Có rất nhiều giả thuyết về vấn đề tại sao rối loạn lưỡng cực lại phát triển.
Không ai biết chắc rằng cái gì gây ra rối loạn lưỡng cực. Những nghiên cứu cho rằng có yếu tố gen, nhưng DNA không phải nguyên nhân duy nhất của rối loạn lưỡng cực. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng những yếu tố thể chất và môi trường cũng góp phần phát triển chứng rối loạn này.
1. Yếu tố di truyền
Khi nói về nguyên nhân sinh học, câu hỏi đầu tiên là liệu rối loạn lưỡng cực có thể truyền từ đời này qua đời khác hay không. Vấn đề này đã được tìm hiểu thông qua rất nhiều cuộc nghiên cứu về gia đình, nhận nuôi và sinh đôi.
Trong những gia đình có người mắc rối loạn lưỡng cực, họ hàng cấp một (cha mẹ, con cái, anh chị em) có khả năng mắc rối loạn cảm xúc cao hơn những người không có họ hàng với người bị rối loạn lưỡng cực.
Những nghiên cứu về các cặp sinh đôi cho thấy rằng trong một cặp sinh đôi cùng trứng, nếu một người mắc rối loạn lưỡng cực thì khả năng người còn lại cũng mắc là khoảng 40%.
Đối với sinh đôi khác trứng, khả năng chỉ khoảng 5%.
Điều này rất quan trọng với các học thuyết di truyền vì sinh đôi cùng trứng xảy ra khi một quả trứng đã được thụ tinh tách làm hai, tức là họ có cùng gen di truyền. Mặt khác, sinh đôi khác trứng là từ hai quả trứng khác nhau, nên gen của họ có thể khác nhau. Hiện tại tràn ngập những bằng chứng cho thấy rằng rối loạn lưỡng cực có thể di truyền và gen là một trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển của căn bệnh.
2. Cấu trúc não
Khi bàn về vấn đề chính xác là thứ gì được di truyền, hệ thống chất dẫn truyền thần kinh nhận được rất nhiều sự chú ý vì được coi như một nguyên nhân tiềm năng gây ra rối loạn lưỡng cực. Hàng thập kỉ qua, các nhà nghiên cứu đã biết rằng có một sự liên kết giữa những chất dẫn truyền thần kinh và những rối loạn cảm xúc, bởi vì các loại thuốc làm thay đổi những chất dẫn truyền này cũng có thể làm dịu đi những rối loạn cảm xúc:
Một vài nghiên cứu cho rằng mức độ thấp hoặc cao của một chất dẫn truyền thần kinh cụ thể như serotonin, norepinephrine, hay dopamine là có liên quan.
Có những nghiên cứu khác cho rằng sự thiếu cân bằng của những chất này chính là vấn đề, tức là, một mức độ cụ thể của một chất dẫn truyền thần kinh không quan trọng bằng số lượng của nó trong mối tương quan với những chất dẫn truyền thần kinh khác.
Dù vậy, cũng có những nghiên cứu khác cho thấy rằng sự thay đổi trong độ nhạy cảm của thụ quan ở tế bào thần kinh cũng có thể là vấn đề.
Tóm lại, các nhà nghiên cứu khá chắc chắn rằng hệ thống chất dẫn truyền thần kinh ít nhất cũng là một phần nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định chính xác vai trò của nó.
3. Yếu tố xã hội
Những giai đoạn tâm trạng trong rối loạn lưỡng cực có thể bị gây ra bởi một sự kiện hoặc những hoàn cảnh căng thẳng, nhưng cũng có thể và thường xuyên là tự phát.
Ta vẫn chưa thể hiểu hết được cách căng thẳng gây ra một giai đoạn lưỡng cực. Nhưng các nhà khoa học tin rằng hoocmon cortisol có một vai trò nhất định. Căng thẳng làm mức độ cortisol trong cơ thể tăng cao, và điều này gây ra sự thay đổi trong cách não bộ hoạt động và giao tiếp. Trong thực tế, những người mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực, mức độ cortisol của họ vẫn có thể cao dù không bị căng thẳng.
Những sự kiện căng thẳng trong đời sống có thể là cái chết của người thân trong gia đình, bị mất việc, sinh con hoặc chuyển nhà.
Căng thẳng có thể bắt nguồn từ rất nhiều trải nghiệm khác nhau. Không có định nghĩa chính xác nào cả, vì một người có thể nhìn nhận sự kiện này theo hướng căng thẳng cao độ, trong khi đó, một người khác, vẫn sự kiện đó, nhưng lại không thấy có gì quá căng thẳng.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những sự kiện căng thẳng có thể dẫn đến những triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, một khi căn bệnh bắt đầu và tiến triển, “nó dường như phát triển một cuộc sống riêng của nó.” Một khi chu kỳ này bắt đầu, những quá trình tâm lý và/ hoặc sinh học đảm nhiệm và giữ căn bệnh tiếp tục.
4. Yếu tố môi trường
Một khi một người mắc rối loạn lưỡng cực, những căng thẳng nhỏ cũng có thể dẫn đến những giai đoạn trầm cảm. Đọc một cuốn sách buồn, nói chuyện với một người đang tuyệt vọng, bị điểm kém ở trường, hoặc thậm chí bị ốm cũng có thể làm người đó rơi vào giai đoạn trầm cảm.
Những ví dụ khác của yếu tố gây nên giai đoạn trầm cảm bao gồm:
– Thiếu ngủ hoặc bị thức giấc
– Gặp các vấn đề thể chất
– Kinh nguyệt
– Thiếu vận động
– Du lịch
Trong khi những nguyên nhân của những giai đoạn hưng cảm và trầm cảm có thể giống nhau, nhưng vẫn có vài cái riêng biệt của hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ. Theo một nghiên cứu năm 2012 trong tạp chí rối loạn cảm xúc (Journal of Affective Disorders), những nguyên nhân riêng biệt gồm:
– Tình yêu
– Sử dụng chất kích thích giải trí
– Bắt đầu một dự án sáng tạo
– Tiệc tùng đến khuya
– Kỳ nghỉ lễ
– Nhạc âm lượng to
Thêm vào đó, thời kỳ sau sinh và việc sử dụng thuốc chống suy nhược như SSRI cũng có thể dẫn đến một giai đoạn hưng cảm hoặc hưng cảm nhẹ.
Khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân của rối loạn lưỡng cực, lời giải thích hoàn hảo nhất hiện giờ là cái được gọi là “mô hình Căng thẳng theo Điều kiện vật chất”. Từ “điều kiện vật chất (diathesis)”, hiểu một cách đơn giản, chỉ một trạng thái thể chất làm cho một người mẫn cảm hơn với một số căn bệnh nhất định. Vì vậy, mô hình Căng thẳng theo Điều kiện vật chất phát biểu rằng mỗi người thừa hưởng một số khiếm khuyết thể chất nhất định mà có thể xuất hiện hoặc không tùy thuộc vào loại căng thẳng xảy đến trong cuộc sống của người đó.
Chốt lại, theo lối suy nghĩ hiện nay, là nếu bạn mắc chứng rối loạn lưỡng cực, thì có khả năng, bạn bẩm sinh đã có những điều kiện thuận lợi giúp phát triển chứng rối loạn đó và điều gì đó trong cuộc đời bạn đã bắt đầu nó. Tuy nhiên, ngay ngày mai, các nhà khoa học có thể xem xét lại học thuyết này. Một điều duy nhất chắc chắn là họ sẽ không bao giờ từ bỏ việc tìm ra câu trả lời.
Dịch: Lộc
Biên tập: Catthi
Minh họa: Nguyễn Thảo
Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-causes-bipolar-disorder-378711
A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL