6 nguyên nhân lý giải khả năng tương tác bằng mắt kém ở nhiều người

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn - nhưng không phải ai cũng có đủ can đảm để nhìn vào lăng kính ấy.

Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong thời đại hiện nay – thời đại mà dịch bệnh lấy đi nhiều thứ chúng ta từng coi là hiển nhiên. Một trong những thay đổi đáng kể nhất là ở mọi loại hình giao tiếp, nhắn tin, gọi điện thoại, gọi video, và thậm chí đeo khẩu trang khi gặp gỡ trực tiếp đều cản trở việc giao tiếp mà nhiều người trong chúng ta từng quen thuộc. Khi miệng chúng ta bị che đi, việc thể hiện suy nghĩ, quan điểm bằng mắt trở nên quan trọng hơn – hãy hỏi Deadpool và Spider-Man mà xem. Rất nhiều thứ có thể được truyền đạt thông qua giao tiếp bằng mắt. Tuy nhiên, thiếu đi ánh mắt cũng có thể dẫn đến những hiểu lầm trong giao tiếp.


Những người mắc chứng lo âu xã hội, tự kỷ, cũng như các đặc điểm và chứng bệnh khác vật lộn với việc giao tiếp bằng mắt vì họ cảm thấy nó gây choáng ngợp. Mặt khác, một số người chỉ đơn giản là có rất nhiều suy nghĩ trong tâm trí của họ. Thông thường, điều này là do hình thức rút lui nào đó bắt nguồn từ một cảm xúc đau khổ nhất thời, một đặc điểm của người đó, hoặc hoàn cảnh mà họ đang mắc kẹt. Có vô số lý do dẫn đến việc thiếu giao tiếp bằng mắt, những người không hiểu điều này có thể hiểu nhầm đó là sự thiếu tin tưởng, một dấu hiệu cho thấy một người đang che giấu điều gì, hay cho rằng họ không quan tâm hoặc không muốn hiện diện ở đó, v.v. Tốt nhất là chúng ta nên biết những lý do ngọn nguồn khiến ai đó có thể tránh hay gặp khó khăn với giao tiếp bằng mắt. Mặc dù có rất nhiều lý do khiến ai đó tránh giao tiếp bằng mắt không liên quan đến những khó khăn của chính họ, bài viết này chỉ tập trung vào những tình thế nội tại – cụ thể là những điều cần cân nhắc trước khi cho rằng ai đó không đáng tin cậy hoặc thô lỗ.


Photo by Elia Pellegrini on Unsplash


Có điều gì đó đang khiến họ băn khoăn


Một người có thể cho rằng người khác đang che giấu điều gì đó khi họ không giao tiếp bằng mắt một cách nhất quán, dẫn đến sai lệch trong giao tiếp. Thực tế thì điều này có thể đúng, nhưng những gì ai đó đang che giấu không phải lúc nào cũng mang tính phán xét hoặc tiêu cực. Người đang đối mặt với sự đau khổ thường sẽ tránh giao tiếp bằng mắt khi họ cố gắng giấu đi những gì đang khiến họ thất vọng. Trong một số trường hợp, họ có thể có lý do chính đáng – ví dụ, nếu ai đó gặp khó khăn trong cuộc sống gia đình thì khi đi làm họ có thể quyết định tập trung vào công việc để tránh ảnh hưởng đến sự nghiệp. Ở những tình huống khác, có thể là do họ không cảm thấy thoải mái khi thảo luận về vấn đề nào đó bởi họ không hiểu rõ về những người xung quanh hoặc họ không muốn làm tâm trạng chùng xuống. Trong những trường hợp ấy, bạn có thể cân nhắc việc lắng nghe hoặc làm chỗ dựa cho họ trong thời điểm họ yếu đuối nhất, hay ít nhất hãy hỏi xem họ đang cảm thấy thế nào. Tuy nhiên, bạn cũng nên hiểu khi nào thì ai đó cần không gian riêng.


Giao tiếp bằng mắt là một việc quá sức


Bản thân tôi đã trải nghiệm điều này trong hầu hết quãng thời gian tuổi trẻ của mình. Giao tiếp bằng mắt có tác động vô cùng mạnh mẽ và có thể khiến ai đó cảm thấy dễ bị tổn thương, bị phơi bày, bị đánh giá, và lo lắng. Theo tóm tắt của Trung tâm Thần kinh Chức năng, điều này đặc biệt đúng với những người mắc chứng tự kỷ, hoặc những người bị PTSD hoặc C-PTSD (tuy nhiên, chúng tôi không thể chẩn đoán cho bạn và bạn cũng không nên tự chẩn đoán, nếu bạn nghi ngờ mình mắc bất kỳ bệnh lý nào trong số này, hãy tìm đến một chuyên gia được cấp phép). Việc giao tiếp bằng mắt hằng ngày có thể gây choáng ngợp với những người có tâm lý như trên. Nhiều người chỉ cảm thấy thoải mái khi giao tiếp bằng mắt với những người thân quen. Nếu bạn đã nghe nói đến phép so sánh “pin cơ thể” về người hướng nội – rằng những người hướng nội cần thời gian để “sạc lại” sau các tương tác xã hội – thì bạn đã có nền tảng để hiểu điều này. Nếu ví người hướng nội là một chiếc điện thoại và tương tác xã hội thông thường là một loạt các tin nhắn, thì việc giao tiếp bằng mắt nhất quán giống như một cuộc gọi video có độ phân giải cao. Chắc chắn nó sẽ đem lại cảm giác hào hứng, nhưng nó cũng làm tiêu hao pin rất nhanh. Khi bạn đến một buổi tụ tập và mọi người đang đứng xung quanh tán gẫu, bạn sẽ nhận thấy một số người đã ở đó vài giờ có vẻ thu mình và mệt mỏi. Họ có thể là những người hướng nội đã cạn kiệt khả năng giao tiếp bằng mắt cho ngày hôm ấy. Những người khác có thể đã tránh giao tiếp bằng mắt trong suốt buổi gặp gỡ hoặc chỉ giao tiếp bằng mắt với những người mà họ biết rõ vì họ biết giới hạn của bản thân.


Họ có một giới hạn thân mật khác, hoặc gặp khó khăn khi gần gũi


Như tôi đã đề cập ở trên, giao tiếp bằng mắt có thể tạo ra cảm giác thân mật và dễ bị tổn thương. Mặc dù điều này thường gây khó khăn cho những người mắc chứng lo âu xã hội, nó cũng có thể ảnh hưởng đến những người có vấn đề liên quan đến sự thân mật. Thậm chí bạn khó có thể để nhận ra điểm khác biệt. Giao tiếp bằng mắt có thể lặng lẽ gây bất hòa khi không ai ngờ tới; mức độ giao tiếp bằng mắt phù hợp với một người sẽ có vẻ mãnh liệt và đáng sợ đối với người khác, tần suất giao tiếp ổn ở người này thì lại có vẻ như tránh né với người kia. Hãy nhớ rằng mọi người đều có giới hạn của riêng mình. Các vấn đề về sự gần gũi mang tính cá nhân sâu sắc, và vì giao tiếp bằng mắt là một hình thức tương tác mạnh mẽ, những người có vấn đề về thân mật có thể thấy nó quá sức chịu đựng.


Photo by Cody Black on Unsplash


Đôi khi giao tiếp bằng mắt có thể làm chứng lo âu xã hội trở nên trầm trọng hơn


Tôi đã đề cập đến mức độ choáng ngợp của giao tiếp bằng mắt đối với những người mắc chứng lo âu xã hội, nhưng cũng cần chỉ ra cách nó có thể chủ động làm cho chứng lo âu xã hội trở nên khó khăn hơn. Hãy xem xét nó từ góc độ dễ bị tổn thương; giả sử bạn đang lo lắng và ở một nơi mới với những người mà bạn không thật sự quen biết. Bạn lo lắng nhưng lại muốn tạo ấn tượng tốt, vì vậy bạn buộc bản thân phải cố gắng giao tiếp bằng mắt trong giây lát trước khi nhìn đi chỗ khác. Đối với một số người, điều này thực ra có thể khiến họ bớt sợ hãi, nhưng với những người có nhiều dạng lo âu lâm sàng thì nó có thể khiến họ cảm thấy bị phơi bày, choáng ngợp và căng thẳng hơn. Họ cật lực chống lại chứng lo âu xã hội và điều đó khiến họ kiệt sức. Nếu một người lặp lại việc này nhiều, họ sẽ cải thiện thói quen giao tiếp bằng mắt hoặc hiểu rõ các giới hạn của bản thân hơn và có sự hạn chế – chỉ tập trung giao tiếp bằng mắt vào thời điểm dễ dàng hoặc quan trọng nhất. Nếu bạn đang có những triệu chứng này, hãy kiểm tra với bác sĩ hoặc nhà trị liệu trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào.


Thật khó để nghĩ khi giao tiếp bằng mắt 


Như tôi đã minh họa ở trên, giao tiếp bằng mắt có thể thay đổi tùy theo tình huống. Hãy lấy một người sống nội tâm làm ví dụ. Tất cả những gì bạn biết về họ là họ rất hướng nội. Lý do họ không giao tiếp bằng mắt có thể là vì họ đang đắm chìm trong suy nghĩ hoặc họ không thoải mái với việc giao tiếp bằng mắt nhiều. Điều này mang tính chất hai chiều, những người thường tránh né cũng sẽ cảm thấy ổn hơn với việc nhìn thẳng vào mặt ai đó khi đối phương đang nhìn đi hướng khác. Đây có lẽ là vấn đề dễ giải quyết nhất trong môi trường xã hội vì tất cả chúng ta đều đã thấy nó trên phim ảnh; ví dụ như khi hai người đang nói chuyện, cuộc trò chuyện diễn ra theo chiều hướng nặng nề, và một người nhìn vô định vào khoảng cách ở giữa khi họ kể lại trải nghiệm quá khứ của mình. Nó thường rất kịch tính, nhưng trên thực tế, nó có thể hoàn toàn tầm thường. Bất cứ điều gì đòi hỏi sự suy nghĩ đều có thể khiến người nói chuyển hướng ánh mắt để giữ cho suy nghĩ của họ liền mạch. Thật không may, điều này có thể bị hiểu nhầm là ai đó đang cố nghĩ ra một lời nói dối. Trong những trường hợp như vậy, các vấn đề xoay quanh kỹ thuật phát hiện nói dối có thể được đưa ra tranh luận. Nhưng dù sao thì bạn cũng không nên cho rằng ai đó đang nói dối cho đến khi bạn có lý do chính đáng, dựa trên bằng chứng để nghĩ như vậy.


Họ có lòng tự tôn thấp


Một yếu tố quan trọng của việc giao tiếp bằng mắt là mức độ ai đó cảm thấy dễ bị tổn thương. Lý do mọi người có thể coi hành vi này là không đáng tin cậy về cơ bản cũng giống như lý do một người có lòng tự tôn thấp né tránh giao tiếp bằng mắt. Họ nhận ra rất nhiều khiếm khuyết, thậm chí có thể là hành vi sai trái, ở bản thân và sợ rằng bạn sẽ nhìn nhận họ theo sự “gian lận” hoặc “sai lầm” mà họ nghĩ là chính bản thân họ. Nếu bạn tin rằng nguyên nhân của hành vi né tránh ấy là do họ đánh giá thấp bản thân, bạn có thể giúp cho cuộc trò chuyện cũng như cả ngày của họ trở nên tốt hơn nếu bạn trấn an và công nhận họ đúng cách. Bạn sẽ dễ chú ý tới điều này hơn nhiều nếu bạn thực sự hiểu họ, nhưng nếu không thì thể hiện lòng trắc ẩn luôn là một cách tốt.

Bạn suy nghĩ như nào về giao tiếp bằng mắt? Bạn cảm thấy nó choáng ngợp hay là bạn cần nó để thật sự tham gia vào một cuộc trò chuyện? Nếu bạn thấy có điều gì còn thiếu sót, hãy cho chúng tôi biết trong phần bình luận nhé!


---

Dịch bởi: Stew

Biên tập: Phoebe Trịnh 

Ảnh bìa: Photo by Elia Pellegrini on Unsplash

Nguồn bài gốc: 6 Reasons You May Struggle with Eye Contact

Available at: Harper, C. (2021). 6 Reasons You May Struggle with Eye Contact. Psych2go.net. Retrieved from https://psych2go.net/6-reasons-you-may-struggle-with-eye-contact/.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan