7 Lý Do Vì Sao Chúng Ta Ghét Chính Mình

Bạn có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống? Nếu bạn đang đọc bài viết này, khả năng cao là không. Cuộc sống không phải lúc nào cũng tử tế với mọi người. Đối với nhiều người trong chúng …

Bạn có hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống?

Nếu bạn đang đọc bài viết này, khả năng cao là không.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng tử tế với mọi người. Đối với nhiều người trong chúng ta, có một trận chiến liên tục diễn ra trong tâm trí để chống lại sự bất an và xấu xa bên trong của chúng ta. Một số ngày thật ảm đạm và thê lương đến nỗi chúng khiến chúng ta cảm thấy vô vọng, vô giá trị và trống rỗng. Nhưng ngay cả vào những ngày mà mọi thứ dường như đang có vẻ thuận buồm xuôi gió, chúng ta vẫn không tài nào ngừng cảm thấy lo lắng và không xứng với bất cứ điều gì tốt đẹp xảy đến với mình.

Tại sao một số người lại khó khăn trong việc cho phép bản thân được hạnh phúc, được cảm thấy như mình đủ tốt và xứng đáng để giấc mơ của họ trở thành sự thật? Đó vì những người này có xu hướng thường xuyên phải chật vật với sự căm ghét bản thân. Sự tự căm ghét được định nghĩa là hận thù đối với chính cá thể đó và biểu hiện qua sự tức giận, tự phá hoại và lòng tự trọng thấp (Brown & Bosson, 2001).

Nếu điều này nghe có vẻ giống như bạn và bạn muốn tìm hiểu thêm về lý do tại sao, thì đây là 7 lý do phổ biến nhất khiến bạn ghét chính mình:

1. Bạn có một tuổi thơ bất hạnh

Lớn lên trong một môi trường không lành mạnh và sống với một gia đình phức tạp có thể gây tác động cực kỳ tiêu cực lên sức khỏe tâm thần và lòng tự trọng của một người (Witchel, 1991). Những gia đình độc hại thường quá nghiêm khắc và kiểm soát, hoặc thờ ơ và không quan tâm đến con cái. Khi còn nhỏ, chúng ta không thể không nghĩ rằng tất cả những điều này đều là lỗi của chúng ta, và họ có quyền ngược đãi chúng ta như vậy. Ta ngưỡng mộ cha mẹ và những hình tượng nhân vật trưởng thành trong cuộc sống. Từ lúc nào không biết, ta lớn lên với sự ham muốn có được tình yêu, sự chú ý, sự tôn trọng và sự công nhận của họ, và khi càng bị từ chối, ta càng mong muốn điều đó hơn.

2. Bạn có một khoảng thời gian khổ sở ở trường

Thêm một lý do nữa lý giải cho hiện tượng tự căm thù bản thân ở một người là do họ bị đối xử tệ, không phải ở nhà, mà là ở trường. Bạn có từng bị ai đó bắt nạt? Những khủng hoảng xã hội kiểu này có thể là nguyên nhân cho cảm giác xấu hổ, nghi hoặc và ghét bản thân. Bạn sẽ bắt đầu tự hỏi, “Tại sao điều này lại xảy đến với mình? Sao không có ai thích mình? Mình có chỗ nào không ổn sao?”

3. Bạn chật vật với những đau thương trong quá khứ

Thay vì là những cột mốc thời gian nhất định (như đi học, tuổi thơ,…), có thể có một sự cố cụ thể trong quá khứ khiến bạn cảm thấy như vậy. Đó có thể là sự thiếu thốn tình cảm từ cha mẹ; một cuộc chia tay; cái chết của một người thân yêu; hoặc một mối quan hệ lạm dụng. Mọi người có xu hướng tự định nghĩa bản thân dựa theo những trải nghiệm của họ trong cuộc sống và khi điều gì đó khủng khiếp xảy ra, thì khó mà không cảm thấy như thể bạn xứng đáng phải chịu đựng điều đó. Do đó, vết thương của những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ của chúng ta có thể biểu hiện thành sự chối bỏ, thất bại hoặc tự hận thù.

4. Bạn cảm thấy cô đơn

Dù lý do này liên quan đến triết học nhiều hơn số còn lại, nó bắt nguồn từ Tâm lý học Hiện sinh. Một trong những người tiên phong của lĩnh vực này, Rollo Reese May, tin rằng tự hận thù là điều xảy ra khi chúng ta trở nên quá tự tôn và tập trung vào chính mình, khiến ta cảm thấy không còn sự liên hệ gì giữa mình, người khác và thế giới. Điều này dẫn đến sự cô đơn không giải thích được, sự trống rỗng và vô nghĩa. Khi chúng ta suy nghĩ quá nhiều về mọi thứ theo quan điểm riêng và không nhận ra vị trí thực sự của ta trong Vũ trụ, chúng ta sẽ lỡ mất những cơ hội với tiềm năng lớn, và vì những điều đó ta vô tình ghét chính mình.

5. Bạn không có sự ủng hộ từ xã hội

Sự ủng hộ từ xã hội đã được chứng minh là một yếu tố rất quan trọng bảo vệ bạn khỏi những tổn thương và trầm cảm (Kleiman & Liu, 2013), nên khi không có ai – những người mà bạn có thể trông cậy – ở bên cạnh bạn trong những lúc phiền muộn và cần một chỗ dựa cho cảm xúc, sự ủng hộ này sẽ khiến bạn thêm ghét chính bản thân. Từ gia đình cho đến bạn bè, đồng nghiệp, thiếu những mối quan hệ gần gũi, có ý nghĩa trong cuộc sống có thể khiến bạn khó cảm thấy mình được yêu thương, chăm sóc và công nhận – tất cả những cảm giác được người khác quan tâm đó là những cảm xúc dùng để chống lại cảm giác cô đơn, vô giá trị và tự tôn thấp.  

6. Bạn luôn so sánh bản thân với người khác

Luôn so sánh và ganh đua với người khác sẽ khiến bạn kiệt quệ về mặt cảm xúc. Nhu cầu “không lành mạnh” để cảm thấy vượt trội so với những người khác và đặt kỳ vọng cao một cách không thực tế vào bản thân chỉ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn khi chúng ta không thể đạt tới mức như người khác. Trên thực tế, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông nhiều thường dẫn đến các triệu chứng trầm cảm, cô đơn và lo âu (De Choudhury, Gamon, Counts, & Horvitz, 2013); đồng thời việc “giải độc” và rời xa khỏi chúng trong một thời gian ngắn đã được chứng minh là cải thiện mức độ hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn (White, 2013).

7. Bạn là người theo xu hướng tiêu cực

Lý do cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng khiến bạn thấy ghét bản bản thân mình có thể là vì bạn là người có xu hướng tiêu cực. Xu hướng của một người thường được định nghĩa qua quan điểm riêng của họ dựa trên những giá trị, nguyên tắc, trải nghiệm và các mối quan hệ của mình (Burns, 1979). Khi bạn lựa chọn nhìn nhận bản thân theo những điều tồi tệ trong cuộc sống (có thể là trải nghiệm đau thương, gia đình bất ổn hoặc bị ngược đãi ở trường), bạn đang nội tâm hoá tất cả những điều tiêu cực đó và thuyết phục bản thân rằng bạn là một người tồi tệ. Bằng cách tập trung vào những phần xấu xí trong cuộc sống, bạn đang bỏ qua tất cả những điều tốt đẹp về bạn và tất cả những điều tuyệt vời trong cuộc sống của mình. Bạn đang cho phép tất cả những điều kinh khủng đó có quyền điều khiển tất cả cảm xúc, tâm trí và cả hành động của bạn. 

Buồn thay, không có cách nào có thể nhanh chóng để chữa lành căn bệnh này, nhất là khi bạn đã chịu đựng nó trong khoảng thời gian dài. Cảm giác bất an, trống trải, và vô dụng sẽ không tự nhiên biến mất sau một đêm. Nhưng bạn hãy tin rằng đó không phải là số mệnh của bạn, bởi theo thời gian cùng với một chút cố gắng và nỗ lực, mọi thứ sẽ dần tốt hơn. Bước đầu tiên trong quá trình chữa lành là phải hiểu rõ nguyên nhân tại sao bạn ghét bản thân mình, và đối mặt với nó. Giải quyết vấn đề đó và quyết định nên xử lý mọi chuyện như thế nào. Sẽ không hề dễ dàng, nhưng chỉ khi đó bạn mới có thể thay đổi bước từng bước đến cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn. 

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

Nguồn: 7 Reasons Why We Hate Ourselves

Dịch: Argshie

Biên tập: #Zealous

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan