5 thói quen trong tâm trí có xu hướng khiến cuộc sống khó khăn hơn

Một vài phản ứng vụng về trước những thử thách không thể tránh khỏi của cuộc sống.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH


  • Triết học Phật giáo mô tả năm cách thức vụng về khi con người phản ứng với những nỗi thất vọng và thử thách trong cuộc sống, những cách này có thể trở thành thói quen về mặt tâm trí.
  • Những trở ngại này bao gồm việc tìm kiếm sự an ủi trong khoái cảm, tức giận, trở nên thờ ơ, lo lắng và nghi ngờ bản thân.
  • Với chánh niệm và lòng trắc ẩn với bản thân, mọi người có thể tìm ra cách ứng phó khéo léo hơn khi cuộc sống không theo ý mình.


Không phải ngày nào cũng trôi qua mà không gặp phải sự thất vọng hay chán chường.


Một ví dụ nhỏ: Bạn vừa đặt bút xuống và bây giờ không thể tìm thấy nó.

Một ví dụ nhỏ hơn: Máy tính của bạn bị hỏng.

Một ví dụ lớn: Do sức khỏe kém, bạn không thể thực hiện chuyến đi thăm đứa cháu mới sinh.


Năm chướng ngại


Trong triết học Phật giáo, có năm phản ứng vụng về trước những thử thách trong cuộc sống. Chúng được gọi là trở ngại vì chúng cản trở khả năng bạn nhìn nhận rõ ràng cách thức hành động để không làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với bản thân hoặc người khác. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy căng thẳng và bất an, đó thường là do bạn bị mắc kẹt trong mạng lưới của một hoặc nhiều trở ngại trong số này. Chúng thường hình thành nên thói quen trong tâm trí, có nghĩa là mỗi khi bạn phản ứng theo một trong năm cách này, trở ngại sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và bạn có nhiều khả năng sẽ phản ứng theo cách đó trong tương lai.


Tôi sẽ sử dụng sự cố máy tính làm ví dụ về những trở ngại trong hành động. Dưới đây là năm cách bạn có thể phản ứng với kiểu sự kiện không mời mà đến này.


1. Tìm kiếm niềm an ủi trong khoái cảm


Sự cản trở này đề cập đến bất kỳ khoái cảm nào mà bạn tham gia với niềm tin sai lầm rằng, nó sẽ khiến bạn hạnh phúc bằng cách cho phép bạn quên đi những khó khăn của mình. Và do đó, bạn tránh được sự cố máy tính của mình bằng cách chuyển sang một hoạt động gì đó thú vị, chẳng hạn như ăn kem hoặc xem lại chương trình truyền hình yêu thích của bạn. Hoàn toàn không có gì sai khi tận hưởng bản thân theo những cách này. Chúng chỉ trở thành một vấn đề khi hành vi này dẫn đến việc tránh điều bạn cần chú ý, trong trường hợp này là máy tính của bạn.



Mọi người tìm đến kem để tự "an ủi" mình | Nguồn: Unspash.com


2. Nổi giận


Sự tức giận phát sinh khi bạn tin rằng mọi người hoặc mọi thứ phải khác với bản chất của chúng. Bạn cảm thấy như thể thế giới đang đối xử bất công với bạn bởi vì máy tính của bạn không nên gây rắc rối cho bạn. Nhưng máy tính thỉnh thoảng vẫn cứ hỏng, bất kể chỉ số IQ của bạn là bao nhiêu. Sự tức giận bao gồm từ cơn tức giận nhẹ đến trở nên giận dữ đến mức bạn ném máy tính của mình vào tường, do đó đảm bảo rằng nó sẽ luôn ở trạng thái “bị treo”.


3. Trở nên thờ ơ


Sự cản trở này thường liên quan đến sự lãnh đạm hoặc thờ ơ. Bạn tự nhủ rằng thật tốn quá nhiều công sức để đối phó với một chiếc máy tính không hoạt động. Sự cản trở này là một cách khác để lảng tránh những gì bạn biết mình cần phải làm. Và vì vậy, bạn tự nói với chính mình, “Quên nó đi; Tôi đi ngủ thôi”. Thật không may, khi bạn thức dậy, máy tính của bạn vẫn ở trạng thái “ngủ”.


4. Cảm giác bồn chồn và lo lắng


Trở ngại này bao gồm xu hướng xáo trộn các tình huống xấu nhất, ngay cả khi bạn không có dữ kiện để ứng phó với bất kỳ tình huống nào trong số đó: “Máy tính của tôi không thể sửa được”; “Tôi sẽ không bao giờ có thể khôi phục dữ liệu của mình”; "Đối tác của tôi sẽ gọi tôi là kẻ kém cỏi vì máy tính của tôi bị hỏng."

Các tình huống xấu nhất thường khó có khả năng xảy ra. Có thể tất cả những gì máy tính của bạn yêu cầu là khởi động lại (tôi nói từ kinh nghiệm cá nhân ở đây). Thật không may, bạn quá bận rộn với việc dự báo một tương lai đầy rẫy sự “diệt vong” của máy tính đến nỗi bạn chẳng bao giờ thử bất kỳ giải pháp đơn giản nào.


5. Nghi ngờ bản thân


Sự nghi ngờ bản thân cho thấy rằng bạn đang thiếu tự tin vào khả năng giải quyết những thách thức trong cuộc sống. Bạn cảm thấy như thể mình không đủ khả năng để giải quyết bất kỳ sự cố máy tính nào. Bạn tự trách mình vì nó đã hỏng ngay từ đầu. Kiểu suy nghĩ này khiến bạn không thể tập trung vào việc tìm cách sửa máy tính, điều

mà mọi người đều phải làm ít nhất một lần.Cuộc tấn công đa chướng ngại


Đôi khi, bạn nghi ngờ chính mình | Nguồn ảnh: Unsplash.com

Bạn có thể đã nhận ra khuynh hướng phản ứng của chính mình ở một hoặc nhiều trong năm trở ngại này. Mọi người thường “có chuyên môn” trong một lĩnh vực nào đó, tùy thuộc vào thói quen mà họ đã hình thành trong suốt cuộc đời.

Cũng không có gì lạ khi có hơn một trở ngại xuất hiện như cách phản hồi lại việc mọi thứ không theo ý bạn. Các sư thầy nhà Phật gọi vui đây là một “cuộc tấn công đa chướng ngại”. Bạn có thể đắm chìm trong cây kem đó để lảng tránh việc sửa máy tính và giận dữ với bản thân, lo lắng về những điều sẽ xảy ra với nó và nghi ngờ khả năng giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của bản thân. Và bạn có nó - bốn trong số năm chướng ngại kết hợp với nhau, khiến bạn ngày càng đau khổ hơn.


Ứng phó một cách khéo léo với những trở ngại


Bước đầu tiên để thay đổi những phản ứng theo thói quen này đối với những thứ không theo ý bạn là nhận thức rằng chúng đã phát sinh. Đây là một thực hành chánh niệm. Đối với tôi, việc ghi nhớ một danh sách năm chướng ngại trong tâm trí sẽ rất hữu ích. Việc xác định chướng ngại nào đã phát sinh sẽ giúp ích vì nó ngăn cản trở ngại đó gia tăng. Trên thực tế, đưa nó vào nhận thức có ý thức có thể hao phí nó hoàn toàn, vì chẳng hạn, bạn sẽ thấy rằng giận dữ hay lo lắng đều không thể sửa chữa chiếc máy tính đó.


Bước thứ hai là xác định chướng ngại. Ý tôi là, bạn có thể giảm bớt sự kiểm soát của nó đối với bạn bằng cách coi nó như một vị khách tạm thời trong tâm trí bạn (mặc dù là một người không được chào đón), trái ngược với tư cách là một cư dân thường trú. Nhắc nhở bản thân rằng đây chỉ đơn giản là những trạng thái tinh thần đến và đi như phản ứng khi mọi chuyện không theo ý bạn. Ví dụ: hãy thử sắp xếp lại những gì bạn đang cảm thấy theo cách sau: “Máy tính của tôi bị hỏng và tôi tức giận và tôi lo lắng, nhưng những phản ứng đó sẽ không giúp tôi khắc phục được vấn đề”.


Bước thứ ba là đối xử tử tế với bản thân bằng cách thừa nhận rằng những phản ứng này không lành mạnh. Khi cuộc sống không dễ chịu như mong muốn, điều cần nhắc tới nên là lòng trắc ẩn với bản thân, chứ không phải là đổ lỗi. Trau dồi lòng trắc ẩn với bản thân cho bạn biết rằng bạn quan tâm đến sự đau khổ của mình và điều này giúp bạn xoa dịu tâm trí để bạn có thể thấy rõ hơn những bước bạn có thể thực hiện để làm cho mọi thứ tốt hơn.


Trắc ẩn với chính mình giúp bạn chữa lành | Nguồn ảnh: Unsplash.com

Không một ngày nào trôi qua mà chúng ta không trải qua một số điều thất vọng vì mọi chuyện chẳng diễn ra theo ý bạn. Tôi gọi điều này là việc muốn / không muốn bận tâm. Tôi muốn tìm cây bút mà tôi vừa đặt xuống; tôi không muốn máy tính của mình gặp sự cố. Thực tế là… cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra theo cách mà chúng ta mong muốn. Khi điều này xảy ra, nó sẽ giúp nhận ra phản ứng nào trong số năm phản ứng vụng về này đã phát sinh và sau đó đối phó với chúng bằng chánh niệm và lòng trắc ẩn của chính mình.

------------

Dịch bởi: Cecile

Biên tập: SweetIvy

Ảnh: Unsplash.com

Tham khảo: Toni, B. (2021). 5 Habits of Mind Tend To Make Life Harder. Retrieved 9 October 2021

Available at: 

<https://www.psychologytoday.com/intl/blog/turning-straw-gold/202109/5-habits-mind-tend-make-life-harder>

------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan