Rối Loạn Lo Âu: Khi Lo Lắng Không Còn Là Một Cảm Giác Bình Thường

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều trải qua sự lo âu tại một vài thời điểm nào đó.

Hầu hết mọi người trong chúng ta đều trải qua sự lo âu tại một vài thời điểm nào đó. Đến muộn tại một cuộc họp quan trọng, chuẩn bị trước một cuộc hẹn, phát biểu trước công chúng lần đầu tiên – sự lo lắng là một phần trong cuộc sống của con người mà ai cũng sẽ phải trải qua. Thực tế thì sự lo lắng là một phản ứng hoàn toàn bình thường của con người trước những tình huống căng thẳng.

Tuy nhiên, Rối loạn lo âu lại là một hội chứng bệnh lý nghiêm trọng hơn và thường bị mọi người nhầm tưởng với cảm giác lo lắng thông thường. Sự nhầm tưởng này sẽ khiến những bệnh nhân cảm thấy không được thông cảm và thậm chí là họ không được coi trọng về mặt cảm xúc. Vì vậy, chúng ta cần phải biết sự khác biệt giữa cảm giác lo lắng và hội chứng Rối loạn lo âu.

Một người bị Rối loạn lo âu cảm thấy như thế nào?

Cảm giác lo lắng bao gồm sợ hãi, căng thẳng như một phản xạ tự nhiên trong một vài tình huống đặc biệt như phỏng vấn xin việc, đứng trước đám đông. Còn người mắc hội chứng Rối loạn lo âu luôn bị lấn át bởi sự sợ hãi, thường xuyên căng thẳng – thậm chí ngay cả trong những tình huống thường ngày. 

Có nhiều loại Rối loạn lo âu, nhưng tất cả đều có chung những triệu chứng sau:

Về mặt cảm xúc:

  • Cảm giác lo lắng, sợ hãi
  • Cảm giác hồi hộp, hoảng hốt
  • Bồn chồn và dễ cáu
  • Luôn trong trạng thái chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất và cảnh giác các mối nguy hiểm

Về mặt cơ thể:

  • Tim đập nhanh, dồn dập và khó thở
  • Cồn cào ruột gan
  • Đổ mồ hôi, run và co giật
  • Đau đầu, mệt mỏi và mất ngủ
  • Thường xuyên đi ngoài, thậm chí là tiêu chảy.

Một người bạn của tôi bị rối loạn lo âu đã miêu tả tình trạng của cô ấy như thế này: Hãy tưởng tượng tâm trí của bạn giống như một cái bếp và luôn có một cái nồi đang sôi ở ở trên nó. Đó là rối loạn lo âu. Bất cứ điều gì khiến bạn lo lắng đều ở trong chiếc nồi đó cả ngày dài. Tùy thuộc vào những gì diễn ra trong ngày, một ý nghĩ bất chợt sẽ nhảy ra khỏi nồi và thâm nhập vào tâm trí của bạn – “Ôi trời, … tôi đã khóa cửa trước chưa nhỉ?” – Rồi đáp trả “Dĩ nhiên khóa rồi.” Lại có những ý nghĩ khác nảy ra: “Tại sao hôm nay sếp lại nhìn mình như thể nhỉ?”, “Mình nhìn có ổn không?” hay “Hình như người mình có mùi gì đó khó chịu?”. Những câu hỏi kiểu như vậy cứ luôn lặp đi lặp lại như một cỗ máy.

Nếu có gì đó sai, cỗ máy sẽ trở nên tồi tệ hơn. Và một cái nồi nhỏ thậm chí có thể được thay thế bởi một cái nồi cỡ trung. Nhiều nước hơn. Nhiều áp lực hơn. Và nhiều suy nghĩ hơn. Những ngày mà Hội chứng lo âu trở nên nghiêm trọng, một bình nước lớn đổ vào cái bếp trước – những suy nghĩ gây lo lắng bước vào giai đoạn trung tâm luôn hiện hữu trong suy nghĩ của bạn.


Hoảng loạn? Rất nhiều người đùa cợt về việc bị hoảng loạn. Dưới đây sẽ miêu tả cảm giác hoảng loạn thực sự sẽ như thế nào. Trước hết tim đập nhanh. Ngực thắt lại, tạo ra sự căng thẳng tột độ. Nó làm bạn cảm thấy khó thở. Bạn thở hổn hển vì thiếu không khí như thể bạn đang cố gắng hít thở ở nơi cao – nơi không khí rất loãng. Những suy nghĩ của bạn rối loạn như tim bạn đang đập thình thịch. Ruột gan bạn như thắt lại. Bạn cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, và sợ hãi. Bạn cảm thấy như bị mắc kẹt. Bạn bắt đầu khóc. Sau đó, bạn khóc thê thảm đến mức khiến chính mình bị nhức đầu. Tất cả những điều đó chỉ xảy ra trong vòng vài phút nhưng lại có cảm giác như vài năm trời. 

Làm thế nào để thể hiện sự đồng cảm

Vì vậy, nếu bạn có những triệu chứng của sự lo âu – hãy nhớ ở Mỹ, có khoảng 40 triệu người phải đối diện với những biểu hiện như bạn và đây là một vấn đề đáng để tâm. Nếu một người bạn bị lo âu, đừng khẳng định chắc chắn rằng bạn biết cô ấy đang cảm thấy thế nào hay tỏ ra hiểu được những khó khăn của cô ấy. Hãy cảm thông và giúp đỡ cô ấy bằng cách an ủi tùy thuộc từng hoàn cảnh.

Ví dụ như cô bạn của bạn đang bị hoảng loạn sau khi tranh cãi với bạn trai của cô ấy. Bạn có thể không hiểu tại sao cô ấy lại thở gấp hoặc cuộn tròn người lại bật khóc. Bạn thậm chí có thể nghĩ rằng cô ấy phản ứng thái quá. Nhưng hãy nhớ rằng một người mắc chứng lo âu không thể kiểm soát những hành vi như vậy. Đây là triệu chứng của bệnh tâm lý. Và cô ấy cần sự hỗ trợ của bạn.


Bạn có thể nói điều gì đó kiểu như: “Tôi biết lúc này bạn đang bị cảm xúc lấn áp. Tôi biết bạn sợ rằng những tổn thương và vấn đề với bạn trai bạn sẽ không bao giờ dừng lại. Nhưng rồi tất cả mọi thứ sẽ chấm dứt thôi. Bạn sẽ vượt qua tất cả, thậm chí sau này khi nghĩ lại bạn sẽ cười vì điều đó. Một năm sau, những thứ đó sẽ không còn là vấn đề với bạn nữa rồi. ” Điều quan trọng là bạn vẫn phải thừa nhận những nỗi đau của cô ấy nhưng lại khiến cho cô ấy cảm thấy nguôi ngoai và thoải mái hơn một chút.

Đôi khi, việc thừa nhận rằng ai đó đang phải chiến đấu một cuộc chiến thực sự lại tạo được hiệu quả đáng kể, ngay cả khi bạn không hoàn toàn hiểu được những gì họ đã và đang trải qua. Bạn là người khiến họ cảm thấy được chấp nhận và giúp đỡ trong những ngày đen tối và khó khăn nhất của đời họ.

Dịch: Tú Anh

Biên tập: Mai

Minh họa: Phan Lê Hoàng

Nguồn: https://www.nami.org/

-----

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan