5 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Đang Phải Đối Phó Với Một Người Hay Gây Hấn Thụ Động

Phương thức hữu hiệu nhất để xử trí sự gây hấn thụ động. Đa số chúng ta đều có khả năng nhận diện được rất tốt những người gây hấn ra mặt. Cảm giác khi bị người khác xúc phạm, …

Phương thức hữu hiệu nhất để xử trí sự gây hấn thụ động.

Đa số chúng ta đều có khả năng nhận diện được rất tốt những người gây hấn ra mặt. Cảm giác khi bị người khác xúc phạm, chỉ trích, xem thường không tốt chút nào, nhưng ít nhất bạn biết tại sao mình bị tổn thương. Nhưng đôi lúc những người xung quanh chúng ta, kể cả những người bạn, gia đình, đồng nghiệp thân thiết, khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, nhưng chúng ta lại không xác định được nguyên nhân là gì. Ví dụ như, đã ba lần trong tuần đồng nghiệp không chào hỏi bạn khi hai người gặp nhau ở hành lang. Bạn cứ tự nhủ đó có thể chỉ do sơ suất thôi nhưng đồng thời bạn cũng cảm thấy có gì đó không đúng ở đây.

Nếu chuyện này xảy ra thường xuyên và liên quan đến một hoặc một số người trong cuộc sống của bạn, thì có thể bạn đang phải đối mặt với những hành vi gây hấn thụ động, những thứ khó bị phát hiện hơn những hành vi gây hấn công khai. Gây hấn thụ động, cũng như tên gọi của nó, là một khuynh hướng dự phần vào những biểu đạt không trực tiếp của thái độ thù địch thông qua các hành động như xúc phạm một cách tinh vi, biểu hiện không hài lòng, ngoan cố hoặc cố tình thực hiện thất bại một nhiệm vụ đã được giao. 

Vì các hành vi gây hấn thụ động đều mang tính ngầm ẩn hoặc không trực tiếp, nên rất khó để có thể phát hiện ra chúng, kể cả thi bạn đang phải gánh chịu những hậu quả về mặt tâm lý. Dưới đây tôi sẽ mô tả năm ví dụ của kiểu hành vi này để giúp bạn nhận diện rõ nó. Chúng không phải là tất cả các hình thức của việc gây hấn thụ động, nhưng đây là những kiểu phổ biến nhất.

(Mặc dù các hành vi gây hấn thụ động có thể xuất hiện ở tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, và có thể được thực hiện bởi các cá nhân ở bất kỳ giới tính nào, nhưng để đơn giản hóa thì ở đây, tôi sẽ mô tả trường hợp một đồng nghiệp nam hay gây hấn thụ động.)

hoàn toàn phớt lờ một người, từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào
từ người đó, và thậm chí có thể phủ nhận sự tồn tại của họ

1.Miễn giao tiếp

Hình thức tiêu chuẩn của việc miễn giao tiếp bao gồm hoàn toàn phớt lờ một người, từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào từ người đó, và thậm chí có thể phủ nhận sự tồn tại của họ. Loại hình miễn giao tiếp này không hẳn là hành vi  gây hấn thụ động, vì nó được biểu hiện rất rõ ràng. Nhưng có những cách thức tinh vi hơn mà người khác có thể thực hiện biện pháp im lặng này với bạn. Một ví dụ là anh đồng nghiệp có thể “vô tình” không nhận ra bạn khi gặp nhau ở hành lang trong công ty. Chỉ có điều là nó xảy ra ngẫu nhiên nên bạn không biết được rằng họ làm vậy là có chủ đích hay chỉ vô tình mà thôi. Điều tương tự có thể xảy ra ở các buổi hội họp hoặc trong các tình huống tương tác khác. Đồng nghiệp của bạn có thể cố tình phớt lờ những ý kiến của bạn, nhưng điều đó không xảy ra thường xuyên nên bạn không thể biết chắc chắn được rằng anh ấy có cố ý hay không.

2. Những lời ẩn ý xúc phạm 

Chúng ta đều nhận ra được khi bị người khác xúc phạm ra mặt. Nhưng những lời lăng mạ tinh vi thì rất khó có thể phát hiện được. Một anh đồng nghiệp có thể giả vờ khen bạn vài câu, nhưng khi có cơ hội ngẫm lại thì bạn nhận ra rằng, đó chỉ là lớp vỏ ngụy trang cho những lời xúc phạm. Ví dụ như khi bạn nộp báo cáo cho sếp của mình. Anh ta đọc và nói bạn đã làm rất tốt (một lời khen), nhưng rồi lại nói thêm rằng bản báo cáo đó “Ráng chút nữa là được như của cô Giang rồi” (lời xúc phạm ẩn ý).

Một lời xúc phạm tinh vi có thể ẩn chứa hoặc nửa kín nửa hở liên hệ đến những điểm yếu lớn nhất của bạn. Giả dụ như đồng nghiệp của bạn tốt nghiệp từ một trường danh tiếng A (như Princeton chẳng hạn) còn bạn là cử nhân của một trường địa phương bình thường. Nếu anh ta thường hay đề cập đến trường học của bạn khi nó không liên quan đến những cuộc hội thoại, và ngụ ý rằng đó không phải là một trường tốt, thì đây chắc hẳn là một lời lăng mạ tinh vi.

cộc cằn, hay dỗi, u sầu, không thân thiện, tính khí thất thường một cách ngấm ngầm

3. Hay sưng sỉa

Thật sự không thoải mái chút nào khi ta phải ở cạnh những người cộc cằn, hay dỗi, u sầu, không thân thiện, tính khí thất thường một cách ngấm ngầm. Điều đó cũng tồi tệ không kém so với khi phải ở xung quanh những người thể hiện những điều trên ra mặt. Một ví dụ của điều này là: nếu một người vẫn đủ “nhã hứng” để đáp lại câu hỏi hay lời bình luận ngây ngô của bạn thì người đó cũng sẽ cho bạn một câu trả lời có hơi hướng tiêu cực một chút. Một người hay sưng sỉa thì sẽ không bao giờ chịu mở miệng cười, kể cả khi có người kể một câu chuyện hài khiến cả văn phòng phải cười ngặt nghẽo. Những người có hành vi sưng sỉa có thể có những lời phàn nàn ẩn ý về mọi thứ xung quanh họ, điều này khiến mọi người trong văn phòng cảm thấy không thoải mái và buồn bã mà không biết vì sao mình lại cảm thấy như vậy 

4. Ngoan cố

Ở một số trường hợp thì tính kiên định khá hữu ích, nhất là khi việc thể hiện quan điểm cá nhân và giữ vững lập trường là đang là điều ưu tiên. Nhưng đôi lúc sự cố chấp chỉ đơn giản là một cách để trừng phạt ai đó. Một người ngoan cố gián tiếp sẽ bảo vệ lập trường và quan điểm của mình rất quyết liệt/ khắt khe và có những lời tranh luận rất hợp lý, vì thế bạn không thể để bác bỏ những gì anh ấy đang nói một cách đơn giản được vì không đủ lý lẽ. Đồng thời, rõ ràng là người đó bảo vệ lập trường của mình chỉ vì anh ta biết rằng việc phải lắng nghe anh ta sẽ khiến bạn hoặc những người khác cảm thấy khó chịu.

đùn đẩy toàn bộ trách nhiệm lên vai người khác hoặc
nhận nhiệm vụ nhưng rồi không hoàn thành đúng thời hạn

5. Không hoàn thành được những nhiệm vụ được giao

Phần lớn trong chúng ta đều quá quen với hình ảnh những đứa trẻ bướng bỉnh rồi. Trẻ em khi lớn đến một độ tuổi nào đó – những đứa nhóc hai tuổi siêu quậy, những thanh thiếu niên, hoặc những giai đoạn khác trong thời thơ ấu hoặc dậy thì – chúng sẽ không muốn làm những gì người khác bảo nữa. Nhưng trẻ con là trẻ con. Và chúng ta khó có thể hiểu được khi người lớn lại cư xử theo cách này. Bạn có thể có một đồng nghiệp gần như luôn tìm cách lảng tránh hoàn thành những nhiệm vụ của mình. Họ đùn đẩy toàn bộ trách nhiệm lên vai người khác hoặc nhận nhiệm vụ nhưng rồi không hoàn thành đúng thời hạn. Nếu điều này là do áp lực nơi công sở, các vấn đề trong gia đình, hay do nhân cách trì hoãn, thì đây không phải là trường hợp của hành vi gây hấn thụ động. Nhưng nếu việc này xảy ra thường xuyên và không có sự liên quan rõ ràng đến những yếu tố ngoại cảnh độc lập, thì hành động này có thể là cố tình và được tính như một hành vi gây hấn thụ động.

Đối phó với sự gây hấn thụ động

Ở trên tôi chỉ tập trung đến các trường hợp đồng nghiệp hay gây hấn thụ động, nhưng trong các mối quan hệ khác, hành vi này cũng thường xuyên xuất hiện. Nguyên nhân có thể xuất phát từ lòng ghen tị, sự đố kỵ, một rối loạn nhân cách tiềm ẩn, hoặc một loại thuốc gây ra tác dụng phụ khiến bạn trở nên gây hấn thụ động – như khi bạn uống các loại thuốc chống loạn thần với liều lượng không đúng cũng có thể gây ra hậu quả này.

Cách thức hữu hiệu nhất để đối phó với một người hay gây hấn thụ động là gì? Thường thì nói thẳng với họ sẽ không giúp được gì đâu: vì ở một mức độ nào đó, họ biết mình đang làm gì và có thể sẽ gia tăng các hành vi tồi tệ của mình để phản pháo lại nếu bạn khơi gợi chuyện này lên.

Phương pháp hữu hiệu nhất chính là phớt lờ những hành vi đó và giả vờ như bạn không để ý đến chúng chút nào. Nếu những hành vi đó có vẻ như không ảnh hưởng gì mấy đến bạn, thì họ cũng sẽ không mặn mà tiếp tục làm thế nữa, họ có thể sẽ dừng những hành vi đó lại khi thấy bạn không có phản ứng gì.

Nếu làm ngơ những hành vi gây hấn thụ động không có tác dụng gì thì có lẽ chúng đang ảnh hưởng đến tâm lý của bạn một cách rất nặng nề, cách tốt nhất là hãy cố gắng giữ khoảng cách với người đó nhiều nhất có thể.

Nếu người hay gây sự đó là một đồng nghiệp ngồi gần bạn, thì hãy hỏi thử xem bạn có thể chuyển sang chỗ khác để không phải phải đối mặt với người đó suốt được hay không. Nếu bạn không thể đổi chỗ, bạn có thể cố gắng hết sức để giảm tương tác với người đó đến mức tối thiểu. Mỗi lần tương tác, bạn hãy thật chuyên nghiệp và đi thẳng vào vấn đề, điều này sẽ giúp người đó dập tắt ý định lấn nước với bạn đấy.

Dịch: CHN

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Lilien

Nguồn ảnh: unsplash

Nguồn bài viết: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/the-superhuman-mind/201611/5-signs-youre-dealing-passive-aggressive-person

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan