9 thói quen làm cho việc lo lắng trở nên tồi tệ hơn

Đôi khi cuộc sống này "dập" chúng ta tơi bời nhưng chính chúng ta lại là nguồn cơn cho sự đau khổ của bản thân...


Nếu bạn đang bị chứng lo âu, bạn không hề đơn độc - đó là một vấn đề về sức khỏe tâm thần cực kỳ phổ biến. Nhưng điểm phổ biến đó lại không làm cho nó bớt nghiêm trọng hoặc dễ kiểm soát hơn. Trên thực tế, rối loạn lo âu thường rất khó giải quyết vì bạn không thể xác định được nguyên nhân, hay tệ hơn, bạn đang mắc vào những thói quen sai lầm mà không hề biết.


"Bất cứ khi nào chúng ta mất niềm tin vào khả năng dự đoán tương lai hoặc trở nên ngờ vực - chúng ta sẽ không ngừng thấp thỏm", nhà tâm lý học lâm sàng Gerald E. Nissley, Jr. - Chuyên gia trong các vấn đề tâm trạng, trầm cảm và sang chấn tâm lý..., nói với Bustle, "Đôi lúc, xã hội "dập" chúng ta tơi bời: xuống chức, chuyển trường, đổ vỡ quan hệ, v.v., tất cả đều đến bất ngờ, dữ dội. Tuy nhiên, nhiều khi, chính chúng ta lại là nguồn cơn cho sự đau khổ của bản thân. Mọi thứ đều được quẹt thêm vài nét mực đen, trở nên thê lương đáng sợ và khó khăn khủng khiếp, dù trên thực tế, chúng vẫn có thể nằm trong tầm kiểm soát." Đương nhiên, nói dễ hơn làm, bạn vẫn gặp trở ngại và đôi khi không thể kiểm soát được nỗi sợ, nhưng hãy tập ý thức trong mỗi hành động để tránh đi các tình huống và những hành vi gây tổn hại tinh thần.


Dưới đây là 9 điều làm cho tình trạng của bạn rối loạn hơn, theo các chuyên gia.


1. Bị ám ảnh về ngoại hình


Không có gì sai khi chú ý đến ngoại hình, vì khi bạn xinh xắn trong mắt người khác, bạn sẽ thấy tự tin hơn. Nhưng một khi điều này vượt qua ngoài sự lưu tâm thông thường, thì bạn đang gặp rắc rối lớn. Khi bạn liên tục quan tâm đến vẻ ngoài của mình, bạn trở nên cực kỳ khó chịu với bản thân. Clarissa Silva, nhà khoa học hành vi và chuyên gia về các mối quan hệ, nói với Bustle. "Để thay đổi quan điểm này, hãy sử dụng các tuyên bố tích cực mỗi khi bạn soi gương. Hãy làm nổi bật điều gì đó tốt đẹp về cách bạn trông như thế nào mỗi ngày." Nếu bạn có thói quen đánh giá cao vẻ ngoài của mình, bạn sẽ cảm thấy bớt lo lắng về việc mình có trông đẹp hay không.


2. Suy nghĩ quá lên về mọi thứ


Khi bạn đối phó với sự lo lắng, hãy thú nhận rằng thật khó để không để mắt đến những chi tiết nhỏ. Nhưng Silva nói điều này là phản tác dụng. "Khi bạn suy nghĩ quá nhiều, bạn tập trung vào những kết quả không mấy lạc quan nhiều đến mức sự vui vẻ dường như không thể đạt được. Và điều đó làm bắt đầu một chu kỳ tiêu cực: để ý tới mọi chi tiết nhỏ có thể xảy ra -> suy nghĩ ra quá nhiều biến số -> cảm thấy rằng có điều gì đó không ổn đang đến hoặc sẽ có điều gì đó không ổn dù bạn đã cố gắng -> tính toán tiếp biến số. Vậy nên, hãy bắt đầu giảm thiểu lo âu bằng việc thay đổi suy nghĩ quá mức."


Silva giải thích rằng suy nghĩ và hành vi sẽ quyết đinh một nửa hạnh phúc của bạn. Mặc dù việc phá bỏ thói quen suy nghĩ quá mức nghe có vẻ gian nan, nhưng không gì là không thể. Và rèn luyện bản thân - với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu - để thả lỏng và lướt qua những chi tiết nhỏ nhặt sẽ giúp bạn nhiều đấy.


3. Dành quá nhiều thời gian mạng xã hội


Không có gì bí mật khi nói con người đã, đang và sẽ dành một lượng thời gian điên rồ cho điện thoại của mình. Từ Twitter đến Instagram đến Snapchat, chúng ta liên tục kết nối và tương tác với người khác hàng ngày, ở mọi nơi, mọi lúc - và điều đó có thể gây ra sự bế tắc. Khi dành quá nhiều thời gian cho phương tiện truyền thông, bạn sẽ nhìn thấy tất cả mọi người thông qua chân dung trực tuyến mà họ tự vẽ nên. Sau đó, bạn mệt mỏi, và tự ti, bởi bạn chỉ biết họ qua tất cả các loại huy chương và thành tích. Đâu có chỗ cho những thất bại và sự buồn phiền trên newsfeed, đúng không? Hãy chấp nhận, mạng xã hội hoàn toàn có thể là nguồn cơn làm bùng phát thêm nỗi lo lắng hiện tại của bạn.


"Cất điện thoại đi," Silva nói. "Một trong những cách tốt nhất để giảm các tác nhân gây lo lắng là tắt nguồn trong một khoảng thời gian. Ngay trước khi bạn đi ngủ hoặc ngay khi bạn thức dậy là thời điểm lý tưởng để cai “nghiện” và thư giãn tâm trí." Dành thời gian nghỉ ngơi cần thiết, bạn sẽ thấy yêu bản thân hơn thay vì phải gồng mình nhận lấy những kích thích liên tục từ điện thoại.


4. Tránh giao tiếp


Hãy đối mặt đi: Sự lo lắng khiến bạn khó tập trung tinh thần để ra ngoài với mọi người. Và điều đó hoàn toàn bình thường! Nhưng nếu bạn nhận thấy mình liên tục tránh mặt bạn bè và người thân, thì bạn đang tự làm tổn thương nhiều hơn là giúp bản thân về lâu về dài. "Lo lắng là một phản ứng đối với những suy nghĩ áp lực mà chúng ta muốn trốn tránh," Nissley nói. "Giao tiếp xã hội và làm những việc mình thích cho phép chúng ta bớt bị choáng ngợp. Khi bạn cô độc, suy nghĩ sẽ dìm chết bạn, và rồi bạn phải giải quyết chúng một mình, mà điều này lại không hề đơn giản."


Bạn không cần phải ráng điền kín lịch hẹn mỗi ngày, nhưng khi bạn thực sự cảm thấy mắc kẹt, hãy thử nói chuyện với bạn bè hoặc người thân và nhớ rằng bạn không hề đơn độc nhé.


5. Có tư thế xấu


“Điều này liên quan gì sao?”, bạn tự hỏi, nhưng tầm quan trọng của tư thế đối với sức khỏe có thể làm bạn ngạc nhiên đấy. Tư thế xấu không gây lo lắng, nhưng đối với những người đã bị trầm cảm, tư thế xấu làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Evanye Lawson, LPC, chuyên gia trong lĩnh vực này, nói với Bustle: "Gù lưng và rụt vai làm giảm tần suất thở, khiến bạn cảm thấy nặng nề, mệt mỏi". Tư thế không chuẩn gây căng thẳng trên các bộ phận khác nhau của cơ thể, mà một cơ thể không khỏe mạnh, sẽ dẫn đến rối loan về tinh thần. Evanye giải thích rằng một cách để đối phó với sự lo lắng là thay đổi cách bạn giữ cơ thể của mình. "Khi bạn đứng thẳng, ngẩng cao đầu và ưỡn ngực, bạn sẽ tự tin, mạnh mẽ hơn".



6. Không chăm sóc bản thân


Khi bạn đang bồn chồn, sẽ dễ hiểu vì sao việc chăm sóc hoặc nuông chiều bản thân dường như là cái gì đó rất xa xôi. Nhưng đó lại là những gì bạn cần. Dành thời gian để thư giãn bản thân và tập trung vào hơi thở có thể làm nên điều kỳ diệu cho bất kỳ căng thẳng mà bạn gặp phải, đặc biệt là khi bạn đang bị "ngợp" trong cuộc sống. Lawson nói: "Yêu thương chính mình, sống chậm lại và đặt bản thân lên hàng đầu sẽ giúp ích cho việc bị kích thích quá độ bởi môi trường xung quanh". "Bạn có thể dành thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi ngay cả khi chỉ trong 10 giây." Vì vậy, cho dù điều này có ý nghĩa đơn giản là thực hiện các bài tập thở hay thậm chí là đi spa hết cả ngày, thì là hãy nhớ nguyên tắc cơ bản: tự chăm sóc.


7. Ăn thực phẩm thiếu dinh dưỡng


Tâm trạng nôn nao làm thay đổi cách bạn ăn, và kết quả là áp lực đó càng ngày càng lớn. "Chế độ ăn uống cân bằng bao gồm đạm, đường đa và chất béo lành mạnh [...] sẽ làm ta cảm thấy tốt hơn về cả thể chất và tinh thần, cũng như cho phép cơ thể hoạt động tốt nhất", Nissley nói. "Đổi lại, một cơ thể làm được những gì mà nó cho là nên làm sẽ ít có khả năng lo lắng hơn." Vì vậy, mặc dù sẽ khó cho bạn để có thể chú tâm về đồ ăn khi bạn đang dành hết tâm trí cho những thứ khác, nhưng điều quan trọng cần nhớ là giữ cho cơ thể đủ chất dinh dưỡng. Điều này sẽ không làm cho sự lo âu của bạn biến mất, nhưng thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thể giúp bạn có tâm trạng tốt hơn.


8. Không ngủ đủ giấc


Giấc ngủ ảnh hưởng lớn đến sự căng thẳng. Khi bộ não bị thiếu ngủ, nó liên tục cố gắng tăng thời gian ngủ, Nissley nói. Ông giải thích rằng vì melatonin, hormone gây ngủ, có ảnh hưởng đến các phần khác nhau của não như ra quyết định hoặc lập kế hoạch, nên ngủ không đủ giấc tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. "Khi ngủ, chúng ta lặp lại các giai đoạn nghỉ ngơi khác nhau - ví dụ như giấc ngủ REM và không REM", ông nói. "Khi loại giấc ngủ này bị gián đoạn hoặc không đạt được hiệu quả, hợp chất trong não và hormone gây căng thẳng cũng bị ảnh hưởng. Điều này có thể làm cho trải nghiệm lo lắng tồi tệ hơn." Khi bạn bị stress, sẽ có thể khó ngủ, và giống như hầu hết các trường hợp tương tự, chu kỳ như vậy sẽ tiếp tục. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị phù hợp.


9. Không tập thể dục


Đôi khi phiền toái để gây dựng động lực tập luyện, nhưng nó mang lại kết quả thực sự tích cực cho sức khỏe của bạn. "Tập thể dục là cách tuyệt vời để giảm căng thẳng," Nissley nói. "Nó làm chúng ta mất tập trung khỏi các yếu tố gây bận lòng." Ông cũng giải thích rằng tập thể dục giúp cơ thể chúng ta giải phóng endorphin làm giảm lo lắng. Vì vậy, lần tới khi bạn cảm thấy bồn chồn, hãy rũ bỏ nó bằng một số hoạt động thể chất. Hãy hướng sự lo lắng của bạn vào một cái gì đó khác, và có lẽ sau khi kết thúc việc tập luyện, bạn sẽ cảm thấy khá hơn một chút.


Không dễ để loại bỏ sự lo âu, tuy nhiên, luôn giữ cho bản thân ở trong trạng thái khỏe mạnh nhất có thể là một cách không tồi khi bạn vấp phải thử thách này. Bạn cũng nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để đảm bảo mình đang làm mọi thứ có thể để chăm sóc bản thân nhé.


Dịch bởi: Kuhe

Nguồn: https://www.bustle.com/p/what-makes-anxiety-worse-9-habits-that-can-contribute-to-stress-according-to-experts-18180767

-----

Bạn có thể theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

A Crazy Mind: https://www.facebook.com/acrazymindVN/

Viết sáng tạo: https://www.facebook.com/acm.vietsangtao

A Crazy Mind Books - Những trang sách chạm đến tâm hồn: https://www.facebook.com/ACMbook.Healing

BFN Academy - Nghệ thuật chữa lành: https://www.facebook.com/bfn.academy

----

A Crazy Mind – Viết để trưởng thành: http://bit.ly/Group-VDTT

Câu chuyện điên rồ của tôi: https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

------------

Kênh youtube: https://bit.ly/3bBwaLJ

Kênh spotify: http://bit.ly/ACM-spoti

Kênh instagram: https://www.instagram.com/acrazymindvn/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan