Ba Rào Cản Cảm Xúc Khóa Chặt Sự Sáng Tạo Chắc Chắn Bạn Phải Biết

Những giải pháp giúp bạn gạt bỏ cảm xúc tiêu cực để sáng tạo, đổi mới và kết nối. Cho dù bạn là một giám đốc quảng cáo đang cố gắng tạo ra một khẩu hiệu chiến thắng như chiến …

Những giải pháp giúp bạn gạt bỏ cảm xúc tiêu cực để sáng tạo, đổi mới và kết nối.

Cho dù bạn là một giám đốc quảng cáo đang cố gắng tạo ra một khẩu hiệu chiến thắng như chiến dịch “Think Different” của Apple được phát triển bởi TBWA/Chiat/Day; một nhà khoa học nghiên cứu tác dụng của các loại thuốc mới đối với loại virus đột biến nhanh chóng; một nhà thiết kế loay hoay với các bản phối màu và kết hợp mẫu mã hay bạn có đang đau đầu với những quyết định trong cuộc sống hàng ngày, đơn giản như việc quyết định nên nấu món gì cho bữa tối? Nên làm gì cho gia đình? Và chuẩn bị thế nào cho một buổi tối hẹn hò? Bất kể bạn là ai, và đang làm công việc gì, sự sáng tạo sẽ luôn đóng góp vào kết quả cuối cùng.

Sáng tạo là chất liệu của cuộc sống. Nó giúp ta giải quyết các vấn đề. Nó sản sinh ý nghĩa. Nó mang lại sức sống cho các quyết định của chúng ta. Đó là biểu hiện hữu hình của trí tưởng tượng và cảm hứng thanh tao. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy bế tắc trong việc thể hiện hoặc sáng tạo?

Có lẽ bạn chỉ đơn giản là trải qua và chịu đựng điều này. Phải mất nhiều thời gian và tranh đấu để có thể nảy ra một yếu tố cần thiết giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, đôi khi, có một điều gì đó sâu sắc hơn ở bên trong đang ngăn cản bạn. Trên thực tế, nó không chỉ cản trở bạn, mà nó còn bóp nghẹt cuộc sống và năng lượng của bạn, khiến bạn trở nên bơ phờ, lạc lõng và cảm thấy không chắc chắn.

Có thể lý giải cho điều này bằng một số nguyên nhân nhất định, trong đó, có ba trạng thái cảm xúc phổ biến và đặc biệt nguy hiểm ngăn chặn sự sáng tạo và dòng chảy cuộc sống. Tin tốt là, cùng với sự phân tích, chúng tôi cũng kèm theo các phương pháp mà bạn có thể trông cậy và áp dụng để khắc phục. 

Sự cầu toàn: Yếu tố đầu tiên và có thể dễ nhận biết nhất chính là sự cầu toàn. Cầu toàn là gốc rễ của sự trì hoãn, nghi ngờ bản thân, thái độ tự mãn với bản thân cũng như người khác đi kèm với việc tự phá hoại. Với niềm tin nội tâm rằng một cái gì đó phải thật hoàn hảo để nó trở nên xứng đáng hoặc đủ tốt đối với họ. Do đó, những người này luôn chờ đợi và tự hủy hoại bản thân họ (và những người khác) bằng việc đánh giá mọi kết quả thu được dựa trên những tiêu chuẩn bất khả thi mà họ đưa ra. Mặc dù việc nỗ lực hết mình là rất đáng khen ngợi, nhưng nó lại phản tác dụng khi bị một nhận định cố chấp về những thứ kém hoàn hảo chi phối.

Các bước để chống lại sự cầu toàn:

  • Hãy dừng lại và cố gắng nắm bắt cuộc độc thoại nội tâm đang đuổi theo bên trong và quấy rối bạn để ép buộc bạn phải đạt được những tiêu chuẩn không-thể-với-tới đó. Hãy tự hỏi bản thân liệu nhưng tiêu chuẩn hoặc deadline bất khả thi ấy có đáng để bạn phải dằn vặt khổ sở như vậy không.
  • Một bài tập nhỏ, hãy thử vẽ một bức tranh hoặc làm một số loại thủ công và cố ý làm chúng sai cách. Bạn thậm chí có thể rút một trang bất kỳ ở một quyển sách tô màu và viết nguệch ngoạc trên đó. Chú ý cách bạn cảm nhận cũng như bất kỳ sự kháng cự hoặc khó chịu nào được dấy lên.
  • Dành một chút thời gian để thư giãn các cơ trên gương mặt và cơ thể của bạn, và trong khi hít một vài hơi thở thật sâu, hãy suy ngẫm câu hỏi: “Chuyện gì xảy ra nếu không có câu trả lời và giải pháp nào đến từ bên ngoài bản thân mình?”

Tham lam: Trạng thái cảm xúc thứ hai, và khá ranh mãnh, chính là lòng tham. Lòng tham có một cách ngăn chặn năng lượng của sự sáng tạo theo những cách tinh vi nhất vì nhiều người sẽ không biết rằng chính họ đang trải qua điều đó. Các khía cạnh của lòng tham bao gồm mong muốn được công nhận và đạt sự tín nhiệm. Khi đó chính cái tôi của bạn đã hét lên “Hãy nhìn tôi mà xem!”. Những người tham lam thường không cộng tác, chia sẻ hoặc hòa hợp tốt với những người khác. Tính tham lam hết sức nguy hiểm và sẽ đánh cắp ý tưởng và bất cứ điều gì có thể để nuôi dưỡng cơn đói vô tận của cái tôi. Tham lam khơi nguồn cho sự khoe khoang và là kẻ thù của sự sáng tạo, bởi vì nó đã có sẵn câu trả lời và không cần phải điều tra, tìm hiểu hoặc phát triển gì thêm nữa.

Các bước để chống lại lòng tham:

  • Hãy tạm dừng lại để kiểm tra giá trị bản thân và sự chấp nhận chính mình. Khi bạn có thể chạm đến một điều gì đó mà bạn nghĩ là tốt nhất của mình, thì nội tâm của bạn còn nghĩ rằng bạn không xứng đáng chút nào nữa không? Có giọng nói nào đang thì thầm rằng bạn chỉ là một kẻ lừa đảo? Bạn có thể cố gắng trấn phần giọng nói đó không? Chúng ta thường tìm kiếm bên ngoài bản thân những gì chúng ta từ chối cung cấp cho chính mình.
  • Bài tập dành cho bạn, hãy làm điều gì đó tốt đẹp cho người khác và đừng cho họ biết chính bạn làm điều đó. Bạn càng thực hành việc cho đi trong sự vô danh, bạn sẽ càng hòa nhập và cảm nhận tinh thần thanh tao trở lại.
  • Dành một chút thời gian để thư giãn các cơ trên mặt và cơ thể của bạn và trong lúc bạn hít một vài hơi thở sâu, hãy suy ngẫm câu hỏi: “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ tôi cần đã ở ngay chính bên trong tôi?

Sự đau khổ: Trạng thái cảm xúc thứ ba có thể dẫn đến sự nguy hiểm cực độ đối với tinh thần và sự sáng tạo chính là sự đau khổ. Đau khổ là kẻ thù của lòng biết ơn, những hạt giống khổ đau mang đến sự phẫn nộ và có thể dẫn đến sự ghét bỏ. Đau khổ thúc đẩy sự bất mãn và khinh miệt đối với con người, địa điểm và hoàn cảnh sống. Sự sáng tạo không thể nảy nở trong nỗi đau, ví như acid làm héo úa một khóm hồng đang nở rộ. Mặc dù con người, nơi chốn và hoàn cảnh sống có thể mang đến cho chúng ta những chông gai, nhưng chính tinh thần biết ơn sẽ có thể thấu hiểu được những điều đó và chỉ tập trung vào vẻ đẹp và hương thơm của những bông hoa mà thôi.

Các bước để chống lại sự đau khổ:

  • Dành thời gian để khám phá những gì khiến bạn trở nên buồn bã. Lưu ý rằng việc che giấu sự thất vọng chỉ có tác dụng gia tăng sự đau khổ và có thể dẫn đến sự bùng nổ cảm xúc hoặc những cơn thịnh nộ bất ngờ. Mang những tổn thương và phẫn nộ ấy ra ánh sáng để chúng có thể hỗ trợ thúc đẩy sự hiểu biết về những động cơ vô thức và những kỳ vọng của chính bạn – mà theo một cách trái ngược sẽ mang đến cho bạn sự tha thứ, bình yên và cuối cùng là một lòng biết ơn cho những bài học kinh nghiệm về những gì đã xảy ra.
  • Hãy thử luyện tập theo cách viết ra tất cả những điều bạn không thích kèm theo đặc điểm của từng người, địa điểm, tình huống và điều khiến bạn bất mãn. Sau đó hãy khám phá xem liệu bạn có thể tìm thấy trong chính mình bất kỳ đặc điểm nào đã kể trên. Cố gắng tha thứ cho những điều tiêu cực bạn khám phá ra và sau đó viết ra tất cả các khía cạnh tích cực mà bạn có thể xác định với từng người, địa điểm, tình huống và điều bạn đã mô tả trước đây. Lấy ví dụ như trường hợp bạn than phiền về tiếng chó sủa ở nhà hàng xóm. Bài học ẩn chứa trong câu chuyện này có thể là việc nhận ra những lần bạn đã “sủa” vào một người nào đó. Lòng biết ơn có thể cảm nhận được từ chính trải nghiệm này là cơ hội để suy ngẫm và chữa lành trải nghiệm trước đó – trong khi biết ơn khả năng nghe của đôi tai, cùng với cái nhìn sâu sắc về trực giác để cảm nhận được các bài học.
  • Dành một chút thời gian để thư giãn các cơ trên mặt và cơ thể của bạn và khi bạn hít một vài hơi thật sâu, hãy suy ngẫm những câu hỏi: “Nếu như sự phiền toái hoặc bất công này đang dạy tôi điều gì đó thì sao? Làm thế nào tôi có thể nhìn chúng bằng cái nhìn biêt ơn và biến năng lượng khổ đau này thành nhận thức và lòng trắc ẩn?”

Mỗi nghệ sĩ, hoặc thậm chí mỗi người chúng ta đều phải đấu tranh với quá trình sáng tạo. Cuộc chiến này là một điều khá bình thường, và có thể là trọng tâm của cuộc sống. Đằng sau mỗi thử nghiệm và nỗ lực sáng tạo là cơ hội để phát triển, chữa lành và thiết lập những điều mới. Những thành tựu sáng tạo vĩ đại nhất nắm rất rõ các bài học (vốn là một phần của cuộc sống) và truyền đạt chúng cho những người khác để họ tiếp tục phát triển. Bằng cách này, chúng ta được nhắc nhở rằng, tất cả mọi người đều được kết nối với nhau và do đó đều góp phần trong một tổng thể sáng tạo to lớn. 

Dịch: Teresa Nguyễn

Biên tập: Linh Vũ

Minh họa: Ngọc Anh

Nguồn: https://www.psychologytoday.com

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan