Bạn Có Đang Bị Thao Túng?

Tất cả chúng ta có mặt trong sự thao túng, không lúc này thì lúc khác. Khi cấp trên hỏi bạn có suy nghĩ gì về bài thuyết trình kinh khủng của anh ta và bạn đưa ra một lời …

Tất cả chúng ta có mặt trong sự thao túng, không lúc này thì lúc khác. Khi cấp trên hỏi bạn có suy nghĩ gì về bài thuyết trình kinh khủng của anh ta và bạn đưa ra một lời khen ngợi “có cánh”, thì bạn đang che giấu đi cảm xúc thật của bản thân để cố gắng thấy được phản ứng bạn muốn từ người nắm quyền. Nhưng trong những mối quan hệ chặt chẽ giữa người với người, thao túng có thể mang màu sắc đen tối hơn nhiều, khiến cho mục tiêu của chúng không bao giờ hiểu rõ được họ đang đứng ở đâu.

Bản chất của thao túng khiến bạn khó có thể nhận ra khi nào mình đang bị thao túng. Những kẻ thao túng luôn cố gắng che giấu động cơ, cảm xúc của họ, và người bị nhắm tới – những người thường phải chật vật để duy trì một mối quan hệ chân thật, cởi mở và không có sự thao túng – có thể sẽ phải tìm hiểu kỹ lưỡng một số điều để xác định xem họ có đang bị lợi dụng hay không. 

 Thao túng là gì?

Thao túng là quá trình cố gắng làm thay đổi hành động, niềm tin và cảm giác của người khác bằng những phương pháp gián tiếp. Thay vì yêu cầu những điều mình muốn, kẻ thao túng có xu hướng lừa dối, ép buộc, thậm chí là đe dọa để đạt được mục đích.

Thao túng có liên quan đến một số trạng thái sức khỏe tâm lý, bao gồm: rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách gây hấn thụ động, nghiện, rối loạn nhân cách chống đối xã hội, và ái kỷ. Không phải tất cả người có hành vi thao túng đều có vấn đề về sức khỏe tâm lý, nhưng khi thao túng trở thành một cách tương tác chính, đó có thể là dấu hiệu cho những vấn đề tâm lý tiềm ẩn.

Những cách thức mà kẻ thao túng sử dụng

Nếu bạn lo rằng mình đang bị thao túng, hãy thử xem những gì mà người kia đang làm. Nếu cảm thấy mình như đang vướng vào một mạng nhện đầy rẫy sự trí trá và động cơ mập mờ, đó có thể là sự thao túng.

Một số phương pháp mà kẻ thao túng thường vận dụng bao gồm: nói dối; giấu giếm thông tin; phủ nhận cảm xúc; giả làm nạn nhân, đổ lỗi cho nạn nhân; coi thường cảm giác của người khác; giả vờ bối rối hoặc không hiểu, tội lỗi, xấu hổ; và giả vờ rằng việc làm của họ nhằm phục vụ mục đích cao cả như vì Chúa hay một nguyên nhân chính trị. Những người có hành thao túng thường xuyên sử dụng việc thao túng tinh thần – quá trình kích động ai đó để họ có những phản ứng nóng giận và cực đoan, sau đó thì đổ lỗi cho chính người đó về phản ứng của họ.

Ai cũng có thể bị thao túng, nhưng kẻ thao túng thường nhắm đến một số đặc điểm tính cách nhất định và những người sở hữu chúng. Những đặc điểm đó bao gồm:

  • Mong muốn được yêu quý hoặc chiều lòng người khác; những người như vậy thường dễ làm những việc khác thường để nhận được sự ủng hộ.
  • Lòng tự tôn thấp
  • Sự phụ thuộc; những người hay dựa dẫm vào người khác sẽ dễ bị lung lay bởi lời đe doạ về việc ngừng yêu thương hay ủng hộ
  • Thiếu hiểu biết
  • Cô đơn
  • Bốc đồng, tham lam, coi nặng vật chất
  • Thiếu quyết đoán
  • Sợ sự giận dữ, buồn bã và các cảm xúc khác – gồm cả của bản thân lẫn của kẻ thao túng

Tại sao con người lại thao túng người khác

Đối với một số người, thao túng có thể là việc làm cực chẳng đã để thích ứng với một thế giới nhẫn tâm mà trong đó nói về cảm xúc là điều cấm kỵ. Thao túng là một phần của những cách cư xử ở mức độ thông thường, và hầu hết mọi người đều thỉnh thoảng có tham gia vào những hành động thao túng. Tuy nhiên, những người có kiểu tương tác chủ yếu là thao túng thường có một số điểm chung sau đây:

  • Muốn kiểm soát hay quyền lực hơn người khác
  • Muốn nâng lòng tự tôn của chính mình
  • Sợ bị bỏ rơi
  • Cảm giác vô giá trị, bất lực hay vô vọng
  • Sẵn lòng đặt cảm giác và ham muốn của chính mình lên trên nhu cầu và hạnh phúc của người khác

Đối phó với một kẻ thao túng

Nhiều người trong chúng ta nhận thức rõ ràng rằng mình đang bị thao túng, nhưng vẫn không chắc mình nên làm gì. Bởi vì kẻ thao túng thường đóng giả làm người bị hại, một số nạn nhân có thể bỏ qua những hành vi đó hoặc khăng khăng rằng kẻ thao túng không thực sự biết điều mà họ đang làm. Sở trường của kẻ thao túng là che giấu động cơ, vì vậy rất khó để bắt họ thừa nhận mục đích thật sự, và nhiều người sẽ vẫn từ chối làm điều đó ngay cả khi chịu áp lực. Thay vào đó, hãy thử một số cách làm sau đây:

  • Tránh việc cho phép bản thân cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi bởi làm việc gì đó
  • Khi một kẻ thao túng ngầm đe doạ, hãy hỏi ngược lại về mối đe doạ đó
  • Hỏi kẻ thao túng xem người đó có thể nói trực tiếp mục đích của mình cho bạn
  • Tránh chia sẻ cảm xúc của bạn về sự thao túng, bởi chúng có thể được sử dụng để mài giũa chính hành động về sau của kẻ thao túng.
  • Hãy thẳng thắn, rõ ràng, thật thà và từ chối tham gia vào trò chơi leo thang của sự thao túng

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!


Nguồn:
Are You Being Manipulated?

Dịch: Thuỳ Anh

Biên tập: #Zealous

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan