7 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Là Một Kẻ Nghiện Công Việc Chính Hiệu

Có một sự khác biệt lớn giữa một người làm việc chăm chỉ với một kẻ nghiện làm việc. Định nghĩa về “sự cuồng công việc” (workaholism) đã được nghiên cứu khoảng 45 năm về trước; tuy nhiên, hiện nay, …

Có một sự khác biệt lớn giữa một người làm việc chăm chỉ với một kẻ nghiện làm việc.

Định nghĩa về “sự cuồng công việc” (workaholism) đã được nghiên cứu khoảng 45 năm về trước; tuy nhiên, hiện nay, với trình độ phát triển khoa học – kỹ thuật ngày càng tiến bộ, thế giới kỹ thuật số đã góp phần bổ sung thêm một khía cạnh mới cho khái niệm này. Các thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay máy tính bảng, tất cả đều cho phép con người có cơ hội làm việc ở mọi nơi, mọi thời điểm. Và vì vậy, đối với một số người, họ có thể lao vào làm việc bất cứ khi nào họ muốn.Việc cho phép người ta có thể hoàn thành công việc tại nhà khiến ranh giới giữa công việc và sự nghỉ ngơi đôi khi bị lu mờ đi bởi nhiều người cảm thấy như họ bị buộc phải tiếp tục làm việc tăng ca khi về nhà. Những công việc đó thường có mong muốn rằng người ta sẽ luôn có sẵn thời gian bất cứ lúc nào để làm việc, kể cả buổi tối, cuối tuần hay thậm chí là những kỳ nghỉ.
Ngoài ra, suy nghĩ “Thời gian là tiền bạc” cũng khiến người ta phải cân nhắc kỹ lưỡng mỗi khi nghĩ đến việc dành buổi tối thư giãn bên gia đình, hay tận hưởng thời gian giải trí với bạn bè. Điều này thực sự trở thành một vấn đề nan giải ngày nay, khi sự nghiện công việc được đề cập đến như là “cơn nghiện của thế kỷ XXI”.


Vậy, làm cách nào để có thể nhận biết được chúng ta có đi quá giới hạn trở thành một kẻ nghiện công việc hay chưa? Đa số các nhà nghiên cứu đưa ra định nghĩa “người cuồng việc” là một người lao đầu vào làm việc một cách không kiểm soát và khó có thể tách rời họ khỏi công việc đó. Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, chưa có định nghĩa nào thống nhất để có thể phân biệt chính xác một người làm việc chăm chỉ với một con nghiện công việc.

Thang đo độ cuồng công việc

Những nhà nghiên cứu người Na Uy đến từ khoa Tâm lý Xã hội tại Đại học Bergen đã xác định được một vài dấu hiệu đặc trưng của người nghiện công việc. Họ tạo ra một thang đo để đo mức độ cuồng việc, xác định con nghiện công việc với bảy tiêu chuẩn sau đây:

1. Bạn luôn nghĩ cách để có thể có thêm nhiều thời gian cho công việc.

2. Thời gian làm việc của bạn kéo dài hơn so với dự định ban đầu.

3. Bạn làm việc với mong muốn giảm được cảm giác tội lỗi, lo lắng, vô dụng hay chán nản.

4. Bạn không quan tâm dù nhiều người đã khuyên rằng không nên quá tham công tiếc việc.

5. Trở nên căng thẳng khi ai đó cố tách bạn ra khỏi công việc.

6. Bạn ưu tiên công việc hơn mọi sở thích, hoạt động giải trí và thể dục thể thao của chính mình.

7. Bạn làm việc nhiều đến mức sức khỏe của bản thân bị ảnh hưởng tiêu cực.

Nếu hầu hết câu trả lời của bạn là “thường xuyên” hoặc “luôn luôn”, thì rất có thể bạn là một kẻ nghiện công việc. Một nghiên cứu đã kết luận rằng khoảng 8,3% lực lượng lao động người Na Uy là những người cuồng việc. Ngoài ra, một vài nghiên cứu khác cũng cho thấy số lượng người nghiện công việc chiếm khoảng 10% dân số ở các quốc gia khác.

Những người được xác định là người nghiện công việc thường quy tụ ba đặc điểm tính cách sau:

  • Dễ chịu, dễ chấp nhận: Những người nghiện công việc thường vị tha, khiêm tốn và có phần dễ dãi.
  • Có khuynh hướng dễ bị tác động thần kinh: Người nghiện công việc có xu hướng hay lo âu, thù địch và bốc đồng.
  • Có trí tuệ hoặc trí tưởng tượng: Người nghiện công việc thường có tính sáng tạo và thiên về hành động.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người lao động trẻ tuổi thường có khả năng trở thành những kẻ nghiện công việc hơn so với người lao động ở các độ tuổi khác; những người làm cha mẹ dễ có khả năng bị ảnh hưởng hơn so với người không có con. Ngoài ra, các yếu tố khác như giới tính, trình độ học vấn hay tình trạng hôn nhân dường như không có tác động đáng kể.

Tác hại của sự tham công tiếc việc

Mặc dù một số CEO và nhà quản lý có thể yên tâm khi họ thuê được một người sẵn sàng làm việc chăm chỉ cả ngày lẫn đêm; tuy nhiên, xét về lâu dài, điều đó có thể gây tổn hại tới các công ty và cả những cá nhân trong các công ty đó. Một nghiên cứu của Đại học Kansas vào năm 2013 cho thấy, những người làm việc hơn 50 giờ mỗi tuần có khả năng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề về mặt thể chất lẫn tinh thần hơn so với những người khác.

Ban đầu, sự không thể tách rời khỏi công việc có thể giúp gia tăng năng suất lao động của bạn. Tuy nhiên, theo thời gian, năng suất làm việc sẽ ngày càng suy giảm, đồng thời các mối quan hệ cũng theo đó mà tan vỡ; sự căng thẳng trong bạn bị dồn nén và cuối cùng dẫn đến việc gia tăng nguy cơ sức khỏe và thậm chí có thể gây tử vong sớm.Làm việc liên tục hàng giờ đồng hồ giúp tạo ra một động lực to lớn khiến người ta thêm hứng thú với công việc hơn, bởi càng làm được nhiều việc, họ càng có thể kiếm thêm nhiều tiền. Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian làm việc khiến nhiều người mất đi thời gian rảnh để có thể hưởng thụ số tiền mà họ tích lũy được trong quá trình làm việc tăng ca. Nếu không sớm nhận ra điều này và không cẩn thận, cuộc sống của họ có thể “chìm” trong công việc một cách nhanh chóng và không có một chút thời gian nào dành cho bản thân.

Vậy, có giải pháp nào cho những kẻ cuồng việc hay không?

Sự nghiện công việc không nên được xem là biểu tượng của danh vọng, thay vào đó chúng ta cần nhìn nhận nó như một vấn đề nghiêm trọng cần được giải quyết. Một trong những khó khăn chính trong việc điều trị chứng nghiện công việc là, trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, người ta chưa đề cập đến cơn nghiện công việc như những cơn nghiện khác như nghiện rượu, ma túy hay cờ bạc. Điều đó có nghĩa là bảo hiểm cho việc điều trị có thể không có sẵn.


Dù vậy, người ta vẫn sẵn sàng hỗ trợ cho bạn bất cứ khi nào bạn cần. Điều trị có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau, từ việc tham gia vào các nhóm tự lực như Hội những người cuồng việc ẩn danh (tạm dịch), đến việc khám bệnh tại một trung tâm điều trị nội trú. Thông thường, trong quá trình trị liệu, bạn sẽ được học cách để có thể tách mình ra khỏi công việc, khám phá những chiến lược giúp bạn kết nối trở lại với những người xung quanh và xác định các phương pháp làm việc hiệu quả hơn, giúp năng suất lao động tăng cao hơn.


Tóm lại, có lẽ cách tốt nhất vẫn là bạn phải tự cứu lấy chính mình, tự phát triển nhận thức của bản thân trước những dấu hiệu cho thấy bạn có khả năng trở thành một người nghiện công việc. Theo dõi thời gian làm việc và chú ý nếu cuộc sống công sở gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cá nhân của bạn. Ngoài ra, việc luyện tập tự tách mình ra khỏi công việc, cho bản thân một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời thiết lập các ranh giới lành mạnh để có thể cân bằng cuộc sống công sở sẽ ngăn bạn khỏi việc trở thành một kẻ nghiện công việc.

Dịch: Hoàng Anh

Biên tập: Catthi

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/us/blog/what-mentally-strong-people-dont-do/201504/7-signs-you-may-be-workaholic

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan