bạn cảm thấy không thể đáp ứng được những nhu cầu của nửa kia trong lúc này vì những đam mê muốn theo đuổi khác, hãy cân nhắc đến việc tạm gác lại.

MỌI CHUYỆN ĐANG DIỄN RA QUÁ NHANH

Từng mối quan hệ sẽ tiến triển theo từng tốc độ rất khác nhau. Nếu bạn cảm thấy chuyện tình cảm của mình đang diễn ra quá nhanh đến mức khó chịu, một khoảng thời gian tạm xa nhau có thể giúp bạn tìm trở lại được những giá trị bạn mong muốn từ mối quan hệ này trước khi mọi chuyện trở nên quá tồi tệ đến mức vô phương cứu chữa.

Bác sĩ Klapow nói rằng “Có thể bạn cần thời gian để kiểm chứng lại tình cảm của mình dành cho đối phương. Bản thân cả hai bạn đều cần phải cảm thấy cực kỳ muốn tiếp tục mối quan hệ này.”

Điều quan trọng là cả hai đều cảm thấy thoải mái với tốc độ mà mối quan hệ của mình đang tiến triển. Dĩ nhiên việc cởi mở để chia sẻ với đối phương rằng mọi chuyện đang diễn ra quá nhanh đến nỗi bạn đang cảm thấy không còn thoải mái nữa thật sự là việc nên làm. Tuy nhiên, nếu bạn không thích phương án làm chậm tiến độ này lại thì đây đích thị là thời điểm cho cả hai tạm rời xa nhau để hai bạn có thể xác định liệu rằng có cách nào để thoả hiệp với nhau hoặc liệu rằng có hay không những nguyên nhân nhất định khiến bạn do dự chưa chịu đưa mối quan hệ này tới giai đoạn tiếp theo.  

Theo bác sĩ Klapow, quyết định tạm dừng chỉ nên là kết quả sau khi bạn tự vấn bản thân với vài câu hỏi nhất định về mối quan hệ hiện tại của bạn. Những câu hỏi này bao gồm:

– Điều gì đang xảy ra với mối quan hệ này mà khiến một hay cả hai đều gặp rắc rối?

– Trước đây hai bạn có thực sự cố để giải quyết những vấn đề này hay chưa?

– Tại sao chúng ta phải tạo khoảng cách giữa hai người? Bởi vì ta cần thời gian để bên cạnh những người khác? Hay ta cần thời gian để xem xem cuộc sống đôi bên sẽ ra sao nếu thiếu người kia?

Bác sĩ Klapow nói thêm, việc định nghĩa “những thuật ngữ” của việc tạm dừng lại này cũng quan trọng không kém, như là việc cả hai liệu có tiếp tục nói chuyện với nhau trong suốt khoảng thời gian này hay không (hoặc nếu có thì với tần suất là bao nhiêu), và liệu bạn có được phép gặp gỡ những người mới hay không. Một câu hỏi then chốt khác chính là hỏi bản thân thử xem cả hai hi vọng sẽ học được bài học gì hay hiểu ra vấn đề gì từ giai đoạn tạm xa nhau này.

“Nếu khoảng tạm dừng này được định nghĩa đầy đủ và rõ ràng, nếu hai bạn hiểu được tại sao lại cần thiết cho sự tạm ngưng này thì nó sẽ giúp cả hai có thêm không gian riêng, làm sáng tỏ mọi khúc mắc và phát triển cách nhìn nhận khác hơn về mối quan hệ của hai người.” Bác sĩ Klapow đã nói vậy. “Quan trọng là đừng đi đến quyết định tạm dừng đơn thuần chỉ vì những cơn giận dỗi, thất vọng, nỗi bực dọc hay vài phút bốc đồng. Cho nhau một khoảng lặng nhưng vẫn dành sự tôn trọng cho đối phương để giai đoạn này được hiểu như một công cụ có mục đích thay vì là một hành động bốc đồng khi phản ứng lại vấn đề cần giải quyết.”

Theo bác sĩ Edelman, nếu bạn vẫn còn giằng co để giải quyết những vấn đề tương tự đang xảy ra sau giai đoạn tạm dừng này, đây là thời điểm để bạn tìm tới lời khuyên của chuyên gia đứng ngoài cuộc.

“Thường thì những liệu pháp dành cho cặp đôi có thể giúp bạn xác định đâu là những gì mình cần làm khi bạn không thể giải quyết tất cả những vấn đề này một mình,” cô giải thích.

Một khoảng lặng không phải là câu trả lời cho tất cả mọi người. Thế nhưng, đối với nhiều cặp đôi, nó được đánh giá là giải pháp cực kỳ hiệu nghiệm giúp bạn hiểu sâu hơn về cách củng cố mối quan hệ của mình bền chặt hơn, lành mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Ý tôi là, nếu Ross và Rachel (trong bộ phim sitcom có tên Friends) làm được thì đây chính là dấu hiệu tốt đúng không nào?

——————————–
Dịch: Lê Nga
Biên tập: Zealous
Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn:  https://www.elitedaily.com/p/4-signs-you-need-to-take-a-break-from-your-relationship-but-not-break-up-12982813

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan