8 dấu hiệu bạn đích thị là người hướng nội

Bạn có đang hoang mang không biết mình bản thân mình có phải kiểu người "hướng nội" hay không? Hay bạn đã biết nhưng chưa thực sự rõ ràng về chính bản thân mình. Biết rõ bản thân là bước quan trọng nhất để bắt đầu hành trình tìm kiếm đam mê, và hơn thế nữa


Thế giới này luôn vận động theo guồng quay của nó. Và đôi khi, một lúc bất chợt nào đó trên hành trình sống vội, chúng ta dần quên mất bản thân mình là ai, và mình đến với thế giới với sứ mệnh gì. Người hướng nội cũng vậy, đôi khi ánh mắt họ bị che lấp bởi những hiểu lầm, những nhận định mà xã hội đặt lên vai họ. Để rồi họ nghi ngờ bản thân, nghi ngờ cả những cố gắng thầm lặng của mình. Vậy người hướng nội thực sự sẽ mang trong mình những đặc điểm tính cách như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu ngay nhé.





1. Bạn bị vắt kiệt sức lực khi ở cùng hay bị vây quanh bởi nhiều người


Bạn đã từng cảm thấy kiệt sức sau khi dành thời gian ở bên cạnh một nhóm nhiều người chưa? Bạn đã từng cảm thấy mình cần phải kiếm ngay một chỗ “trú ẩn” an toàn hay chỉ đơn giản là một góc riêng biệt sau khi trải nghiệm một hoạt động với nhiều người chưa? Chắc hẳn có bạn sẽ nghĩ, hoạt động nhiều thì tất nhiên sẽ mệt, sẽ oải, thậm chí là với người hướng ngoại đi chăng nữa. Điều đó hoàn toàn đúng. Thế nhưng, điểm khác biệt nằm ở TƯ DUY và CÁCH ĐÓN NHẬN CẢM XÚC của hai kiểu người này. Trong khi người hướng nội có lối tư duy “sâu” và cách đón nhận cảm xúc một cách chậm rãi, thì người hướng ngoại lại có cách đón nhận khác. Họ coi những cuộc vui giống như trải nghiệm vô cùng mới mẻ. Và dù họ có mệt đi chăng nữa, họ vẫn thấy thích thú với thế giới mới ấy. Đôi khi, cái sự “rã rời” ấy lại khiến cho họ khoái trí, vì dù sao họ cũng đã bộc lộ được hết chất riêng của mình ra bên ngoài, một trong những điểm tích cách rất khác của họ. 


Ở một khía cạnh khác, phần nhiều người hướng nội bị coi là ngại hay “sợ” giao tiếp xã hội, chỉ vì họ thường né tránh các cuộc gặp mặt xã giao, hay ít bộc lộ hết mình trong các cuộc vui. Tuy nhiên, người hướng nội khác với người tự cô lập mình lại với xã hội. Khái niệm xã hội lúc này phải mở rộng ra, và chúng ta phải xem xét có chiều sâu hơn. Đó không chỉ là các mối quan hệ ngoài đời, mà còn là các mối quan hệ vô cùng thân thiết như gia đình, bạn bè hay người yêu. Người hướng nội có thể hạn chế giao tiếp với “xã hội bên ngoài” nhưng lại cực kỳ thành công làm phong phú cái “xã hội thu nhỏ” của họ. Họ chú trọng thực sự vào chất lượng, chứ không hoàn toàn vào số lượng.





2. Bạn cực kỳ thích cái cảm giác “đắm mình” vào mớ suy nghĩ của chính mình, trong không gian riêng tư


Bạn đã bao giờ dành hằng giờ để ở một mình, nhâm nhi tách trà nóng hay chỉ đơn giản là “thoải mái” khi ở một mình? Như đã nói ở trên, người hướng nội rất dễ bị vắt kiệt sức lực khi tiếp xúc xã hội. Họ cần không gian riêng tư để tự phục hồi không chỉ thể lực, cảm xúc mà còn cả suy nghĩ. Hãy tưởng tượng như điện thoại của bạn sẽ sạc đầy pin nhanh hơn khi bạn tắt hết tất cả các thiết bị kết nối Internest, Wifi, và thậm chí để chế độ máy bay. Người hướng nội cũng vậy, họ cần thời gian và cả không gian thật riêng tư để nạp lại năng lượng vốn đã bị hút dần cạn trước đó. Và để “chắt lọc” những dòng suy nghĩ tích cực và tiêu cực sau khi họ tiếp xúc với những người đó. Mặt khác, người hướng nội đôi khi cũng “chết mê chết mệt” cái cảm giác ở một mình. Không phải vì họ bị xa lánh, không phải vì họ SỢ hay NGẠI giao tiếp xã hội. Mà chỉ đơn giản là, họ lựa chọn như vậy mà thôi. Từ khoá ở đây chính là “LỰA CHỌN”. 





3. Bạn luôn “hết mình” trong một mối quan hệ, cho dù đối phương có đối xử không tốt hay mờ nhạt


Một trong những hiểu lầm “chết người” là người hướng nội “sợ người” hay “không thích tiếp xúc với con người”. Ngược lại, họ lại có vẻ có điểm gì đó “hút” người khác. Bạn có lẽ sẽ tự hỏi, “Vậy người hướng ngoại hay các kiểu người khác thì không “hết mình” hay “hời hợt” trong các mối quan hệ sao?” Không hề, kể cả bạn là ai, một khi bạn đã đủ yêu thương đối phương, bạn sẽ dành chọn những điều tốt đẹp nhất cho họ. Điểm khác biệt ở đây nằm ở cái mức độ “hết mình” kia. Trong khi người hướng ngoại khi yêu có thể lý trí, cho dù cảm xúc đấy nhưng rồi đến cuối cùng vẫn có thể tỉnh táo để giải quyết khi gặp vấn đề. Họ mãnh liệt nhưng cũng rất khoan khoái tận hưởng mối quan hệ. Mặt khác, người hướng nội luôn có một tiếng nói “nội tâm” vô cùng sâu sắc, đến nỗi họ có thể quên mất bản thân chỉ để giữ lại mối quan hệ mà họ hết mực tin tưởng. Vì sao ư? Vì vốn dĩ người hướng nội đã hạn chế giao tiếp xã hội. Họ muốn mỗi mối quan hệ ngang qua cuộc đời họ phải thật sự chất lượng. Và điều đó có thể làm “đau” lại họ nếu như họ suy nghĩ quá nhiều hay dành hết những gì tốt đẹp nhất cho đối phương.



4. Mọi người thường gắn mác cho bạn là “trầm tính” và có thể cảm thấy khó khăn khi làm quen với bạn


Bạn có thường cảm thấy mình rất khó để “mở lời” hay chật vật mỗi khi muốn tiến lại làm quen ai đó, cho dù trái tim bạn mách bảo bạn nên làm khác đi? Bạn có cảm thấy mình phải thật chỉn chu trong từng lời nói đến mức ai đó có thể nghĩ bạn khó tính hay khó gần, kiệm lời? Thực tế, ở Việt Nam, nhiều đứa trẻ “rụt rè” thường hay bị người lớn gán mác là “mồm câm như hến” hay “lì lợm”. Thế nhưng, họ nào đâu biết được đứa trẻ ấy có một nội tâm sâu sắc đến thế nào. Chỉ cần bạn chịu mở lòng và trò chuyện, đứa trẻ ấy sẽ thực sự bộc lộ hết sự ấm áp bên trong mình. Khác hoàn toàn với những người vốn dĩ đã không thích nói chuyện, vốn dĩ đã muốn xa lánh xã hội, thì dù bạn có cố gắng đến mấy, người đó vẫn không “hé răng nửa lời”. 





5. Quá nhiều sự tác động hay kích thích sẽ khiến bạn bị mất tập trung và sao lãng


Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người hướng nội thường bị mất tập trung nhiều hơn là người hướng ngoại. Đó là lý do tại sao họ luôn cần tìm đến những không gian yên tĩnh và riêng tư hay thích ở một mình làm việc trong nhiều giờ liền. Ví dụ ngay ở một kỳ thi cuối kỳ, trong khi những người bạn khác của bạn miệt mài làm bài và không để ý đến mọi thứ xung quanh thì bạn lại vô thức nhìn vào một điểm không gian nào đó hay nghĩ vu vơ về bất cứ tình huống nào xảy ra khi bài thi kết thúc. Vì suy nghĩ nội tâm khá sâu sắc, người hướng nội liên tục phải đấu tranh giữa hai thái cực, một là môi trường xung quanh và hai là dòng suy nghĩ bên trong mình. Cũng bởi vậy, họ dường như bị bế tắc khi cả thế giới xung quanh lẫn thế giới nội tâm có quá nhiều “vật thể lạ”. Một mẹo nhỏ mà tôi rút ra được trong suốt hành trình khám phá con người hướng nội trong mình là, khi bạn bị căng thẳng và mất tập trung, hãy nghĩ về điều mà bạn tin tưởng nhất và tưởng tượng không gian lúc đó như một cái hộp. Và tất nhiên, bạn có thể thoả mái chơi đùa bên trong cái hộp ấy, thay vì choáng ngợp bởi một không gian mở hay quá nhiều người bao vây.





6. Bạn có một năng lực tự nhận thức mà không phải ai cũng có được


Như đã phân tích ở trên, người hướng nội có một thế giới “nội tâm” khá phong phú, nếu không muốn nói là hơi khác biệt trong một số trường hợp. Họ có thể không nhận ra bản thân mình muốn gì ngay thời điểm đó, nhưng cái khao khát luôn muốn tìm được bản thể nào đó ẩn sâu bên trong thôi thúc họ hành động, suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều hơn nữa. Không biết bạn có để ý không, những người hướng nội rất dễ nắm bắt cảm xúc hay suy nghĩ của người khác, cho dù họ có không nói ra đi chăng nữa. Vì sao ư? Vì tư duy tự nhận thức đã hằn sâu trong họ, nó như một sứ mệnh không chỉ là hiểu mình mà còn hiểu thế giới xung quanh. 





7. Bạn thích học hỏi mọi thứ xung quanh bằng việc quan sát 


Trong khi người hướng ngoại có xu hướng học hỏi mọi thứ bằng cách “bắt tay vào làm” ngay lập tức, thì người hướng nội lại có khuynh hướng học từ việc quan sát. Vậy nên nhiều người sẽ nghĩ họ nhút nhát, không dám thể hiện hay sợ “người”. 


Người hướng nội thường thích hay “say đắm” cái cảm giác được nhìn người khác thực hiện một nhiệm vụ hay kỹ năng nào đó lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến khi họ cảm thấy họ sẵn sàng vận dụng nó. Đó là lý do vì sao các video chủ đề Study with me hay những video self-help lại phổ biến và được ưa chuộng đến vậy, cho dù nó đã nhân bản ra hàng nghìn phiên bản khác nhau rồi. 





8. Bạn dường như được sinh ra để làm những công việc nghiêng về tính độc lập hơn là theo nhóm


Sau khi tìm hiểu qua hết 7 dấu hiệu trên, chắc chắn bạn sẽ không khó để hiểu vì sao những người hướng nội thích những công việc “lẻ bóng” đến như vậy. Công việc đó có thể nghiêng về nội tâm nhiều hơn như viết lách, vẽ tranh, chụp ảnh hay thiết kế đồ hoạ,...Hiểu một cách chính xác nhất, người hướng nội vẫn có thể làm việc rất tốt với những người khác, kể cả là người hướng ngoại. Thế nhưng, trước và sau khi làm điều đó, họ luôn cần có thời gian được gọi là “khoảng lặng”, khi họ có thể bộc phát hết tất cả tài nghệ, trí thông minh hay sự sáng tạo ẩn sâu bên trong bộ não bí ẩn của họ. 


Bạn thấy đấy, đôi khi chúng ta phải mất cả đời để hiểu mình. Thế nhưng cũng có thể mất cả đời để nghi ngờ bản thân mình. Thế giới luôn có cách nói riêng của nó, và nếu bạn muốn nói chuyện với thế giới một cách sâu sắc nhất, trước hết, bạn phải hiểu chính mình. Hãy tiếp tục theo đuổi và khám phá những điều bí ẩn khác trong con người hướng nội của bạn, rồi bạn sẽ thấy mình "xứng đáng" với những điều tốt đẹp như thế nào.


Ghé thăm và theo dõi Fanpage Dear Introvert nếu bạn muốn khám phá điều bí ẩn bên trong những người hướng nội nhé: https://www.facebook.com/gomlittlestories/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan