Âm nhạc ảnh hưởng đến tâm trạng chúng ta như thế nào?

Chúng ta vì một giai điệu có thể rơi lệ, nhưng đồng thời cũng trở nên phấn khích, tràn đầy hứng khởi khi nghe một bài hát sôi động.

1. Âm nhạc có thể tác động lên tâm trạng của bạn


Phần lớn chúng ta đều không quá ngạc nhiên khi biết rằng âm nhạc có thể ảnh hưởng đến não bộ con người về mặt cảm xúc. Chúng ta vì một giai điệu có thể rơi lệ, nhưng đồng thời cũng trở nên phấn khích, tràn đầy hứng khởi khi nghe một bài hát sôi động


Nguồn: Wallpaper Flare


Âm nhạc có tác động sâu sắc tới những trạng thái cảm xúc. Hiểu được điều đó, nhiều nhà biên kịch đã đưa âm nhạc vào điện ảnh. Họ muốn khơi gợi những cảm xúc từ buồn bã, vui vẻ, giận dữ đến sợ hãi ở đúng thời điểm thích hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể đã từng nhờ đến âm nhạc để gợi lên một phản ứng nhất định trong bộ não, giống như những người đi tập thể hình bật một danh sách nhạc sôi động để thúc đẩy bản thân hoàn thành trọn vẹn bài tập.


Tất cả những nhận định trên đều được củng cố bằng kết quả nghiên cứu khoa học: Âm nhạc có thể tác động lên cảm xúc của chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Những giai điệu vui tươi, sôi nổi giúp não sản sinh ra những chất hóa học như dopamine, serotonin, từ đó mang lại cảm giác vui vẻ. Trong khi đó, những giai điệu nhẹ nhàng giúp thư giãn tâm hồn và cơ thể. Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng âm nhạc và tâm trạng có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Âm nhạc có thể ảnh hưởng đến cảm xúc, và ngược lại, tâm trạng là yếu tố quan trọng khi chọn sẽ nghe loại nhạc nào. Điều này giải thích tại sao những bản nhạc thấm đẫm nỗi buồn chia ly của Adele lại thành công đến như vậy.  


2. Âm nhạc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần


Một phản ứng trong não bộ và sự sản sinh ra dopamine, giống như cách mà âm nhạc khiến bạn vui vẻ, được coi là liệu pháp chữa trị trầm cảm tự nhiên. Vì vậy, khi nói về một loại liệu pháp sử dụng âm nhạc để chữa trị lâm sàng, đó chính là “ Music therapy”.


Theo như hiệp hội âm nhạc trị liệu của Anh (British Association for Music Therapy), âm nhạc có thể hiệu quả đối với những người có nhu cầu về tâm lý, nhận thức hoặc giao tiếp. Liệu pháp âm nhạc giúp giải quyết những vấn đề tâm lí mà liệu pháp truyền thống không làm được. Lí do là bởi liệu pháp này dựa trên sự kích thích các giác quan, từ đó thúc đẩy phản hồi tích cực đối với một số tình huống nhất định.


Một trong những lý do chính giải thích cho sự thành công của liệu pháp âm nhạc là âm nhạc giúp cho hệ thống tim mạch của bạn hoạt động suôn sẻ hơn. Nghe hoặc biểu diễn nhạc có thể có thể khiến nhịp tim bạn nhanh hơn ở những nốt cao, hoặc chậm hơn với những giai điệu du dương.


3. Âm nhạc có thể làm giảm mức độ căng thẳng


Âm nhạc thực sự là một trong những thứ giúp giải tỏa căng thẳng tuyệt vời nhất. Bằng khả năng xoa dịu đặc biệt và mối liên hệ chặt chẽ giữa âm nhạc và cảm xúc, âm nhạc là một công cụ quản lí căng thẳng hiệu quả, giúp bạn nhẹ nhàng hơn và có thể nghỉ ngơi. Đó là một cách để giúp bản thân thoát khỏi những tình huống đầy mệt mỏi, đồng thời giải tỏa tâm trí trước khi giải quyết vấn đề theo một góc nhìn khác.


Nghe nhạc có thể giúp tâm trí cũng như cơ thể của chúng ta thư giãn. Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay cả những bản nhạc rock năm 1960-1970 cũng có khả năng giúp làm giảm huyết áp. Đặc biệt đối với những người có huyết áp cao do căng thẳng, những bản nhạc cường độ mạnh có thể là cách giúp đối phó hiệu quả với vấn đề này.


Nguồn: Okasa

Âm nhạc không chỉ giúp giảm huyết áp mà còn có thể giảm mức độ cortisol. Cortisol là một loại hóc-môn gây căng thẳng ở con người. Vì thế mức độ cortisol càng cao, chúng ta càng cảm thấy căng thẳng. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhạc giao hưởng có khả năng làm giảm mức độ cortisol, bất kể gu âm nhạc của người nghe là gì. Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy căng thẳng, tại sao không thử nghe một chút nhạc của Beethoven? Cho dù đó có thể không là thể loại bạn yêu thích, nhưng nó đã được chứng minh rằng có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn.


Âm nhạc ảnh hưởng đến cơ thể theo nhiều cách khác nhau và nghe nhạc hàng ngày thực sự có thể giúp tăng cường sức khỏe tổng thể và tinh thần của bạn.


Bất kể bạn thích Beatles, Beethoven hay Boyzone thì bạn cũng nên bật playlist âm nhạc yêu thích của mình khi làm việc để vừa giảm căng thẳng, vừa có thêm động lực.

--------------

Người dịch: Ivoanh

Biên tập: Hải Nguyễn

Nguồn bài viết: 

<https://pplprs.co.uk/music-reduce-stress/#:~:text=Listening%20to%20music%20has%20the,help%20you%20cope%20with%20stress.>



BẢN THẢO
Bài viết liên quan