5 thói quen tự hủy hoại bản thân bạn không nên ngó lơ

Để phát triển bản thân, bạn cần thành thật với chính mình và bước từng bước để trở thành người bạn mong muốn.

Bạn có thường mắc lại những thói quen cũ, mặc dù biết chúng không hề tốt?


Thoát khỏi những thói quen xấu mà bạn đã mang theo trong mình suốt một khoảng thời gian dài không phải là điều dễ dàng.


Nhưng để phát triển bản thân, bạn cần thành thật với chính mình và bước từng bước để trở thành người mà bạn mong muốn.


Dưới đây là năm thói quen tự hủy hoại bản thân mà bạn nên xóa bỏ.


1) Thường xuyên tự phê bình



Nguồn ảnh: Pinterest


"Tôi không đủ tốt."


"Tôi không thể làm điều này."


"Không ai ưa tôi cả."


Bạn có thấy những câu nói trên quen thuộc không?


Có những ngày cảm xúc buồn bã và đôi khi thấy thất vọng về hiệu suất của bản thân là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn gắn những sai lầm đã mắc phải với giá trị của bản thân, nó có thể gây tổn hại đến chính bạn.


Suy nghĩ tiêu cực có thể có hại, vì chúng có xu hướng sản sinh ra nhiều suy nghĩ tiêu cực hơn và khiến bạn bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn.


Và theo thời gian, tất cả những điều tiêu cực đó sẽ bắt đầu khiến bạn suy sụp.


Vì vậy, hãy cố gắng nhận thức suy nghĩ của bản thân và thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực.

Điều này không hề dễ dàng, nhưng chắc chắn nó sẽ đáng giá về lâu dài.


2) Trì hoãn


Bạn có bao giờ bắt gặp bản thân nói rằng “Tôi sẽ làm việc đó vào ngày mai”, ngay cả khi có một đống nhiệm vụ chưa hoàn thành vẫn đang chờ bạn?


Mặc dù không có gì sai nếu thỉnh thoảng trì hoãn một chút, nhưng nếu đó là  sự trì hoãn kinh niên thì chắc chắn nó không hề tốt cho bạn một chút nào.


Sự trì hoãn thường bắt nguồn từ việc không kiểm soát được tâm trạng tiêu cực liên quan đến một nhiệm vụ nhất định.

Ví dụ, nếu bạn cảm thấy bài tập về nhà quá khó và bạn không thể chịu đựng được ý nghĩ phải bắt tay vào làm, thì có khả năng bạn sẽ trì hoãn nó cho đến tận phút cuối cùng.


Thay vì "nước đến chân mới nhảy", hãy cố gắng chia nhỏ công việc thành những đầu mục nhỏ có thể thực hiện. Nếu bạn bị phân tâm, hãy cố gắng tự thưởng cho mình sau khi bạn đã hoàn thành một phần công việc. Điều này sẽ giúp bạn đi đúng hướng và hoàn thành nhiệm vụ.


3) Lối sống tĩnh tại _ ít vận động


Nguồn ảnh: Pinterest


Bạn có thích ngồi trước TV hoặc máy tính hàng giờ liền mà không di chuyển một tí nào không?


Tất cả chúng ta đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tập thể dục. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về nó, vậy chúng ta đã tập luyện bao nhiêu giờ trong ngày thay vì dán mắt vào màn hình? Lần cuối cùng bạn ra ngoài chạy bộ là khi nào?


Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa lối sống tĩnh tại với hàng loạt các vấn đề về sức khỏe, từ béo phì cho đến bệnh tim.


Ngoài ra, một bài báo trên Tạp chí Y học Thể thao Anh đã chỉ ra rằng lối sống tĩnh tại cũng khiến con người dễ bị trầm cảm.


Không có thời gian nào thích hợp hơn bây giờ để bạn bắt đầu tham gia vào các hoạt động thể chất nhiều hơn. Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, hãy thử đi dạo hoặc tập một vài động tác giãn cơ buổi sáng. Đến một lúc nào đó, nó sẽ trở thói quen và là điều bạn mong chờ mỗi ngày.


4) Tham gia vào các mối quan hệ độc hại


Bạn có thấy mình đang ở trong một loạt các mối quan hệ độc hại - đến mức bạn phải đặt câu hỏi liệu đó có phải là sự trùng hợp hay không?


Thực ra, nó có thể không phải là một sự trùng hợp đơn thuần.


Một bài báo Psychology Today của Claire Jack đã nói rằng, có thể bạn đang vô thức kết bạn với những người trải qua các vấn đề tương tự như bạn đã gặp phải trước đây.


Đó là bởi vì chúng ta hoạt động dựa trên kiến thức thu được từ những trải nghiệm trong quá khứ, và chúng ta có xu hướng muốn xác nhận quan điểm của bản thân về thế giới với những gì chúng ta đã biết.


Ví dụ, tiểu sử gia đình của bạn không tốt, thì có khả năng bạn sẽ thu hút những người có cùng hoàn cảnh như thế dựa trên sự quen thuộc. Cho dù điều đó có thể tổn thương bạn.


Nếu bạn nhận ra mình đang trong một mối quan hệ độc hại, thì điều quan trọng cần phải làm đó là dừng lại và đánh giá tình huống. Việc tìm gặp một nhà trị liệu cũng có thể giúp bạn vượt qua những khoảnh khắc khó khăn như thế này trong cuộc sống.


5) Những hành vi gây nghiện


Bạn đã bao giờ buông thả bản thân trước sức hút của những hoạt động giải trí như xem một bộ phim mới nhất hoặc chơi trò chơi điện tử chưa? 


Những hoạt động này hoàn toàn bình thường nếu diễn ra có chừng mực. Tuy nhiên, nếu bạn không thể kiểm soát được chúng đến mức ảnh hưởng đến đời sống xã hội của bản thân thì đó chính là nghiện. Bạn có thể bỏ qua các sự kiện hay thậm chí những cuộc họp quan trọng chỉ để dán mắt vào những chiếc màn hình.


Thậm chí chúng có thể tệ đến mức không còn là hoạt động giải trí nữa mà thay vào đó trở thành những thói quen xấu bạn không bỏ được.


Theo nghiên cứu, có thể mất đến 90 ngày để hoàn toàn cai nghiện, vì thế điều cần phải làm là tìm kiếm tự giúp đỡ từ chuyên gia càng sớm càng tốt.


Kết luận


Điều quan trọng là bạn cần phải để tâm đến những thói quen xấu và cố gắng sửa chúng để có thể phát triển và trở thành người tốt hơn.


Nếu bạn có thể từ bỏ những nói quen tự hủy hoại bản thân, bạn sẽ có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc hơn.

____________

Người dịch: Lý Lan

Biên tập viên: Sweetlvy

Link bài gốc: 5 Self-Destructive Habits You Should Quit – Psych2Go


BẢN THẢO
Bài viết liên quan