5 cách cư xử có thể làm mối quan hệ của bạn “chết dần chết mòn”

Để những cuộc tranh luận có hồi kết, bạn không nhất thiết phải đóng vai “người yêu” khi đưa ra lý lẽ của mình. Thay vào đó, hãy tưởng tượng đối phương như một vị khách hay đối tác quan trọng mà nếu không khéo léo, bạn sẽ đánh mất một cơ hội lớn trong đời

1. Phản ứng tức giận thái quá trong khi tranh luận/phản biện


Trong một mối quan hệ, tranh luận là điều tất yếu. Kể cả hai bạn có hợp nhau đến mấy, giữa cả hai vẫn sẽ có những mảnh tính cách trái ngược nhau. Điều này dẫn tới khoảng trống cần được lấp đầy hoặc vá víu lại trong một mối quan hệ. Điều đáng nói ở đây là, bạn có biết cách để vá víu hay lấp đầy những khoảng trống ấy, để nó không những lành lặn trở lại mà còn bền chặt hơn hay không?


Trong một cuộc tranh luận, nhất là với người mình luôn hết lòng yêu thương, nếu không tinh ý, bạn và đối phương rất dễ rơi vào trạng thái “nửa vời” hoặc “đối đầu”. Trạng thái “nửa vời” là khi bạn quá mệt mỏi với những lập luận của đối phương và chấp nhận ậm ừ cho qua hay im bặt đi vì chẳng còn thấy lối thoát trong cuộc tranh luận ấy đâu nữa. Còn trạng thái “đối đầu” là khi, bạn hoặc đối phương luôn khăng khăng cho rằng mình đúng mà gạt phăng đi mọi lập luận của bên còn lại. Khi ấy, đối phương rất dễ cảm thấy hụt hẫng, thậm chí cho rằng bạn đang vô cùng thiếu tôn trọng họ. Và nhất là, khi hai thái cực của cuộc tranh luận ấy xảy ra như cơm bữa, mối quan hệ của bạn rất dễ đứng trên mép của bờ vực thẳm. Tất nhiên, ngày nó tự reo mình xuống vực thẳm mà từ biệt bạn sẽ cực sớm thôi. 


Để những cuộc tranh luận có hồi kết, bạn không nhất thiết phải đóng vai “người yêu” khi đưa ra lý lẽ của mình. Thay vào đó, hãy tưởng tượng đối phương như một vị khách hay đối tác quan trọng mà nếu không khéo léo, bạn sẽ đánh mất một cơ hội lớn trong đời. Mỗi cuộc tranh luận không nên giới hạn ở việc ai đúng, ai sai, ai tốt, ai chưa tốt. Mỗi cuộc tranh luận phải là một sợi dây gắn chặt hơn tình cảm của cả hai, để cả hai có thể hiểu nhau hơn, đồng cảm và biết tha thứ cho nhau hơn. Chỉ khi bạn tôn trọng đối phương, đối phương mới thực sự tôn trọng bạn. 


2. Thiếu tôn trọng sự riêng tư của đối phương


Mình từng yêu một chàng trai nhỏ tuổi hơn đôi phần. Chàng trai ấy điểm nào cũng đều tốt, chỉ là cách yêu thì lại khiến đối phương thực sự không thể tiếp tục ở lại. Người ta ngại ngùng khi nói lời yêu, nhưng luôn ghen tuông vô cớ mỗi khi có ai đó lại gần, nhìn lén hay chỉ cần nghe kể qua đôi lời bông đùa của bạn gái anh ta. Anh ta cho rằng tất cả những gì anh ta cho là đúng thì nó phải đúng, và cái gì anh ta đã không muốn thì đối phương tuyệt đối đừng nên làm, nhất là trong các mối quan hệ với bạn khác giới.


Một khi đã yêu, trái tim chúng ta chẳng còn nghĩ ngợi được gì nữa. Nó cứ bị cuốn vào vòng xoáy của cái chữ “yêu” mà nó luôn ôm chặt lấy. Điều đó chẳng có gì là sai, cũng chẳng có gì phải lên án hay phán xét. Cái sai duy nhất ở đây là bạn chỉ chăm chăm vào chữ “yêu” mà quên mất để đi với nhau lâu dài, người ta cần “nắn nót” cả chữ “thương”.


Thực tế, để nói yêu ai đó là điều không hề khó, nhất là khi cảm xúc đã gọi tên chúng ta mãnh liệt. Thế nhưng, để “thương” ai đó bằng cả trái tim, chúng ta cần nhất sự bao dung và thấu hiểu. 


Thấu hiểu là khi, ta tôn trọng sự riêng tư của đối phương, dù là nhỏ nhất, là khi ta tin tưởng đối phương, bất chấp mọi cú tát của cuộc đời. Tôn trọng sự riêng tư, tức là khi chúng ta tôn trọng cả hành động lẫn suy nghĩ của đối phương. 


Người ta cứ nghĩ cho người mình thương tự do, tự tại là đủ. Thế nhưng, người ta đâu biết cái người mà người ta thương ấy, cũng cần tự do cả về mặt cảm xúc, suy nghĩ và tâm hồn. Khi bạn buồn, bạn không thể ép đối phương phải thê lương cùng bạn. Khi bạn tức giận, chẳng hà cớ gì bạn ép đối phương phải san sẻ bớt cơn tức giận ấy với bạn. Và khi bạn đau khổ đến cùng cực, bạn lại càng không nên chút cơn khổ đau ấy xuống người mà bạn thương. 


3. Tự hạ thấp bản thân một cách vô thức


Trong bất kỳ mối quan hệ nào, không chỉ tình yêu, chúng ta đôi khi rất dễ rơi vào vòng xoáy nhầm lẫn giữa sự hy sinh cho người chúng ta thương và hy sinh cho chính chúng ta. Nhiều người cứ luôn nghĩ một khi đã yêu, tất cả mọi thứ phải dành hết cho nhau. Thậm chí, nhiều lúc chúng ta nghĩ chúng ta phải hy sinh bản thân cho người chúng ta thương. 


Thế nhưng, bạn có bao giờ nghĩ bản thân bạn cũng cần được yêu thương, thậm chí còn cần nhiều hơn như thế. Bạn không tự thương lấy bạn, bạn không tôn trọng bản thân bạn, thì sẽ chẳng có ai có đủ bao dung để “ôm” lấy bạn mà nâng niu.


Ai cũng có những lúc chỉ vì muốn mối quan hệ như dòng chảy êm đềm không gợn sóng mà sẵn sàng gạt cái tôi của mình sang một bên. Thậm chí nhiều khi, họ còn gạt phắt cái tôi ấy hẳn đi mà không hề ngoái đầu nhìn lại. Đổi ngược lại, bạn có chắc khi bạn làm như vậy một lần, thì lần thứ hai, thứ ba và những lần sau nữa, mối quan hệ của bạn có vẫn giữ được sóng yên biển lặng. Mà kể cả khi nó có sóng yên biển lặng đi chăng nữa, thì sóng ấy, biển ấy, và hai người chèo lái con thuyền ấy liệu có bị trôi dạt một cách vô thức mà chẳng biết bến đỗ dốt cuộc là nơi nào. 


Tóm lại thì, trong bất kỳ mối quan hệ nào, bạn phải cho đối phương thấy giá trị của mình, dù là nhỏ nhất. Ai cũng muốn ở bên người mà mình yêu, nhưng để ở với nhau lâu dài, chúng ta cần bù đắp cho nhau, và tự tạo cho nhau giá trị. Như vậy, dù muốn hay không, mối quan hệ của bạn tự khắc sẽ đôi phần giá trị. 


4. Nói lời chia tay một cách thiếu kiểm soát


Mình đã từng trải qua một mối tình hồi năm cấp ba. Khi ấy mình như con nai tơ mới bước vào đời. Mà thời ấy ngây dại lắm, hễ giận dỗi gì là có thể buông lời chia tay bất cứ lúc nào. Dần dà, sau rất rất nhiều lần khóc lóc, dằn vặt, quay lại, rồi lại muốn chia tay, mối quan hệ của mình cũng đi vào ngõ cụt. 


Mãi cho tới sau này, khi trải đời được đôi ba phần, khi đã hiểu phần nào đó từ cái tính cách khác biệt của bản thân, mình mới nhận ra, chúng ta không nên lạm dụng câu chia tay quá nhiều. 


Khi bạn liên tục nói lời từ biệt, nhưng nó mãi vẫn không là lần cuối cùng, đối phương và cả chính bạn, sẽ cùng cảm thấy mất phương hướng. Cả hai người sẽ như một đôi chim sẻ non nớt và yếu đuối bị gãy cánh và rơi xuống một cái hố đen nào đó rỗng toách và buồn tẻ. Để rồi, cả hai rơi mãi, rơi mãi, đến nỗi va chạm vào những vụn vặt chua chát của cuộc đời. Hiện thực làm họ nhận ra, họ đã quá phí thời gian cho nhau, và họ chẳng mang lại giá trị gì cho nhau ngoài những lời từ biệt và than trách. 


Nếu đã yêu, hãy yêu một cách mãnh liệt và dứt khoát, còn nếu đã cạn tình, hãy ra đi một cách văn minh. Hãy thẳng thắn bày tỏ với đối phương nỗi niềm của mình. Đừng hời hợt, cũng đừng quá tự cao mà đòi hỏi ở đối phương quá nhiều. Ai cũng vậy, họ đều có cuộc đời của riêng họ. 


5. Luôn muốn đối phương phải trở thành phiên bản hoàn hảo nhất do mình tự tạo ra


Thành thật mà nói, một khi đã yêu, chẳng ai không muốn người mình thương mỗi ngày một tốt lên, và trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của người đó. Thế nhưng, cái sai duy nhất lại chính nằm ở cách bạn bày tỏ cái mong muốn đó. Bạn nói bạn muốn tốt cho đối phương, nhưng đó thực chất lại chỉ là để tốt cho bạn. Bạn nói bạn muốn đối phương cố gắng mỗi ngày, để người ấy lột xác trở thành phiên bản hoàn hảo nhất. Nhưng thực chất thì, khi chuyện đã thành, liệu bạn có còn yêu người ta khi người ta đang ở phiên bản tốt nhất ấy hay không?


Mình đã từng có không biết bao nhiêu tiêu chuẩn về người mà mình sẽ thương về sau. Trải qua rất nhiều mối tình mà người trong cuộc chẳng phải người mình đã từng tưởng tượng trong đầu, mình mới nhận ra. Thực ra thì, chẳng có gì là tuyệt đối cả. Ai cũng cần hoàn thiện mình theo cách rất riêng của họ. Bạn chỉ nên là động lực cho họ cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Bạn tuyệt đối không nên là gánh nặng để họ phải cố gắng. 


Đi trên cùng một con đường cùng nhau, không nhất thiết hai bạn lúc nào cũng phải bám đuổi sát nhau hay kề kề bên cạnh nhau. Cả hai người hoàn toàn có thể đi song song, hoặc đôi lúc rẽ hướng sang con đường khác, nhưng đến cuối cùng, đích đến chính là nơi hai bạn có thể mỉm cười với nhau mà đi tiếp mãi về sau.

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan