8 sự thật thú vị về những giấc mơ

Bạn có thường xuyên nằm mơ không? Bạn biết được bao nhiêu sự thật về những giấc mơ của mình?


Một ngày dài đã kết thúc. Có lẽ bạn cảm thấy mệt mỏi vì đã làm việc chăm chỉ ở trường hoặc ở chỗ làm, và bạn đang tìm một nơi để sạc pin cho chính mình. Bạn bắt đầu thư giãn, nằm gọn trên giường, và cảm thấy thật tuyệt. Bạn nhắm mắt lại và thả mình trôi theo vô số giai đoạn của giấc ngủ và có vẻ như bạn bắt đầu mơ.


Những giấc mơ là những hình ảnh, suy nghĩ và âm thanh tiến vào tâm trí của ta khi ta ngủ, và còn có rất nhiều thứ mà ta chưa biết đến về nó! Sau đây là một vài sự thật thú vị về giấc mơ mà bạn có thể không biết đến:


1. Lucid Dream không hề phổ biến


Một Lucid Dream (hay còn gọi là giấc mơ sáng suốt) là khi có “sự liên lạc từ trong giấc mơ ra ngoài thế giới thật, trong khi giấc mơ vẫn đang tiếp diễn” (theo LaBerge). Nói đơn giản, đó là khi một người ý thức được rằng họ đang mơ. Người đó thậm chí còn có thể điều khiển những gì xảy ra trong giấc mơ của họ nếu đó là lucid dream. Rất nhiều người đã từng nghe đến hiện tượng này nhưng không nhiều người trải nghiệm nó. Trong một nghiên cứu có tựa đề là “Kiến thức chung về Giấc mơ sáng suốt (General Knowledge About Lucid Dreaming)” được công bố năm 2018, các nhà khoa học của nhóm nghiên cứu Lucid Dream đã kết luận rằng chỉ có khoảng 20% số người trải nghiệm Lucid Dream.




Một Lucid Dream là một giấc mơ mà trong đó bạn có thể kiểm soát giấc mơ của chính mình | Nguồn ảnh: Unsplash.com


2. Việc nằm mơ rất quan trọng cho sức khỏe


c nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng chúng ta cần phải nằm mơ, vì nó “đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe của chúng ta” (theo Tạp chí Greater Good). Chúng ta biết rằng nếu ngủ càng ít, thì chúng ta càng dễ mắc bệnh tim, béo phì và mất trí nhớ. Nhưng hơn cả những tác hại từ việc thiếu ngủ, chúng ta còn phải chú ý đến tác hại từ việc thiếu những giấc mơ. Nếu chúng ta không ngủ đủ sâu để đến giai đoạn giấc ngủ REM (REM là chu kỳ mà các giấc mơ xuất hiện) và nằm mơ, thì việc bắt tay vào làm những gì chúng ta cần phải làm sẽ khó khăn hơn. Đó là do việc nằm mơ giúp chúng ta phục hồi lại não bộ, thật ra là đang giúp chữa lành não bộ bằng việc cho phép ta xử lý thông tin trong tiềm thức, vượt khỏi nỗi sợ từ thực tại, và sắp xếp lại ký ức.


3. Ghi chép lại giấc mơ cải thiện khả năng chúng ta ghi nhớ giấc mơ của mình


Chắc có lẽ đã có nhiều lần bạn thức dậy vào buổi sáng biết rằng mình đã có một giấc mơ nhưng không thể nào nhớ lại nó. Điều đó xảy ra thường xuyên với hầu hết chúng ta bởi vì dù cho giấc mơ đó có đáng nhớ như thế nào, thì chúng ta cũng không thể không quên mất nhiều chi tiết từ giấc mơ đó sau khi thức dậy. Khả năng nhớ lại những giấc mơ thật ra là một kỹ năng bạn có thể cải thiện được. Bạn có thể làm điều đó bằng việc ghi lại tất cả những gì bạn nhớ về những giấc mơ của bạn sau khi thức dậy mỗi ngày, nên hãy chắc rằng bạn đặt một cây bút và mảnh giấy bên cạnh giường vào mỗi buổi tối nhé!


4. Những giấc mơ trở nên phức tạp hơn khi giấc ngủ được kéo dài


Chúng ta ngủ càng lâu thì giấc mơ của chúng ta càng trở nên kỳ lạ. Hơn cả thế, khi chúng trở nên kỳ quặc hơn, chúng trở nên sinh động hơn và thậm chí trở nên giàu cảm xúc hơn. Điều này có thể quy cho việc chúng ta có giấc ngủ sâu hơn khi chúng ta ngủ lâu hơn, và điều đó cũng có nghĩa rằng chúng ta có thể xử lý thông tin, vượt qua nỗi sợ, và sắp xếp lại ký ức một cách mạnh mẽ hơn so với khi ta có một giấc ngủ ngắn.


5. Ngay cả động vật cũng mơ


Những giấc mơ là thứ mà chúng ta với tư cách con người đều trải qua (ngay cả khi có người nói họ không nằm mơ, trong thực tế, họ chỉ quên mất giấc mơ của mình ngay trước khi họ thức giấc). Không chỉ có con người chúng ta mới mơ đâu. Bạn đã bao giờ nhìn thấy chú cún cưng của bạn co giật hay phát ra tiếng động khi nó ngủ chưa? Đó là do chúng cũng đang mơ như chúng ta vậy. Điều này là đúng đối với đa số động vật có vú, và ngay cả một số loài bò sát. Thực tế là trong một nghiên cứu của MIT (Massachusetts Institute of Technology - một viện nghiên cứu về công nghệ ở Massachusetts), các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm khái niệm này lên chuột. Khi họ quan sát chu kỳ ngủ của loài chuột, họ cũng đồng thời ghi lại hoạt động não của chúng, cuối cùng họ phát hiện rằng những hoạt động não đó tương ứng với hoạt động não khi những con chuột đang chạy. Điều này cho thấy chuột thật sự có thể mơ (theo MIT News).


6. Những tổn thương ở não có thể ngăn chặn việc nằm mơ


Đây là ngoại lệ của luật “tất cả mọi người đều mơ”. Những người phải chịu đựng những chấn thương ở não sẽ phát hiện rằng họ không thể mơ được nữa. Đây có thể là kết quả của những tổn thương đến phần não liên quan đến cảm xúc, ký ức, và trí tưởng tượng (theo Tạp chí Psychology Today).


7. Chúng ta có nhiều giấc mơ trong cùng một buổi tối


Chúng ta thường có 4 đến 6 giấc mơ mỗi buổi tối với thời gian từ 1 đến 20 phút cho mỗi giấc mơ. Điều này xảy ra do giấc ngủ được tiến hành theo những chu kỳ; chúng ta phải đi đến giai đoạn giấc ngủ REM để nằm mơ, giai đoạn này diễn ra với số lần gần như bằng nhau mỗi buổi tối. Nên nếu ta xem xét nó về mặt thời gian, trong một giai đoạn ngủ 8 tiếng, một người sẽ có thể có 2 tiếng nằm mơ (Theo Sleep.org).


8. Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu sâu hơn về những giấc mơ


Giấc mơ là một khía cạnh cực kỳ thú vị của tâm lý học. Một trong những nhà tâm lý học đầu tiên - Freud - đã nghiên cứu một cách phi thường ý nghĩa của những giấc mơ và cách chúng liên quan đến tâm trí vô thức của ta, mặc dù con người đã hứng thú với những giấc mơ từ rất nhiều năm về trước. Nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta vẫn đang tìm hiểu hết mức có thể về chúng. Sự hiểu biết của chúng ta về những giấc mơ vẫn đang được mở rộng. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu về bản chất thật sự của những giấc mơ, mối quan hệ giữa sinh lý thần kinh và phân tâm học ở giấc mơ, những sóng não xuất hiện khi ta mơ, v.v.



------------------------


Dịch bởi: Mahoney Queen


Biên tập: Lạc Lạc


Nguồn bài viết: <https://psych2go.net/10-interesting-facts-about-dreams/


Tham khảo:

LaBerge, Stephen. Lucid Dreaming. Ballantine Books, 1986.

\Neuhäusler, Annabelle, et al. “General Knowledge about Lucid Dreaming and Lu-Cid Dream Induction Techniques: An Online Study.” International Journal of Dream Research, 2018.

“Observing the Damaged Brain for Clues about Dreaming.” Psychology Today, Sussex Publishers, https://www.psychologytoday.com/us/blog/sleep-newzzz/201506/observing-the-damaged-brain-clues-about-dreaming.

Office, News. “Animals Have Complex Dreams, MIT Researcher Proves.” MIT News, 24 Jan. 2001, http://news.mit.edu/2001/dreaming.

SHFAustralia. “Facts About Dreaming.” The Sleep Health Foundation, https://www.sleephealthfoundation.org.au/facts-about-dreaming.html.

Stibich, Mark. “Why Do People Dream During the REM Stage of Sleep?” Verywell Mind, Verywell Mind, 14 Oct. 2019, https://www.verywellmind.com/understanding-dreams-2224258.

“Understanding Sleep Cycles.” Sleep.org, https://www.sleep.org/articles/what-happens-during-sleep/.

Walker, Matthew, et al. “Why Your Brain Needs to Dream.” Greater Good, https://greatergood.berkeley.edu/article/item/why_your_brain_needs_to_dream.

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan