9 Dấu Hiệu Bạn Đang Tự Lừa Dối Chính Mình Mà Không Hề Nhận Ra

“Lời nói dối giống như một pháo đài nhỏ; ở bên trong chúng, bạn có thể cảm thấy an toàn và mạnh mẽ. Thông qua nó, bạn cố gắng điều khiển cuộc sống của mình và thao túng người khác. …

“Lời nói dối giống như một pháo đài nhỏ; ở bên trong chúng, bạn có thể cảm thấy an toàn và mạnh mẽ. Thông qua nó, bạn cố gắng điều khiển cuộc sống của mình và thao túng người khác. Nhưng pháo đài thì cần những bức tường, vì vậy bạn lại dựng lên một vài bức tường thành nữa. Đó là những biện minh cho những lời nói dối của bạn. Bạn biết đấy, giống như việc bạn đang làm điều này để bảo vệ những người yêu quý, để họ không cảm thấy đau đớn. Cho dù là bất cứ việc gì, chỉ cần như vậy và bạn cảm đã thấy ổn về những lời nói dối. – William Paul Young

Không trung thực là một tính cách mà hầu hết chúng ta không ngần ngại điểm mặt chỉ tên nó ở người khác.

Chúng ta thường cảm thấy tức giận, ghê tởm và không tin tưởng vào những người đã lừa dối mình. Trên thực tế, sự lừa dối là một phẩm chất xấu xa đến nỗi chúng ta dành phần lớn thời gian để đọc về các chính trị gia mờ ám và dõi theo các chương trình xoay quanh các nhân vật chuyên lừa đảo và nói dối. Một cách kín đáo, việc “chỉ tay” vào người khác khiến chúng ta cảm thấy bản thân mình tốt đẹp vì nó mang lại cảm giác đúng đắn về mặt đạo đức.

Nhưng đây mới là sự thật:

Vào cuối ngày, hầu hết chúng ta đều không nhận ra rằng mình cũng là một kẻ nói dối – với chính bản thân – một cách đều đặn.

Đáng buồn thay, hầu hết mọi người đều không sẵn sàng khám phá những xu hướng ẩn giấu bên trong họ để đối mặt với sự thật. Dối trá là một phẩm chất đáng khinh đến mức chúng ta thà chối bỏ nó hơn là đối mặt với nó một cách trung thực. Không may là, chúng ta càng không thích các biểu hiện đen tối của mình, thì lại càng chôn sâu chúng trong Mặt Tối của bản thân, và ngày càng trở nên ảo tưởng. Và một khi càng ảo tưởng, chúng ta càng ít rõ ràng về tinh thần và cảm xúc của bản thân, dẫn đến cả đống vấn đề, và một vài trong số chúng có khả năng hủy hoại cuộc sống.

4 lý do tại sao chúng ta nói dối chính mình

Nếu dối trá là một phẩm chất đáng khinh đến vậy, tại sao chúng ta lại nói dối chính mình? Dưới đây là một vài lý do tại sao:

·         Nó thoải mái – bạn không phải đối mặt với sự thật phũ phàng

·         Nó tiện lợi – bạn có thể tiếp tục làm điều tương tự mà không phải thay đổi bất cứ điều gì

·         Nó làm cho bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân (giữ lại sự tự tôn)

·         Nó giúp bạn tránh việc chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình


Có thể lấy một ví dụ, một người đàn ông lừa dối vợ có thể biện minh cho hành động của mình bằng cách nói rằng: “Giá như cô ấy dành cho tôi nhiều tình yêu và sự trân trọng hơn, tôi sẽ không lạc lối như thế”. Tất nhiên, sự biện minh này là một hình thức tự lừa dối, bởi vì nó ngăn cản người đàn ông đối mặt hoàn toàn với những gì anh ta đã làm. Hơn nữa, nói dối chính mình giúp anh ta giữ được niềm tin rằng anh ấy là một người tốt bụng và trung thành.

Một vài ví dụ về tự lừa dối

Các ví dụ sau đây có thể giúp bạn hiểu sâu hơn về sự tự lừa dối bản thân. Hãy xem liệu bạn có liên quan đến bất kỳ ví dụ nào sau đây:

Ví dụ 1: Một phụ nữ có được công việc luật sư được trả lương cao tại một hãng luật nổi tiếng. Sau nhiều tháng làm việc, cô bắt đầu có các đợt bệnh kéo dài kèm theo các cơn hoảng loạn. Tự nhủ với bản thân rằng mình chỉ trải qua một đợt sức khỏe kém mà thôi, cô ấy tiếp tục làm việc căng thẳng cho đến khi bị suy nhược thần kinh.

Ví dụ 2: Một người đàn ông có mối quan hệ với một người phụ nữ mà anh ta tin rằng đó là người bạn tâm giao của mình. Người đàn ông tiếp tục cho rằng người phụ nữ yêu anh ta, ngay cả khi cô ta đã nhiều lần nói rằng cô ta muốn chia tay.

Ví dụ 3: Một sinh viên đang chuẩn bị cho một kỳ thi tại trường đại học. Anh ta thấy mình thường xuyên trì hoãn và luôn tự nói với chính mình là anh ta “không có tâm trạng học tập”. Sau đó, anh ta làm bài kiểm tra và thất bại. Trên thực tế, anh ấy đang trì hoãn vì sợ phải đối mặt với áp lực về điểm số.

Ví dụ 4: Một phụ nữ đã đến tham gia tại một nhà thờ địa phương. Cô ấy thích nghe những bài giảng về tình yêu, sự tha thứ và lòng trắc ẩn. Nhưng sau các nghi lễ, cô nhận thấy rằng những người đi nhà thờ đều là những người phán xét, phân biệt chủng tộc và có tư duy hẹp hòi. Cô ấy phớt lờ thái độ của những người này, tự thuyết phục bản thân rằng cô ấy đang đi theo “con đường đạo đức đúng đắn”.

Ví dụ 5: Một người đàn ông quyết định trở thành một thầy tu. Ông tin rằng sự lựa chọn của mình xuất phát từ mong muốn được sống một cuộc sống tôn giáo. Trên thực tế, sự lựa chọn của ông xuất phát từ mong muốn thoát khỏi những vấn đề của chính ông ấy.

Ví dụ 6: Một cặp đôi thích đi du lịch. Nhưng cảm giác yêu thích thực sự không phải dành cho việc khám phá những quốc gia khác nhau, mà họ đang muốn thoát ra khỏi cảm giác trống rỗng bên trong của chính mình.

Ví dụ 7: Một doanh nhân liên tiếp được trao những cơ hội tuyệt vời để mở rộng việc kinh doanh, nhưng cô ấy từ chối tất cả. Cô ấy liên tục nói, “tôi không có thời gian”, và “tôi có quá nhiều công việc để làm”. Sự thật là cô ấy sợ việc phát triển bởi vì cô ấy thiếu tự tin.

9 dấu hiệu cho thấy bạn đang lừa dối chính mình

Bạn có đang tự lừa dối chính mình? Trả lời câu hỏi này có thể khó khăn vì việc lừa dối bản thân của chúng ta thường rất vô thức.

Nhưng nếu bạn đang nghi ngờ điều đó, thì xin chúc mừng! Phải cần đến rất nhiều sự can đảm và tự ý thức để chấp nhận rằng có điều đó xảy ra. Thật đáng sợ khi biết được sự thật là bạn có thể đang tự lừa dối chính mình, nhưng sự trung thực này sẽ đưa bạn đi xa hơn trên con đường tâm linh của bạn.

Dưới đây là một vài dấu hiệu bạn nên chú ý:


1. Bạn cảm thấy như đang chạy trốn khỏi thứ gì đó

Thật khó để thừa nhận… nhưng bạn sẽ cảm thấy như đang cố gắng trốn chạy khỏi điều gì đó; có thể là một suy nghĩ, một nhận thức, một sự thật phũ phàng nào đó? Có gì đó đang lẩn khuất trong bóng tối, và bạn không thích điều này. Bạn cảm thấy cần phải trốn thoát, nhưng bạn không biết tại sao.

2. Bạn liên tục biện minh cho hành vi của người khác

Để trốn tránh sự thật, bạn thấy mình đang bào chữa cho người những khác và hành vi xấu của họ. Ví dụ, bạn có thể nói với bản thân mình rằng người chồng đang lạm dụng tình cảm của bạn chỉ là đang “xả bớt căng thẳng trong công việc”, hoặc người bạn đâm sau lưng bạn “chỉ đang mắc một sai lầm ngớ ngẩn”. Biện minh cho cách cư xử của người khác dễ dàng hơn nhiều so với việc đối mặt với sự thật và đưa ra các quyết định khó khăn.

3. Bạn liên tục biện minh cho hành vi của chính mình

“Tôi không làm tổn thương anh ấy, tôi chỉ dạy cho anh ấy một bài học”, “Tôi không ghét công việc của mình, tôi chỉ cảm thấy hơi căng thẳng”, “Tôi không thể rời đi, tôi không có lựa chọn nào khác”, “Tôi không sợ thoát ra khỏi vùng thoải mái của mình, tôi chỉ quá bận rộn với những việc mình xác định sẽ làm”. Tự biện minh chính là sự lừa dối: một mặt nó khiến chúng ta tin rằng chúng ta có một “lý do chính đáng”, nhưng ở mặt khác, các lý do đó hết sức nhảm nhí. Chúng ta không ý thức được việc mình chỉ đang tạo ra những cái cớ, nhưng, một cách có ý thức, chúng ta lại lãng quên chúng.

4. Bạn có thái độ cứng nhắc

Bạn không thể chấp nhận bị đổ lỗi hoặc chịu trách nhiệm cho bất cứ điều gì đã xảy ra, thay vào đó, luôn đổ lỗi cho người khác. Biểu hiện của việc luôn nghĩ bản thân là người đúng và những người khác luôn luôn sai, thực chất để che giấu một nỗi sợ hãi vô cùng lớn. Bên dưới lối suy nghĩ hẹp hòi đó, bạn che giấu nỗi sợ hãi phải trả lời sự thật, vì vậy trong nỗ lực trốn tránh thực tại, bạn hình thành những rào cản tinh thần cứng nhắc và “chỉ tay” vào người khác.

5. Bạn cảm thấy giả tạo

Bạn dường như không thể rũ bỏ được cảm giác rằng bạn là một kẻ “giả mạo” hay “giả tạo”. Bên trong con người bạn, có một cảm giác rằng bạn đang mất kết nối với chính bản thân mình. Bạn đi đến những nơi không muốn đi. Bạn làm thân với những người bạn không thích. Bạn mua những thứ không đủ khả năng chi trả. Bạn cười khi trò đùa thậm chí còn không vui. Bạn không biết những gì làm cho bạn hạnh phúc hoặc những ai mà bạn thực sự muốn trở thành trong cuộc sống này nữa.

6. Bạn thích nhìn đời qua lăng kính màu hồng

Bạn thích sống trong một thế giới đầy mơ mộng hơn là trong thực tế. Chẳng hạn, trong các mối quan hệ, bạn phóng chiếu những tưởng tượng của mình lên đối tác của mình, tin rằng mọi thứ đều ổn, ngay cả khi nó không ổn. Phần phẩm chất duy tâm trong bạn tin rằng bạn có thể khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp, nhưng chủ nghĩa lý tưởng của bạn là một hình thức thoát ly che khuất đi sự thật. Để tự xoa dịu mình trước những thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, bạn lựa chọn nhìn thế giới theo cách ngây ngô.

7. Bạn không thích nghe lời khuyên của người khác

Khi một người bạn, đồng nghiệp hoặc thành viên gia đình cho bạn một góc nhìn mới mẻ về vấn đề của bạn, ngay lập tức bạn khép kín lại. Những cảm giác như giận dữ, buồn bã và cáu kỉnh được bị kích động bên trong bạn, và thường khiến bạn đả kích vào những con người tội nghiệp “dám” giúp đỡ bạn. Tại sao điều này lại xảy ra? Khi bạn đang tự dối lòng mình, bạn sẽ có xu hướng thiên vị những người trấn an bạn – chứ không phải thách thức bạn. Bất cứ ai thách thức bạn, ngay cả với ý định tốt nhất, đều có nguy cơ phơi bày lời nói dối được tạo dựng một cách công phu của bạn.


8. Bạn mang theo nỗi lo lắng tận trong sâu thẳm

Bất kể bạn làm gì, bạn luôn cảm thấy sự khó chịu lẩn quẩn đâu đó và bất an theo bạn ở khắp mọi nơi. Cảm giác khó chịu này khiến bạn liên tục tự vấn bản thân mình và tự hỏi liệu bạn đã thực sự làm đúng hay đưa ra quyết định tốt nhất hay chưa. Đôi khi sự lo lắng từ sâu thẳm này có thể biểu hiện như một cảm giác tội lỗi mà bạn không muốn đối mặt và cố gắng chôn vùi.

9. Trái tim của bạn mâu thuẫn với tâm trí

Bạn liên tục cố gắng thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đều ổn và bạn kiểm soát được tình hình, trong khi về mặt cảm xúc, bạn hoàn toàn sụp đổ. Bạn có thể thấy mình bùng nổ trong sự tức giận với người khác hoặc cố gắng che giấu những giọt nước mắt của mình, và bạn có thể tự hỏi những cảm xúc như vậy đến từ đâu. Nếu bạn cực kỳ mất kết nối với trái tim, bạn có thể thấy cảm xúc của mình được biểu lộ bằng cơ thể để thay thế vào đó. Tâm trí của bạn có thể tin rằng mọi thứ đều đang hoàn hảo, trong khi cơ thể bạn đang gặp căng thẳng, huyết áp cao, nhiễm trùng và chịu đựng các sự đau đớn khác.

Làm thế nào để ngừng nói dối với chính mình

Tất cả chúng ta đều lừa dối chính mình: không loại trừ một ai. Trong thực tế, tự lừa dối là một phần của con người, và theo một nghĩa nào đó, là cần thiết cho sự phát triển nội tại của chúng ta.

 Nếu bạn cảm thấy xấu hổ và không thoải mái về chủ đề này thì bạn không hề đơn độc. Tôi đã nhiều lần rơi vào lưới của việc tự lừa dối bản thân và đó không hề là một trải nghiệm thú vị.

Tuy nhiên, để bất kỳ biến chuyển nội tâm thực sự nào đang diễn ra, tất cả chúng ta cũng đều phải thành thật nhìn lại chính mình. Nói dối chỉ phục vụ cho việc cô lập chúng ta khỏi sự thật của chúng ta là ai.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đang vật lộn với sự ảo tưởng, dưới đây là một số lời khuyên hữu ích dành cho bạn:

  1. Viết nhật ký và ghi chép thật kỹ cảm xúc thật của bạn. Nhật ký là một không gian an toàn cho phép bạn giải phóng tất cả những suy nghĩ và cảm xúc bị đè nén của mình. Đừng giữ lại bất cứ điều gì: hãy thật tự nhiên. Đôi khi phải mất một chút thời gian để sự thật xấu xa được phơi bày hoàn toàn, nhưng với sự kiên nhẫn, bạn sẽ nhận thấy hành động này là vô giá.
  2. Thành thật kiểm tra nỗi sợ hãi của bạn. Hãy tự hỏi bản thân mình, “Tôi đang chạy trốn cái gì vậy?” Hãy dành chút thời gian để hướng về phần nội tâm của mình, tốt nhất hãy làm khi ở một mình. Sự cô đơn rất dễ tạo ra: chỉ cần dành ra nửa giờ mỗi ngày cho những suy nghĩ của bạn. Nếu bạn có một lịch trình bận rộn, hãy ưu tiên và xem xét những công việc nào mà bạn có thể rút ngắn.
  3.  Tập trung vào việc xây dựng lòng tự trọng từ chính bên trong bạn. Thông thường, những gì tạo nên sự tự lừa dối là mong muốn làm hài lòng người khác và đạt được sự ghi nhận. Lưu ý xu hướng hay nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm giá trị bản thân của chính bạn. Bạn có đang dựa vào người khác để khiến bạn cảm thấy đặc biệt, xứng đáng hay đáng yêu? Hãy nhận ra sự bất ổn và nguy hiểm của việc tìm kiếm giá trị bản thân của bạn từ người khác, chẳng hạn như việc: bất cứ lúc nào một người cũng có thể chống lại bạn, và do đó đè bẹp lòng tự trọng của bạn. Hãy bắt đầu tìm kiếm sự chấp thuận từ bên trong chính bạn. Hãy yêu bản thân và luôn chấp nhận mình là ai.
  4. Mở lòng ra với quan điểm của người khác. Những quan điểm khác nhau luôn rất có giá trị, thậm chí chúng không nhất thiết phải đúng. Tuy nhiên, thường những người gần gũi nhất với chúng ta có một cách kỳ lạ để nhìn thấy sự thật mà chúng ta thường xuyên không thể nhận thức được. Vì vậy, đừng bịt tai hay làm ngơ. Hãy lắng nghe.
  5. Chỉ ra nhu cầu của bạn và những gì bạn mong muốn. Nhu cầu luôn luôn trung thực, trong khi mong muốn có thể gây hiểu lầm. Bạn thực sự cần gì? Trái tim và tâm hồn bạn khao khát điều gì? Trả lời những câu hỏi này, và bạn sẽ giải phóng bản thân khỏi sự tự lừa dối.

***

 Sau khi đọc bài viết này, suy nghĩ của bạn là gì?

Xin hãy hiểu rằng, không cần thiết phải trừng phạt hoặc đổ lỗi cho bản thân nếu bạn phát hiện ra rằng bạn đang lừa dối chính mình. Hầu hết chúng ta đều lừa dối chính mình một cách vô thức như một cơ chế tự bảo vệ bản thân. Vậy nên hãy đối xử với bản thân thật rộng lượng. Bạn không phải là “người xấu”, bạn chỉ đơn giản là một con người với những thiếu sót. Nhưng vì rằng giờ đây bạn đã có thể ý thức được phần nào lớp màng mờ ảo đang bao bọc xung quanh, do đó bạn có thể nỗ lực để mang đến nhiều sự thật hơn trong cuộc sống hàng ngày.

Dịch: Teresa Nguyễn

Biên tập: #Zealous

Nguồn:   https://lonerwolf.com/lying-to-yourself/

Ảnh: Minh Hiếu

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan