52Hz - Nỗi cô đơn của những người trẻ đang tập lớn

"Học cách kiểm soát cảm xúc hay yêu lấy chính bản thân mình vốn chẳng phải điều gì dễ dàng, nhưng tất cả chúng ta còn cả chặng đường dài để bước từng bước thật chắc chắn trên hành trình viết nên câu chuyện cuộc đời của riêng ta."

“Ở giữa lòng đại dương rộng lớn

Một chú cá voi khẽ cất lên tiếng nói nhỏ bé và đơn độc 

Mặc cho có gào thét đi chăng nữa cũng nào ai nghe thấy

Tiếng nói kia khép lại chỉ còn lặng lẽ với nỗi cô đơn sâu thẳm" 

(Whalien 52 - BTS)

 

Những câu hát về chú cá voi 52Hz - loài sinh vật cô độc nhất thế gian với tần số sóng âm đặc biệt ấy cũng chính là lời thủ thỉ, lời bày tỏ đầy đau đớn thay cho những người trẻ đang sống, đang tồn tại với một tâm hồn lẻ loi và cô độc. Chú cá voi cứ mãi cất lên tiếng hát tuyệt vọng giữa lòng đại dương mênh mông kia, khát cầu một ai có thể lắng nghe và đáp lại. Vậy nhưng đến cùng, 52Hz vẫn chẳng thể nhận lại một lời hồi đáp. Tựa như loài sinh vật đơn độc ấy, những người trẻ ngày nay cũng chênh chao và lạc lối khi phải một mình đối diện với ngưỡng cửa trưởng thành đầy rẫy những lo toan và mỏi mệt. Đó không phải là sự cô đơn, lạc lõng của riêng bất kì ai mà là của tất cả chúng ta, của cả một thế hệ ngày nay. 

 

Cô đơn là một trạng thái cảm xúc đầy phức tạp của nỗi lo lắng, buồn tủi và mất mát khi bản thân cảm thấy thiếu đi sự gắn kết với những người xung quanh. Đối với những người trẻ đang chập chững bước trên con đường trở thành người lớn, cảm giác lẻ loi, lạc lõng lại càng rõ nét hơn bao giờ hết. Cảm giác ấy dường như hiện hữu trong tâm hồn những người trẻ tuổi mỗi ngày, từ khi bình minh ló rạng cho tới lúc đêm về. Điều này không có nghĩa bất cứ ai cũng đều trong trạng thái mệt mỏi và buồn bã từng giờ từng phút. Chúng ta vẫn cười, vẫn vui và hạnh phúc, vậy nhưng đâu đó trong những khoảnh khắc ấy, cảm giác cô đơn vẫn nhen nhóm trong lòng. Đó có thể là khi ta một mình bước tới chỗ học, chỗ làm; khi ta không thể theo kịp cuộc trò chuyện của những người xung quanh hay khi mở điện thoại lên mà chẳng nhận được một dòng tin nhắn. Nỗi cô đơn còn bất chợt trào dâng khi ta chen trong dòng người tấp nập giờ cao điểm hay lúc ngồi lặng yên bên ô cửa ngắm màn mưa tuôn xối xả ngoài trời. Đặc biệt vào khoảng thời gian đêm tối, khi chúng ta tắt đèn và lên giường đi ngủ. Bao trùm khắp không gian một màu đen kịt với khoảng lặng gần như tuyệt đối. Bao suy nghĩ và cảm xúc cứ thế ùa về trong tâm trí mà chẳng có lấy một ai để giãi bày. Một mình đối diện với nỗi buồn, nỗi cô đơn hằng đêm khiến người trẻ có đôi khi mệt nhoài và kiệt sức. 

 

Vậy cớ sao những người trẻ tuổi ngày nay lại phải chịu đựng nỗi cô độc bủa vây nhiều tới thế? Người trẻ ôm trong mình rất nhiều ước mơ và hoài bão, có người đặt chân tới nơi đất khách quê người để học tập và làm việc, và rồi có những khi mệt nhoài về cả tinh thần và thể xác, họ không có lấy một ai để sẻ chia và tâm sự. Cũng có người chia tay một mối tình mà tưởng như cả đất trời đang sụp xuống, họ mất đi một người đã từng là tất cả yêu thương luôn kề cạnh. Lại có những người khác không thể hòa nhập với bạn bè hay đồng nghiệp, lại phải hứng chịu lời phán xét của những người xung quanh. Tuy nhiên “những lời nói giấu ở trong tim không phải cố ý che đậy đi, chỉ là không phải nỗi đau nào cũng đều có thể kêu gào”. Tất cả những nỗi lo toan, những gánh nặng và áp lực đè trên vai người trẻ nhưng họ biết tìm ai để tâm sự và giãi bày hết thảy? Có lẽ do càng lớn, ta càng phải rời xa những mối quan hệ thân thiết bên cạnh mình như người thân và bạn bè bởi mỗi người đều có một hướng đi riêng, có một cuộc sống cho riêng mình. Vậy nên sợi dây gắn kết các mối quan hệ có thể nhiều thêm khi ta bước ra ngoài xã hội nhưng lại mỏng dần tới mức tưởng chừng như đứt phựt bất cứ lúc nào không hay biết. Hay cũng bởi mỗi người chúng ta đều bị cuốn theo vòng xoáy hối hả của cuộc đời nên chẳng thể dành thời gian quan tâm và sẻ chia cùng ai khác, đơn giản vì khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”. Và rồi những nỗi nặng lòng, buồn đau cứ thế trĩu trong tim những người trẻ tuổi đôi mươi mà chẳng thể thốt nên thành lời. 

 

(Cre: ShootingStarLogBook - Deviant Art)

 

Vậy nhưng Maya Angelou đã từng nói: "Không đau đớn nào lớn hơn việc mang trong mình một câu chuyện chưa kể". Những tâm sự và nỗi buồn đau cứ chất chồng trong tâm trí những người trẻ có thể dẫn tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe tinh thần. Theo một báo cáo mới từ Đại học Swinburne và VicHealth, trong số những người từ 18 đến 25 tuổi, 35% nói rằng họ cảm thấy cô đơn ba lần trở lên trong một tuần. Mức độ cô đơn cao làm tăng 12% nguy cơ bị trầm cảm ở người trưởng thành trẻ tuổi và 10% mắc chứng lo âu xã hội. Còn rất nhiều những vấn đề khác họ có thể mắc phải như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu lan toả hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Những trở ngại về tinh thần khiến những người trẻ không dám bước ra, kết nối với xã hội và vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong con người. Họ đắm chìm trong nỗi cô độc để rồi tự hoài nghi chính mình, khát khao được vứt bỏ tất cả mọi thứ. Có đôi khi họ luyến tiếc một quá khứ vui vẻ hơn mà chối bỏ thực tại đầy mỏi mệt. Vậy nhưng tất cả những điều đó không khiến con người ta hạnh phúc hơn mà trái lại, sự mệt mỏi về tinh thần và thể xác cùng nỗi lo âu càng hiện hữu. 

 

Nỗi cô đơn dày vò con người ta là vậy nhưng đó lại là cảm xúc không thể tách rời trong suốt các chặng hành trình của cuộc đời. Đừng chấp nhận chìm trong cô độc để rồi không màng tất thảy mọi thứ xung quanh. Những người trẻ với đầy tiềm năng và ước vọng nên được sải cánh bay xa thay vì tự trói buộc bản thân trong thứ gông xiềng của cảm xúc. Hãy bắt đầu từ việc cố gắng mở cánh cửa đóng kín trong tâm hồn và bước ra bên ngoài. Bước ra thế giới muôn màu muôn vẻ, nơi có ánh sáng, có tình yêu thương và có nguồn tri thức bao la đang đợi chờ. Mỏi mệt, lo lắng và đơn côi - những nỗi niềm ấy chắc chắn sẽ lại ghé thăm lúc nào không hay biết, nhưng khi người trẻ biết trau dồi kiến thức, phát triển bản thân và học cách yêu lấy chính mình, những cảm xúc đó cũng sẽ trở thành một sắc màu vẽ nên cuộc sống tươi sáng và rực rỡ. Một người trẻ với tinh thần ham học hỏi sẽ biết cách giải phóng những cảm xúc tiêu cực của bản thân qua con chữ, sách vở, thể thao hay cả âm nhạc và hội hoạ. Phát triển bản thân qua nhiều khía cạnh có thể giúp người trẻ thấu hiểu và tự tin hơn về chính mình cũng như tạo cơ hội để giao tiếp với nhiều người xung quanh. Để rồi từ đó, nỗi lo âu và cô độc sẽ chỉ như một vị khách ngoại lai ghé thăm trong chốc lát thay vì trú ngụ trong tâm hồn những người trẻ tuổi. Chăm sóc cho sức khỏe tinh thần và thể chất là cách để chúng ta - những người trẻ đang tập lớn - đối mặt với mọi thử thách trong cuộc đời, hơn là chỉ nỗi cô đơn thường trực. Học cách kiểm soát cảm xúc hay yêu lấy chính bản thân mình vốn chẳng phải điều gì dễ dàng, nhưng tất cả chúng ta còn cả chặng đường dài để bước từng bước thật chắc chắn trên hành trình viết nên câu chuyện cuộc đời của riêng ta. 

 

(Cre: ShootingStarLogBook - Deviant Art)

 

Và quả thực có đôi khi nỗi cô đơn cũng không hề tồi tệ đến thế nếu chúng ta biết cách tận hưởng và kiểm soát nó. Bởi lẽ “sự cô đơn là con đường mà số phận thử dùng để dẫn dắt con người tới với chính mình” (Hermann Hesse). Cứ mãi mải mê chạy theo quá nhiều hoài bão và ước vọng đôi khi không phải là đối mặt, mà là chạy trốn nỗi cô đơn. Để rồi trong những quãng nghỉ giữa chừng, ta lại tự hỏi bản thân cố gắng tới thế vì điều gì khi tâm hồn lại quay về vòng luẩn quẩn đầy nặng nề và mệt mỏi. Vậy nên học tập cũng tốt, làm việc kiên trì cũng tốt nhưng tất cả những người trẻ đang liều mạng vì tương lai ấy đều cần những khoảnh khắc dừng chân lại đôi chút mà lắng nghe cái tĩnh lặng trong tâm hồn, lắng nghe tiếng nói mà nỗi cô đơn ẩn sâu đang gửi gắm. Chính những khoảng lặng giữa thanh âm xô bồ của cuộc sống ấy là lúc để chúng ta hiểu rõ về bản thân, về việc mình cần gì, muốn gì và nên làm gì để đạt được những điều hằng ao ước. Hãy biết lúc nào nên tạm dừng chân tại trạm nghỉ, khi nào nên dốc sức bứt tốc thật nhanh để lao về phía đích.

 

“Đi về phía tương lai của mình. Bãi biển xanh kia.

Đặt niềm tin vào tần số Hz của mình.”

(Whalien 52 - BTS)

 

Tựa như chú cá voi 52Hz vẫn kiên trì cất tiếng hát giữa đại dương bao la và rộng lớn, tất cả chúng ta - những người trẻ đang tập lớn - hãy luôn cất lên tiếng nói của bản thân mình dù cho giờ đây ta hãy còn cô đơn và không có lấy một ai thấu hiểu. Tất cả nỗi niềm lo lắng, đơn côi, tất cả những sai lầm và khuyết điểm đều làm nên bản thể của chính chúng ta, làm nên tần số khác biệt của mỗi người. Hãy tìm ra giọng nói của bản thân bằng cách can đảm cất lên tiếng nói. Và rồi sẽ chẳng hề có tần số Hz nào cô độc mà tất cả đều cùng hòa chung vào làn sóng âm muôn sắc độ của cuộc đời. 

 

Tác giả: Mia

 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan