Âm nhạc có thể giúp trẻ bị tự kỷ học ngôn ngữ không?

Những đứa trẻ bị tự kỷ không thể nói chuyện hoặc chỉ có thể nói ra vài từ cũng có khả năng học ngôn ngữ thông qua âm nhạc.


NHỮNG Ý CHÍNH


  • Một số người bị tự kỷ có kỹ năng âm nhạc đặc biệt.
  • Những bộ não bị tự kỷ phản ứng với các bài hát khác với khi chúng phản ứng với lời nói.
  • Sự tích hợp của ngôn ngữ trong âm nhạc có thể giúp trẻ em bị tự kỷ học ngôn ngữ.


Tiến sĩ Fang Liu (tác giả của bài viết này) là một nhà tâm lý học và ngôn ngữ học. Cô cảm thấy hứng thú với cách âm nhạc và ngôn ngữ định hình bộ não của chúng ta, cũng như sự khác nhau trong cách bộ não của chúng ta tiếp nhận âm thanh từ âm nhạc và lời nói. Cô ấy nghiên cứu chủ đề này bằng việc tìm hiểu cách mỗi cá nhân với khả năng âm nhạc và ngôn ngữ khác nhau nhận biết âm thanh như thế nào.


Một nhóm người mà cô ấy nghiên cứu là những người mắc chứng tự kỷ, hoặc những cá nhân tự kỷ (autistic individuals), một cụm từ được cộng đồng tự kỷ ở Anh và nhiều nơi khác ưa dùng hơn. Rất nhiều bằng chứng cho rằng một số cá nhân bị tự kỷ sở hữu khả năng âm nhạc phi thường, ví dụ như khả năng cảm âm tuyệt đối (absolute pitch) - khả năng phân biệt được các nốt nhạc không cần dựa vào các nốt còn lại. Một ví dụ kinh điển là Derek Paravicini, một nhà bác học về âm nhạc, người có thể chơi nhạc một cách tùy cơ ứng biến và giao tiếp thông qua âm nhạc tốt hơn lời nói. Dựa trên bài đánh giá có hệ thống và bài tổng hợp dữ liệu mới đây được đưa ra của họ (Tiến sĩ Fang Liu và nhóm nghiên cứu của cô ấy), so với biểu cảm của mọi người, những người bị tự kỷ dễ dàng nhận thức được cảm xúc từ trong âm nhạc hơn.


Vì vậy, âm nhạc có thể trở thành một cách để nâng cao kỹ năng của một nhóm nhỏ những cá nhân bị tự kỷ. Từ việc so sánh phản ứng của não bộ với lời nói và bài hát, một nghiên cứu chỉ ra rằng vùng não bộ chịu trách nhiệm cho việc sản sinh ngôn ngữ (vùng của Broca) ít hoạt động hơn khi kích thích trẻ tự kỷ với khả năng ngôn ngữ kém bằng lời nói thay vì bài hát. Sự liên kết chức năng giữa vùng của Broca và vùng của Wernicke (quan trọng với khả năng lĩnh hội ngôn ngữ) cũng trở nên chặt chẽ hơn khi kích thích những đứa trẻ này bằng bài hát thay vì lời nói. Những kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng những bộ não tự kỷ sẽ bị cuốn hút bởi bài hát hơn là lời nói.


Âm nhạc có một khả năng tuyệt diệu | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Trong dự án MAP (được châu Âu tài trợ) của Fang Liu và nhóm của cô ấy, thông qua lần thử nghiệm có giám sát với đối tượng được chọn ngẫu nhiên, họ đã thử nghiệm xem bằng cách sử dụng những hoạt động tương tác ở nhà để dạy ngôn ngữ qua lời bài hát cho trẻ em bị tự kỷ từ 2 đến 5 tuổi gặp khó khăn trong việc nói chuyện, thì liệu khả năng giao tiếp bằng lời nói của chúng có được nâng cao hay không. Bản dự thảo nghiên cứu đầu tiên được xuất bản mới đây của họ phác thảo cách họ sử dụng âm nhạc để thu hút sự chú ý của những đứa trẻ với lời nói.


Lý do căn bản đằng sau cách tiếp cận này là: âm nhạc là một dụng cụ quyền lực cho việc củng cố mối quan hệ xã hội thông qua những hoạt động âm nhạc đồng bộ như hát và nhảy, những hoạt động này giúp giải phóng endorphins - hormone thần kinh liên quan đến cảm giác vui sướng, được tán dương và có động lực kết nối với xã hội.


Thật vậy, một nghiên cứu khảo sát về những lợi ích mà âm nhạc đem đến cho kỹ năng giao tiếp xã hội ở những trẻ tự kỷ còn đi học đã cho thấy sự cải thiện trong cách giao tiếp xã hội cũng như là sự liên kết chức năng não bộ của chúng sau khoảng thời gian 8 đến 12 tuần những đứa trẻ này tham gia các hoạt động có liên quan đến âm nhạc.


Vì ngôn ngữ chủ yếu được học thông qua sự tương tác xã hội, nên đối với những đứa trẻ tự kỷ thích âm thanh của âm nhạc và khả năng gắn kết với xã hội của âm nhạc, chúng sẽ có thể học ngôn ngữ dễ dàng hơn với sự trợ giúp của âm nhạc.


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Roam

Nguồn bài viết: <https://www.psychologytoday.com/intl/blog/when-music-speaks/202112/can-music-help-children-autism-learn-language?collection=1169752

Tham khảo:

Kenny, L., Hattersley, C., Molins, B., Buckley, C., Povey, C., & Pellicano, E. (2016). Which terms should be used to describe autism? Perspectives from the UK autism community. Autism, 20(4), 442–462. https://doi.org/10.1177/1362361315588200

Kupferstein, H., & Walsh, B. J. (2016). Non-verbal paradigm for assessing individuals for absolute pitch. World Futures, 72(7–8), 390–405. https://doi.org/10.1080/02604027.2014.989780

Lai, G., Pantazatos, S. P., Schneider, H., & Hirsch, J. (2012). Neural systems for speech and song in autism. Brain, 135(3), 961–975. https://doi.org/10.1093/brain/awr335

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan