Ám ảnh sợ xã hội: Tôi từng thấy xấu hổ khi trở thành chính mình

Độc thoại nội tâm, là một bài diễn văn bị tắt tiếng nhưng lại khàn rát cả cổ họng. Cho nên, hãy thành thật với bản thân mình.


Trong đôi mắt tôi có chứa một tinh cầu, tinh cầu mang màu đỏ của máu. Day dứt, đứt đoạn và tan vỡ.


Tiếng nói tách bạch ra khỏi linh hồn, tôi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Bên trong và bên ngoài, một cõi tịch lặng và một giao diện sống. Như lời hòa ca lạc nhịp trên nền bản tấu khúc vô danh, vì thế nên không thể tìm được sự đồng điệu. Cứ mãi chạy dài trên những guồng quay.


Tôi từng căm ghét bản thân mình, vô cùng. Căm ghét khuôn mặt vuông lấm tấm đốm tàn nhang, cái mũi to không có sóng; căm ghét dáng người tròn trịa đầy những mô thịt dư, làn da ngăm đen vì cháy nắng. Ngoại hình lúc bấy giờ đối với tôi là một nỗi sợ, là nỗi sợ bị phán xét và miệt thị. Những ngày tháng tự thu mình trong vỏ bọc của bản thân, giấu nhẹm đi những suy nghĩ tiêu cực rồi vùi sâu vào nước mắt, tôi đã đấu tranh với nỗi mặc cảm bên trong mình vô vạn lần. Tôi nhìn những cá nhân xinh đẹp xuất chúng mà trong lòng dấy lên sự tự ti. Sao chỉ có mình là kém cỏi vô dụng vậy?


Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, lúc nhỏ, tôi được dạy phải cố gắng học hành tử tế để tương lai sau này đỡ gặp khó khăn. Tôi cũng từng được dạy, không bao giờ được thể hiện cảm xúc của mình trước mặt người khác. Điều đó đã hằn sâu vào tâm trí này, tôi không phủ định chúng sai, nhưng có lẽ những lời ấy đã giúp tôi xây nên một bức tường vững vàng kiên cố ở trong lòng. Đằng sau bức tường ấy là những điều khác lạ mà thế giới cách biệt tôi đang đứng không thể dung nạp nổi vào bên trong. Và biết phải làm sao đây, khi tôi chỉ là một cá thể bình thường, không nổi bật, không tỏa sáng. Giữa hàng nghìn loài tinh tú đang rực rỡ ngoài kia, tôi chỉ là một tinh cầu nhỏ bé trong vũ trụ, một chiếc lá phong lạc lõng mãi không nhìn được thấy mùa thu. Bất lực lắm...


Mỗi ngày đến trường, tôi đều khoác lên mình một chiếc mặt nạ, né tránh gièm pha chỉ vì bản thân mình xấu xí và nguệch ngoạc. Tôi sợ khi phải đứng trước đám đông, tôi sợ ánh mắt của kẻ khác, tôi sợ tiếng nói chỉ trích bên trong nội tâm mình. Nó luôn thì thầm bên tai tôi điều gì đó, rất khó chịu. Hình như nó nói, tôi không xứng đáng được yêu thương. Đúng rồi, hẳn là như vậy! 



Chúng ta thường bị ảnh hưởng bởi lời phán xét của những người xung quanh | Nguồn ảnh: Stew


Vì có lẽ pháo đài cô độc này chỉ có mình tôi ở lại. Những đêm đi ngủ cùng nước mắt, tỉnh dậy với cô đơn, tôi luôn bị bủa vây bởi những ám ảnh về chứng bệnh sợ xã hội của mình. Bạn có thể không tin, nhưng đó là sự thật. Vì chính tôi cũng từng không tin điều đó mà, cho đến ngày tôi được chẩn đoán. Và chắc chắn tôi không nói quá về những gì tôi mắc phải. Đó là chuỗi dài nối tiếp nhau của những cơn sợ hãi vô hình đến từ những nhãn mác tôi tự dựng lên. Định kiến lúc đó đối với tôi là một nỗi bất an rất lớn, một con quỷ dữ có thể nuốt chửng tôi vào vực sâu bất cứ lúc nào, và bất an luôn trấn áp tôi trong từng lần giao tiếp. Nó rõ rệt đến mức tôi có thể cảm nhận được, nó lấn sâu vào từng ngóc ngách, ăn mòn con người tôi. Khi phải đối mặt với chỉ trích từ bên ngoài, tôi hoảng loạn vô cùng. Tay chân của tôi như rã rời, hầu như chưa bao giờ ngừng run rẩy. Lúc đó, cách duy nhất tôi có thể đối mặt, chính là chạy trốn.


Một lời đùa cợt tiêu cực, chế giễu công khai có sức sát thương lớn đến mức nào? Tôi có thể sống trong sự sợ hãi đó cả đời vì không thoát ra được những quy chụp. Bạn có thể mất năm phút để buông ra những lời phán xét hay đánh giá vô trách nhiệm của mình, nhưng tôi lại mất năm ngày để suy nghĩ về nó, năm tuần để dằn vặt và chỉ trích bản thân, năm tháng để sống trong sự sợ hãi kéo dài. Là thật đấy! Chúng không đâm thẳng vào da thịt, mà trực tiếp cứa sâu vào tâm hồn tôi. Chúng khiến tôi chỉ biết sống cúi đầu, không dám ngẩng mặt lên, vì luôn nghi ngờ bản thân. Tôi chẳng còn nhớ nổi lần cuối mình cảm thấy hạnh phúc là từ lúc nào nữa, cuộc sống hằng ngày đã trở thành một cơn ác mộng liên hoàn với dòng lo âu và sự nhạy cảm lên đến cùng cực. Bạn biết không, tôi đã khóc, rất nhiều. 


Tôi từng thấy xấu hổ khi trở thành chính mình. Vì có lẽ, tôi chưa từng được dạy cách thương lấy bản thân.


“Sẽ luôn có người nào đó đến bên khi bạn cảm thấy bất lực và muốn buông xuôi.”, tôi đã nghe ở đâu đó.

Nhưng có thật là vậy không? Thế thì “người nào đó” của tôi đang ở đâu? Sao đến bây giờ vẫn chưa xuất hiện? Nực cười thật! Tôi có nên chờ đợi tiếp không? Sau hàng vạn lần mong ngóng, cuối cùng, tôi cũng có câu trả lời cho chính mình.


Người đó đã đến, là thật. Vào những ngày tưởng chừng như sắp chìm xuống đáy sâu của niềm tuyệt vọng, tôi đã kịp nhận ra “người nào đó”. Ừ, là tôi, chính bản thân tôi. Chỉ có tôi mới có thể kéo bản thân mình sống dậy, chỉ duy nhất tôi mới có thể chiến đấu với nỗi sợ của chính mình. Và chỉ có tôi mới có thể phá vỡ đi những giới hạn đã trói buộc cuộc đời mình trong suốt mấy mươi năm qua.


Thỉnh thoảng, đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết nghi ngờ bản thân. Tôi không biết liệu mình có phải sống trong nỗi lo âu này cả đời hay không. Nhưng tôi biết, rằng tôi có thể đối mặt với nó, bằng bất cứ giá nào. Trò chuyện với tâm hồn mình, áp lực tâm lý sẽ được xoa dịu đi đôi chút. Có thể tôi không xinh đẹp, nhưng tôi không được bao biện lý do để trốn tránh việc chăm chút bản thân. Tôi không giỏi, nhưng tôi không có quyền chọn cách sống vô trách nhiệm với cuộc đời mình. 


Độc thoại nội tâm, là một bài diễn văn bị tắt tiếng nhưng lại khàn rát cả cổ họng. Cho nên, hãy thành thật với bản thân mình. Hãy để cảm xúc hóa hình hài trong từng lời ngỏ. May mắn thay, lúc đó, tôi đã kịp định hình lại một điều rằng: so sánh giữa những cuộc đời là loại phép tu từ vô nghĩa nhất. Đừng chỉ trích, chèn ép bản thân mình trong một khuôn khổ nhất định. Cứ sống là chính mình, định kiến sẽ không bao giờ đánh giá được con người bạn là ai.


Tác giả: May


BẢN THẢO
Bài viết liên quan