9 Lời Nói Dối Tinh Vi Chúng Ta Vẫn Dùng Để Tự Gạt Bản Thân

Khi còn là sinh viên đại học, tôi cứ ngỡ rằng mình muốn trở thành một nhân viên ngân hàng đầu tư và sẽ làm việc ở Phố Wall. Một năm sau đó, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ …

Khi còn là sinh viên đại học, tôi cứ ngỡ rằng mình muốn trở thành một nhân viên ngân hàng đầu tư và sẽ làm việc ở Phố Wall. Một năm sau đó, chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ trong căn phòng nhỏ như lỗ mũi ở ngân hàng State Street, giấc mơ ấy đã tan thành mây khói. Tôi đã nhận ra rằng thực chất mình muốn được trở nên quan trọng và có quyền lực nhiều hơn là trở thành một nhân viên ngân hàng. May mắn thay, tôi đã tìm ra được những hướng đi khác để đạt được các nhu cầu đó của mình.

Cũng đã có một khoảng thời gian tôi từng nghĩ rằng cô bạn gái cũ đã rời bỏ tôi vì tôi đã không đối xử với cô ấy đủ tốt, vì vậy mà tôi đã phải luôn cố gắng chứng tỏ bản thân mình với tất cả những người phụ nữ nữ tôi gặp gỡ sau này. Nhưng sau khi cố gắng thay đổi bản thân quá nhiều trước những người phụ nữ khác, cuối cùng tôi cũng đã nhận ra rằng tình mình vẫn đang rất ổn và thậm chí mình còn tốt hơn khi không có họ. 

Sau đó tôi có một suy nghĩ rằng tất cả những cảm xúc tồi tệ mà tôi đã từng trải qua chính là kết quả của một tổn thương hay sang chấn sâu thẳm nào đó mà khi tôi cố gắng “giải quyết nó”, tôi đã vội vàng ép buộc bản thân mình phải có sự thay đổi. Chà, đó có phải là một hoang tưởng hay không nhỉ? (Cảnh báo tiết lộ nội dung: Đôi lúc bạn cảm thấy tồi tệ chỉ vì bạn cảm thấy không vui thôi).

Điều tôi đang muốn nói chính là chúng ta thường rất thiên vị cho những cảm xúc và ham muốn của mình. Và rõ ràng, nguyên nhân chúng ta làm như vậy là để cảm thấy ổn hơn.

Chúng ta có thể không biết chính xác mình đang lừa gạt bản thân về vấn đề gì, nhưng rõ ràng là có những câu nói mà ngày nay chúng ta cho là ‘sự thật’ thực chất chỉ là những lời phòng vệ để ta tránh những lớp nghĩa sâu hơn và khó chấp nhận hơn.

Việc lừa dối bản thân khiến chúng ta thế chấp những nhu cầu lâu dài của mình để thỏa mãn những khao khát, mong muốn trước mắt. Vì vậy mà bạn có thể nói rằng sự trưởng thành đơn thuần chính là quá trình học cách lừa gạt bản thân mình ít lại. 

Nói đến việc che giấu những sự thật khó chấp nhận, có rất nhiều người trong chúng ta đều dựa vào những khuôn mẫu tương tự nhau để tự bảo vệ cho bản thân. Sau đây là những mẫu câu thường thấy mà tôi đã tổng kết từ chính bản thân mình và những người tôi đã tiếp xúc:

1. “CHỈ CẦN MÌNH X, THÌ CUỘC SỐNG CỦA MÌNH SẼ RẤT TUYỆT”

X của bạn có thể là: kết hôn, ngủ với ai đó, được tăng lương, mua một chiếc xe mới, tậu một ngôi nhà mới, rước về một em thỏ làm thú cưng, đi bung xõa vào mỗi chủ nhật hay bất kỳ thứ gì bạn muốn. Tất nhiên là bạn đủ sáng suốt để không cần tôi phải nhắc rằng một mục tiêu duy nhất thì không thể giúp bạn hạnh phúc của đời được. Rốt cuộc thì, đó chính là mánh khóe hóc búa mà não bộ sử dụng với chúng ta: cái cơ chế suy nghĩ rằng “Phải chi mình đã X, thì…” sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn được.

Chúng ta đã tiến hóa để tồn tại với trạng thái luôn có chút gì đó không hài lòng. Về mặt sinh học thì điều này có lý. Những loài linh trưởng luôn không hài lòng với những gì chúng có và khao khát được nhiều hơn thường là những loài sẽ trụ lại và có thể tiếp tục công cuộc chia trì nòi giống.

Đây là một chiến thuật để tiến hóa rất tuyệt vời nhưng lại đem đến nhiều bất hạnh. Nếu chúng ta cứ luôn hướng đến những thứ sẽ xảy ra tiếp theo thì sẽ rất khó để có thể trân trọng hiện tại. Tất nhiên thông qua cơ chế điều kiện hóa, cùng với những hành vi mới học được và việc thay đổi lối tư duy của mình, chúng ta có thể để thay đổi hệ thống liên kết trong não bộ này, nhưng nó sẽ vẫn mãi là một phần bản chất của con người mà ta luôn phải dựa vào. 

Vậy điều đó có nghĩa là gì? Đó là bạn hãy học cách học cách thưởng thức nó. Hãy học cách tận hưởng những thử thách. Hãy học cách tận hưởng những thay đổi và hành trình theo đuổi các mục tiêu cao hơn. Nói cách khác, hãy tận hưởng những cuộc rượt đuổi. Quan niệm cho rằng sự hài lòng với thực tại và việc đầu tư cho tương lai là hai thứ trái ngược nhau chính là sai lầm to lớn của thế giới self-help. Chúng không tương phản nhau. Nếu có thể ví cuộc đời như vòng bánh xe của chuột hamster, thì mục tiêu của nó không phải là điểm đến nào cả mà chính là tận hưởng quá trình chạy trên chiếc bánh xe ấy.

2. “NẾU CÓ NHIỀU THỜI GIAN HƠN THÌ TÔI SẼ X”

Vớ vẩn. Bạn chỉ có hai thái cực là muốn và không muốn làm việc gì đó mà thôi. Chúng ta thường thích những ý nghĩ được làm điều gì đó, nhưng khi bắt tay vào làm, thì ta lại không thực sự muốn làm nó nữa.

Tôi thích cái ý nghĩ được lướt sóng ở những nơi thú vị mà mình ghé đến hàng năm. Nhưng mỗi khi thuê xong một chiếc ván lướt, tôi cảm thấy bực dọc và rồi mất hứng thú chỉ sau vài giờ. Tôi rất thích ý tưởng được trở thành một kỳ thủ cừ khôi nhưng tôi không dành nhiều thời gian chơi cờ cho mấy. Mặt khác, tôi thực sự rất muốn được học thêm nhiều ngôn ngữ nên tôi đã dành thời gian mỗi ngày để tiếp tục học.

Mọi người thường nói họ muốn bắt đầu kinh doanh, muốn có một thân hình sáu múi hay muốn được trở thành một chuyên gia về âm nhạc. Nhưng thực chất họ không muốn những điều đó. Nếu có, họ đã sắp xếp thời gian và cam kết thực hiện rồi. Thay vào đó, người ta say mê với cái ý nghĩ về kết quả nhiều hơn là quá trình đầy gian khổ để đạt được chúng.
Có thể bây giờ bạn sẽ nói: “Ôi anh Mark ơi, anh không hiểu đâu, tôi bận lắm.”

Nhưng lựa chọn bận rộn cũng chính là một chọn lựa liên quan đến việc đầu tư thời gian. Và bạn chỉ đầu tư thời gian của mình vào những việc mà bạn cho là quan trọng. Nếu bạn đi làm 80 giờ mỗi tuần thì công việc chính là thứ bạn muốn dành thời gian nhiều hơn tất cả những thứ khác mà bạn nói mình muốn làm. Nếu đúng là những việc kia quan trọng như vậy, thì bạn luôn có thể lựa chọn chấm dứt tình trạng làm việc quá tải. Bạn cũng có thể lựa chọn nghỉ làm. Bạn có thể lựa chọn đặt giấc mơ của mình lên trên vật chất, giấc ngủ nướng hoặc bữa ăn hằng tuần tại nhà hàng mình yêu thích. Nhưng bạn đã không chọn như vậy…

3. “NẾU TÔI NÓI HOẶC LÀM X, MỌI NGƯỜI SẼ NGHĨ TÔI LÀ MỘT KẺ NGU NGỐC”

Sự thật là đa số mọi người không quan tâm bạn có X hay không, mà nếu có đi chăng nữa thì họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc bạn nghĩ gì về họ. Sự thật là bạn không lo sợ người khác nghĩ mình ngu ngốc, nhạt nhẽo hay đáng ghét thế nào, mà bạn cảm thấy sợ vì chính bạn nghĩ mình ngu ngốc, nhạt nhẽo và đáng ghét.

Đây là một vấn đề về tính giá trị. Lời nói dối này xuất phát từ việc bạn thiếu tự tin, vì nghĩ rằng mình không đủ giỏi. Nó không hề liên quan đến việc những người xung quanh bạn xấu/ tốt tính như thế nào đâu. Những người xung quanh bạn đã quá bận rộn với việc lo lắng bạn nghĩ gì về họ mất rồi.

4. “CHỈ CẦN TÔI NÓI HOẶC LÀM X, THÌ NGƯỜI ĐÓ CUỐI CÙNG CŨNG SẼ THAY ĐỔI”

Bạn không thể thay đổi người khác. Bạn chỉ có thể giúp họ thay đổi chính mình. Việc hợp lý hóa rằng chỉ cần bạn có thể làm điều đó để khiến người khác hiểu được những gì bạn nghĩ, được khai sáng, và biết được cách ngưng sống như một tên khốn nạn, thường là kết quả của mối quan hệ gắn bó không lành mạnh với người đó hoặc/ và những vấn đề về ranh giới trong mối quan hệ.

Tất cả lời khuyên và sự ủng hộ đều nên là vô điều kiện và không hề có bất kỳ mong đợi nào về những thay đổi, chuyển hóa thần kỳ. Hãy yêu thương người khác vì chính con người hỗn độn của họ,chứ đừng yêu con người ảo tưởng mà bạn muốn người đó có thể trở thành.

5. MỌI THỨ ĐỀU THẬT TUYỆT VỜI/TỒI TỆ

Mọi thứ có như thế nào đều là do cách nhìn của bạn . Hãy lựa chọn thật khôn khéo nhé.

6.”BẢN THÂN MÌNH CÓ GÌ ĐÓ SAI SAI HOẶC KHÁC LẠ SO VỚI MỌI NGƯỜI”.

Lời nói dối này chính là nền tảng của cảm giác xấu hổ về bản thân: niềm tin rằng bản thân mình có vấn đề hoặc không đủ tốt ngay từ trong bản tính. Một nhược điểm của việc sống trong một xã hội rộng lớn với hàng trăm triệu người là chúng ta không thể tránh khỏi việc so sánh bản thân mình với những tiêu chuẩn độc đoán của xã hội. Khi lớn lên, chúng ta sẽ để ý (hoặc được người khác nhắc) đến việc mình cao/thấp hơn, đẹp/xấu hơn, mạnh/yếu hơn, thông minh/ ngu ngốc hơn, thú vị/ nhạt nhẽo hơn những người khác như thế nào.

Đây chính là “quá trình xã hội hóa”, và nói thật ra cũng có một vai trò rất hữu ích. Đó chính là tạo nên những chuẩn mực xã hội để chúng ta có thể sống với nhau mà không có việc người này đâm vào cổ họng của người kia và ăn xác những đứa trẻ sơ sinh đã chết cho bữa sáng. (Đa số trường hợp) thì nó khá là hiệu quả

Nhưng cái giá phải trả cho sự bình ổn và cố kết xã hội đó là việc nội tâm hóa những niềm tin rằng chúng ta không đủ giỏi, rằng chúng ta vốn đã có vấn đề và không đáng để được yêu. Một vài người sẽ nội tâm hóa nhiều niềm tin kiểu này hơn người khác, nhất là khi nếu ta đã từng bị lạm dụng hay từng gặp sang chấn trong quá khứ.

Những suy nghĩ dai dẳng rằng mình kém cỏi sẽ làm suy yếu những thứ chúng ta nghĩ và làm, và cũng sẽ khiến cho cuộc đời ta trở nên khốn khổ.

Nhưng vấn đề thật sự rối rắm ở đây là: chúng ta sợ phải từ bỏ những niềm tin rằng mình vốn dĩ yếu kém.

Tại sao lại như vậy? Tại sao chúng ta luôn bám víu vào niềm tin rằng mình không bằng người khác, rằng chúng ta không xứng đáng có được tình yêu thương và sự thành công như những người xung quanh, và không thể từ bỏ những niềm tin này bất chấp những chứng cứ thực tế chống lại nó?

Câu trả lời chính là những nguyên nhân tương tự khi chúng ta bám víu vào bất kỳ niềm tin nào khác: bởi vì nó khiến chúng ta cảm thấy đặc biệt. Nếu chúng ta vốn đã yếu thế hơn thì chúng ta luôn có thể đóng vai nạn nhân, luôn cảm thấy đáng nhận được sự thương cảm, và nó lấp đầy cuộc đời của chúng ta bằng sứ mệnh cao quý bệnh hoạn. Nếu chúng ta mà dám từ bỏ điều đó đó và chấp nhận rằng mình xứng đáng với cuộc sống này và xứng đáng có được những thứ khác, như vậy thì chúng ta sẽ mất đi cái quyền được làm nạn nhân, quyền được trở nên đặc biệt, và thay vào đó là trở thành một kẻ vô danh, một hạt cát giữa sa mạc như bao người.

Vì vậy mà ta luôn giữ sự bất hạnh của mình và xem nó như là một huy hiệu vinh dự. Vì đó là danh tính duy nhất của bản thân mà chúng ta biết đến… 

7. “TÔI SẼ THAY ĐỔI, NHƯNG TÔI KHÔNG THỂ VÌ X”

Trừ khi X là “tôi không muốn lắm”, còn lại thì chúng đều là những lời vô nghĩa. Bạn chỉ đang biện hộ mà thôi. Điều đó cũng không sao, vì chúng ta đều làm như vậy, có thể là bạn cũng đã thừa nhận điều đó rồi. Bạn không muốn thay đổi vì nếu bạn thật sự muốn sự thay đổi đó thì bạn đã làm. Và nếu bạn không làm điều đó, có nghĩa là thứ đang khiến bạn khổ sở cũng đang đem lại lợi ích cho bạn mà bạn không nhận ra.

Gần đây tôi có nói chuyện với một người thân chủ rất tham vọng, nhưng anh ấy luôn đổ lỗi rằng sự bất công của nền kinh tế hiện tại và thể chế xã hội đã khiến anh ấy không thể thực hiện những ý tưởng kinh doanh của mình. Qua những cuộc đối thoại với nhau, anh ấy bắt đầu nhìn lại một số suy nghĩ của mình và nhận ra rằng rất nhiều trong số đó đơn thuần chỉ là những lời biện minh để hợp lý hóa cho cảm giác bất hạnh mà anh ấy vốn dĩ đã có.

Tuy nhiên anh ấy vẫn không thay đổi. Vì căn nguyên của vấn đề sâu xa hơn thế. Sự tức giận với những bất công của hệ thống hiện tại không chỉ giúp anh ấy thanh minh cho việc mình không hành động, mà nó còn giúp anh ấy nuôi dưỡng cảm giác tự trọng (self-importance), nhờ vào niềm tin rằng nếu anh ấy được thử, anh ấy sẽ thành công nhưng vì không được phép, mãi mãi anh ấy chỉ có thể tức giận và khổ sở.

Nhu cầu được xem trọng là 1 một trong những nhu cầu tâm lý cơ bản nhất. Và trong trường hợp này, một người đàn ông ông trẻ và thông minh thà sống trong đau khổ còn hơn là đánh liều tên tuổi mình với nguy cơ thất bại.

8. ‘TÔI KHÔNG THỂ SỐNG THIẾU X”

Hầu hết các trường hợp thì bạn vẫn có thể đấy. Có một điều mà tôi đã học được khi đi vòng quanh thế giới và ở những nơi rất tồi tệ một thời gian, đó chính là con người có thể thích nghi nhanh chóng đến bất ngờ. Tôi (và nhiều người khác) đã ghi chép lại hành trình đầy gian khổ, phải bán gần hết những thứ mình có và chúng tôi đã phát hiện ra một sự thật đáng chú ý là sau một khoảng thời gian luyến tiếc ngắn ngủi, chúng tôi không còn nhớ đến những món đồ đó chút nào nữa. 

Vì bị cuốn vào vòng xoay chủ nghĩa tiêu thụ của xã hội hiện đại quá sâu, nhiều người trong chúng ta đã quên rằng, xét về mặt tâm lý học, thì chúng ta đã có tất cả những gì mình cần. Tâm trí ta sở hữu một năng lực kỳ diệu để có thể thích nghi với những gì hiện có trong môi trường của mình nhằm thỏa mãn tất cả các nhu cầu của bản thân và làm cho chúng ta hạnh phúc. Và trên cả việc tồn tại và được thoải mái, điều quan trọng không nằm ở những việc chúng ta làm và những thứ chúng ta có, mà là ở việc những hoạt động hay các mối quan hệ đó có ý nghĩa đối với chúng ta như thế nào.

Tối ưu hóa cuộc sống của bạn để chúng có ý nghĩa hơn nhé. Đó chính là thước đo của sự thành công đấy

9. “TÔI BIẾT MÌNH ĐANG LÀM GÌ”

Tất nhiên rồi bạn hiền. Tất nhiên là như vậy rồi.

Cuộc sống của chúng ta không là gì khác ngoài việc tán dương những suy đoán hợp lý nhất, một quá trình thử nghiệm không ngừng. Và bây giờ suy đoán đúng đắn nhất của tôi chính là bài viết này đã kết thúc rồi.

———————————–

Dịch: CHN

Biên tập: Lyo Kiu

Nguồn ảnh: Pexels

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan