7 Đặc Điểm Của Những Đứa Trẻ Hướng Nội

Là một đứa trẻ hướng nội, một phần, tôi sống tại khu ngoại ô nhỏ vùng Minnesota, và phần còn lại, tôi sống trong trí tưởng tượng của chính mình. Tôi cảm thấy hài lòng với việc dành cả buổi …

Là một đứa trẻ hướng nội, một phần, tôi sống tại khu ngoại ô nhỏ vùng Minnesota, và phần còn lại, tôi sống trong trí tưởng tượng của chính mình. Tôi cảm thấy hài lòng với việc dành cả buổi chiều để ở một mình, viết sách trên những tờ giấy bìa màu và thả bay tâm hồn mơ mộng. Đến tuổi niên thiếu, tôi chơi chung với một nhóm bạn mà tôi vô cùng quý mến, dù vậy, việc dành thời gian cho họ vẫn khiến tôi cảm thấy như bị rút cạn năng lượng. Họ có vẻ không cần thời gian để ở một mình như tôi. Tôi đã tự nói với bản thân rằng họ mới là những người bình thường, và tôi nên cố gắng giống họ hơn. 

Sau này, tôi đã khám phá được một khái niệm để có thể mô tả bản thân – đó chính là “hướng nội’. Theo định nghĩa, những người hướng nội dễ trở nên “cạn kiệt” khi phải hòa mình với mọi người; và vì vậy, họ cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi sau đó. Quan trọng hơn cả là: hoàn toàn không có gì sai trái khi là một người hướng nội. Nó không phải một căn bệnh hay rối loạn. Trên thực tế, có khoảng 30 – 50% dân số là người hướng nội, điều này cho thấy số lượng người “sống trầm lặng” ngoài kia là vô kể!

Đối với tôi, việc làm một người hướng nội là điều không bao giờ thay đổi. Đúng thế, chúng ta có thể trưởng thành và trở thành người lớn, có thể bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, phát triển những kỹ năng, hay có được quan điểm mới về cuộc sống, nhưng khí chất của chúng ta (hướng nội hay hướng ngoại) là bẩm sinh và không thể thay đổi được. Các chuyên gia đồng ý rằng khí chất là thứ sinh ra cùng với chúng ta, và nó gần như duy trì ổn định trong suốt cuộc đời mỗi người. Theo bác sĩ Marti Olsen Laney đã viết trong cuốn “The Hidden Gifts of the Introverted Child”, những đứa trẻ bắt đầu thể hiện các dấu hiệu của sự hướng nội hay hướng ngoại vào khoảng 4 tháng tuổi – và thông thường, trẻ sẽ duy trì bản chất đó đến khi trưởng thành. 

Nói cách khác, một khi đã là một người hướng nội, bạn sẽ mãi là người hướng nội. 

Vậy, những đứa trẻ hướng nội thường biểu hiện những đặc điểm gì? Hai người có tính hướng nội không thể giống nhau một cách hoàn toàn; tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, những đứa trẻ hướng nội thường có chung 7 đặc điểm này:

1. Thế giới nội tâm của trẻ vô cùng phong phú

 Nó luôn sống động và hiện diện nơi những đứa trẻ này. Trẻ tin tưởng vào nguồn lực bên trong của bản thân hơn là liên tục tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn của người khác. Laney cho rằng:“Trong khu vườn bí mật của trẻ, nơi tách biệt với thế giới hữu hình, trẻ tập trung giải quyết những suy nghĩ, cảm nhận phức tạp và khó hiểu”.

Những đứa trẻ hướng nội thích những trò chơi mang tính tưởng tượng, đồng thời, trẻ thích được chơi một mình hoặc chỉ chơi chung với một hoặc hai người bạn khác. Trẻ thường dành thời gian ở trong phòng, đóng cửa lại, một mình làm những việc như đọc sách, vẽ tranh, hay chơi máy tính.

Nhưng không may, việc sở hữu thế giới nội tâm phong phú có thể là một con dao hai lưỡi, bởi nó có thể khiến trẻ cảm thấy đơn độc và xa lánh người khác. Điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ thấy được nguồn sức mạnh to lớn mà khí chất của trẻ có thể mang đến.

2. Trẻ hứng thú với những khía cạnh sâu sắc hơn trong cuộc sống.

Những đứa trẻ hướng nội không lo sợ những câu hỏi. Trẻ muốn biết tại sao một điều gì đó lại xảy ra như vậy, hoặc muốn giải nghĩa điều đó ở mức độ sâu sắc hơn. Đáng kinh ngạc, ngay cả khi còn nhỏ, nhiều trẻ đã có thể “tách ra” khỏi bản thân để ngẫm nghĩ về chính hành vi của mình. Thông thường, những đứa trẻ hướng nội muốn được hiểu về chính bản thân chúng, cũng như mọi người và mọi thứ xung quanh. Trẻ có thể tự hỏi:”Tại sao người này lại cư xử như vậy?”

3. Trẻ quan sát trước, sau đó mới hành động. 

Nhìn chung, trẻ thường thích quan sát một trận đấu hay hoạt động nào đó trước khi tham gia vào nó. Đôi khi ở trẻ xuất hiện sự do dự hay đề phòng, lúc này, trẻ chưa vội hành động ngay và đi vào những tình huống mới một cách chậm rãi. Trẻ có thể tràn đầy năng lượng và hoạt ngôn hơn khi ở nhà, nơi khiến trẻ cảm thấy thoải mái hơn so với bên ngoài.

4. Trẻ đưa ra quyết định dựa trên những giá trị của chính bản thân chúng. 

Những suy nghĩ và cảm xúc bám theo trẻ một cách thầm lặng; chính vì thế, những quyết định mà trẻ đưa ra thường dựa trên những tiêu chuẩn của trẻ hơn là đi theo đám đông. Điều này có thể là một khía cạnh vô cùng tích cực trong bản tính của trẻ, vì nó cho thấy trẻ ít bị tổn thương trước những áp lực từ những người bạn đồng trang lứa. Trẻ không hành động chỉ để ăn khớp với người khác.

5. Cần thời gian để tính cách thật của trẻ có thể được bộc lộ ra bên ngoài.

Giống như những người hướng nội trưởng thành, những đứa trẻ hướng nội làm quen với những người mới vô cùng chậm. Trẻ có thể im lặng và dè dặt khi bạn gặp chúng lần đầu tiên; tuy nhiên, khi trẻ trở nên thoải mái hơn với bạn, đó là lúc trẻ được bộc lộ. Mục đích của trẻ trong cuộc đối thoại thường là để hiểu hơn về thế giới nội tâm của chính bản thân hay của người khác; trẻ coi trọng việc kết nối và thực sự muốn hiểu về một người nào đó ở mức độ sâu sắc hơn. 

Tương tự như người hướng nội trưởng thành, nhìn chung, những đứa trẻ hướng nội là những người giỏi lắng nghe, luôn chú ý và ghi nhớ những gì người khác nói. Trẻ có thể nói một cách dịu dàng, thỉnh thoảng tạm ngưng để lựa lời, và ngừng nói nếu bị ngắt lời. Trẻ có thể nhìn đi chỗ khác trong lúc nói để có thể sắp xếp lại những suy nghĩ của bản thân, nhưng lại luôn giao tiếp bằng mắt trong khi lắng nghe. 

6. Trẻ phải vật lộn trong môi trường làm việc nhóm.

Qua nhiều năm, những giá trị của xã hội đã thay đổi, tính hướng ngoại dần trở thành một điều lý tưởng. Chúng ta tán dương sự quyết đoán, sự công nhận trong nhóm, và những thành tích bên ngoài hơn là những ý nghĩ thầm lặng, sự cô độc, hay việc đưa ra quyết định một cách cẩn thận, chu đáo.     

Đáng buồn thay, những tiêu chuẩn của việc trở nên cởi mở và quyết đoán đã len lỏi trong khắp các trường học và tổ chức khiến đứa trẻ hướng nội gặp không ít những khó khăn. Ở độ tuổi nhỏ hơn, trẻ thường dành thời gian ở các nhóm nhà trẻ và mầm non. Khi chúng bắt đầu tham gia vào trường chính quy, chúng có thể dành 6-7 tiếng một ngày với hơn 30 trẻ khác, và được khuyến khích tham gia làm việc nhóm mọi lúc. Laney cho rằng, điều này gây khó khăn cho những người hướng nội, những người làm việc tốt hơn khi ở nhà trong những năm đầu đời và phải thích nghi với các hoạt động nhóm khi họ lớn lên.

7. Trẻ tương tác xã hội một cách khác biệt so với những đứa trẻ hướng ngoại. 

Chúng có thể chỉ có một hoặc hai người bạn thân và xem mọi người khác như là những người quen, người bạn bình thường bởi những đứa trẻ này thường tìm kiếm sự sâu sắc trong tình bạn hơn là số lượng. Trẻ hướng nội có thể sẽ không dành quá nhiều thời gian để tương tác xã hội như trẻ hướng ngoại, và sau một lúc giao lưu với người khác, trẻ có nhu cầu tìm đến nơi khác, nơi trẻ có thể ở một mình, để khôi phục lại năng lượng. Giống như người hướng nội trưởng thành, những đứa trẻ hướng nội có một mức năng lượng có hạn cho việc tương tác xã hội. Dành quá nhiều thời gian cho việc giao lưu, tiếp xúc với người khác có thể gây ra những tổn thương, suy sụp, kiệt sức, kèm theo đó là những trạng thái cảm xúc tiêu cực ở trẻ.

Phân biệt trẻ hướng nội và trẻ hướng ngoại

Vậy, làm cách nào để phân biệt được trẻ hướng nội với trẻ hướng ngoại? Theo sách của Laney, dưới đây là vài đặc điểm chung thường gặp ở những đứa trẻ hướng ngoại:

  • Nói chuyện nhanh, giọng điệu có chút hài hước, giọng nói lớn, đôi khi nóng nảy và hùng hổ
  • Chuyển đổi chủ đề liên tục
  • Có khả năng khiến người khác cảm thấy trẻ như một chuyên gia, mặc dù thực tế trẻ không phải
  • Đứng gần người khác khi đang nói chuyện với họ
  • Ngắt quãng cuộc trò chuyện
  • Nhìn đi chỗ khác khi đang lắng nghe
  • Có nhiều biểu hiện trên khuôn mặt, bàn tay hoặc cơ thể khi đang nói chuyện
  • Cảm thấy buồn chán và có biểu hiện không quan tâm nếu cuộc trò chuyện kéo dài quá lâu
  • Xem đa phần tất cả mọi người đều là bạn
  • Thích nghi với những tình huống mới một cách nhanh chóng
  • Cảm thấy được khôi phục năng lực sau khi tham gia những hoạt động sôi nổi – đặc biệt là các hoạt động xã hội
  • Kêu ca hoặc cảm giác như bị rút cạn năng lượng nếu trẻ ở một mình quá lâu

Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ hướng nội, điều tốt nhất mà bạn có thể làm chính là tôn trọng khí chất của trẻ. Giúp trẻ hiểu được tại sao trẻ lại cảm thấy mệt mỏi và cáu kỉnh sau mỗi lần giao lưu với người khác. Dạy trẻ hiểu rằng không có gì sai trái đối với nhu cầu được ở một mình của trẻ. 

Hơn hết, đừng bao giờ để trẻ nghĩ rằng việc trẻ làm một người hướng nội là điều sai trái. Khi chúng ta chấp nhận được trẻ là ai, chúng ta đã mang đến cho trẻ sự tự tin mà trẻ cần để có thể phát triển một cách toàn diện trong thế giới này. 

—————————
Dịch: Catthi
Biên tập: Mai
Minh họa: Mỹ Mỹ – Nguồn ảnh: Pinterest
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan