6 loại cảm giác bản năng mà bạn nên tin tưởng

Bạn có biết “cảm giác bản năng (gut feeling)” là gì không? Bạn có từng tự mình trải nghiệm nó chưa?

 Trong khi có một sự thật là cảm giác bản năng thường gắn liền với những hành động bản năng mà ta với tư cách là một loài sinh vật đã xây dựng chúng để giúp giữ ta an toàn và cảnh báo ta khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn, chúng mang ý nghĩa nhiều hơn cả việc chỉ là một cảm giác bản năng gắn liền trong gen dùng để bảo vệ chính ta. Chúng còn được biết đến như là “trực giác (intuition)”, “linh cảm (hunches)”, và “điềm báo (premonition)”. theo Tâm lý học, “cảm giác bản năng” là hiện thân của khả năng ta có để cảm nhận thế giới thông qua sự vô thức của ta và mang đến cho ta những cảm giác, khát khao, và ý tưởng mà ta không thể giải thích thông qua những suy nghĩ và suy luận (Theo nghiên cứu của Sinclar và Ashkanasy vào năm 2005).

 

Nói đơn giản, những bản năng của ta là “giác quan thứ sáu” giúp ta hiểu rõ hơn thế giới bên ngoài và bên trong ta. Vấn đề là nhiều người trong chúng ta gặp khó khăn trong việc hiểu những cảm giác bản năng này, như là chúng có thể mang ý nghĩa gì, và khi nào thì chúng ta nên lắng nghe chúng. Vậy phải làm cách nào ta mới có thể biết được cảm giác nào thì xứng đáng để lưu tâm và cảm giác nào thì không? Chà, như đã nói, đây là 6 ví dụ về những cảm giác bản năng mà bạn nên luôn tin tưởng.



1. Khi người nào đó không phải dành cho bạn

 

Bạn có từng gặp người nào đó mà, về mặt lý thuyết, nên là một nửa hoàn hảo của bạn nhưng thực tế thì không không? Họ có thể thích tất cả những thứ bạn thích, có cùng những nguyên tắc và quan điểm giống bạn, hoặc đến từ cùng một gia cảnh giống bạn. Bất kể là vì lý do gì, bạn biết rằng họ rất tuyệt vời và bạn nên cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc với họ (dù là theo cách lãng mạn hay về mặt lý thuyết). Nhưng vì một vài lý do bạn không thể giải thích được, bạn chỉ có cảm giác là họ không dành cho bạn; cảm giác rằng bạn không thật sự hạnh phúc khi ở cùng họ; rằng cả hai bạn không hợp nhau. Và bất kể bạn cố gắng cưỡng ép hay phủ nhận nó bao nhiêu, sâu bên trong bạn biết rằng người này được định sẵn sẽ không ở cùng bạn đến cuối đời.

 

Một ánh mắt, một cái nắm tay, một cái ôm, và bạn sẽ hiểu rõ con tim mình | Nguồn ảnh: Unsplash.com

 

2. Khi người nào đó lừa dối bạn

 

Một cảm giác bản năng khác mà bạn nên bắt đầu nghe theo là cái bản năng cho bạn biết rằng người nào đó đang không hoàn toàn thành thật với bạn hoặc có thể đang che giấu những ý định tồi tệ nào đó. Họ có làm điều gì bất thường gần đây không? Có điều gì khác trong giọng nói của họ hay cách họ nói chuyện không? Liệu ngôn ngữ hình thể của họ trông có vẻ hồi hộp hay lo lắng với bạn không (ví dụ như tay hay cựa quậy, đi đứng cứng nhắc, không thể nhìn thẳng vào mắt bạn)? Khoảnh khắc bạn bắt được điều gì nguy hiểm, đừng vội bác bỏ nó. Trực giác của bạn có thể biết được điều gì đó, và thay vì cảm thấy hối hận sau này thì cẩn thận vẫn tốt hơn (Theo nghiên cứu của DePaulo và Morris vào năm 2004). 



3. Khi có thứ gì đó sai sai

 

Trong khi ta biết chắc rằng đôi khi bộ não của ta có thể bẫy ta nghĩ rằng ta đang gặp nguy hiểm nhưng thực tế thì không (như cảm thấy sợ hãi sân khấu trước một buổi thuyết trình lớn hoặc cảm thấy lo lắng về một bài kiểm tra quan trọng), nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào những điều đó cũng không đáng nghe theo. Sau tất cả, những bản năng của ta được sinh ra vì khát khao bẩm sinh muốn sinh tồn và bảo vệ bản thân của loài người, sự tiến hóa chỉ tăng độ sắc bén của những giác quan và khả năng này trong chúng ta theo thời gian (theo nghiên cứu của Radin và Schlitz vào năm 2005). Nên lần tới nếu bạn đột nhiên có cảm giác xấu rằng điều gì đó sai sai, hãy chú ý kỹ hơn đến mọi thứ xung quanh bạn. Liệu có một tai nạn nào đó đang trực chờ để được xảy ra không? Bạn có đang chuẩn bị làm điều gì mà bạn nghĩ bạn sẽ hối hận sau này không? Hãy nghĩ kỹ về nó, và bạn có thể cứu bản thân khỏi rất nhiều rắc rối.

 

4. Khi bạn cảm thấy bất an

 

Một trong những điều tuyệt vời nhất về trí óc của con người là khả năng nhận thức được ngay cả những thay đổi và sự bất thường nhỏ nhặt nhất trong hành vi và những thứ xung quanh ta (Theo nghiên cứu của Klein vào năm 2003). Và đôi khi chúng ta cảm nhận được những gợi ý này nhưng không thể có được cách giải thích hợp lý cho chúng, nên chúng ta thường có xu hướng xem chúng như là linh cảm hay cảm giác bản năng. Nhưng khi bạn cảm thấy bất an khi ở bên cạnh người nào đó hoặc trong một tình huống cụ thể nào đó, đừng xem thường cảm giác đó! Bởi vì xui xẻo thay, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ rất nhanh chóng và đôi khi chúng ta không nhận ra mối nguy hiểm ta đang phải đối mặt trước khi nó quá trễ.

 

5. Khi bạn cảm thấy không khỏe

 

Trực giác là một món quà vĩ đại cho phép chúng ta nhận thức được những dấu hiệu cảnh báo đầu tiên về những điều xấu xảy đến với chúng ta, nên hãy lắng nghe những gì tâm trí và cơ thể của bạn đang cố truyền đạt đến bạn. Bạn có cảm thấy đau đớn một cách bất ngờ và thường xuyên nhưng bạn không thể lý giải không? Hoặc là có sự thay đổi trong tâm trạng mà không vì lý do gì? Những triệu chứng thể chất (phổ biến nhất là đau đầu, đau ngực, nhịp tim thất thường, run tay, miệng khô khốc, cổ họng thắt chặt, và đột ngột cảm thấy buồn nôn/choáng váng) đôi khi có thể biểu thị rằng bản năng của bạn đang muốn nói cho bạn điều gì đó (Theo nghiên cứu của Kutschera và Ryan vào năm 2009)! Bạn có đang làm điều gì không tốt cho cơ thể (như ngủ không đủ giấc hay uống rượu bia quá nhiều) hoặc trí óc (như suy nghĩ quá nhiều hay ở trong một mối quan hệ độc hại) không? Bản năng của bạn sẽ nói cho bạn biết.



6. Khi bạn tìm thấy điều bạn muốn

 

Điều cuối cùng nhưng cũng có thể là quan trọng nhất, khi bạn cảm thấy như mình cuối cùng đã tìm được điều mình muốn hoặc điều mình cần làm, hãy tin tưởng trực giác của bạn để nó dẫn bạn đi trên con đường đúng đắn! Đây là cái mà người ta thường hay gọi là “khi thời điểm đó đến thì bạn sẽ biết thôi”. Bạn đã có một lựa chọn đúng đắn - dù cho đó là sự đồng ý cho một lời cầu hôn, việc thay đổi nghề nghiệp, quyết định nơi ở, hay việc chọn một trường đại học. Bởi vì đôi khi, những quyết định tốt nhất và quan trọng nhất được đưa ra chỉ trong một khoảnh khắc, khi một cảm giác rõ ràng khó hiểu bước qua ta và cho chúng ta thấy những điều chúng ta đã biết từ lâu, từ sâu trong tâm hồn. Mẹo ở đây đơn giản là học cách tận dụng trực giác của ta và lắng nghe nó. 

 

Hãy tin tưởng luồng sáng mà bạn nhìn thấy | Nguồn ảnh: Unsplash.com

 

Vậy, bạn có thấy mình gần giống với những điều mà chúng ta vừa nêu ra trên đây không? Bạn đã bao giờ trải qua những cảm giác đó trước đây nhưng bạn chỉ đơn giản bỏ qua nó và không xem nó là gì chưa? Đừng mắc phải sai lầm mà nhiều người đã từng mắc phải và xem thường trực giác của chính bạn. Bản năng và cảm giác bản năng của chúng ta có thể thường xuyên hiểu và nhận thức tốt hơn ý thức của ta, và sẽ thật lãng phí nếu không tận dụng được loại sức mạnh đó. 

 

------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Lạc Lạc

Nguồn bài viết: <https://psych2go.net/6-gut-feelings-you-should-trust/>

Tham khảo:

Sinclair, M., & Ashkanasy, N. M. (2005). Intuition: myth or a decision-making tool?. Management learning, 36(3), 353-370.

DePaulo, B. M., & Morris, W. L. (2004). Discerning lies from truths: Behavioural cues to deception and the indirect pathway of intuition. The detection of deception in forensic contexts, 15-40.

Radin, D. I., & Schlitz, M. J. (2005). Gut feelings, intuition, and emotions: An exploratory study. Journal of Alternative & Complementary Medicine, 11(1), 85-91.

Klein, G. A. (2003). Intuition at Work: Why Developing Your Gut Instincts Will Make You Better At What You Do. Journal of Clinical Investigation. 105 (11); 149-163.

Kutschera, I. & Ryan, M. H. (2009). Implications of Intuition for Strategic Thinking: Practical Recommendations for Gut Thinkers. Organizational Behavior and Human Decision Processes. 119 (2); 187-194.

------------------------

BẢN THẢO