4 Suy Nghĩ Sai Lầm Về OCD (Rối Loạn Ám Ảnh Cưỡng Chế)

Đôi lời của người dịch:  Những ngày gần đây, mình gặp vô số những thông tin sai lệch về OCD, tỉ dụ như OCD gần với một nét tính cách hơn là bệnh. Nghe xong, mình tức quá nên quyết …

Đôi lời của người dịch: 

Những ngày gần đây, mình gặp vô số những thông tin sai lệch về OCD, tỉ dụ như OCD gần với một nét tính cách hơn là bệnh. Nghe xong, mình tức quá nên quyết định lược dịch một bài về OCD trên Psychology Today. Một số thuật ngữ y khoa có thể chưa chuẩn, mong mọi người cùng đọc và góp ý!

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay obsessive-compulsive disorder (OCD), là một bệnh tâm thần được trải qua bởi 1 trong mỗi 100 bệnh nhân tại Mỹ hàng năm, một nửa trong số đó được xếp loại nghiêm trọng. 

Mỗi ngày, khoảng 300 000 người đi vào quảng trường Thời Đại. Điều này có nghĩa rằng khoảng 3000 trong số họ có OCD và 1500 mắc bệnh rối loạn này ở mức nghiêm trọng. Trong một sân vận động cỡ trung bình, ví dụ như Heinz Field, với 68 400 chỗ ngồi, khoảng 684 người có lẽ được chẩn đoán mắc OCD. Rất có thể trong giảng đường đại học của bạn có ít nhất một người đang đấu tranh với nó.

Mặc dù OCD phổ biến hơn bệnh celiac [1], rất ít người phân biệt được sự thật và những quan điểm hoang đường về bệnh này. Nhiều người mắc OCD bị hiểu lầm và phải đấu tranh với những thành kiến ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống ở nhà, nơi làm việc và các mối quan hệ.

Dưới đây là 4 quan điểm sai lầm (myth) thường thấy về OCD và những sự thật chứng minh điều đó. 

MYTH 1: NHỮNG NGƯỜI MẮC OCD YÊU VIỆC GIỮ MỌI THỨ GỌN GÀNG VÀ NGĂN NẮP

Cho tôi thấy cánh tay của bạn nếu bạn từng nghe thấy ai đó nói một cách bông đùa rằng “Mình thật OCD” trong khi sắp xếp bàn học hay lau dọn phòng. Theo nhiều cách, điều này cũng tương đương với việc nói rằng “Mình quả là một bệnh nhân ung thư” bởi bạn thích nằm trên giường cả ngày hoặc “Mình mắc bệnh rối loạn ăn uống rồi” bởi vì bạn từ chối món tráng miệng sau bữa tối.

OCD là một bệnh tâm lý nghiêm trọng được thể hiện qua mức độ lo âu và cảm xúc phiền muộn. Những người mắc OCD có thể có những nghi thức giữ gìn sạch sẽ, nhưng họ không hề tận hưởng điều đó. Họ giữ mọi thứ sạch sẽ và ngăn nắp bởi nếu không, họ sẽ rơi vào khủng hoảng.

Một lần nữa, ta cần hiểu rằng không phải người nào có OCD cũng thực hiện những hành vi cưỡng chế liên quan tới tính sạch sẽ.

MYTH 2: OCD CHỈ ĐƠN THUẦN VỀ VIỆC LÀM SẠCH, GIẶT GIŨ VÀ TRỞ THÀNH MỘT KẺ SỢ MẦM BỆNH [3]

OCD là một rối loạn không đồng nhất. Nói cách khác, nó ảnh hưởng lên mỗi người theo một cách khác nhau. Trên thực tế, chỉ một phần những người mắc OCD sợ các mầm bệnh và có hành vi cưỡng chế liên quan tới việc làm sạch bản thân (và thế giới xung quanh).

Những nỗi sợ hay ám ảnh thường gặp ở người mắc OCD bao gồm:
– Sợ mầm bệnh hay sự lây nhiễm

– Sợ phạm phải tội ác

– Sợ làm hại bản thân hoặc người khác

– Sợ những người yêu thương chết đi

– Sợ những con số, màu sắc, từ vựng,… nhất định

– Sợ trở thành kẻ săn tìm lạc thú xác thịt [2]

Những người mắc OCD thực hiện những nghi thức để làm giảm đi sự lo âu về nỗi ám ảnh của họ. Các nghi thức này được gọi là những hành vi cưỡng chế.

Những hành vi cưỡng chế thường gặp ở những người mắc OCD bao gồm: 

– Đếm

– Lặp lại những động tác nhất định

– Rửa tay

– Cầu nguyện

– Dọn dẹp một cách điên cuồng

– Sắp xếp đồ vật theo một cách nhất định

– Tích trữ

 – Gõ hoặc chạm vào đồ vật

Những triệu chứng này khác biệt ở mỗi cá nhân và thậm chí có khả năng thay đổi trong đời.

MYTH 3: KHI MỘT NGƯỜI MẮC OCD, ĐIỀU ĐÓ THỂ HIỆN MỘT CÁCH RÕ RÀNG

Dù nghe có thể khó tin nhưng có lẽ bạn đã gặp nhiều cá nhân mắc OCD mà không nhận ra. Những người mắc OCD thường có khả năng che giấu hoặc đè nén những triệu chứng ở nơi công cộng, đặc biệt nếu họ được chữa trị đúng cách. 

Cũng có những người mắc OCD mà không có hành vi cưỡng chế rõ ràng kể cả khi họ ở một mình. Chứng OCD dạng suy nghĩ (pure obsessional OCD), hay còn được gọi là Pure-O, là một dạng của OCD, trong đó những hành vi cưỡng chế chủ yếu xảy ra trong tâm trí người đó. Những người mắc Pure-O thường không nhận ra mình có chứng bệnh này, bởi lẽ các triệu chứng của họ không giống với những miêu tả truyền thống về bệnh rối loạn này. 

MYTH 4: NHỮNG NGƯỜI MẮC OCD CÓ Ý CHÍ KÉM CỎI VÀ CHỈ CẦN NGHỈ NGƠI THÔI

Đối với một cá nhân khỏe mạnh, các triệu chứng liên quan tới OCD nghe khá ngớ ngẩn và khôi hài. (Không ai thích thú với việc chứng bệnh có thể nguy hiểm tới tính mạng của họ bị coi như một trò đùa cả.) Dường như các giải pháp thật hiển nhiên: 

– “Chỉ cần đừng rửa tay nữa là được mà.”

– “Bình tĩnh nào! Không có gì tệ sẽ xảy ra đâu.”

– “Cái bếp tắt rồi. Cậu không cần kiểm tra nó lần nữa đâu.”

– “Tại sao mày không quẳng cái mớ rác rưởi vô dụng đó đi?”

– “Bạn không thể trở nên thực tế hơn ư?”

OCD không phải một nét tính cách kì quặc, nó là bệnh. Nếu chỉ cần nói “bình tĩnh nào” mà chữa được một căn bệnh mãn tính thì chẳng ai trên thế giới này phải ốm nữa. Những người mắc OCD có các vùng não bộ thực sự không hoạt động đúng cách, khiến cho việc chống lại chứng rối loạn này vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Một số thuốc chống trầm cảm có thể được dùng để điều chỉnh lại não bộ và làm dịu đi một số triệu chứng; liệu pháp “Ngăn ngừa tiếp xúc và hưởng ứng” (ERP) có thể giúp bệnh nhân luyện tập não bộ để phản ứng nhẹ nhàng hơn với các nỗi lo âu. Dù vậy, OCD vẫn là một căn bệnh mãn tính có thể theo một người tới cuối đời. 

Lần tới, khi ai đó nói với bạn điều sai lầm thường gặp về OCD, hãy nói với họ những sự thật này. Đừng để thông tin sai lệch ảnh hưởng xấu các cá nhân đang đấu tranh với căn bệnh này. 

Vậy OCD trông ra sao?

Một người mới làm cha tới chỗ tôi báo rằng anh ta chưa ngủ trong 4 ngày và sợ rằng mình sẽ sớm bị suy sụp tinh thần. Khi vấn đề được đào sâu hơn, anh ta ngập ngừng thú nhận mình liên tục có ý nghĩ giết đứa con trai mới sinh; đây là một nỗi sợ thường gặp ở những người mắc OCD dạng suy nghĩ, hay Pure-O. Những người mắc dạng OCD này ít có khả năng trở thành kẻ giết người, tuy vậy, họ phải sống trong nỗi lo sợ thường trực rằng một ngày nào đó họ sẽ làm như vậy. Người đàn ông đó đã phản ứng tốt với thuốc chống trồng cảm chứa serotonin và dopamine. 

Một quý ông lớn tuổi tới chỗ tôi để chữa bệnh. Trong mỗi buổi trị liệu, ông đều nhăn nhó và mệt mỏi, nhưng không hề giải thích tại sao. Cuối cùng, ông cũng thú nhận rằng ông đã ngủ trên một chiếc đi văng ngoài sân sau bởi ông sợ “làm rối tung căn nhà của mình”. Ông phản ứng tốt với thuốc chống trầm cảm chứa serotonin và một liều nhỏ thuốc chống loạn thần chứa dopamine.

Tất nhiên, những cá nhân kể trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số những người chịu đựng chứng rối loạn này. Những nỗi ám ảnh và hành vi cưỡng chế liên quan tới OCD rất đa dạng. Không phải ai cũng phản ứng tốt với thuốc và không phải người nào cũng chịu tham gia trị liệu. Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm ra liệu phẫu thuật não có thể giúp bệnh nhân chống lại chứng rối loạn đáng sợ này không.

OCD – và bệnh tâm lý nói chung – vẫn hứng chịu nhiều thành kiến và hiểu sai. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là cập nhật thông tin và tránh dựa dẫm vào những mô tả (thường là chưa chính xác) trên mạng xã hội về các cá nhân mắc phải những bệnh này.

Tác giả bài viết: Ralph Ryback, M.D., từng giảng dạy tại Harvard Medical School. 

Chú thích: 

[1] Bệnh Celiac là một bệnh tiêu hóa gây tổn thương ruột non và gây cản trở  sự hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn. Những người bị bệnh Celiac không thể dung nạp gluten, một loại protein trong lúa mì, lúa mạch đen và lúa mạch.

[2] Nguyên văn: Sexual predator. A sexual predator is a person seen as obtaining or trying to obtain sexual contact with another person in a metaphorically “predatory” or abusive manner. Analogous to how a predator hunts down its prey, so the sexual predator is thought to “hunt” for his or her sex partners. 

[3] Nguyên văn: Germaphobe

———————————–

Dịch: Mai

Biên tập: Tuấn Ngọc

Nguồn ảnh: Unsplash

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan