7 truyền thuyết về hạnh phúc mà chúng ta cần ngừng tin ngay bây giờ

Gần như tất cả chúng ta đều tin vào cái mà tôi gọi là truyền thuyết về hạnh phúc - tin rằng những thành tựu nhất định của người trưởng thành sẽ khiến chúng ta mãi mãi hạnh phúc và những thất bại hoặc nghịch cảnh sẽ mãi khiến chúng ta đau khổ.

Gần như tất cả chúng ta đều tin vào cái mà tôi gọi là truyền thuyết về hạnh phúc - tin rằng những thành tựu nhất định của người trưởng thành (hôn nhân, con cái, công việc, sự giàu có) sẽ khiến chúng ta mãi mãi hạnh phúc và những thất bại hoặc nghịch cảnh (vấn đề sức khỏe, ly hôn, vấn đề tài chính) sẽ mãi khiến chúng ta đau khổ.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã tiết lộ rằng, không có công thức kỳ diệu nào cho hạnh phúc và không có hướng đi chắc chắn nào sẽ dẫn đến đau khổ, những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sống và những điểm khủng hoảng có thể là cơ hội để đổi mới, trưởng thành hoặc là cơ hội để tạo ra những sự thay đổi có ý nghĩa. Đó là cách bạn chào đón những khoảnh khắc thực sự quan trọng trong cuộc đời bạn.

1.“Tôi sẽ hạnh phúc khi kết hôn với đúng người”

Một trong những truyền thuyết về hạnh phúc phổ biến nhất là quan niệm cho rằng chúng ta sẽ hạnh phúc khi tìm được người bạn đời lãng mạn và hoàn hảo - khi chúng ta nói “Em/Anh đồng ý” trong lễ cưới. Niềm tin sai lầm ở đây chính là, hôn nhân sẽ làm chúng ta hạnh phúc. Đối với phần lớn các cá nhân, có thể sự thực sẽ là như vậy. Vấn đề là hôn nhân - ngay cả khi bạn hài lòng với nó - sẽ không khiến chúng ta hạnh phúc mãnh liệt (hay lâu dài) như chúng ta vẫn tưởng.

Thật vậy, các nghiên cứu chỉ ra rằng, sự gia tăng hạnh phúc từ hôn nhân chỉ kéo dài trung bình trong hai năm. Thật không may, khi hai năm đó kết thúc và việc hoàn thành mục tiêu tìm người bạn đời lý tưởng sẽ chẳng còn khiến ta hạnh phúc như mong đợi nữa, chúng ta thường cảm thấy có điều gì đó không ổn đang xảy ra với mình và nghĩ rằng chỉ một mình ta là có cảm giác như vậy.

2.“Tôi không thể hạnh phúc khi mối quan hệ ấy bị phá vỡ”

Khi một mối quan hệ gần gũi tan vỡ, phản ứng của chúng ta thường thay đổi liên tục. Đặc biệt là khi ta ly hôn. Chúng ta cho rằng mình sẽ không bao giờ có thể hạnh phúc trở lại nữa, rằng đây chính là điểm kết thúc của cuộc sống mà chúng ta từng tưởng là hạnh phúc. Tuy nhiên, con người là một sinh vật kiên cường, và nghiên cứu cho thấy mức độ hạnh phúc thực sự rất thấp khoảng vài năm trước khi ly hôn. Ngay sau bốn năm tan vỡ của một cuộc hôn nhân rắc rối, con người thường hạnh phúc hơn rất nhiều so với những gì họ từng có trong thời kỳ còn chung sống cùng nhau.

3.“Tôi cần một người bên cạnh để hạnh phúc”

Nhiều người khẳng định rằng việc không có người bạn đồng hành bên cạnh sẽ khiến chúng ta mãi mãi khổ sở. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, những người độc thân thì hạnh phúc không kém những người đã kết hôn, và họ được cho là biết cách tận hưởng niềm hạnh phúc và ý nghĩa tuyệt vời trong các mối quan hệ và mục tiêu theo đuổi tốt hơn nhiều so với những người còn lại.

Vì thế nên thật không may, truyền thuyết này có thể mang lại rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực như không nhận ra sức mạnh của sự tự kiên cường hay những phần thưởng của cuộc sống độc lập một mình (chẳng hạn như nhiều thời gian hơn để dành cho bạn bè và tham gia vào các dự án cá nhân hoặc là những cuộc phiêu lưu). Và điều này có thể khiến ta phải giải quyết “hậu sự” cho một mối quan hệ lãng mạn nhưng cũng vô cùng “lãng xẹt”.

Ảnh: Nick Fewings | Unsplash

4.“Được làm công việc trong mơ của mình sẽ khiến tôi hạnh phúc”

Căn nguyên của truyền thuyết này là quan niệm sai lầm rằng, mặc dù hiện tại chúng ta không hề hạnh phúc, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ hạnh phúc khi chúng ta được làm công việc đáng mơ ước đó. Tuy nhiên, nhỡ như công việc tưởng như hoàn hảo đó lại chẳng khiến chúng ta hạnh phúc như mong đợi hay chỉ mang lại niềm hạnh phúc ngắn ngủi thì sao? Nguyên nhân có thể là do quá trình thích nghi theo chủ nghĩa khoái lạc rất khó để thay đổi - ví dụ như khả năng vượt trội của con người có thể phát triển các thói quen hay thích ứng với hầu hết các thay đổi trong cuộc sống. Nếu chúng ta tin rằng một loại công việc nào đó sẽ khiến chúng ta hạnh phúc thì thật không may, chúng ta có thể sẽ hiểu sai về sức mạnh của sự thích nghi theo chủ nghĩa khoái lạc, và hậu quả là bỏ qua những sự nghiệp hoàn toàn tốt với bản thân.

Do đó, bước đầu tiên quan trọng là cần phải hiểu rằng, con người chúng ta sẽ đều trở nên quen thuộc với những điều mới lạ, những hứng thú và thách thức của công việc mới hay công việc mạo hiểm. Nhận thức này sẽ gửi ý cho chúng ta một lời giải thích thay thế cho tình trạng bất ổn định nghề nghiệp. Nói một cách dí dỏm, là có thể không có gì sai với công việc, động lực hay đạo đức làm việc của chúng ta, mà thực tế có thể là chúng ta đang trải qua một quá trình hết sức tự nhiên, một quá trình hết-sức-con-người.

5.“Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi giàu có và thành công”

Nhiều người trong số chúng ta nhiệt thành tin rằng, nếu bây giờ chúng ta không hạnh phúc thì chúng ta sẽ hạnh phúc khi chúng ta đạt đến một mức độ giàu có và thành công nhất định. Tuy nhiên, khi nhận ra niềm hạnh phúc đó rất khó để đạt được hay chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn thì chúng ta sẽ phải vượt qua rất nhiều cung bậc cảm xúc lẫn lộn, thất vọng, và thậm chí là trầm cảm. Khi chúng ta đã đạt được - ít nhất là trên giấy tờ - phần lớn những mục tiêu của mình, cuộc sống có thể sẽ trở nên buồn tẻ và trống rỗng. Có rất ít những thứ xung quanh đáng để ta mong đợi.

Nhiều cá nhân giàu có và thành công không hiểu quá trình thích ứng tự nhiên này và có thể đi đến kết luận rằng họ cần nhiều tiền hơn nữa để thực sự hạnh phúc. Họ không nhận ra rằng chìa khóa để mua hạnh phúc không nằm ở việc chúng ta thành công như thế nào, mà có lẽ là ở việc chúng ta sẽ làm gì với thành công của mình; không phải là về thu nhập của chúng ta cao bao nhiêu mà là cách chúng ta phân bổ nó.

6.“Tôi sẽ không bao giờ chống lại được căn bệnh này”

Khi đối diện với nỗi sợ hãi về tình trạng sức khỏe của bản thân, chúng ta khó có thể tưởng tượng được viễn cảnh chính mình vượt qua được giai đoạn khóc lóc, tuyệt vọng và cuối cùng được trải nghiệm hạnh phúc một lần nữa. Tuy nhiên, phản ứng và dự đoán của chúng ta về trường hợp xấu nhất này lại bị chi phối bởi một trong những truyền thuyết về hạnh phúc. Có nhiều thứ chúng ta có thể làm khi đối mặt với chẩn đoán của bác sĩ mà có thể tăng được cơ hội và thời gian sống của chúng ta, để quãng thời gian chúng ta chiến đấu với bệnh tật sẽ không phải là khổ sở và vô ích nữa, mà chính là quãng thời gian phát triển và có ý nghĩa. Có hàng trăm nghiên cứu đã chứng minh cho điều đó.

Khoa học cho thấy, chúng ta có quyền quyết định trải nghiệm của hình là gì. Hãy để ý rằng, mỗi phút trong ngày bạn đều đang chọn chú ý hay không chú ý đến điều gì đó, bỏ qua hay không bỏ qua, kìm nén, rút lui, vân vân. Những gì bạn chọn sẽ được bạn tập trung vào để trở thành một phần cuộc sống của bạn, phần còn lại sẽ biến mất. Ví dụ, bạn có thể mắc một căn bệnh mãn tính và bạn dành phần lớn thời gian trong ngày để suy nghĩ về việc nó đã hủy hoại cuộc sống của mình như thế nào, hoặc bạn có thể dành cả ngày đó để tập trung vào thói quen tập thể dục của mình, hoặc làm quen với các cháu bé cùng bệnh viện hay kết nối với người khác về mặt tinh thần. Sự lựa chọn là ở bạn. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống của mình chỉ đơn giản bằng cách thay đổi thái độ của bản thân.

7.“Những năm tháng tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi đã kết thúc”

Cho dù chúng ta còn trẻ, trung niên hay đã già thì phần lớn chúng ta đều tin rằng hạnh phúc đang giảm dần theo tuổi tác và theo thập kỷ cho đến khi cuộc sống của chúng ta chỉ còn lại nỗi buồn và mất mát. Do đó, ta có thể ngạc nhiên khi biết điều mà nghiên cứu xác định một cách dứt khoát rằng, nhiều người trong số chúng ta không thể trốn tránh khỏi sự thật khi chúng ta kết luận rằng những năm tháng tốt đẹp nhất đã bị bỏ lại ở phía sau. Những người lớn tuổi thực ra lại hạnh phúc và hài lòng hơn so với hồi họ còn trẻ; họ trải qua nhiều cảm xúc tích cực hơn và trải nghiệm cảm xúc của họ ổn định hơn, ít nhạy cảm hơn với những thăng trầm của những tiêu cực và căng thẳng hằng ngày.

Mặc dù thời điểm diễn ra đỉnh của đồ thị hạnh phúc vẫn chưa được xác định rõ ràng, ba nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng đỉnh điểm đó lần lượt xảy ra ở độ tuổi 64, 65 và 79 - cho thấy rõ ràng là thanh niên và thiếu niên không phải là thời gian rực rỡ nhất cuộc đời.

Tại sao lại như vậy? Khi chúng ta bắt đầu nhận ra rằng cuộc đời ta là có hạn, chúng ta sẽ thay đổi quan điểm cơ bản của mình về cuộc sống. Khoảng thời gian ngắn hơn thúc đẩy chúng ta hướng tới hiện tại nhiều hơn, đầu tư thời gian và nỗ lực (tương đối hạn chế) của mình vào những điều thực sự quan trọng. Ví dụ, khi chúng ta già đi, các mối quan hệ có ý nghĩa nhất trở thành ưu tiên số một so với việc gặp gỡ những người mới hoặc chấp nhận những rủi ro khác; chúng ta đầu tư nhiều hơn vào những mối quan hệ này và loại bỏ những mối quan hệ vô ích. Theo một cách nào đó, chính là chúng ta trở nên khôn ngoan hơn về mặt cảm xúc khi chúng ta già đi.


Banner: Ruytaro Tsukata | Pexels

Người dịch: LISA

Theo dõi dịch giả tại: Góc của LISA

Tác giả: Sonja Lyubomirsky Ph.D.

Beta: Floria

Link bài gốc

BẢN THẢO
Bài viết liên quan