Bạn Cho Rằng Cảm Giác Tội Lỗi Không Phải Là Vấn Đề To Tát? Hãy Nghĩ Lại

Có ai đó đã từng khiến bạn cảm thấy tồi tệ về những gì mà bạn đã hoặc không làm hay chưa?

Có ai đó đã từng khiến bạn cảm thấy tồi tệ về những gì mà bạn đã hoặc không làm hay chưa?

Tội lỗi có thể là một vũ khí đầy uy lực, và nhiều người biết cách sử dụng nó một cách khéo léo. 

Giả sử bạn nói với người bạn thân nhất của mình là bạn không thể đến dự bữa tiệc của họ bởi vì bạn thực sự cần phải hoàn thành một dự án công việc. 

Họ trả lời lại rằng, “Hầu như chẳng có ai đến cả. Không ai mong muốn gặp mình hết. Tại sao mình lại còn bận tâm tới việc tổ chức một bữa tiệc cơ chứ? Mình nghĩ mình sẽ hủy nó.”

Rốt cuộc bạn đến tham dự bữa tiệc, bởi vì bạn không muốn họ buồn và thất vọng. Họ đã cố gắng khiến bạn cảm thấy có lỗi – và họ đã thành công. 

Việc khiến ai đó cảm thấy tội lỗi là một cách tiếp cận gián tiếp để giao tiếp.

Ngay cả khi bạn không làm điều gì sai, người khác cũng có thể ám chỉ tình huống là lỗi của bạn bằng cách này hay cách khác. Họ thể hiện rõ sự không vui của mình và để bạn tìm cách khắc phục vấn đề.

Nó cũng có thể khá hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy có lỗi về những đau khổ của họ, nhiều khả năng bạn sẽ làm những gì có thể để giúp đỡ họ.


Dù vô tình hay cố ý, cảm giác tội lỗi sẽ ngăn cản giao tiếp lành mạnh và giải quyết xung đột, và thường gây ra cảm giác bực bội và thất vọng. 

Việc này diễn ra như thế nào?

Những hành vi cố gắng khiến ai đó cảm thấy tội lỗi thường xuất hiện trong những mối quan hệ gần gũi – đó thường là người yêu/bạn đời, bạn bè, đồng nghiệp, hay các thành viên trong gia đình.

Nói cách khác, nó có thể xuất hiện trong bất kỳ mối quan hệ nào mà trong đó bạn quan tâm tới những cảm xúc của người khác và có những ràng buộc về mặt tình cảm. 

Mọi người thường sử dụng cảm giác tội lỗi để bày tỏ sự thất vọng hay bực bội, thường là khi có điều gì đó ngăn cản họ bộc lộ và nói ra chính xác những cảm nhận của họ.

Hoặc họ có thể khiến ai đó cảm thấy tội lỗi nếu họ gặp khó khăn trong việc giao tiếp rõ ràng và bày tỏ nhu cầu của họ một cách trực tiếp.

Những dấu hiệu nhận biết

Khi ai đó đang cố gắng khiến bạn cảm thấy tội lỗi, họ có thể đang:

• Chỉ ra những nỗ lực và sự chăm chỉ của chính họ để khiến bạn cảm thấy như thể bạn có gì đó thiếu sót, không thỏa đáng.

• Đưa ra những nhận xét châm biếm hoặc gây hấn thụ động về tình huống.

• Lờ đi những cố gắng của bạn khi nói về vấn đề.

• Giữ im lặng với bạn.

• Phủ nhận sự bực bội, khó chịu của chính họ, mặc dù hành động của họ cho bạn biết bạn điều khác.

• Tỏ ra không quan tâm tới việc tự họ làm bất kỳ điều gì nhằm cải thiện tình huống.

• Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để thể hiện sự không hài lòng của họ bằng cách thở dài, khoanh tay, hay ném đồ vật.

• Đưa ra những lời nhận xét nổi bật nhằm thu hút cảm xúc của bạn, ví dụ như, “Cậu có nhớ khi mình làm việc [X] này cho cậu không?’’hay “Không phải mình luôn làm mọi việc vì cậu sao?”.

Chắc chắn, một số trong những hành vi này có thể chỉ đơn giản là gợi ý sự không hạnh phúc đối với một tình huống. Tuy nhiên khi chúng bắt đầu trở thành một phần của một khuôn mẫu, nó sẽ trở nên đáng lưu tâm hơn.


Liệu nó có phải là một vấn đề to tát?

Cảm giác tội lỗi là một cảm xúc phức tạp. Một phần của sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế rằng nó không phải lúc nào cũng là một việc xấu. 

Khi bạn vô ý mắc lỗi hay làm tổn thương ai đó, cảm giác tội lỗi có thể thúc đẩy bạn sửa đổi và làm tốt hơn trong tương lai.

Nó có thể giúp bạn nhìn nhận cảm giác tội lỗi thuộc về phạm trù hành vi nhiều hơn. 

Cảm giác tội lỗi không phải lúc nào cũng liên quan đến sự thao túng có tính toán…

Những người sử dụng cảm giác tội lỗi để khiến bạn thay đổi hay làm việc gì đó cho họ có thể tin rằng họ thực tâm mong muốn những điều tốt nhất cho bạn. 

Những bậc phụ huynh có thể nói trong cơn tức giận, “Bố mẹ làm việc cả ngày chỉ để bảo đảm rằng con có mái nhà để che nắng mưa và thức ăn trên bàn, vậy mà con không thể rửa một vài cái bát?”.

Nếu bạn thấy rằng cha mẹ có lý, bạn có thể quyết tâm chú nhiều hơn tới những việc vặt trong nhà. Điều này có thể giúp cha mẹ vơi bớt gánh nặng và tăng tinh thần trách nhiệm của bạn. 

Việc chỉ thỉnh thoảng sử dụng tội lỗi không phải là một phần của một khuôn mẫu rộng hơn của việc khiến ai đó cảm thấy tội lỗi, và nó có lẽ cũng không phải là cách tiếp cận hiệu quả nhất. Nhưng chắc chắn nó sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng tới một mối quan hệ lành mạnh dưới bất kỳ hình thức nào.

… nhưng nó có thể vẫn đem tới kết quả không mong muốn

Ví dụ bạn làm việc chung với một người hay nghỉ giải lao, nộp báo cáo muộn và về sớm, và thường sao nhãng công việc – và tình cờ lại là người bạn thân nhất của sếp bạn. 

Bạn cảm thấy không thoải mái khi nói toạc ra với họ. Thay vào đó, bạn thường xuyên thở dài, dụi mắt, và ca thán về việc bạn phải làm nhiều việc như thế nào và bạn cảm thấy căng thẳng ra sao, bạn hi vọng rằng họ sẽ nhận ra rằng bạn đang bóng gió mong muốn họ làm việc nỗ lực hơn.


Hoàn toàn có thể hiểu được cảm giác bị mắc kẹt trong một tình huống khó khăn, đặc biệt là khi bạn không biết cách giải quyết một hành vi xấu một cách có hiệu quả.

Vấn đề là, nỗ lực khiến cho ai đó cảm thấy tội lỗi có khả năng thất bại nếu người đó không quan tấm tới việc hành vi của họ có ảnh hưởng như thế nào đối với bạn. Điều này có thể khiến bạn vẫn ở nguyên trong tình huống như cũ, nhưng thậm chí còn thấy thất vọng hơn.

Ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết, bạn có thể bắt đầu thấy không bằng lòng với một người nào đó, người mà liên tục có những hành vi cụ thể đổ lỗi cho bạn trong việc khiến họ thay đổi. 

Hơn nữa, những thay đổi xuất phát từ cảm giác tội lỗi thường có xu hướng mang hương vị của sự oán giận dai dẳng và cảm giác về nghĩa vụ và trách nhiệm. Kết quả là bạn có thể sẽ không lưu tâm tới những cảm xúc tích cực thường đồng hành với những thay đổi mà bạn lựa chọn cho chính mình.

Trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương

Cảm giác tội lỗi đến từ những người giám hộ có thể gây ra những ảnh hưởng lớn tới trẻ em. Chúng có thể học cách sử dụng mưu mẹo này để giải quyết xung đột với một người khác.

Nhưng cảm giác tội lỗi bị thao túng cũng có thể khiến cho chúng tin rằng không có việc gì chúng làm là đủ tốt cả. Điều này dẫn tới việc thực hành các chiến lược giao tiếp với chúng càng trở nên cần thiết hơn.


Các cách hồi đáp

Việc để mặc cho cảm giác tội lỗi tiếp diễn thường không giúp ích được gì cho bạn hay những người khác. Bạn có thể nhượng bộ vì bạn mong muốn bảo vệ mối quan hệ, nhưng sự oán giận và những cảm xúc tiêu cực khác có thể khiến bạn bắt đầu tránh né đối phương. 

Điều này là hoàn toàn bình thường. Ai mà lại luôn mong muốn cảm thấy tồi tệ và tội lỗi cơ chứ? Nhưng thường là trường hợp không bên nào mong muốn kết quả này.

Việc gọi to cảm giác tội lỗi khi bạn nhận ra nó có thể giúp bạn bắt đầu bước trên con đường hướng tới những giải pháp tốt hơn.

Dưới đây là một vài kim chỉ nam.

Lắng nghe chân thực

Thật khó để lắng nghe nếu ai đó không chịu thừa nhận rằng họ có vấn đề, nhưng hãy bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách chỉ ra các hành vi của họ. Sau đó hãy cho họ không gian để bộc lộ những cảm xúc. 

Sử dụng ví dụ về bữa tiệc đã nói đến ở trên:

 “Mình xin lỗi mình không thể tham gia bữa tiệc tối nay. Mình thích có mặt trong bữa tiệc của cậu hơn là ở đây, nhưng mình có thể gặp rất nhiều rắc rối nếu mình không hoàn thành công việc này tối nay. Việc cậu cố gắng khiến mình cảm thấy có lỗi sẽ không thay đổi quyết định của mình đâu. Mình hiểu rằng sẽ thật là buồn nếu không có nhiều người có thể tham gia bữa tiệc. Bạn cảm thấy có cần nói thêm gì về việc đó nữa không? 

Người đang cảm thấy tổn thương có thể sử dụng cảm giác tội lỗi khi họ không biết cách nào khác để giải quyết mớ cảm xúc hỗn loạn của mình.  

Quan trọng hơn, khi họ biết rằng họ có thể chia sẻ nỗi khổ đau của mình, bạn sẽ xác định được tổn thương của họ, họ có thể cảm thấy dễ dàng hơn khi truyền đạt, giao tiếp trực tiếp trong tương lai. 

Đặt câu hỏi

Ai đó có thể thấy tội lỗi khi họ không biết cách biện hộ cho bản thân theo những cách trực tiếp hơn.

Nếu bạn nhận thấy ngôn ngữ cơ thể hay cảm xúc khoa trương, phóng đại hay những nhận xét ác ý, hay những dấu hiệu khác cho thấy một người đang cố gắng khiến bạn có cảm giác tội lỗi, hãy sử dụng những câu hỏi mở để khuyến khích họ thể hiện bản thân một cách trực tiếp:

• “Bạn trông có vẻ buồn. Có chuyện gì vậy?”.

• “Có vẻ như bạn đang thất vọng với phân công công việc đó. Mình có thể giúp bạn việc gì không?””

• “Mình rất mong muốn được hỗ trợ bạn trong khả năng cho phép. Bạn có cần mình làm gì không?”.

Nhận ra cảm giác tội lỗi bắt nguồn từ đâu

Cảm giác tội lỗi đôi khi liên quan tới những yếu tố về văn hóa, đặc biệt là trong các mối quan hệ gia đình, theo Patrick Cheatham, một chuyên gia Tâm lý học tại Portland, Oregon, Mỹ. 

Nó có thể xuất hiện khi mọi người:

• Nhìn nhận mối quan hệ là bất bình đẳng

• Cảm thấy bị lợi dụng

• Chưa bao giờ học cách kết nối với những nhu cầu của bản thân

Những yếu tố này không làm cho những cố gắng khiến bạn cảm thấy tội lỗi tăng mức hiệu quả hơn, mà chúng còn có thể giúp bạn giữ một cái nhìn bao quát đầy lòng trắc ẩn hơn khi bạn đặt ra những giới hạn.

Những giới hạn bảo vệ các nhu cầu của bạn đồng thời cũng dạy cho người mà đang cố gắng khiến bạn cảm thấy tội lỗi biết rằng bạn sẽ không phản ứng theo cách mà họ mong muốn. Việc này có thể giúp họ nhận ra được lợi ích của việc tìm hiểu thêm các phương pháp giao tiếp khác.

Giao tiếp để tìm ra một giải pháp phù hợp

Trao đổi về những nguyên nhân ẩn sau cố gắng khiến bạn cảm thấy tội lỗi có thể giúp bạn giải quyết được vấn đề.

Ví dụ:

• Các bậc phụ huynh những người mong muốn bạn làm nhiều việc vặt trong nhà hơn có thể chia sẻ về việc họ mệt mỏi, kiệt sức ra sao sau giờ làm việc và giải thích rằng họ tin tưởng vào bạn để giao cho việc hỗ trợ những việc vặt trong nhà.

• Một đồng nghiệp có thể cảm thấy bực bội vì phải đảm nhận khối lượng công việc nhiều nhất nhóm. 

• Nửa kia của bạn có thể cảm thấy buồn bởi vì bạn phải hoãn lại các kế hoạch vào phút cuối vì công việc đột xuất.

Một khi bạn bạn hiểu rõ hơn lý do tại sao họ cảm thấy buồn, hãy cùng nhau tìm ra một vài giải pháp có ích. Nếu bạn không thể làm những gì họ muốn, hãy xác nhận những cảm xúc của họ, tuân thủ những giới hạn của bạn, và đưa ra giải pháp thay thế:

“Mình biết cậu đang cảm thấy rất cô đơn, nhưng mình không thể tham dự bữa tiệc tối nay. Tại sao mình lại không gọi cho cậu khi mình về đến nhà sau khi xong việc và chúng mình có thể lên kế hoạch cho cuối tuần này nhỉ?”.


Khi nào cần tới sự giúp đỡ

Cuối cùng, cảm giác tội lỗi có thể liên quan trực tiếp tới việc thao túng hoàn toàn. 

Người kia nhận ra hai điều:

• Họ quan trọng với bạn.

• Bạn không muốn họ cảm thấy tồi tệ.

Nhận thức này trao cho họ quyền kiểm soát bạn, đặc biệt là nếu họ cũng biết rằng bạn sẽ nỗ lực để họ không cảm thấy buồn.

Họ có thể sử dụng quyền này để khơi gợi những cảm xúc tội lỗi, ngay cả khi bạn hoàn toàn không có gì phải cảm thấy có lỗi về việc đó.

Cảm xúc tội lỗi thường xảy ra trong những mối quan hệ lạm dụng, bởi vậy tìm kiếm sự giúp đỡ rất quan trọng nếu:

• Ai đó cố gắng buộc tội bạn vì đã làm điều gì đó sau khi bạn nói không.

• Hành vi hình thành một khuôn mẫu.

• Họ sẽ không chấp chận lời xin lỗi của bạn 

• Họ không cố gắng thay đổi

• Họ cố gắng kiểm soát hành vi của bạn theo nhiều cách khác nhau

• Bạn cảm thấy như thể bạn không thể nào làm nổi việc gì đúng đắn

• Bạn nhận thấy những lời chỉ trích, bùng nổ cảm xúc, hay những kiểu lạm dụng tình cảm khác.

Một nhà trị liệu có thể giúp bạn nhận ra những cố gắng gây ra cảm giác tội lỗi và những dấu hiệu thao túng khác. Họ cũng có thể giúp bạn bắt đầu hồi phục sau khi bị lạm dụng, lên và triển khai một kế hoạch để có thêm sự hỗ trợ, và an toàn rời khỏi mối quan hệ.

Lời kết

Những cố gắng gây ra cảm giác tội lỗi không phải lúc nào cũng nhằm mục đích thao túng, nhưng nó vẫn có thể có một số tác động tiêu cực.

Giao tiếp cởi mở có thể giúp bạn bảy tỏ những nhu cầu của mình một cách hiệu quả hơn và khuyến khích những người khác làm điều tương tự.

Về tác giả:

Crystal Raypole trước đây đã từng là nhà văn và biên tập viên cho GoodTherapy. Lĩnh vực yêu thích của cô bao gồm ngôn ngữ và văn học của các nước khu vực Châu Á, dịch thuật tiếng Nhật, nấu ăn, các môn khoa học tự nhiên, tình dục tích cực, và sức khỏe tâm thần. Đặc biệt, cô cam kết giúp giảm dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe tâm thần. 

Dịch: OnTheClouds

Nguồn: https://www.healthline.com/health/relationships/guilt-trip

——————

Theo dõi các kênh chính thức của A Crazy Mind tại:

Website: https://acrazymind.vn/

A Crazy Mind (Page): https://www.facebook.com/acrazymindVN/

Viết để trưởng thành (Page): https://www.facebook.com/acm.vietdetruongthanh

The Tree Of Life (Page): https://www.facebook.com/TheTreeOfLifeVN/

A Crazy Mind – Viết để trưởng thành (nhóm công khai): http://bit.ly/Group-VDTT

Câu chuyện điên rồ của tôi (nhóm riêng tư): https://bit.ly/acm-cauchuyendienro

A Crazy Mind – Hỏi đáp tâm lý: http://bit.ly/Group-HDTL

A Crazy Mind – Mỗi ngày một trang sách: http://bit.ly/ACM-MNMTS

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan