Ám ảnh và vượt qua ám ảnh

Ám ảnh tâm lý có thể được định nghĩa là một trải nghiệm tiêu cực vượt quá sức chịu đựng, khiến chúng ta không thể thấu hiểu bản thân sự việc, không thể giải quyết hay vượt qua nói- nhưng, …


Ám ảnh tâm lý có thể được định nghĩa là một trải nghiệm tiêu cực vượt quá sức chịu đựng, khiến chúng ta không thể thấu hiểu bản thân sự việc, không thể giải quyết hay vượt qua nói- nhưng, và đây chính là khía cạnh tồi tệ nhất của ám ảnh tâm lý, chúng ta không thể nhớ được chính xác những gì đã xảy ra, hay phản ánh mọi thứ đúng như bản chất của nó, và những tác động của nó đối với mình. Ám ảnh tâm lý mắc kẹt trong chính chúng ta, nhưng lại là một thứ không thể nào nắm bắt được, khiến cho sự tồn tại của nó chỉ có thể được biết đến qua những triệu chứng và đau đớn, thậm chí thay đổi cả cách mà chúng ta nhìn nhận mọi thứ, nhưng lại chẳng có bất kỳ một cảnh báo nào cho chính người đang gánh theo nó.

Chẳng có gì bất ngờ, rất nhiều ám ảnh tâm lý bắt nguồn từ thời ấu thơ. Trẻ em đặc biệt rất dễ dàng bị ám ảnh tâm lý, bởi chúng hầu như không có hiểu biết đầy đủ về chính bản thân mình cũng như là thế giới xung quanh – và đến một mức độ nào đó, chúng buộc phải tin tưởng, hay làm theo bố mẹ mình, những người mà nhiều lúc cũng hành xử thiếu chín chắn, thiếu kiên nhẫn và cân bằng. Ví dụ, một đứa trẻ có thể bị ám ảnh bởi một người bố mẹ mà, bị trầm cảm nghiêm trọng trong thời kì đầu sau khi sinh. Hoặc một đứa trẻ có thể bị ám ảnh nếu phải chịu đựng áp lực từ những cơn phẫn nộ và hành vi bạo lực của bố mẹ. Hoặc, bị ám ảnh bởi “sự thờ ơ”, có nghĩa là, trong “giai đoạn vàng” (từ 0 đến 5 tuổi, đặc biệt là trong 18 tháng đầu tiên), chúng không được nâng niu, vỗ về, hay là, yêu thương đúng cách.

Triệu chứng đầu tiên và quan trọng nhất của việc bị ám ảnh là nỗi lo sợ. Những người bị ám ảnh, trên tất cả mọi thứ, họ sợ hãi. Họ sợ việc trở nên thân thiết với người khác, sợ bị bỏ rơi, sợ bị cười nhạo và coi thường, sợ bị bệnh, thậm chí có thể sợ tình dục, sợ đi xa, sợ chính cơ thể mình, sợ tiệc tùng, và nói chung, sợ thế giới loài người. Nỗi ám ảnh sẽ để lại những nỗi sợ vượt quá tầm kiểm soát, những ký ức đáng sợ không có tên, mơ hồ, không rõ ràng nối tiếp nhau trong tương lai. Nhà phân tích tâm lý Donald Winnicott cho rằng: “Những nỗi sợ hãi đầy ám ảnh, những tình huống tồi tệ sẽ xảy ra trong tương lai là những gì thực sự đã xảy ra”. Đó là lý do tại sao, để tìm ra nguồn gốc về những sự kiện đáng sợ đó, chúng ta không nên tự hỏi mình quá nhiều về những gì đã xảy ra với mình trước đó (ngay lúc đó ta cũng không thể nào nhớ ra ngay được), mà là về những gì sẽ khiến ta cảm thấy sợ hãi trong tương lai. Chính những điều này sẽ mở ra cánh cửa dẫn tới quá khứ.

Khá bất ngờ, có thể mất rất lâu để những cá nhân bị ám ảnh nhận ra tình trạng của họ. Hậu quả đầu tiên của ám ảnh là không hề có ký ức sống động về những gì đã từng gây ám ảnh, và từ đó không nhận ra thế giới quan của mình hiện tại đã bị bóp méo như thế nào.
Những người bị ám ảnh không hề cho rằng họ đang sợ hãi một cách BẤT BÌNH THƯỜNG: mà họ chỉ đơn giản nghĩ rằng bản thân những gì họ sợ đều đáng sợ. Họ không nhận ra rằng nhận thức của họ về giá trị của bản thân đã giảm xuống vô cùng đáng kể: họ chỉ nghĩ rằng những người khác rất thích cười nhạo và coi thường họ. Họ cũng không nhận ra sự thân mật lại trở nên không thoải mái như thế nào: họ chỉ đơn thuần không thể nào cảm thấy vui vè trong mối quan hệ của mình. Nói cách khác, tình trạng ám ảnh sẽ thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta đối với thực tại, nhưng đồng thời cũng ngăn chúng ta nhận thức được sự thay đổi đó cũng như mức độ nghiêm trọng của nó.

Phải cần rất nhiều thời gian, phép màu, rất nhiều sự đào sâu vào bản thân, thậm chí là một biến cố xảy ra thì những kẻ bị ám ảnh mới nhận thức được rằng cách nhìn của họ về thế giới này hoàn toàn sai lệch so với bản chất của nó. Đó là một bước tiến lớn để hồi phục sức khỏe tâm lý của bạn, để bạn biết cách nhìn nhận lại những động lực nguyên thủy nhất của bản thân và bắt đầu xem xét mình đã từng nghi ngờ, sợ hãi và căm ghét bản thân bởi những sự việc không đáng như thế nào.

Để vượt qua ám ảnh, cách tốt nhất là để bộ não hơi chút sai lệch của bạn được ở gần những tư duy tích cực hơn của những người khác- và ta có thể kiểm tra cách nhìn nhận thực tế của mình qua một người bạn hoặc một nhà trị liệu. Chúng ta cần phải đứng lên để nhận ra rằng, dù sự thật có khiến ta thảng thốt, rằng thật ra mình chẳng đáng kinh tởm chút nào, rằng thực ra chẳng phải mọi người đều căm ghét mình, chẳng phải mọi thảm họa đều đâm đầu vào ta, và đây, chưa phải là đường cùng. Ta hoàn toàn có thể tự tin rằng nếu mình có thể chịu đựng được những ám ảnh đó, ta cũng hoàn toàn có thể tìm được lối thóat khỏi những điều tồi tệ đó.

Vượt qua ám ảnh là chuyện của vài năm, chứ không phải vài ngày, vài tháng, và sự chấm dứt của những ám ảnh đáng sợ của bạn sẽ bắt đầu từ một điều rất đơn giản: nhận ra nỗi ám ảnh của bản thân, rằng thế giới này thực ra chẳng tối tăm, đáng sợ và vượt quá mức chịu đựng như bạn vẫn luôn nghĩ.

Dịch: Ngọc

Nguồn: Trauma and How to Overcome It(The book of life)

Nguồn ảnh: Pinterest

Nếu bạn thấy bài viết bổ ích, dự án có ý nghĩa đối với cộng đồng, donate cho A Crazy Mind qua: http://acrazymind.vn/donate/ nhé!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan