Ái Kỷ - Đứa Trẻ Mắc Kẹt Trong Tâm Hồn

“Nếu bạn là người ái kỷ, bạn sẽ phải có bằng được điều mình muốn. Nếu điều bạn muốn không giống với nguyên tắc, bạn sẽ bỏ qua cả nguyên tắc.”

Khi còn là những đứa trẻ, chúng ta được xoay quanh bởi sự nuông chiều và bao bọc của người lớn. Ta luôn là tâm điểm của sự chú ý, luôn được mọi người quan tâm, chăm sóc và đáp ứng những điều mà chúng ta mong muốn. Những đứa trẻ mè nheo với bố mẹ vì muốn có một món đồ chơi hay phụng phịu vì không được xem bộ phim hoạt hình mình yêu thích chẳng phải điều gì xa lạ. Trẻ con thường có xu hướng coi mình là trung tâm nhưng đây có thể là điều bình thường trong quá trình phát triển. Khi dần lớn lên và trưởng thành, khi con người ta bắt đầu có nhận thức về bản thân và về xã hội, chúng ta dần học cách nhìn nhận sự việc theo nhiều khía cạnh khác nhau, ta dần thấu hiểu rằng bản thân mình không phải là tất cả, ta học cách trao đi yêu thương và đồng cảm với mọi người. 


Nhưng không phải tất cả chúng ta đều như vậy. Có những đứa trẻ mắc kẹt trong tâm hồn những người ái kỷ. Những đứa trẻ ấy bám trụ trong tâm trí họ mà chẳng chịu bước ra, chẳng chịu lớn. Trong hình hài những người trưởng thành, họ vẫn cư xử nhưng những đứa bé con coi mình là số một, luôn muốn được mọi người quan tâm và chú ý. Họ yêu bản thân tới mức thái quá và luôn khuếch đại mọi điều về khả năng của mình. 


Trước đây, từng có một chàng trai. Cậu sinh ra trong một gia đình giàu có, khá giả với bố mẹ đều là những người có địa vị cao trong xã hội. Là con út trong nhà, cậu rất được bố mẹ chiều chuộng, quan tâm và đáp ứng mọi yêu cầu vô điều kiện. Bố mẹ luôn coi cậu là trung tâm, mua cho cậu những món đồ đắt tiền, xa xỉ. Trong mắt hai vị phụ huynh ấy, cậu ta luôn là số một, là bảo vật cần được nâng niu. Tuy nhiên, sự nuông chiều của bố mẹ cậu còn đến mức dùng quan hệ để có được thành tích cao cho cậu trong khi bản thân cậu lại không đủ năng lực. Nhưng điều khiến mọi người bất ngờ là cậu rất vui vẻ và tự hào với điều này. Cậu khoe khoang về thành tích và về gia đình mình, cậu tự tin thái quá về vẻ ngoài và năng lực của bản thân trong khi không chịu nỗ lực hay cố gắng. Cậu luôn tự cao, tự mãn về chính mình và chẳng bao giờ chấp nhận bất kì lời góp ý nào của người khác. Cậu luôn hành xử như một đứa trẻ cần được dung túng, luôn muốn mọi người nghe theo và chấp nhận mọi yêu cầu của mình. Cậu bất chấp mọi thứ theo đuổi những chức vị cao để mưu cầu sự ngưỡng mộ và chú ý để rồi phải nhận lại những phản hồi tiêu cực về các quyết định ích kỉ và thiếu suy nghĩ mà cậu đưa ra. Mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, bất lực khi phải làm việc theo một hướng đi độc đoán nhưng bản thân cậu luôn cho mình là đúng. Cậu thậm chí không nhận thức được sai lầm của chính mình và cũng chẳng hề nhận ra sự bất mãn, khó chịu của những người xung quanh. Đứa trẻ trong cậu chiếm giữ cái tôi quá lớn, chi phối toàn bộ tính cách và con người cậu.


Cậu là một trường hợp của ái kỷ tự cao, khi con người ta luôn đánh giá quá cao tới mức phi thực tế về bản thân mình. Với cái tôi và lòng tự trọng quá lớn, những người ái kỷ tự cao luôn muốn thống trị, kiểm soát những người xung quanh. Họ bị cuốn hút bởi ảo tưởng về thành đạt và quyền lực và mưu cầu sự ngưỡng mộ vô cùng mãnh liệt. Thiếu đi khả năng đồng cảm với những nỗi lòng của người khác, họ chỉ tập trung vào bản thân, coi mình là số một. Nỗi giận dữ và tức tối dễ dàng bủa vây tâm trí khi họ phải nhận sự chỉ trích hay góp ý. Bởi với những người ấy, bản thân là hoàn hảo và tài giỏi nhất, không ai có quyền phán xét hay chỉ ra khuyết điểm của họ. Họ luôn mong muốn những đặc quyền chỉ dành riêng cho mình, tận dụng các mối quan hệ để phục vụ cho mục tiêu của bản thân bất luận điều đó có đúng theo nguyên tắc hay không. Với những người ái kỷ, đứa trẻ trong họ cần được đáp ứng và phục vụ vô điều kiện để thoả mãn mọi mong muốn và ước vọng.


Tuy nhiên, có những người ái kỷ luôn tự ti và mặc cảm. Họ ý thức về quyền của bản thân nhưng rất dễ cảm thấy bị tổn thương hay xúc phạm. Họ luôn cho rằng mình là người đáng thương, tội nghiệp nhất. Những người ái kỷ ấy rất mẫn cảm với những lời đánh giá và nhận xét từ những người xung quanh, điều đó khiến họ dễ dàng nảy sinh tâm lý ganh ghét, đố kị với mọi người. Họ trở nên ích kỉ và nghĩ rằng người khác cũng đố kị với họ. Họ khát khao nhận được sự công nhận từ những người khác nhưng lại rất bảo thủ trước mọi lời đóng góp. Những đứa trẻ yếu đuối, non nớt trong họ dường như cần được nâng niu, vỗ về và chẳng thể chịu đựng bất kì thương tổn nào. 



Những đứa trẻ trú ngụ trong tâm hồn người ái kỷ mắc kẹt trong mê cung rối ren và tăm tối mà chẳng thể tìm ra lối thoát - một hậu quả được định hình ở thời kì trẻ thơ và trong suốt quá trình phát triển tới tuổi trưởng thành. Bên cạnh yếu tố di truyền, môi trường sống là một trong những nguyên nhân khiến một người mắc phải rối loạn nhân cách ái kỷ. Trong quá trình trưởng thành, họ luôn nhận được những lời ngợi ca, đánh giá quá cao về khả năng hay vẻ bề ngoài. Sự khen ngợi quá mức trong suốt một giai đoạn dài dẫn tới sự mất cân bằng với những phản hồi thực tế về con người họ, khiến bản thân họ thiết lập một niềm tin vững chắc rằng mình là người đặc biệt và xứng đáng được ngợi ca. Việc cha mẹ hay người lớn nói chung quá chiều chuộng và đáp ứng mọi nhu cầu của con trẻ có thể khiến những đứa trẻ ấy luôn coi mình là trung tâm và việc được dung túng là điều hiển nhiên. Sự yêu quý, quan tâm của bố mẹ trong quá khứ đã trở thành chuẩn mực cho sự đối xử của mọi người với họ. Cho tới khi trưởng thành và không nhận được sự đối đãi tương tự từ xã hội, họ dễ dàng cảm thấy bực tức và khó chịu với những người xung quanh. 


Mặt khác, những người ái kỷ hình thành tâm lý tự ti, mặc cảm và khao khát sự công nhận có lẽ bởi tuổi thơ họ luôn phải nhận những lời chỉ trích, phàn nàn gay gắt từ người khác. Hay họ bị ngó lơ, không nhận được sự quan tâm, săn sóc đúng mực từ gia đình. Họ cảm thấy bị bỏ rơi và không được tin tưởng hay trân trọng. Thời gian dài đối mặt với những điều ấy khiến họ rơi vào rối loạn nhân cách ái kỷ trong quá trình trưởng thành. 



Với tâm lý coi mình là trên hết, xứng đáng hưởng đặc quyền cũng như khát khao đạt được những ước vọng vô cùng mãnh liệt, những người ái kỷ dễ dàng gặp phải nhiều vấn đề khác về tâm lý như rối loạn nhân cách chống xã hội, trầm cảm, rối loạn lo âu… Đó là bởi khi đối mặt với những khó khăn hay chỉ trích, họ có xu hướng phản ứng lại mạnh mẽ hơn những người bình thường. Những điều vốn dĩ là lẽ tất nhiên với họ nay lại trái ngược hoàn toàn với hiện thực mà họ phải đối mặt. Những đứa trẻ trong tâm hồn họ không thể thích ứng với những điều ấy. 


Ái kỷ khơi gợi lên những góc tối trong con người như sự kiêu căng, tự mãn, ích kỉ, đố kị,… Vậy nhưng nhà trị liệu nhận thức Alyssa Mancao từng nói rằng: “Mỗi người đều có một chút ái kỷ lành mạnh bên trong họ. Do đó, những người này sẽ cảm thấy tự hào về thành tích của mình và muốn chia sẻ nó với mọi người xung quanh.” Có thể thấy, bên cạnh những mặt tiêu cực, ái kỷ có mối liên quan tích cực với một số tính cách như tự tin hay cầu tiến. Để cải thiện khía cạnh tính cách tiêu cực của ái kỷ, họ nên tìm đến tâm lí trị liệu, học cách lắng nghe, đồng cảm và sẻ chia với mọi người. Sẽ là một thách thức lớn cho những đứa trẻ trong người ái kỷ khi phải đối mặt và nhìn nhận những khuyết điểm, những thiếu sót của bản thân nhưng mỗi người đều nên nỗ lực thay đổi con người mình trên con đường trưởng thành và phát triển. Điều quan trọng là chúng ta cần phải có khả năng chi phối tính cách thay vì để nó chi phối chính chúng ta. 


Tác giả: Mia


BẢN THẢO
Bài viết liên quan