5 Kiểu Người Hướng Nội Và Cách Họ “Sống Tốt Cuộc Đời Của Mình”

Có nhiều kiểu người hướng nội – sau đây là một vài kiểu khác nhau. Hướng nội có nhiều điều hơn tôi tưởng – thậm chí tôi đã công bố một nghiên cứu về hướng nội nhiều năm về trước. …

Có nhiều kiểu người hướng nội – sau đây là một vài kiểu khác nhau.

Hướng nội có nhiều điều hơn tôi tưởng – thậm chí tôi đã công bố một nghiên cứu về hướng nội nhiều năm về trước. Theo những người không ngừng việc tiếp tục khai phá thêm hiểu biết cho chúng ta, điều làm cho một người có tính hướng nội phức tạp hơn nhiều so với chỉ thái độ, cách thức giao tiếp và chuyện ở một mình.

Vài ngày trước, tôi đã làm bài kiểm tra về hướng nội – hướng ngoại gồm 10 phần trên trang The Quiet Revolution của Susan Cain (tạm dịch: Cuộc Cách mạng thầm lặng). Ngay lập tức, tôi đã nhận được phản hồi như sau: Tôi đúng là một người hướng nội. Nhưng nó không nói kiểu như, “Yeah, bạn thích thời gian một mình, bạn đủ điều kiện làm người hướng nội rồi đó.”

Hãy cùng xem qua tất cả những khía cạnh về trải nghiệm của sự hướng nội ở phần mô tả dưới đây. (Tôi đoán là những ai nhận được kết quả là người hướng nội sẽ có lời phản hồi giống nhau. Tôi không nghĩ đó là một phản hồi mang tính cá nhân hóa.)

Người hướng nội

“Khi được lựa chọn, bạn sẽ dành năng lượng xã hội của mình cho một nhóm nhỏ những người mà bạn quan tâm nhất, thích tận hưởng một ly rượu vang với một người bạn thân hơn là ở một buổi tiệc đầy người lạ. Bạn suy nghĩ trước khi nói, thận trọng hơn khi tiếp xúc với rủi ro, và tận hưởng sự cô đơn. Bạn thấy tràn đầy năng lượng khi tập trung hết sức về một chủ đề hay hoạt động thực sự thu hút bạn. Khi bạn ở trong môi trường quá khuấy động (chẳng hạn như quá ồn, quá đông người, vân vân và mây mây), bạn thường cảm thấy bị choáng ngợp. Bạn tìm kiếm những môi trường yên bình, an toàn và đẹp đẽ; bạn có một cuộc sống nội tâm tích cực và đạt trạng thái tốt nhất khi vận dụng được những thế mạnh của nó.”

Thật là một bức chân dung đẹp làm sao! Cuộc Cách mạng thầm lặng đang nói với chúng ta rằng hướng nội là điều mang nhiều sự tuyệt vời. 

Tôi muốn giải thích về sự đa dạng trong các trải nghiệm được trình bày ở trên, nhưng trước tiên, bằng cách so sánh, tôi sẽ chia sẻ phần còn lại của phản hồi tôi nhận được. Đó là nơi tôi học được rằng nếu tôi có số điểm biểu thị mình là người hướng ngoại hay là người vừa hướng nội vừa hướng ngoại sẽ có ý nghĩa gì. 

Người hướng ngoại

Người hướng ngoại thích thú trước cuộc sống xã hội và thấy được tiếp thêm năng lượng khi tương tác với bạn bè hay người lạ. Họ là kiểu người kiên quyết, hoạt bát và nắm bắt cơ hội điển hình. Người hướng ngoại thường rất giỏi đưa ra quyết định sáng suốt và nhanh chóng, họ cũng khá thoải mái với xung đột. Khi được lựa chọn, người hướng ngoại thường thích những môi trường đầy hứng thú mang lại cho họ những cơ hội thường xuyên để gặp gỡ và bắt chuyện với người khác. Khi họ ở trong môi trường yên tĩnh, họ dễ cảm thấy chán nản và bồn chồn. Họ tích cực tham gia vào thế giới xung quanh và luôn ở trạng thái tốt nhất khi sử dụng được năng lượng đó.”

Người hướng trung (người vừa hướng nội, vừa hướng ngoại)

“Người hướng trung là người rơi vào vùng giữa người hướng nội và hướng ngoại. Theo nhiều cách, người hướng trung sẽ hưởng được những điều tốt nhất của cả hai kiểu người và có thể sử dụng sức mạnh của cả hai kiểu người khi cần thiết.”

Tôi độc thân và luôn luôn như vậy. Không chỉ là độc thân một cách tự nhiên, mà là thực sự thích độc thân. Tôi sống một cuộc sống tốt nhất, trọn vẹn nhất và chân thực nhất với tư cách là một người độc thân. 

Độc thân không phải tự nhiên mà có  hay là kế hoạch B. Đó chính là kế hoạch A của tôi. Trong nhiều năm nghiên cứu những người ưa thích độc thân mạnh mẽ nhất và rõ ràng nhất, có một đặc điểm mà gần như mỗi một người trong số họ đều có: họ yêu thích thời gian một mình. 

Nhưng khi tôi hỏi những người chắc chắn cảm thấy thích độc thân liệu họ là người hướng nội hay hướng ngoại hay là kiểu người khác thì những câu trả lời của họ ít giống nhau hơn nhiều. Hầu hết mọi người đều nói mình là người hướng nội, nhưng cũng có nhiều người vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Một số người nói những điều như “Về cơ bản thì tôi là người hướng nội, nhưng tôi cũng có thể rất cởi mở chừng nào tôi còn có thời gian để hồi lại.” Hay “Tôi là người hướng nội nhưng nhiều người không nhận ra điều đó.”

Đó chính là điều đã thôi thúc tôi làm bài kiểm tra về sự hướng nội và tìm hiểu nhiều hơn nữa về những hiểu biết mới nhất về hướng nội. Ngoài ra còn có thêm cả câu hỏi đến từ Sophia Dembling, tác giả cho mục “The Introvert’s Corner” (Góc Hướng Nội) của Psychology Today và nhiều cuốn sách về hướng nội khác, rằng tôi có nghĩ mình là người hướng nội không.

Tôi phát hiện ra rằng những học giả như Jonathan Cheek và Jennifer Grimes vẫn đang xác định những kiểu người hướng nội khác nhau. Đầu tiên là kiểu mà bạn thấy quen thuộc nhất – người hướng nội xã hội.

1. Người hướng nội xã hội

  • “Tôi cố gắng sắp xếp ngày của mình để tôi có thời gian cho bản thân.”
  • “Tôi thấy kiệt sức sau những tình huống xã hội, ngay cả khi tôi cảm thấy thích thú với chúng.”

Theo như Melissa Dahl mô tả trong The Cut, hướng nội xã hội là “là một sự ưa thích cho việc hòa nhập với những nhóm nhỏ thay vì nhóm lớn. Hay đôi khi, chẳng có sự ưa thích với bất kỳ nhóm nào cả, mà là sự cô đơn.”

Mục thứ hai ở trên chính là điều then chốt. Những người hướng nội xã hội có thể tận hưởng các tình huống xã hội. Hướng nội xã hội không có nghĩa là bạn không bao giờ gặp ai hay không bao giờ thích việc gặp gỡ người khác; chỉ là những trải nghiệm như trên có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi.

Một kiểu hướng nội khác được xác định bởi Cheek và Grimes là cái mà họ gọi là “Người hướng nội suy nghĩ.” Tôi thì lại thích gọi là “Người hướng nội nội quan” hơn. Khía cạnh về kiểu người hướng nội này không phải về những gì đang diễn ra trong cuộc sống xã hội của bạn mà về điều đang diễn ra trong tâm trí bạn.

2. Người hướng nội nội quan

  • “Tôi có một đời sống nội tâm phong phú và phức tạp.”
  • “Tôi thường chú ý đến cảm xúc bên trong của mình.”

“Người hướng nội suy nghĩ” là người nội quan, chu đáo và tự ngẫm về bản thân.” Trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Cheek đã nói với Dahl rằng những người hướng nội này “có khả năng lạc bước trong thế giới nội tâm mộng tưởng, nhưng không phải theo cách loạn thần kinh, mà theo cách tưởng tượng và đầy sáng tạo.”

Kiểu người hướng nội thứ ba mà Jonathan Cheek đã thảo luận được xác định bởi cách làm việc hơn là cách suy nghĩ. Họ là “người hướng nội chậm rãi,” người làm mọi thứ với tốc độ chậm hơn. Những học giả nghiên cứu tính cách mô tả một số người là “từ từ tiếp nhận cái mới.” Hướng nội chậm rãi cũng gây ấn tượng với tôi như vậy.

3. Người hướng nội chậm rãi

  • “Để thư giãn, tôi thích làm mọi thứ thật chậm rãi và để mọi thứ trôi qua thật nhẹ nhàng.”
  • “Tôi thích có một khởi đầu tốt ngay khi tôi thức dậy mỗi sáng.” (Người hướng nội chậm rãi không tán thành điều này)

Người hướng nội chậm rãi hay dè dặt thích “suy nghĩ trước khi nói hay hành động” và “có lẽ sẽ mất một khoảng thời gian để làm quen.” Tôi chưa bao giờ nghĩ về hướng nội theo cách như vậy trước đây, vì vậy tôi rất quan tâm khi xem nghiên cứu trong tương lai sẽ cho ta biết điều gì về hướng nội chậm rãi cũng như nó có tương quan mật thiết với các kiểu hướng nội khác như thế nào.  

Giáo sư Cheek cũng chỉ ra một kiểu hướng nội khác, “Người hướng nội lo lắng.” (Ví dụ tiêu biểu như: “Tôi cảm thấy ngượng và sợ những gì người lạ nghĩ về mình khi ở gần họ,” và “Ngay cả khi tôi ở trong một nhóm bạn, tôi thường thấy rất cô đơn và không thoải mái.”). Tôi không gộp chung nó vào một kiểu người hướng nội vì tôi không xem đây là hướng nội. Tôi nghĩ đây là lo âu xã hội.

Bạn muốn xem hết tất cả các mục giúp xác định mỗi một kiểu hướng nội được phát hiện bởi Cheek và Grimes không? Scott Barry Kaufman đã đưa ra những điều đó trong bài báo Khoa học Mỹ của mình mang tên “Bạn là kiểu người hướng nội nào?”. Kaufman đã giúp phát triển bài kiểm tra hướng nội mà tôi tham gia trên trang của Susan Cain.

Nghiên cứu của ông ấy chỉ ra hai khía cạnh khác của sự hướng nội: sự thận trọng và sự hứng thú. Chúng cũng được miêu tả trong phản hồi tôi nhận được từ bài test của mình: “Sự thận trọng đo lường mức độ ưa thích của bạn đối với sự cân nhắc kỹ càng so với hành động,” và “sự hứng thú đo lường mức độ ưa thích của bạn với môi trường êm ả hay náo động.”

4. Người hướng nội thích suy nghĩ thông suốt mọi thứ.

  • “Tôi kiên nhẫn trong việc tìm ra tất cả những sự thật trước khi đưa ra quyết định.”
  • “Tôi không mạo hiểm trừ khi tôi đã tìm hiểu hay đánh giá cẩn thận trước đó.”

5. Người hướng nội không muốn có quá nhiều kích thích.

  • “Tiếp xúc quá nhiều với tiếng ồn hay ánh sáng khiến tôi kiệt sức hay mệt mỏi như say thuốc.”
  • “Tôi làm việc tốt nhất trong môi trường yên tĩnh.”

Liệu bạn là một người hướng nội hoàn toàn hay chỉ sở hữu một vài phần của hướng nội?

Jonathan Cheek mô tả ba kiểu người hướng nội xã hội, hướng nội suy nghĩ và hướng nội chậm rãi là những kiểu khác nhau. Nhưng, liệu chúng có thực sự tách biệt hay là những mặt khác nhau của một thứ tổng quát hơn là hướng nội?

Phản hồi mà tôi nhận được khi làm bài test dường như đưa ra gợi ý về vế sau của ý trên: Người hướng nội là người thích tận hưởng cô đơn, có đời sống nội tâm sống động, có một cách tiếp cận thận trọng với rủi ro và thấy kiệt sức bởi những môi trường quá kích động. Tùy vào mỗi người khác nhau mà mỗi yếu tố có thể nhiều hay ít quan trọng hơn. Song nhìn chung, tất cả những yếu tố trên đi cùng với nhau.

Điều gây ấn tượng với tôi về tất cả 5 kiểu hay yếu tố khác nhau của sự hướng nội chính là tất cả chúng đều phong phú đến nhường nào. Điều đó không có nghĩa là hướng ngoại không thể cải thiện cuộc sống vì dĩ nhiên là có thể rồi. Nhưng người hướng ngoại luôn có xu hướng hưởng lợi từ giả sử rằng cách sống của họ là cách sống lành mạnh về mặt tâm lý. Phải cần đến rất nhiều thế hệ các nhà tư tưởng gần đây, chẳng hạn như Cain và Dembling, để chứng minh một cách thuyết phục rằng trở thành một người hướng nội sẽ tốt như thế nào.

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: 5 Kinds of Introverts and Their Life-Affirming Ways

Dịch: Hannah

Biên tập: #Zealous

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan