Không Tìm Thấy Cảm Giác Hạnh Phúc? Hãy Đọc 7 Lời Khuyên Sau Đây

“Trống trải, lo âu và khao khát là những tín hiệu của một tâm hồn đang thèm được nuôi dưỡng nhiều hơn.” – Giáo sư Rebbe Bạn đang chật vật, kiệt sức, lo âu và cảm thấy mọi thứ trong cuộc …

“Trống trải, lo âu và khao khát là những tín hiệu của một tâm hồn đang thèm được nuôi dưỡng nhiều hơn.” – Giáo sư Rebbe

Bạn đang chật vật, kiệt sức, lo âu và cảm thấy mọi thứ trong cuộc sống thật quá tải. Bạn để mình ngập trong những dự án, cố gắng để leo tới đỉnh thành công, nhưng trớ trêu thay, đôi lúc bạn vẫn cảm thấy những thành công mà bạn làm được là chưa đủ. Giống như bạn đang cố gắng làm điều gì đó nhưng mãi chưa thỏa mãn được. Thế nên bạn thấy chán chường, trống rỗng và chẳng ai hiểu được bạn cả. Bạn khao khát muốn nếm mùi vị ngọt ngào khi được mọi người đón nhận, trong khi bạn lại đang trốn tránh khỏi thế giới xung quanh.

Bạn tự thắc mắc không rõ đến bao giờ và cần bao nhiêu sự thành công nữa, mới đủ khiến bạn thấy thỏa mãn? Đến khi nào bạn mới được ngủ ngon trong vòng tay ấm áp của cái gọi là hạnh phúc thực sự, thay vì nhấp nhổm kiêng dè với mọi người và với thế giới này? Khi nào mới thôi vật lộn với cuộc sống chỉ để chứng tỏ bản thân?

Tôi nghĩ ở một thời điểm nào đó trong đời, chúng ta đều sẽ đôi lúc tự hỏi bản thân như thế. Tôi nghĩ tôi cũng thế. Trong một khoảng thời gian dài, tôi đã làm mọi thứ chỉ để chứng minh rằng tôi xứng đáng có được chúng, để tự thấy rằng tôi có khả năng. Nhưng sau cùng tôi nhận ra được rằng, dù có cố gắng thay đổi cuộc sống xung quanh thế nào, thì thâm tâm tôi cũng không thể vui vẻ. Thay đổi ở bên ngoài không thể khiến suy nghĩ bên trong lòng mình thay đổi theo được. Ngay khi ta mải miết kiếm tìm câu trả lời ở ngoài kia, thì nó bấy lâu nay thực chất luôn ở trong lòng mình.

Cho dù đã phải chịu áp lực đến từ xã hội, nền văn hóa hay là áp lực khi cố khiến mọi người xung quanh ta vui vẻ, chúng ta đều còn phải vượt qua những chướng ngại trong quá trình thấu hiểu thực tại. Chúng khiến ta cảm thấy không thỏa mãn, bất an và chán nản, cố gắng tìm kiếm một điều gì đó ý nghĩa ở ngoài kia, cố gắng thử bất kì điều gì chỉ để có được một mối tâm giao thực sự.

Nhiều người trong số ta nghĩ rằng tiền bạc và danh vọng có thể lấp đầy được sự trống trải ấy. Chúng ta được dạy rằng xây dựng một cơ ngơi, tìm thấy một người bạn đời hoàn hảo, có một sự nghiệp ưu tú, hoặc được chu du khắp nơi sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc thực sự. Thế là ta lùng sục khắp nơi để có được cảm giác bình an đó, đấu tranh để có được nó. Nhưng nó không ở ngoài đó bạn ạ, bình an là ở chính bên trong mỗi người. Khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta rồi sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc. Chúng ta cuối cùng cũng có thể bắt đầu tìm đến sự chấp thuận từ người quan trọng nhất: BẢN THÂN.

Dưới đây là những cách giúp bạn sống hạnh phúc hơn, được lấy từ những ý tưởng trong cuốn sách gần đây nhất “It’s Within You”. Nó là một tấm bản đồ chi tiết dẫn đường cho bạn thấu hiểu sâu sắc hơn giá trị của bản thân, những mối quan hệ tốt đẹp hơn, và có được sự tự do tuyệt vời cho tâm hồn:

1. Hãy tập cách quan sát cuộc sống của bản thân

Sống hạnh phúc bằng cách nhìn nhận lại cuộc sống bản thân. Thay vì làm mà không nghĩ, hoặc làm chỉ để cảm thấy thỏa mãn cho thực tại, hãy dừng lại một chút, nhìn nhận bản thân trong cuộc sống này. Hãy chú ý kĩ càng hơn đến cơ thể mình, đến những cơn thúc giục và phản ứng đến từ bên trong cơ thể; trong khoảng thời gian này, hãy quan sát mọi thứ ở một khía cạnh khách quan hơn. Tò mò và nhận ra nhiều điều về chính bản thân cũng giống như một người đang thám hiểm một vùng đất mới. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy muốn bốc đồng trước tình huống, hãy bình tâm lại và tự nhủ “Vì sao mình phải bốc đồng trong tình huống này cơ chứ?” Hãy tạm dừng mọi phản ứng, để tự vấn bản thân.

2. Hiểu được những nhu cầu bên trong cơ thể ta

Dùng một thước đo từ một đến mười, từ thấp đến cao để đánh giá cuộc sống tinh thần của bạn. Khi bạn không chú ý đến nó, thì những cảm xúc bên trong bạn dao động rất nhiều, không thể nói trước bạn sẽ bị điều gì kích động từ lần này sang lần khác. Bạn cảm thấy không thể kiểm soát nổi cuộc sống này, cũng như cảm xúc của bản thân. Nếu bạn bắt đầu tập trung vào những giá trị bên trong tâm hồn hơn, tâm trạng của bạn sẽ bình ổn hơn, cuộc sống sẽ vui vẻ hơn thậm chí những lúc nhiều thứ không đi đúng hướng bạn mong muốn.

3. Thấu hiểu được bản thân

Bạn có thường cố nói những lời làm vui lòng kẻ khác, thay vì đứng lên và thật lòng với những suy nghĩ của mình không? Thói quen cố gắng làm vừa lòng người khác như thế cuối cùng cũng chỉ để lại ảnh hưởng tiêu cực lên các mối quan hệ mà thôi. Hãy ý thức hơn về những điều bạn nghĩ, nói và làm để giành lấy sự ưng thuận từ người khác nhé. Giấu đi con người thật của bạn thực sự là một gánh nặng quá lớn. Bạn sẽ mất đi cảm giác gần gũi với mọi người, và dần dà việc tương tác bình thường với người khác thôi cũng đủ khiến bạn kiệt sức. Phải tốn biết bao nhiêu công sức mới đủ để diễn liên tục một vai diễn khiến người khác vui vẻ?

Trong thực tế, quá nhiều người đã từng thử tìm kiếm điều gì đó ý nghĩa ở ngoài kia, để rồi hoàn toàn kiệt sức vì cứ phải liên tục đáp ứng cho cái nhu cầu mà rõ ràng là không thể đáp ứng được của họ, đấy là được công nhận “xứng đáng”.  Khi họ kiệt sức, nhiều phần khác trong cuộc sống cũng bắt đầu suy sụp. Hãy chú ý mà xem, khi bạn càng cố gắng để được người khác chấp nhận, tức là bạn đang càng đẩy họ ra xa hơn. Bằng cách nhìn nhận lại về mong muốn được chấp nhận của mình, và bằng cách xem bao nhiêu điều bạn nói là dối lòng, thì ở lần tiếp theo, bạn sẽ dễ dàng nói ra những gì mình thực sự suy nghĩ.

4. Tạo một khoảng không gian cho tinh thần

Bạn có thường dễ bị kích động, la hét và dọa nạt bất cứ ai làm bạn buồn, nhưng lại không rõ vì sao? Vậy thì đây là lúc bạn nên khám phá hiệu quả của việc tách biệt cái gọi là “kích động” với “phản ứng”. Chỉ bằng việc luyện cách bình tĩnh hơn cho tới lúc bạn nhận thức rõ ràng sự việc, bạn sẽ biết được nên chọn phản ứng theo cách nào là tốt hơn cho bản thân. Bạn có cực kì nhạy cảm trước việc nhận những lời phê phán? Bạn có giận dữ và bắt đầu thanh minh phòng vệ cho bản thân? Mỗi lần bạn bị người khác phê phán (hoặc có cảm nghĩ rằng đấy là một lời phê phán), hãy tập “làm nguội” hệ thống xử lý cảm xúc lại. Bạn sẽ có một khoảng không gian để lựa chọn cách phản ứng, thay vì cứ phản ứng theo bản năng. Có thể các phản ứng không thật sự phù hợp và dựa vào giả định nhiều hơn là thực tế. Bạn có thể bị nhầm lẫn giữa tình thế thực sự với những gì bạn đang nghĩ về nó. Nếu không bình tâm lại, bạn sẽ cứ tiếp tục phản ứng thái quá, đưa ra những đánh giá vô dụng mà thôi. Hãy để bản thân có được một khoảng không gian để “tiếp thu” tình huống, bạn sẽ cảm nhận “bức tranh” một cách lý trí  hơn và phản ứng sáng suốt hơn.

5. Cảm nhận uy lực sức mạnh từ bản thân

Hãy học cách yêu bản thân và không cần phải luôn cư xử để chiều lòng ai đó trong một mối quan hệ. Phải yêu bản thân mình thì mới có thể yêu thương người khác, và bạn không cần phải là một người hoàn hảo thì mới có tư cách yêu bản thân mình. Bạn càng thấu hiểu và yêu thương bản thân, tha thứ cho cả những thiếu sót của bản thân, bạn càng dễ chấp nhận, yêu thương người khác, kể cả những sai sót của họ. Thấu hiểu những nhu cầu của người khác cũng như của chính mình, ngay cả khi người ta không tán thành hoặc phê phán bạn. Hãy tôn trọng họ, nhưng không phải là ép mình nhượng bộ trước những đòi hỏi của họ. Hãy để người khác biết rằng bạn cảm kích họ, nhưng bạn cũng có thể tự đưa ra các quyết định.

6. Đừng chạy theo những sự thỏa mãn nhất thời

Bạn có phải rất giỏi trong việc sử dụng những sự thỏa mãn nhất thời để giảm đi sự khó chịu, bất kể hậu quả của nó? Bạn vô cùng muốn học cách chịu đựng cảm giác bứt rứt kia, trì hoãn ham muốn thỏa mãn nhất thời để có thể đạt được mục tiêu quan trọng hơn? Bạn cảm thấy mình cần phải tập cách cưỡng lại ham muốn ăn uống quá độ? Có phải bạn thường muốn chọn những mục tiêu ngắn hạn, hơn là nghĩ sâu hơn, kiên nhẫn hơn để đạt được những mục tiêu lớn hơn? Nếu bạn gật đầu khi nhìn thấy bất kỳ câu nào trong dàn câu hỏi trên, thì đây là lúc để bạn làm rõ mục tiêu của đời mình, khai thác tốt hơn giá trị của cuộc sống và hướng đến những triển vọng lâu dài, thay vì mải mê với những cái ngắn ngủi nhất thời. Hãy từ bỏ ý nghĩ thoải mái nhất thời, để đón chờ những phần thưởng tốt đẹp hơn. Tập nhận thức những khoảnh khắc bạn muốn làm chuyện gì đó, nhưng bạn biết nó không đem lại lợi ích gì cho tương lai. Vào những lúc đó, hãy gợi nhắc bản thân đến những mục tiêu lâu dài, nhắc nhở bản thân đừng vội chạy theo thỏa mãn nhất thời. Bạn chịu đựng càng lâu, thì khả năng chống lại những cám dỗ của bạn càng cao.

Rồi bạn sẽ thấy cánh cửa cuộc sống mở ra theo hướng bạn luôn mong muốn, từ lúc bạn học cách chống lại những cám dỗ. Nếu bạn luôn muốn dành nhiều thứ tốt đẹp cho bản thân, hãy bình tâm lại, nhìn sâu vào thâm tâm mình, tầm nhìn về tương lai của bạn rồi một ngày nào đó sẽ thành hiện thực.

7. Sống có chủ đích hơn

Sống cho những giá trị tinh thần chính là sống có chủ đích hơn. Nhiều người trong chúng ta sống theo cơ chế tự động, phản ứng trước mọi hoàn cảnh thay vì suy nghĩ cho những mục tiêu và giá trị lâu dài. Đây là lí do khiến ta luôn có cảm giác bất mãn, nhưng không rõ vì sao. Nếu bạn muốn sống có chủ đích hơn, hãy làm những điều thực sự khiến bạn vui vẻ, thay vì chỉ để cảm thấy thỏa mãn với hoàn cảnh. Lắng nghe những ý nghĩ bên trong bản thân, đấy là khởi đầu cho một cuộc sống trọn vẹn hơn, xứng đáng với giá trị của bản thân bạn. Sự thay đổi này sẽ hướng sức khỏe, các mối quan hệ và cuộc sống của bạn đến một con đường phi thường hơn. Hãy lên một danh sách những điều bạn tin tưởng, những giá trị mà bạn xứng đáng để đề phòng những lúc bạn thấy mình cám dỗ hoặc mất phương hướng. Hành động và quyết định có mục đích sẽ giúp bạn chủ động làm chủ cuộc sống này. Sống khỏe mạnh, thấy hiểu giá trị bản thân, kiểm soát hiệu quả những cảm xúc của bản thân và cảm thấy vui vẻ trong những mối quan hệ, sẽ khiến cuộc sống của bạn được trọn vẹn.

Đôi lúc ta cứ nghĩ rằng ta biết mình cần gì để sống hạnh phúc và hài lòng, nhưng chúng ta cũng có thể đã lầm. Ta cứ đinh ninh rằng tiền bạc hoặc một người bạn hoàn hảo sẽ giúp ta được hạnh phúc; nhưng thực tế thì những điều đó không đủ. Chỉ bằng cách sống chậm lại, nhận thức mọi thứ rõ ràng hơn, có được cái nhìn nội tâm hơn, học cách phản ứng sáng suốt hơn trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấu hiểu được những gì ta thực sự muốn, và sống một cuộc đời hạnh phúc hơn.

—————————-

Dịch: Anne

Biên tập và Minh họa: Hương

Nguồn: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/your-emotional-meter/201905/good-enough-life

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan