4 Lý Do Khiến Bạn Thấy Tự Ti Về Bản Thân

Thỉnh thoảng nhiều người trong chúng ta phải vật lộn với nỗi tự ti, và có những ngày ta lại thấy khó khăn hơn bao giờ hết.

Đã bao giờ bạn cảm thấy tự ti về chính mình mà chẳng hiểu tại sao chưa?


Thật đáng buồn khi phải nói rằng, tự ti là cảm xúc mà tất cả chúng ta đều quen thuộc. Thỉnh thoảng nhiều người trong chúng ta phải vật lộn với nỗi tự ti, và có những ngày ta lại thấy khó khăn hơn bao giờ hết. Cho dù ta có đạt được bao nhiêu thành tựu hay trở nên thành công như thế nào, cho dù ta có được yêu mến ra sao thì cũng đó đôi lúc, ta chỉ không thể ngừng làm tổn thương chính mình với việc tự nghi ngờ và chỉ trích dai dẳng vì những thiếu sót của bản thân. 


Những giây phút đầy tự ti mà ta từng trải qua sẽ trở thành gánh nặng cảm xúc [những niềm tin và thái độ hình thành từ những trải nghiệm trong quá khứ] đầy ám ảnh nếu ta không biết cách để vượt qua chúng. Và nó có thể định hình cách chúng ta nhìn nhận bản thân, cũng như ảnh hưởng đến lòng tự tôn của ta, nếu ta để nó đánh bại mình. Bạn có từng nghe thấy có tiếng nói vang lên trong đầu bạn, nói rằng bạn là kẻ vô dụng không? Rằng bạn là một kẻ thất bại? Rằng bạn không xứng có được tình yêu, hạnh phúc hay sự thành công? Đã bao giờ bạn thắc mắc giọng nói ấy đến từ đâu không?


Dưới đây là 4 trong số những lý do khả dĩ nhất lý giải vì sao bạn cảm thấy tự ti về bản thân mình: 


1. Bạn có nhiều trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực.


Điều đầu tiên và quan trọng nhất là, nỗi tự ti của bạn có thể là kết quả của những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu đã bóp méo đi cảm thức của bạn về giá trị bản thân cũng như lòng tự tôn của bạn. Trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ là vun đắp cho chúng ta sự tự nhận thức lành mạnh về bản thân mình ở độ tuổi còn nhỏ bằng cách khen ngợi, khích lệ những nỗ lực của chúng ta, cho phép ta tự làm một số thứ, cũng như thể hiện tình yêu và lòng mến thương với ta. Nếu không, chúng ta sẽ lớn lên với cảm giác không tin tưởng chính mình, thấy xấu hổ về những thiếu sót của bản thân và không thể vượt qua thất bại cũng như cảm giác không đủ năng lực (Baer & Martinez, 2006; Witchel, 1991).

Có phải bố mẹ bạn luôn luôn khắt khe và chỉ trích bạn quá mức khi bạn còn bé? Có phải trong mắt bố mẹ bạn, bạn chưa từng làm điều gì đủ tốt? Hay có lẽ là họ tỏ ra lạnh lùng và xa cách về mặt cảm xúc với bạn, khiến bạn cảm tưởng rằng mình không xứng đáng có được tình yêu và lòng thương mến. Có phải họ đã bỏ rơi bạn khi còn nhỏ tuổi? Hay bỏ bê và bạo hành bạn dù bằng bất kỳ hình thức nào? Những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu như thế có thể cực kỳ tai hại và để lại trong ta những vết sẹo tâm lý lâu dài, đặc biệt là khi chúng ta nội tâm hóa chúng [biến những cảm xúc, thái độ và niềm tin nào đó trở thành một phần trong cách ta suy nghĩ và hành xử]. Những cảm giác vô dụng và tự nghi ngờ bản thân đó sẽ ở lại với ta trong nhiều năm tới và thường sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến cách ta nhìn nhận bản thân mình.


2. Bạn không ngừng so sánh bản thân với người khác.


Người ta thường nói “So sánh là cội nguồn của mọi nỗi bất hạnh.” Bằng cách lúc nào cũng so sánh bản thân mình với người khác và cố gắng để không thua kém bất kỳ ai, bạn chỉ đang gây ra nỗi bất hạnh và tự ti cho bản thân. Tất nhiên, không ít người trong chúng ta thỉnh thoảng vẫn mắc phải lỗi này, song nó lại không tốt cho sức khỏe tinh thần cũng như lòng tự tôn của bạn (Collins, 2016)!


Trong thời đại ngày nay, mạng xã hội khiến bạn rơi vào cái bẫy của sự so sánh xã hội không ngừng dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng hãy luôn nhớ rằng bạn chỉ nhìn thấy được những điều mà người khác muốn bạn thấy. Mọi người đều thể hiện cho người khác thấy phiên bản tốt nhất của họ, và họ thích giấu những vấn đề của mình khỏi con mắt của người ngoài. Vì vậy, đừng tự trách bản thân nếu bạn không có một cuộc sống thú vị hay những tấm hình trông thật hoàn hảo mà người khác dường như đang sở hữu. Việc lúc nào cũng so sánh bản thân với người khác là một việc làm hao tổn tinh thần, và nó chỉ khiến bạn thấy tồi tệ về bản thân mình vì không thể cạnh tranh với phiên bản lý tưởng của một ai khác!


3. Bạn quá cầu toàn


Chẳng có vấn đề gì với việc bạn muốn trở thành người giỏi nhất trong một việc nào đó hay cống hiến hết mình, nhưng hãy cẩn thận để đừng đi quá đà. Chủ nghĩa hoàn hảo gây hại nhiều hơn lợi nếu bạn để nó vượt khỏi tầm kiểm soát của mình. Bằng việc đòi hỏi quá nhiều ở bản thân và đặt ra mục tiêu quá cao, bạn chính là người sắp đặt sự thất bại cho chính mình. Và theo cùng với đó chính là cảm giác xấu hổ, tội lỗi, nản lòng, thất vọng và hơn hết là tự nghi ngờ bản thân (O’Connor, O’Connor, & Marshall, 2007).


Dù cho đó là vì điểm số cao nhất, công việc được trả lương tốt nhất, những món đồ đắt nhất, hay khuôn mặt và vóc dáng tuyệt mỹ, thì trong phần lớn trường hợp, việc theo đuổi sự hoàn hảo chỉ mang lại cho bạn cảm giác không đủ và tự ti về bản thân khi bạn thất bại trong công cuộc đạt được những tiêu chuẩn bất khả thi của riêng mình. Bạn đang chỉ trích bản thân một cách thái quá và có một nhu cầu không làm mạnh hướng tới việc đạt được thành tựu thật cao. Vì lý do đó, bạn sẽ phải vật lộn với nhiều hành vi có vấn đề cũng như căng thẳng, lo âu, và thậm chí là trầm cảm. (Koivula, Hassmen, & Fallby, 2002).


4. Bạn đang vật lộn với thất bại hoặc sự từ chối


Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những trải nghiệm trong quá khứ có ảnh hưởng đáng kể đến cảm giác tự tin của chúng ta. Vì vậy, nếu gần đây bạn trải qua thất bại hay bị từ chối thì việc bạn thấy thất vọng về bản thân trong một thời gian cũng là điều bình thường (Brown & Dutton, 1995). Dễ hiểu thôi nếu bạn cảm thấy bẽ mặt vì không thể đạt được những mục tiêu mình đề ra hay có được những gì bản thân mong muốn. Và bạn càng cố gắng bao nhiêu, bạn lại càng nghi ngờ bản thân nhiều bấy nhiêu khi gặp thất bại.


Đối mặt với sự từ chối cũng là một việc khó khăn chẳng kém gì, đặc biệt là khi người từ chối bạn lại là người mà bạn yêu quý. Có phải crush của bạn nói rằng họ không có cùng cảm xúc với bạn? Có phải một người bạn đột nhiên phớt lờ đi sự tồn tại của bạn? Hay người ta từ chối nhận bạn vào làm, tước đi sự thăng tiến trong công việc hay một cơ hội đáng giá? Dù cho hoàn cảnh có như thế nào đi chăng nữa, sự từ chối cũng khiến bạn đau nhói. Đau rất nhiều là đằng khác. Và nó có thể khiến ta thấy tự ti về chính mình và về giá trị bản thân. Những trải nghiệm tiêu cực như vậy làm lung lay sự tự tin của chúng ta và có lẽ sẽ vun đắp nên một hình ảnh bản thân yếu kém nếu ta nghĩ về nó quá lâu (Ayduk, Gyurak & Luerssen, 2009).


Đôi khi cảm thấy tự ti về bản thân cũng không sao, và thỉnh thoảng tự nghi ngờ bản thân một chút thậm chí cũng tốt cho bạn. Điều quan trọng nhất là bạn không để cho những cảm xúc tiêu cực này lấn át bạn và lệnh cho bạn phải sống cuộc đời mình ra sao. Hãy đào sâu vào trong tâm hồn mình và tìm ra nguyên nhân gốc rễ cho những vấn đề của bạn. Thách thức những nỗi tự ti của mình và để tình yêu bản thân chiến thắng những nghi ngờ bản thân trong bạn. Mọi chuyện sẽ không dễ dàng đâu, nhưng để vượt qua nỗi tự ti của mình, bạn cần biết nó bắt nguồn từ đâu và bạn có thể làm gì trước đã.


Dịch: Hannah

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài viết: https://psych2go.net/4-reasons-why-you-feel-insecure-about-yourself/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan